dimanche 22 janvier 2023

Lê Học Lãnh Vân - Nguyên nhân gốc đích thực

 

Ngàn năm qua, lịch sử chép rằng Dương Quý Phi sắc nước hương trời làm hư hỏng vị minh quân Đường Minh Hoàng! Khoảng hai trăm năm trước, Nguyễn Du nghĩ khác khi viết về Dương Quý Phi như sau:

Tự thị cử triều không lập trượng,

Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành

Nghĩa là:

Cả một triều đình như phỗng đá

Mà để ngàn năm buộc tội người con gái nghiêng thành!

Đọc người trước, tôi suy nghĩ không chỉ về Dương Quý Phi. Hình như người Trung Hoa, và người Việt nữa, khi thất bại thường tìm nguyên nhân trong một sự việc dễ thấy nhất, cho dù sự việc ấy có thể không liên quan trực tiếp, gián tiếp tới thất bại. Có cái để gọi là nguyên nhân là được rồi, không chịu, không dám, phân tích tới tận cùng nguyên nhân thực, nguyên nhân gốc…

Vị quan cực phẩm mất chức được nhiều tiếng đồn đãi cho là vì bà vợ tham tiền gây nên các việc người và trời oán hận, vì lợi dụng hoàn cảnh cực kỳ khốn khó của dân chúng trong cơn đại dịch! Sao mà người ta dễ đổ tội vậy? Vị đại quan chính là cột trụ để người phụ nữ kia nương vào thi hành trọng tội.

Nếu ông không ra lịnh cấp dưới của ông ủng hộ bà, hay nếu ông không để bà dùng uy thế, cấp dưới và các phương tiện của ông, bà có thể phạm tội lớn như vậy được không? Những việc này đã xảy ra trong một thời gian lâu, lẽ nào ông không biết? Huống chi trước hai việc đó còn những việc khác nữa. Là dân thường, người viết bài không được biết gì hết nên không có tham vọng xác định tiếng đồn đúng hay không. Chỉ xin nói lập luận rằng bà vợ là nguyên nhân gốc của sự mất chức của ông chồng là không hợp lý!

Nhìn sang việc củi tham nhũng lớn nhỏ vào lò. Tại các vị suy thoái đạo đức, tự biến mình thành củi ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đảng phái? Nếu trong ngàn quan chức chỉ một hai vị thành củi thì lập luận trên có thể được chấp nhận. Tuy nhiên con số củi đã quá nhiều, và củi đã quá to, ấy là chưa kể còn rất rất nhiều củi chưa bị lôi ra bởi vì tiêu chuẩn xếp loại tham nhũng còn quá dễ dãi, và sự áp dụng tiêu chuẩn nhiều khi không nghiêm khắc do tâm lý bao che.

Với số lượng nhiều vậy, số lượng đã biến thành chất lượng, sự suy thoái không còn ở mức cá nhân mà ở mức tập thể nơi các vị làm việc, nơi đào tạo, bổ nhiệm các vị. Nguyên nhân gốc phải tìm ở tính chất, cách tổ chức, cách hoạt động của tập thể chứ không thể tránh né đổ lỗi cho cá nhân. Nếu cứ xác định nguyên nhân gốc theo kiểu này, tham nhũng không thể nào được kềm chế, hay chỉ có thể được kềm chế một thời gian ngắn rồi tham nhũng lại tàn phá cộng đồng, tổ quốc!

Thường nghe nói số mệnh Việt Nam là phải ăn đời ở kiếp với nước láng giềng hùng mạnh phương Bắc. Việt Nam phải chịu nước đó lấn áp, khống chế, chịu nước đó lâu lâu chiếm một mảnh đất hay một vùng biển đảo, thậm chí chịu nước láng giềng ấy chen vào chủ quyền nội bộ! Cũng có nghe Việt Nam không thể hoàn toàn tự chủ ngoại giao như tham gia vào một số các định chế quốc tế hay chọn đối tác chiến lược toàn diện!

Đúng là Việt Nam có đường biên giới dài 1.450 km với nước láng giềng phương Bắc hùng mạnh. Nhưng có phải đó là nguyên nhân gốc đích thực khiến Việt Nam phải chịu sự lấn áp?

Điều thứ nhất: Nhật Bản và Hàn Quốc, dù có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, Trung Quốc có dám đối xử với họ như Trung Quốc đối xử với Việt Nam không?

