Năm 1992, bấy giờ
tôi đang là cán bộ của Viện Văn học, hơn nữa lại đang giữ một chức về khoa học
cũng có thể gọi là to: Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện. Nhân đang được Viện
giao Chủ biên công trình "Thơ văn
Lý-Trần", tôi đề nghị với Viện trưởng kiêm Tổng biên tập tờ "Tạp
chí Văn học" cho mình chịu trách nhiệm ra một số đặc san về văn học Phật
giáo, được Viện trưởng chấp nhận.
Trong khi chuẩn
bị cho số báo này, tôi nghe phong thanh ở Thái Bình có một nhà sư tài giỏi từ
miền Nam bị Nhà nước lưu đày ra đây đã hơn mười năm, vì tội không thừa nhận Hội
Phật giáo Việt Nam do Nhà nước cai quản mà chủ trương một tổ chức Phật giáo độc
lập lấy tên là Hội Phật giáo Thống nhất, có Ban lãnh đạo do toàn thể hội viên
bầu lấy, và có đường lối tu tập riêng của mình.
Tiếng tăm vị sư
lan tỏa rất xa, từ Thái Bình bay lên đến Hà Nội, với những lời đồn thổi khiến
người nghe hết sức tò mò, rằng đây là một nhà Phật học thông thái phi thường,
khác xa lớp sư trụ trì ở các chùa miền Bắc trước nay.
Một hôm, vào
khoảng đầu tháng 7-1992, có người bạn là nhà nho Nguyễn Tiến Đoàn từ Thái Bình
lên Hà Nội, đến nhà thăm tôi. Tôi đem chuyện nhà sư bị lưu đày ra hỏi anh, thì
không ngờ chính anh đã từng thân hành đến ngôi chùa giam lỏng vị sư này để tìm
gặp ông và được ông trao đổi rất cởi mở. Và theo anh, đó quả thực là một bậc
thầy về Phật học trước nay anh chưa từng gặp. Thế là tôi liền mời anh Đoàn viết
cho một bài về cuộc gặp gỡ hi hữu đó để đăng vào số đặc san tôi đang phụ trách,
sẽ được in vào cuối tháng 8-1992.
Anh Đoàn hào hứng
ngồi tại nhà tôi viết ngay, và viết trong có một buổi là xong. Khi anh
"nộp quyển" cho tôi, chúng tôi cùng đọc lại, bàn bạc chỉnh sửa câu
chữ với nhau, trong đó chủ trương chỉ để tên vị sư xuất hiện một lần duy nhất ở
cuối bài, nhằm tạo nên một ấn tượng mạnh, đọng lại rất lâu trong lòng bạn đọc.
Mặt khác chúng tôi cũng tra cứu và bổ sung thêm các chú thích cần thiết cho rõ
ra một bài viết học thuật, để khỏi có ai nghi ngờ dụng ý không hay.
Thế mà chỉ mấy
ngày sau, tôi lại nhận được một lá thư của anh Đoàn gửi từ Thái Bình lên đề
nghị cho rút bài lại, không phải vì anh sợ cho mình mà sợ khi in ra có thể ảnh
hưởng đến chính tôi. Nhưng tôi trả lời anh, tôi chịu trách nhiệm việc này, rồi
quyết định ký vào bản đánh máy cho đưa đi nhà in.
Số đặc san
"Tạp chí Văn học" về Văn học Phật giáo ra mắt vào đầu tháng 9-1992 đã
gây được một tiếng vang sâu rộng và nói chung là "an lành". Chỉ trừ
những số chuyển về Thái Bình là bị thu giữ toàn bộ, nên tác giả Nguyễn Tiến
Đoàn từng nhiều lần cất công đi lùng tìm ở các hiệu sách vẫn không mua được một
số nào cả.
