Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Để chống lại con virus đến từ Vũ Hán, không ít người cho rằng nên theo chiến lược « miễn dịch cộng đồng ».
Có nghĩa là cứ để mặc cho nạn dịch tự do lan tràn cho đến lúc tốc độ
lây nhiễm chậm lại, và chỉ tập trung cứu chữa những trường hợp nặng.
Ngược lại, nên chăng cố gắng ngăn chận bằng mọi giá, dù phải dùng đến biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ?
Chủ
thuyết thứ nhất đang trên đà bại trận nặng nề so với chủ thuyết thứ hai
- do Trung Quốc khởi đầu rồi được Hàn Quốc, Ý áp dụng theo, và đến nay
là Pháp.
« Miễn dịch cộng đồng » bác bỏ việc cách ly, trừ
những người dễ tổn thương, người già, người bị suy giảm miễn dịch. Chủ
trương này nay chỉ còn có Hà Lan áp dụng, và đang gây lo ngại cho các
nước châu Âu láng giềng.
Thủ
tướng Hà Lan Mark Rutte, cho đến tối thứ Ba 17/03/2020 vẫn tuyên bố
chính phủ trông đợi nạn dịch virus corona tự chấm dứt khi không còn tìm
được người mới để lây sang, vì phân nửa dân số đã bị nhiễm virus và sinh
ra kháng thể tự nhiên. Le Monde cho biết bộ trưởng y tế Bruno
Bruins hôm sau trước Quốc hội Hà Lan cũng nhắc lại ý của thủ tướng,
nhưng ông bộ trưởng ngất xỉu khi đang phát biểu và được giải thích là do
làm việc quá sức.
Để mặc phân nửa dân số cả nước bị nhiễm virus
và sinh kháng thể tự nhiên : đây là một lý lẽ khá hấp dẫn, và cũng đã
được áp dụng trên thế giới trong những trận dịch cúm lớn. Bởi vì biện
pháp này không làm giảm sút các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa ;
tuy nhiên cần phải có sự tin tưởng tuyệt đối vào năng lực chữa trị những
trường hợp nặng của các bệnh viện, vào khoảng 15%. Và với điều kiện là
con virus corona phải tấn công từ từ chứ không đồng loạt.
Nhưng
đây không phải là trường hợp của virus Vũ Hán. Một báo cáo của Imperial
College khẳng định với số lượng các ca dương tính tăng gấp đôi cứ mỗi
năm ngày như hiện nay, từ nay cho đến bốn tháng tới có đến 81% người Anh
sẽ bị lây nhiễm ; và 260.000 người sẽ tử vong (ở Mỹ sẽ là 1,1 triệu
người). Bộ phận cấp cứu sẽ bị quá tải từ giữa tháng Tư, trừ phi gia tăng
năng lực gấp…8 lần.
Viễn cảnh số lượng người khổng lồ lên đến
hàng vạn nằm chờ chết không được ai chăm sóc, đã khiến thủ tướng Anh
Boris Johnson phải thay đổi ý kiến. Cho đến thứ Năm tuần trước, khi tổng
thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học từ
nhà trẻ cho đến đại học, ông Johnson chỉ kêu gọi người dân rửa tay, và
những ai bị sốt nên ở trong nhà.
Nguyên thủ Pháp dường như tuy
không nói ra nhưng ban đầu cũng theo chủ trương miễn dịch cộng đồng của
Đức và Hoa Kỳ. Cũng cho xét nghiệm và đeo khẩu trang nhưng chẳng bao
nhiêu, và kêu gọi người Pháp tiếp tục sinh hoạt như thường lệ. Tuy nhiên
ông Macron đã thay đổi ý kiến sau khi có những báo cáo mang tính báo
động.
Các biện pháp phong tỏa của Pháp, cho phép đi làm việc nếu
không thể làm từ xa, không khắt khe như Ý, nhưng nghiêm khắc hơn so với
những gì Boris Johnson áp dụng từ tối thứ Hai 16/3, sau khi bị chỉ trích
dữ dội.
Quán rượu (pub), tiệm ăn, nhà hát vẫn mở cửa tại Anh
quốc, trong khi các cơ sở này bị đóng trên toàn châu Âu. Tuy vậy từ nay
chính phủ khuyến cáo hạn chế các tiếp xúc xã hội (kể cả tại các địa điểm
đông đảo như trên), và tránh di chuyển khi không thật cần thiết. Đến
thứ Ba, Luân Đôn quyết định dời lại ba tháng tất cả những cuộc phẫu
thuật không khẩn cấp, để giải tỏa 30.000 giường bệnh. Còn các trường học
ở Anh thì đến thứ Tư 18/3 mới đóng cửa.
Kế hoạch mới này, theo cố vấn khoa học của ông Johnson là Patrick Vallance, giúp hạn chế số người có thể tử vong là « 20.000 người hay ít hơn », và theo ông là một « kết quả tốt ». Về mặt chính thức, Anh quốc có 2.626 người bị dương tính, nhưng ước tính 55.000 ca có vẻ « hợp lý » - ông Vallance tuyên bố hôm thứ Ba trước một ủy ban Quốc hội. Thứ Năm tuần trước, ông nói chỉ có từ 5.000 đến 10.000 ca.
Về
mặt chính trị, các biện pháp trễ tràng và dè dặt này chưa chắc làm tắt
được những tiếng nói chỉ trích, cũng như dập được cuộc khủng hoảng.
Chủ thuyết phong tỏa chừng như đã chiến thắng thuyết « miễn dịch cộng đồng » bằng
cú nốc-ao, ở khắp nơi trên thế giới. Nếu cứ để mặc cho con virus lây
lan, có thể sẽ phải trả giá bằng 50 triệu người chết, tương đương với
trận dịch « cúm Tây Ban Nha » năm 1918.
Được áp dụng (một
cách thô bạo) tại Trung Quốc rồi đến Ý và Hàn Quốc với cung cách hợp lý
hơn, biện pháp phong tỏa dù vậy có cái giá phải trả về kinh tế rất lớn.
Việc đóng cửa các trường học, nhà hàng, cửa hiệu không thiết yếu, cô
lập những người bị nhiễm virus tại bệnh viện và cách ly những người thân
của họ, giữ khoảng cách…giúp giảm số tử vong tại Anh từ 26.000 đến
48.000 người. Nếu chiến lược này không hiệu quả, sẽ phải cách ly toàn bộ
đất nước với việc cấm di chuyển kể cả đi làm việc, trừ ngành y tế và
cảnh sát, với cái giá thảm họa về kinh tế.
Việc phong tỏa sẽ bắt
đầu có hiệu quả sau ba tuần, không thể lơi lỏng nếu không dịch bệnh sẽ
lây lan trở lại. Báo cáo của Imperial College nhận định có thể áp dụng
theo từng giai đoạn : nới lỏng nếu áp lực kinh tế xã hội quá mạnh và đã
triển khai được thuốc chữa hiệu quả, rồi siết lại khi các ca dương tính
tăng vọt. Phong tỏa một cách linh hoạt như thế cần phải duy trì trên
khắp thế giới trong vòng năm tháng là ít nhất. Thậm chí cho đến tận khi
nào các nhà khoa học tìm ra được vaccin giúp nhân loại được miễn dịch…
tối thiểu một năm nữa.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.