Anh ấy đi đâm chuột (cách nói phổ biến ở đây để chỉ ‘săn chuột’) trong đêm. Và sáng nay bà con thấy cái xuồng trôi dạt trên sông còn anh ấy thì biệt tăm, rất có thể đã mất mạng.
Người dân địa phương đoán rằng anh có thể bị ghe lớn đụng trong đêm, và anh ấy đã mất mạng vì cú đụng đó. Vẫn theo kinh nghiệm, khoảng 2 ngày sau thì xác sẽ nổi lên và bà con sẽ vớt thi thể anh ấy về an táng.
Bà con chòm xóm nghe hung tin bèn ‘triển khai’ thuyền bè khắp các ngã sông và rạch để tìm xác anh ấy. Cho đến nay, đã qua 48 giờ, chỉ thấy cái xuồng và công cụ săn chuột, nhưng vẫn chưa phát hiện thi thể anh ấy.
Tôi nghe câu chuyện trong buổi cà phê sáng nay mà miệng đắng ghét. Và, cảm thấy bài viết mình mới gởi cho báo Tuổi Trẻ chưa phản ảnh đầy đủ cuộc sống của người dân miệt quê ở miền Tây.
Phải nhìn nhận rằng cuộc sống của đa số người dân ở đây hiện nay đã dễ thở hơn trước, hiểu theo nghĩa tiện nghi hơn, làm ăn khấm khá hơn. Nhưng cũng phải ghi nhận rằng còn nhiều người cực khổ lắm. Anh đi đâm chuột đó chỉ là một trường hợp tiêu biểu mà thôi. Có lẽ anh ấy kém may mắn hơn những người nghèo khác, vì anh phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Có bao nhiêu người nghèo như anh đâm chuột? Theo một điều tra xã hội năm 2019 thì có khoảng 11% hộ nghèo ở miền Tây. Đọc con số này làm tôi sốc! Trời ơi! Nơi sản xuất ra lúa gạo và nông sản bậc nhứt của cả nước mà có nhiều người nghèo đến vậy sao? Xin nói thêm rằng ‘nghèo’ ở đây có nghĩa là có thu nhập 13.300 đồng một người một ngày, tức khoảng 0,6 USD một ngày. Tôi đoán rằng nếu tính nghèo theo định nghĩa của mấy nước phương Tây (hay ngay cả chuẩn của Thái Lan) thì tỉ lệ nghèo ở miền Tây chắc cao hơn con số 11%.
Cái nghèo làm cho người ta liều lĩnh. Thoạt đầu, nghe ‘đâm chuột’ tôi thấy vừa ngạc nhiên vừa thương tâm. Hồi xưa, người ta đi bắt chuột đồng sau khi thu hoạch lúa, còn ngày nay có chuyện ‘đâm chuột’, nghe … ghê quá. Thương tâm là vì phải khổ đến độ đi săn chuột (thay vì bắt tôm cá). Có thể do tôm cá dưới sông càng ngày càng cạn kiệt nên người ta phải đi săn chuột?
Dù lý do gì thì người nghèo ở miệt quê vẫn còn khổ lắm, họ phải bươn chải để có vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Con số này chỉ là con số lẻ của những người khấm khá ở thành thị. Nói cách khác, cái khoảng cách giữa người giàu và nghèo ở Việt Nam vốn đã lớn thì nay càng lớn hơn.
Khoảng cách giữa người giàu và nghèo cũng là một chỉ số phản ảnh sự lành mạnh của một xã hội. Cố Tổng thống John F Kennedy từng nói một câu chí lý: nếu một xã hội tự do không giúp được những người nghèo (chiếm đa số) thì xã hội đó cũng không cứu được những người giàu (thiểu số).
TB: Cũng con sông này, ngày xưa (trong thời chiến tranh), thỉnh thoảng có xác người trôi sông vì bị ‘cách mạng’ hành quyết, thường là đập đầu. Ngày nay, con sông này cũng thỉnh thoảng chuyên chở xác người, trong đó có những người quá nghèo và không có thân nhân, họ chọn cách để cho xác mình vùi trong lòng sông. Nếu là tiểu thuyết gia, tôi có nhiều chuyện để viết.GIÀU
NGUYỄN VĂN TUẤN 15.01.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.