Nhưng về mặt tình
cảm, cả anh và tôi đều đã chung nhau một kỷ niệm không thể nào quên trong việc
tôn vinh một vị sư tài danh, ngay giữa lúc người đó đang trong thân phận một
tên tù. Và thời gian cũng cho thấy những gì chúng tôi làm hoàn toàn không lầm
lẫn: vị Thượng tọa năm nào bị lưu đày ở Thái Bình chính là Đại Lão Hòa Thượng
Thích Quảng Độ lẫy lừng tên tuổi vừa giã từ nhân thế mà người Việt trong nước
cũng như nhiều nơi trên thế giới đều bày tỏ tình cảm kính phục, thương tiếc.
Dưới đây, xin ghi
lại bài báo của tác giả Nguyễn Tiến Đoàn, bài viết duy nhất trên một tạp chí
học thuật chính thống của Việt Nam nói về vị Hòa thượng từ mấy chục năm nay vẫn
bị coi là phần tử chống Đảng sừng sỏ, nhằm tưởng niệm anh hồn ngài, cũng là để
tưởng nhớ đến người bạn thông thái Nguyễn Tiến Đoàn đã khuất núi từ năm 2015 mà
trước khi mất khoảng nửa năm anh còn làm một bài thơ chữ Hán tặng tôi, coi tôi
là người bạn tri kỷ trên đời (12).
TRÒ CHUYỆN VỚI
MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC
Nguyễn Tiến Đoàn
(*)
Vào khoảng đầu
những năm 80, nhân đọc cuốn "Thiền học" của Giáo sư Nhật Bản D. T.
Suzuki qua bản tiếng Pháp do ông bạn già ở chùa Trà Vy, xã Vũ Công là nhà văn
Nguyễn Hữu Đang cho mượn, tôi có gặp từ "Satori". Qua văn cảnh cũng
có thể luận ra nghĩa của từ đó, song tôi vẫn chưa thể yên tâm. Tôi bèn tìm mấy
bộ từ điển tiếng Pháp tra cứu, nhưng đều không thấy ghi từ này, nên trong lòng
vẫn áy náy.
Tôi tự nhủ, mình
là kẻ ngoại đạo, hiểu thế là được rồi. Dẫu sao, một sự mắc mớ về tri thức chưa
được giải đáp đến nơi đến chốn vẫn như cái gai trong đầu, mỗi khi chợt nghĩ
đến, hoặc cầm đến cuốn sách của nhà Thiền học bậc thầy. Mấy lần tôi đến ông bạn
chủ nhân của cuốn sách để hỏi về nghĩa của cái từ hắc búa, thì đều không gặp,
khi ông đi Hà Nội, khi thì ông du ngoạn các làng xã trong vùng.
Bỗng một hôm có
anh thợ mộc gần nhà, tình cờ trong câu chuyện cho biết một tin: có một vị sư ở
thành phố Hồ Chí Minh mới ra ở chùa xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư. Người ta nói, vị
sư ấy đỗ đến mấy bằng Tiến sĩ, từng đi nhiều nước trên thế giới. Ông là người
nghiên cứu, đến chơi mà chuyện trò với nhà sư ấy hẳn là mọi thắc mắc có thể
được "giải tỏa".
Bấy giờ là khoảng
tháng Sáu năm 1982, tôi đang nghiên cứu về xã Hành Dũng Nghĩa (tức xã Duy Nhất,
huyện Vũ Thư) nơi có ấp Tả Hành của Tiến sĩ Hy Long Đặng Xuân Bảng, nơi có
thành đồn Phan Ba Vành; và cũng đang nghiên cứu tiểu sử Đốc học Nghệ An Nguyễn
Doãn Vọng, người thầy học của các Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu, Phan
Huy Nhuận, cũng như nghiên cứu về giảng quan phủ Tôn nhân triều Tự Đức, Cử nhân
Nguyễn Doãn Cử, người thầy học của vua Hàm Nghi...
Tiện đường đi
nghiên cứu, một hôm ngay từ rất sớm tôi đã tìm đến ngôi chùa xã Vũ Đoài mong được
gặp vị sư như anh thợ mộc thông báo, nhằm hỏi nghĩa từ "Satori" mà
lòng vẫn canh cánh không nguôi.
