mardi 11 mai 2021

Nguyễn Thông - Lời vàng ngọc của thủ tướng


Từ hôm ổng lập ngôn tới nay, chỉ thấy báo chí khen khen khen, chứ chưa ai dám chỉ ra điều cần chê.

Báo chí truyền thông quốc doanh mậu dịch đương nhiên phải bốc lên rồi, không bàn làm gì. Nhưng ngay cả những người tử tế, kiến thức không đến nỗi nào, cũng cứ im lìm như đêm trừ tịch.

Có nhẽ do ngại đụng chạm tới quan chức, nhất đây lại là thủ tướng. Tránh voi chả xấu mặt nào, tâm lý an phận thường an ủi con người ta như vậy. Không ai lên tiếng thì không có nghĩa không có ai.

Chả là hôm 5.5, tại cuộc họp thường kỳ chính phủ, tân thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quán triệt bằng thông điệp “phòng chống dịch COVID-19 phải bằng một tư duy chiến lược mới: đó là chuyển trạng thái chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…”. Gần như tờ báo mậu dịch nào cũng sung sướng rút tít cái cụm từ “chuyển từ phòng ngự sang tấn công”. Giời ơi, sung sướng quá, đúng là tư duy của vị tướng cầm quân.

Ông Chính vốn con nhà võ, từng ngồi ghế thứ trưởng công an, thì cách nói đanh thép, máu lửa, võ biền vậy cũng chẳng lạ gì. Ngay cả nhiều ông bà gốc quan văn, cứ mở mồm ra là nháo nhào những chiến dịch, ra quân, xung kích, công phá, thế lực thù địch, đấu tranh không khoan nhượng, ai thắng ai, một mất một còn…

Tư duy chiến tranh không biết còn ám ảnh vào bộ não những nhà cai trị xứ này đến bao giờ. Chịu, chả biết được. Đến hòa bình mà họ còn sợ, bằng chứng là luôn kêu gọi chống “diễn biến hòa bình” thì chiến tranh ngấm vào tế bào rồi, khó chữa lắm.

Ông Chính “dạy” chống dịch lúc này phải chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tấn công. Tôi dám chắc ổng không hiểu “phòng ngự” và “tấn công” là gì, mặc dù ổng xuất thân quan võ. Tôi chỉ cào vài điều cho ông ấy và đám báo chí mậu dịch thông tỏ.

“Phòng ngự” và “tấn công” đều là những từ gốc Hán Việt. Phòng nghĩa là con đê, bờ đê, bờ chắn, là sự giữ gìn, ngừa trước. Phòng chống lụt bão tức là chuẩn bị sẵn vật chất và tinh thần để đối phó với bão gió lụt lội, ngay cả khi nó chưa đến. Phòng bệnh là ngừa trước bệnh tật. Phòng kẻ gian là khi kẻ gian chưa ra tay thì mình phải khóa khoáy cửa nẻo cẩn thận, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Phòng thân là có cách giữ gìn cái thân thể mình, chẳng hạn cô gái đừng đi chơi quá khuya nơi vắng vẻ với bạn trai mới quen, hì hì.

“Ngự” là ở vị trí sẵn sàng chống lại, địch lại. Ngự địch là chờ địch kéo tới thì đánh lại. Chế ngự là ngăn ngừa ai đó, bắt phải theo. Ngự hàn là ngăn cái lạnh buốt của thời tiết…

Phòng ngự nghĩa là ngăn ngừa và sẵn sàng chống lại, đánh trả. Thời đánh Pháp, gần như ai cũng thuộc lòng bài “3 giai đoạn”, rằng cuộc kháng chiến của ta có 3 giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, tổng phản công. Bài này về sau tôi tìm hiểu thì mới biết do thày Tàu dạy.

Nó cứ muốn kéo dài cuộc chiến tranh bằng hai giai đoạn phòng ngự và cầm cự để thằng em dại chịu sự khống chế của nó, vừa tiêu hao sinh lực em, vừa làm mệt bọn Pháp, nó vừa có thời gian yên ổn xây dựng đất nước. Nói chung, chơi với Tàu, chỉ có đi từ thiệt tới thiệt, chứ không phải từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Lạ là biết tỏng thế rồi mà vẫn cứ chơi thắm thiết.

Phòng ngự là biện pháp có thể áp dụng đối với cả kẻ thù hữu hình hoặc vô hình, với bọn xâm lược, với đám người bằng xương bằng thịt, cũng như với những thế lực vô hình như dịch bệnh, với con vi rút mắt thường không nhìn thấy lan truyền qua không khí. Khác với tấn công, chỉ có thể tấn công kẻ thù cụ thể, chứ xưa nay chả ai tấn công được kẻ thù vô hình, như dịch bệnh, bao giờ.

(còn tiếp)

NGUYỄNTHÔNG 11.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.