dimanche 2 mai 2021

Hoàng Hải Vân - Ai viết lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh, có quan trọng không ?


Lão nông không định viết gì về ngày 30-4. Từ năm 2005, ông Võ Văn Kiệt nói với lão, ông không dự những cuộc kỷ niệm ngày này, ông bảo mấy chục năm hòa bình rồi mà cứ đánh võ mồm mãi.

Năm nay hình như võ mồm có ít lại, nhưng lại nổi lên chuyện lên án ông Phạm Xuân Thệ cướp công ông Bùi Văn Tùng việc viết lời đầu hàng cho ông Dương Văn Minh, lão buộc phải có vài dòng.

Tất nhiên chuyện ông Tùng viết lời đầu hàng là thật, ông Thệ sau này cướp công cũng là thật. Vấn đề là cái lời đầu hàng đó có phải là công lao hay ho gì không.

Còn nhớ, ông Bùi Tín từng nhận công lớn của mình khi cho rằng vào dinh Độc Lập lúc ấy ông là người có quân hàm cao nhất, nên khi ông Dương Văn Minh nói đang sẵn sàng bàn giao chính quyền, người ta phải hỏi người có quân hàm cao nhất là ông Tín. Ông Tín tuyên bố : "Các ông không còn cái gì trong tay, người ta không thể bàn giao những thứ mà người ta không có".

Theo ông Tín thì đó là lý do ông Dương Văn Minh bị buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chớ hổng có bàn giao bàn giếc gì hết. Một thời báo chí đã ca ngợi hết lời tuyên bố của ông Bùi Tín, cho đến khi ông Bùi Tín bỏ chạy ra nước ngoài thì “lịch sử” không nhắc lời của ổng nữa.

Gần 20 năm trước, khi tôi viết ký sự về ông Lữ Minh Châu, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người trực tiếp tiếp quản tài sản của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày 30-4-1975. Lần đầu tiên một quan chức có thẩm quyền của nhà nước chính thức xác nhận ông Nguyễn Văn Thiệu không hề mang 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam. Lời xác nhận đó tôi đã ghi lại và đăng trên báo Thanh Niên, khép lại vĩnh viễn câu chuyện 16 tấn vàng vu cho ông Nguyễn Văn Thiệu lấy cắp.

Cũng từ đây, tôi biết một sự thật mà trước đó tôi vẫn hiểu một cách mơ hồ. Đó là do không có việc bàn giao kế thừa nên toàn bộ tài sản của chính quyền Sài Gòn ở nước ngoài đều bị đóng băng, chính quyền mới không thể tiếp cận được. Phải hàng chục năm sau, qua biết bao nhiêu thủ tục pháp lý rối rắm và tốn kém mới có thể thu những tài sản ấy về.

Ông Lữ Minh Châu từng là một nhà quản trị ở Sài Gòn, ông hiểu rất rõ hậu quả của sự kiêu ngạo. Với tư cách là người tiếp quản Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, lập ra tổ chức mới, đáng lẽ phải gọi là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Sài Gòn Gia Định (sau đó là TP.HCM), nhưng ông đã phải tiếp tục dùng cái tên “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” thêm cái đuôi "Sài Gòn Gia Định" nhằm hợp thức hóa việc kế thừa Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của Việt Nam Cộng Hòa.

Bằng cái tên đó, ông Lữ Minh Châu muốn “Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Sài Gòn Gia Định” kế thừa vị trí thành viên trong World Band và ADB, nhưng việc tiếp cận tài sản vẫn thiên nan vạn nan. Và không chỉ trong lãnh vực ngân hàng, còn vô số những quan hệ tài sản giữa Việt Nam Cộng Hòa với hàng chục quốc gia trên thế giới đã rơi vào bế tắc do không có bàn giao kế thừa.

Tôi có hỏi ông Võ Văn Kiệt về vấn đề này. Ông bảo đúng vậy, lẽ ra nên tiếp nhận bàn giao để hợp pháp hóa việc kế thừa giữa chính quyền mới và chính quyền cũ. Nhưng lịch sử đã diễn ra, không thể nào sửa lại được. Đầu hàng vô điều kiện, “không thể bàn giao những thứ mà người ta không có” là như thế đấy. Chuyện có hay ho gì mà cướp công với tranh công !

HOÀNGHẢI VÂN 02.05.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.