Đây là một ngôi
chùa nhỏ cổ kính ven làng thật yên tĩnh, ít người qua lại. Con đường nhỏ quanh
co, cỏ mọc um tùm dẫn tôi đến cổng chùa. Tôi dắt xe đi rất chậm để ngắm cảnh.
Mùi hương hoa cau, hoa ngâu, hoa đại lan trong gió sớm, tôi thở hít thật sâu,
cảm thấy lâng lâng dễ chịu. Nhiều loài rêu mọc trên những viên gạch lát, rêu
chân tường, rêu mái ngói như những hoa văn tuyệt hảo của họa sĩ bậc thầy trang trí
cho ngôi chùa thêm vẻ trầm tư. Con đường dẫn vào sân sau nơi có căn nhà rạ cũ
ba gian hai chái và nhà bếp. Tôi dựa xe đứng ngơ ngẩn một lát chẳng thấy bóng
người.
Bỗng một bà già ở
trong bếp ra, hỏi: "Ông gặp ai?"
- Ngài đang ở trên chùa. Ông chờ cho một chút.
Lát sau, xuất
hiện trước mặt tôi là một vị sư trạc tuổi quá ngũ tuần, dáng điềm tĩnh, linh
lợi. Đặc biệt ông có đôi mắt rất sáng, như xuyên vào tâm tưởng người đối diện
với mình (tôi thầm nghĩ, trong Ma Y tướng pháp (1) gọi đó là "hổ
nhỡn"), một bộ râu đẹp như râu Đạt Ma và nhất là tinh thần ông tự chủ, hồn
nhiên làm cho tôi dễ bắt đầu câu chuyện.
- Tôi mới ra đây ít hôm. Chẳng hay ông có việc gì cần gặp tôi?
- Thưa ngài... nhân đọc về Thiền học, có chữ tôi không hiểu, muốn gặp ngài giải nghĩa giùm cho.
Sau khi nghe tôi
tự giới thiệu mình là người nghiên cứu lịch sử, cần đọc rộng các sách nên mới
đến với cửa Phật, nhà sư bỗng nở nụ cười rất tươi và nói: "Có lẽ ông nên đến thư viện. Tôi chả có tài liệu, sách vở gì. Tôi
đi rất vội. Ông thông cảm".
Tôi biết nhà sư
từ chối không muốn tiếp. Lúng túng vài phút, tôi đánh bạo gặng thêm: Mong ngài
giải nghĩa cho chỉ một từ thôi. Tôi sẽ không làm phiền ngài ngoài chuyện chữ
nghĩa này.
Thấy tôi khẩn
khoản, nhà sư hỏi:
- Thưa ngài, chữ "Satori" trong cuốn "Thiền học" của Suzuki.
- Nhà xuất bản nào?
- In ở Paris. Không nhớ tên nhà xuất bản.
- Ông có biết chữ Hán không ?
- Thưa ngài. Biết võ vẽ, chữ "tác", chữ "tộ" thôi!
Thế là nhà sư
bỗng chỉ chiếc ghế mời tôi ngồi, rồi cũng ngồi xuống, và thung dung nói liền
một mạch, hầu như không cần đắn đo suy nghĩ. Giọng ông càng nói càng say sưa,
như phong thái của nhà thuyết pháp Gôvinđa (Anagarika Govinda) (2). Tôi rất chú
ý nghe những chỗ chuyển ý, chuyển đoạn khi nhà sư thuyết trình.
Đại lược, ông
nói: Ông biết, trong nhận thức luận của Mác (K.Marx) và Bectơrăng Ruxen
(Bertrand Russel) (3) có chỗ tiệm cận giống nhau. Quy luật nhận thức là một quá
trình đặc biệt và không đơn giản. Nhận thức luận của Phật học có nét tương đồng
song phần duy lý trừu tượng thì đa dạng lắm.
