dimanche 15 mars 2020

Nguyễn Ngọc Chu - Putin và phép xóa cờ chơi lại



1. Ngày 11/3/2020 Duma Quốc gia Nga - tức Hạ viện Nga - thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp Nga, với 383 phiếu thuận, 43 phiếu trắng, 24 phiếu vắng mặt, không có phiếu chống!

Điểm cốt lõi của sửa đổi Hiến Pháp Nga, là để ông Putin tiếp tục tranh cử Tổng thống Nga thêm 2 nhiệm kỳ nữa, cho đến khi ông 83 tuổi. Làm điều này bằng cách, không xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng bắt đầu tính từ khi có Hiến pháp sửa đổi. 

Ông Putin đã giành thắng lợi kép, vừa tỏ ra “dân chủ, không độc tài” khi “không xóa bỏ 2 nhiệm kỳ”, lại được tiếp tục tranh cử tiếp 2 nhiệm kỳ kể từ “Hiến pháp mới”. Thể hiện chính kiến công khai trước truyền thông, ông Putin khẳng định “không ủng hộ việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống”, nhưng ông cũng không phản đối đề xuất "trả về không" số nhiệm kỳ của ông, cho phép ông tiếp tục tranh cử. Đó là phép XÓA CỜ CHƠI LẠI của ông Putin.

2. Thời “cựu Xã Hội Chủ Nghĩa”, hầu như lãnh đạo nào lên ngôi, cũng nắm quyền cho đến lúc chết. Với Liên Xô, người chiếm quyền lâu nhất là Stalin - kéo dài 29 năm (1924-1953). Tưởng Liên Xô tan rã, nước Nga sẽ thoát được “ách cai trị kiểu đế chế XHCN”, nhưng không hoàn toàn như thế. 
Nếu ông Putin tiếp tục làm Tổng thống Nga 2 nhiệm kỳ nữa cho đến năm 2036 thì “Đế chế Putin” kéo dài 37 năm (2000 - 2036) - dài nhất trong mọi Đế chế Nga. Biết rằng, dẫu trong 4 năm 2008 – 2012, ông Medvedev có làm Tổng thống, nhưng ông Putin lại giữ chức Thủ tướng, nên cũng nằm dưới sự trị vì của ông Putin.

Việc sửa Hiến pháp Nga để kéo dài quyền lực của ông Putin làm cho cả những người “yêu ông Putin nhất” cũng khó biện hộ. Dù có lấy “đa số tuyệt đối Hạ viện Nga ủng hộ”, dù có lấy ly do “để nước Nga ổn định”, dù có gán vào “ý nguyện của toàn dân Nga”… thì sự khát khao quyền lực và tìm cách kéo dài quyền lực của ông Putin là điều không chối cãi. 

Nếu ông Putin tìm người kế vị như ông Eltsin đã từng nhường quyền lực lại cho ông Putin năm 2000, thì chuyện sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ đã không xảy ra. Còn “đa số tuyệt đối tán thành” thì dưới quyền Stalin, Mao Trạch Đông hay Kim Jong Un - đâu có ai giơ tay phản đối! 

Hồi bé, đọc lịch sử Trung Quốc cứ thắc mắc mãi tại sao bà Từ Hi Thái hậu ngồi ở Tử Cấm Thành mà khống chế được cả 400 triệu nhân dân Trung Quốc. Không ngờ phép khống chế của Từ Hi Thái Hậu được người đời sau đến hơn 100 năm còn vận dụng.

Nước Nga có vô vàn người tài, không chỉ mỗi ông Putin!


3. Từ chuyện ông Putin lách 2 nhiệm kỳ liên tiếp bằng cách đưa ông Medvedev ra làm Tổng thống, còn mình giữ chức Thủ tướng, qua việc thay đổi nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 năm dài đến 6 năm, cho đến phép XÓA CỜ CHƠI LẠI bằng “Hiến pháp sửa đổi” đặt ra nhiều suy nghĩ.

Những nước lớn như Nga và Trung Quốc, khi đã bị cơ chế của mô hình “Chủ nghĩa Xã hội Phong kiến” thống trị trong nhiều chục năm, thì rất gian truân trên con đường xóa bỏ độc tài, trừ phi xuất hiện những cá nhân có tư tưởng tự do lỗi lạc.

Nhưng những nước vừa và nhỏ khác, như các nước từng là XHCN trước đây ở Đông Âu, thì còn đường xóa bỏ độc tài ngắn gọn hơn – Séc hay Ba Lan chẳng hạn.

Con đường nào cho Việt Nam?

4. Ông Putin tiếp tục chính sách độc tài trong lãnh đạo nước Nga. Đó là điều khó thay đổi. Nhưng nếu ông tiếp tục đường lối đối ngoại bảo vệ thế độc tài, thì nước Nga khó hòa nhập với Châu Âu và Mỹ. Xung đột Nga - Ukraine khó dàn xếp. Trong tình thế đó, ông Putin lại tiếp tục đi đêm với Tập Cận Bình. Và đó là điều không lợi cho tiến bộ nhân loại. Càng hoàn toàn không có lợi cho Việt Nam.

Đấy là vì sao phải nói về phép XÓA CỜ CHƠI LẠI của ông Putin.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.