Hàn Quốc có dân số 51,7 triệu, GDP đầu người 35.373 USD (năm 2021). Việt Nam có dân số 97,6 triệu, GDP đầu người 3.694 USD (năm 2021), bằng một phần mười Hàn Quốc! Nếu Việt Nam có nền kinh tế như Hàn Quốc, có nền công nghệ chế tạo máy bay, tàu chiến, tên lửa, có công nghệ AI… như Hàn Quốc, Trung Quốc có lấn áp được Việt Nam không? Nên nhớ, năm 1960, GDP đầu người của Miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) cao gấp rưỡi lần Hàn Quốc! Xin các anh chị xem tài liệu còn ghi lại của IMF, World Bank!

Nhớ lại cuộc chiến Bắc Nam hai mươi năm của Việt Nam, cuộc chiến tự hủy diệt khủng khiếp sinh lực người Việt, nếu hai mươi năm đó người Việt củng cố hòa bình lo xây dựng kinh tế, thì Việt Nam có nghèo yếu như bây giờ không? Cuộc chiến xảy ra chắc có người ngoài xúi giục, nhưng người chấp nhận cầm súng gây nội chiến là ai, người Việt hay người nước ngoài?

Nhớ sau hòa bình năm 1975, nếu Việt Nam biết trân quý từng chút vốn dân tộc còn sót lại sau chiến tranh. Thay vì hủy diệt năng lực giới tinh hoa Miền Nam bằng cách bắt họ vào trại cải tạo thì mời gọi tất cả các thành phần, cá nhân ưu tú cùng xây dựng tổ quốc chung, thì nước Việt bây giờ ra sao?

Lại nhớ năm 1990, các nước Đông Âu bỏ khối Cộng Sản theo mô hình Tự Do. Bây giờ các nước đó, như Ba Lan, Tiệp Khắc, đã giàu mạnh bao nhiêu lần! Lúc đó Trung Cộng còn yếu ớt không thể ngăn cản Việt Nam, tại sao Việt Nam không cất bước thoát Trung? Trong môi trường thuận lợi, ba mươi năm trôi qua có đủ thì giờ một quốc gia hóa rồng chứ không phải Việt Nam hiện nay bị kẹt bẫy thu nhập trung bình thấp, cam chịu phận đàn em yếu thế trước Trung Cộng? 

Vậy thì nguyên nhân gốc đích thực của tham nhũng làm kiệt quệ quốc gia nằm ở đâu? Nguyên nhân gốc đích thực của việc Việt Nam cam phận yếu thế có phải là do vị trí địa lý không?

Hay, như nhiều bài học trên thế giới, nguyên nhân gốc của tham nhũng hoành hành là vì quyền lực của người dân bị triệt tiêu? Vì thiếu phương thuốc chống tham nhũng hiệu quả nhất trong lịch sử loài người là tam quyền phân lập, là tự do ngôn luận và tự do báo chí, là hệ thống tư pháp độc lập với hệ thống những người có thể dùng quyền lực mà tham nhũng?

Hay nguyên nhân gốc để Việt Nam không hùng mạnh như tiềm năng, có thể, thí dụ như, do dân tộc này không yêu thương đoàn kết nhau để xây dựng và bảo vệ sự nghiệp chung cho tổ quốc? Có thể chăng do dân tộc vì quyền lợi riêng và ngắn hạn sẵn sàng chia rẽ, chấp nhận thành phần này là thế lực thù địch của thành phần kia thay vì là anh em bình đẳng cùng chung sống, chung vai trò, quyền lợi, trách nhiệm trên cùng một vùng lãnh thổ cha ông để lại?

Nếu cứ tránh né không chịu tìm ra nguyên nhân gốc đích thực, một người, một cơ quan, một quốc gia không thể rút kinh nghiệm để vươn lên. Phải chăng đó mới là nguyên nhân gốc khiến người Việt càng rút sợi dây kinh nghiệm càng thấy dài vô tận và càng lạc hướng trên con đường tiến về mục tiêu phát triển của quốc gia chung?

Chừng nào Việt Nam mới xuất hiện những cá nhân kiệt xuất, tràn trề hùng tâm đại lược canh tân hệ thống quản trị quốc gia cho xứng đáng với tìềm năng phát triển của tổ quốc?

LÊ HỌC LÃNH VÂN 18.01.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.