Nhà sư chiêu một
ngụm nước nhấp giọng. Và nói tiếp cho nghe về "Bát thức" trong duy thức luận. Ông đột ngột hỏi tôi: “Ông có biết chữ "Giác", chữ Hán
viết thế nào không? Giác là sự nhận thức khách quan với vạn giới, với chính
mình. Với chính mình là điều khó lắm. Cái mà Lão Tử nói: "tự tri giả minh,
tự thắng giả cường" cũng có chỗ tương đồng nhưng chưa đủ. "Giác"
phải được tích tụ nhiều đến độ bão hòa của chủ thể theo một đường hướng tập
trung nhất. Từ đó dẫn tới sự bùng nổ nhận thức. Sự bùng nổ ấy là giai đoạn của
"Ngộ". Cái nghĩa mà ông cần hỏi là như thế. Vậy Thiền, Gyò, Satori
hay Ngộ là đồng nhất, và nếu cân được nó, tất nhiên lại có cấp độ khác nhau ở mỗi
chủ thể, mỗi con người. Song ở chủ thể nào cũng phải là sự bùng nổ nhận thức
mới gọi là "Satori" được. Chủ thể sau khi bùng nổ là một chủ thể khác
trước nó, không thể tưởng tượng được".
Câu chuyện đến
đây trở nên hết sức cởi mở và tự nhiên hẳn. Tôi nói:
- Xin cảm ơn lời
giải thích của ngài. Nhân đây có vài điều lặt vặt muốn hỏi ngài nữa.
Nhà sư lúc này mới chỉ vào chén nước và mở bao Điện Biên mời tôi hút. Điếu thuốc nhiều hơi ẩm đã mềm, hút không cháy. Ông chọn cho tôi một điếu khô nhất trong bao và đánh diêm giùm tôi như để xin lỗi về điếu thuốc ẩm.
- Thưa ngài, năm
1963 tôi đang ở quân đội có đọc báo biết tin nhà cổ học Trần Huy Bá phát hiện
pho tượng chân hia, chân đất ở chùa Bộc gần gò Đống Đa - Hà Nội và công bố là
tượng vua Quang Trung.
Mới nói đến đó
nhà sư đã gật đầu, nhìn thẳng vào tôi cười thoải mái, như đã đoán biết toàn bộ
ý tôi muốn hỏi. Tôi tiếp: Đến hôm nay thì tôi ngờ quá! Ở chùa Trà Vy ta đây mà
tôi mới vừa thoáng thấy, và một số chùa khác nữa tôi cũng đều có gặp những pho
tượng tương tự như chùa Bộc. Vậy Quang Trung được thờ làm hậu Phật chăng?
Nhà sư khẽ đẩy
bao thuốc trên bàn về phía tôi, tay khác vê chòm ria.
- Chuyện ấy giới
Phật giáo miền Nam trước đây chúng tôi có biết cả. Đó là một chuyện kể cũng
không có gì phức tạp nhưng cách giải thích của học giới khiến người tu Thiền
phải buồn cười. Ông đã muốn biết thì tôi xin nói qua. Thực ra đó chỉ là tượng
đức Bồ đề Đạt Ma (Bouddhi Dharma), tổ thứ 28 sau Ma Ha Ca Diếp, Đông độ sang
Trung Quốc vào thời Lương Vũ Đế (502-547). Đạt Ma tiếp xúc với Vũ Đế, thấy ông
ta không hào hứng việc truyền bá đạo Phật và ngài sang nước Ngụy. Chắc ông biết
câu:
Lý cùng Lương Vũ thủy tôn kinh"
Đấy là một ví dụ
của quá trình "Giác" và "Satori" đến chậm.
Tôi gật đầu hưởng
ứng: Nhưng chậm còn hơn không thưa ngài!
Nhà sư cười: Ông
bênh vực Hàn Dũ rồi!
Cả hai chúng tôi
cùng cười sảng khoái.
- Khi đạo Phật
truyền bá thành công ở đây, ngài Đạt Ma viên tịch. Nhà sư tiếp - có nhiều
thuyết, người ta thấy Đạt Ma trở về một chân giày, một chân đất, chiếc giày còn
lại ngài treo vào tích trượng. Đời sau lấy hình ảnh đặc trưng này của Đạt Ma
tạc tượng ông ở nhà tổ các chùa, tiêu biểu cho Thiền tông do ông khai sáng, cho
nên các tượng mới chân có giày và chân không giày. Chỉ có thế thôi.
Lời giải thích
giản dị của nhà sư làm tôi ngớ ra, bất chợt nhớ lại cả một thời đã qua, giới
học thuật miền Bắc chúng ta từng say sưa với phát hiện mới mẻ "Quang Trung
hóa Phật"... (5). Tôi hỏi thêm một câu:
- Xin cảm ơn
ngài. Tôi không muốn lạm dụng thì giờ của ngài, nhưng xin ngài giải thích thêm
cho tôi câu chú "Án ma ni bất minh
hồng" mà tôi thấy dường như là một cái gì linh nghiệm ghê gớm đối với
tất cả các phái, kể cả phái Lã tổ (6) và một số người luyện Yoga ngày nay ở
miên Nam (7).
Nhà sư lắc đầu
vài ba lần chẳng khác con lắc uể oải của chiếc đồng hồ cổ treo tường, nhếch mép
hóm hỉnh như muốn bảo với tôi: "Anh
là một kẻ bất nhất, tham lam, một tiền A la hán (8) đối với tri thức!".
Chính tôi cũng tự cảm thấy như vậy. Song biết làm thế nào khi xu thế câu chuyện
đang có chất men "yên sĩ phi lý thuần" (9)?
Rồi nhà sư lại
phấn chấn nói ngay:
- Có một người
Pháp đã bỏ thời gian gần suốt cuộc đời, trong 25 năm nghiên cứu chỉ để viết một
cuốn sách nói về nguồn gốc, ý nghĩa lời chú này. Ông ta đã đi đến Ấn Độ, Sơri
Lanca, Miến và các nước vùng Trung Á có đạo Phật, lên cả vùng núi Hy Mã. Sau
khi thu thập tư liệu, nhân chứng, ông viết cuốn sách dày tới nghìn trang, tự bỏ
tiền in 1.000 cuốn không bán, chỉ để biếu các thư viện lớn trên thế giới. Như
vậy đấy, người phương Tây họ cũng có nhiều cái kỳ lạ của họ, kỳ lạ như thế thật
là tốt! Lời chú ấy hàm chứa nhiều ý nghĩa, không thể nói với ông buổi sáng nay
được. Tôi nói rất sơ lược để ông có khái niệm: Lời chú ấy để tịnh tâm, làm cho
lòng trong suốt như gương, không chút nhơ bẩn. Sống giữa cuộc đời phiền trọc mà
mình vẫn không ô nhiễm. Một trong nhiều nghĩa cơ bản của nó là: "Người ở
trong Ta, Ta ở trong Người".
Người và Ta (viết
hoa) lại mang những hàm nghĩa triết học. Người ấy là ai? Là lý tưởng, là Thượng
đế siêu nhiên, là Vĩnh hằng - là Trong sáng - là Thánh thiện... Cái Ta, cái Tôi
lại cũng khác nhau. Có cái Ta thực và cái Ta ảo, cái tiền Ta và cái hậu Ta, cái
Tôi cũng thế. Cái Ta mênh mông và cái Tôi chật hẹp, hữu hạn. Người và Ta - Ta
và Người thể nhập với nhau (désintégration) trong những môi trường khác nhau,
tình thế khác nhau và chúng sẽ trở thành một sức mạnh phi thường, chế ngự hết
thảy trở lực thường xuyên hoặc bất ngờ của lý trí và vật chất. Cái mà ta gọi là
trở lực xã hội, trở lực tự nhiên cũng thế.
Tôi thấy nhà sư
nói cũng đã mệt, liền chen một câu:
- Chắc ngài đã
được đọc cuốn sách ấy?
Ông khẽ gật đầu
và tôi liền chuyển sang chuyện "vấn xá, cầu điền" (10) cho nhẹ nhàng
đầu óc.
Nhà sư cho tôi
biết quê quán ông ở xã Nam Thanh huyện Tiền Hải, thế phát đầu đà từ nhỏ và ra
đi khỏi Thái Bình hồi Pháp tạm chiếm năm 1950, rồi đi Hà Nội, qua một số chùa,
vào Sài Gòn, sang Ấn Độ nghiên cứu Phật học trong 6 năm và đã đi nhiều nước
trên thế giới.
- Có, tôi có dịp trao đổi với cụ về Thiền học. Bấy giờ cụ đã già, nay thì qua đời rồi!
- Ngài có trước tác và dịch thuật không?
- Có. Khoảng 12 tập sách và nhiều luận văn khác kể cả dịch phẩm.
Ngài không có
sách đọc có cảm thấy buồn không?
- Không. Sách
trong Thiên nhiên - Tự nhiên, trong Cảnh ngộ, trong Suy tưởng, cổ nhân có
"Hữu ngôn thư" và "Vô ngôn thư". Bây giờ tôi đang đọc Vô
ngôn thư. Thú lắm !
Nhà sư nói đến Vô
ngôn thư khiến tôi cứ mỉm cười trong bụng, không hiểu cái "vô ngôn
thư" mà ông nói đây, có ngụ ý liên hệ gì với "vô y phục" trong
truyện "Hoàng đế cởi truồng" của Ăngđecxen (H.C.Andersen) không. Nếu
có liên hệ dù là vô thức, vô thường thì thật là trớ trêu và thú vị nhường bao!
Câu chuyện giữa
tôi với nhà sư chùa Vũ Đoài kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. Lời kết thúc của ông
khiến tôi nghẹn nơi cổ họng và thấy quý mến ông hơn giây phút làm quen ban đầu.
Trước hết, ông là người con của đồng đất Thái Bình, quê hương của Bảng Đôn, của
Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm với dáng vẻ, trình độ uyên bác truyền thống của người
trí thức Sơn Nam xưa.
Ông là ai? Khi
tôi chào tạm biệt ông, ra đến cửa gặp đồng chí Phó chủ tịch xã... mới biết ông
là Thượng tọa Thích Quảng Độ, một nhà Phật học có tên tuổi. Thật là nhờ duyên
văn tự mà được trò chuyện cùng ông (11).
Tôi cứ mỉm cười
một mình. Sách "Độc thư lạc
thú" của học giả đời Thanh Ngũ Chi Hiên trong mục "Di tình"
chưa có trường hợp nào như hôm nay tôi gặp.
Âu cũng là một điều kỳ thú !
Hà Nội - Hè 1992
N.T.Đ.
(*) Nhà Hán học
1. Sách xem tướng
của Ma Y. Ma Y có nghĩa là áo gai. Có thuyết nói Ma Y là thầy học của Trần Đoàn
(?-989) về âm dương học. Ông tu luyện ở núi Hoa Sơn, chuyên mặc áo gai. Nhờ sở
dắc học thuật của thầy, sau này Trần Đoàn đứng đầu phái Hà đồ thời Tống, và
được Chu Đôn Di phát triển, cải biến để thành một phái trong Lý học thời Tống.
2. Anagarika Govinda: tác giả cuốn The Way of the
White Clouds (Con đường qua mây trắng). Bản dịch tiếng Việt của Nguyên Phong do
Làng Văn xuất bản ở Canada, 1990, lấy tên
Đường mây qua xứ tuyết (B.T.).
3. Bertrand Russel (1872-1970): triết gia, nhà lôgic
học và hoạt động xã hội nổi tiếng người Anh, từng là Chủ tịch Tòa án quốc tế xử
tội đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam.
4. Dịch nghĩa: Học đến như Hàn Dũ rốt cuộc về cuối đời
mới hiểu dạo; Lý lẽ đến cùng như Lương Vũ Đế rồi mới biết tôn quý kinh Phật.
5. Thực ra việc xác định pho tuợng Phật chùa Bộc là cả
một vấn dề học thuật lý thú và không đơn giản, cần được tiếp cận ở nhiều phương
diện, kể cả nghệ thuật đặc tả có tính chất tượng trưng của nó. Nhưng do quan
niệm một thời chi phối, chúng ta cứ muốn giải thích các vấn đề học thuật theo
cảm quan chính trị mà mình sẵn có, nên đã cô lập hoặc quá nhấn mạnh các chi
tiết, trong đó có chi tiết một chân không giày, có vẻ "bình dân” của
tượng. Xem thêm Văn Tân - Về pho tượng Quang Trung tìm thấy ở chùa Bộc, Tạp chí
Nghiên cứu lịch sử số 39 (tháng Sáu 1962). Cũng xem thêm hai ý kiến gần dây: 1.
Nguyễn Duy Hinh - Về một pho tượng trong chùa Bộc, Nghiên cứu lịch sử, số 3
(250) 1990; 2. Trần Đắc Thọ - Bàn thêm về pho tượng lạ chùa Bộc, Nghiên cứu
lịch sử, số 1 (254) 1991 (B.T.).
6. Lã Tổ: tức Lã Động Tân, người đất Kinh Triệu đời
Đường, thi mấy khoa Tiến sĩ không đỗ, sau theo Ly Chung Quyền tu tiên đắc dạo,
được đời xếp vào một trong 8 vị tiên (Bát tiên).
7. Theo Nguyễn Đức Hàn: Tôi luyện Yoga. Bản thảo viết
tay 500 trang, chưa xuất bản. Tài liệu của cư sĩ Hương Long, huyện Đông Hưng,
Thái Binh, cho mượn.
8. A la hán (Arhàn): thuật ngữ Phật giáo tiểu thừa,
chỉ người đã đạt đến chỗ cực ngộ, diệt hết mọi phiền não, nên được cõi người
cung dưỡng, vĩnh viễn vào niết bàn, không còn chịu quả báo luân hồi. Tiền A la hán là người đang muốn đạt đến A la hán
(B.T.).
9. Cách phiên âm
sang tiếng Trung Quốc chữ Inspiration, tức là cảm hứng.
10. Vấn xá, cầu
điền: hỏi thăm nhà cửa, ruộng vườn.
11. Gần dây, Đại
đức Thích Thanh Ninh ở Phân viện Phật học Hà Nội có cho biết, Thượng tọa Thích
Quảng Độ hiện đang chủ trì dịch thuật bộ Phật giáo đại từ điển tức bộ sách Phật
Quang đại từ diển (xem phần tin) sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm (1991-1995)
(B.T.).
12. Chú thích bổ
sung: Theo nhiều bạn đề nghị, xin đính kèm bài thơ của Nguyễn Tiến Đoàn viết
vào đầu năm 2015 tặng tôi, như sau:
乙未年寄良友文學院教授阮惠之之几前雅鑑
阮家肖子惠仁兄
無畏無移志不倾
善美有時權力奪
真人名節固如城
太平省建昌縣良江耕人
书赠於洞菴書室
Ất Mùi niên, ký
lương hữu Văn học viện Giáo thụ Nguyễn Huệ Chi chi kỷ tiền nhã giám
Nguyễn gia tiếu tử Huệ nhân huynh,
Vô úy, vô di, chí bất khuynh.
Thiện mỹ hữu thời quyền lực đoạt,
Chân nhân danh tiết cố như thành.
Thái Bình tỉnh, Kiến Xương huyện,
Lương Giang canh nhân,
thư tặng ư Động Am thư thất.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.