Lối tráo trở của
Trung Quốc chẳng ai còn lạ. Nhưng ở thời Trung Quốc được mặc định trưởng thành
hơn cho xứng vị trí “nước lớn” mà Bắc Kinh vẫn không ngưng trò vu vạ “gắp lửa
bỏ tay người”, thì hội chứng “Đông Á bệnh phu” của họ đã hết thuốc chữa. Cách
thức chính trị hóa trận đại dịch lần này nhằm mục đích gì?
Ngày 12-3-2020,
phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tweet rằng
dịch cúm Vũ Hán “có thể bắt nguồn từ quân
đội Mỹ”. Trước đó vài tuần, chiến dịch đồn đại với thông tin tương tự đã
được bật đèn xanh khắp mạng xã hội Trung Quốc. Bằng cớ cho sự “hoài nghi” là
việc 300 vận động viên thuộc quân đội Mỹ tham dự Đại hội thể thao quân đội lần
thứ bảy tại Vũ Hán vào tháng 10-2019 có thể đã bí mật mang virus vào phá hoại
Trung Quốc – như được thuật từ bài viết của Jane Li trên tờ Quarzt (13-3-2020).
Tweet của Triệu
xuất hiện sau một video quay buổi tường trình tại Quốc hội Mỹ, trong đó, Giám
đốc CDC (Cơ quan phòng chống dịch bệnh quốc gia Hoa Kỳ) Robert Redfield nói
rằng một số bệnh nhân trước đây được chẩn đoán bị cúm nhưng cuối cùng tử vong
bởi coronavirus.
Chụp ngay phát
biểu này, Trung Quốc thực hiện ào ạt chiến dịch tấn công trên Weibo, nhấn mạnh
rằng Mỹ che giấu nhiều sự thật liên quan trận dịch. Triệu tiếp tục “củng cố”
“giả thuyết” bằng việc dẫn ra hai bài báo trên Global Research, cho biết một
nghiên cứu độc lập và một tổ chức truyền thông ở Montreal có những bằng chứng
cho thấy coronavirus bắt nguồn từ Mỹ. “Bài
báo này rất rất quan trọng cho mỗi chúng ta. Đọc đi, phản hồi bằng tweet đi” –
Triệu viết.
Năm bản tweet của
Triệu về việc “hồ nghi” coronavirus bắt nguồn từ Mỹ đã được xem với gần 4 triệu
lượt. Trước đó vài ngày, hôm 27-2, nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn (Zhong
Nanshan) cũng phát biểu trong cuộc họp báo rằng coronavirus xuất hiện đầu tiên
ở Trung Quốc nhưng chưa chắc có nguồn gốc ở Trung Quốc. Cần nói thêm, người
sáng lập Global Research là nhà kinh tế Canada Michel Chossudovsky, giáo sư
kinh tế Đại học Ottawa, một trong những “chuyên gia” “hàng đầu thế giới” về thuyết âm mưu.
Với cách thức ào
ạt gần như cùng thời điểm, có thể thấy đây là một chiến dịch được chuẩn bị và
tổ chức có chỉ đạo. “Truyền thông đám đông” là trò quen thuộc mà Trung Quốc
thực hiện nhuần nhuyễn. “Tiếp sức” cho phát ngôn viên Triệu, Đại sứ Trung Quốc
tại Nam Phi, Lâm Tùng Điền (Lin Songtian), cũng tweet rằng coronavirus không
hẳn là “made in China”.
Trước đó, Tân Hoa
Xã đã “bắn mồi” một phát: trận dịch được ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc nhưng
điều đó không có nghĩa nó bắt nguồn từ Trung Quốc, và “Tổ chức Y tế Thế giới từng nói nhiều lần rằng COVID-19 là một hiện
tượng toàn cầu mà nguồn gốc của nó vẫn chưa xác định”.
Không phải người
Trung Quốc nào cũng tin những giả thuyết được nhào nặn từ “phòng lab Bắc Kinh”.
Trong cuộc phỏng vấn tờ China Daily, nhà nghiên cứu Trương Văn Hoành (Zhang
Wenhong) nói rằng ông không tin coronavirus được mang từ nước ngoài vào Trung
Quốc. “Nếu như thế thì chúng ta phải thấy
có những bệnh nhân ở những vùng miền khác nhau cùng thời điểm chứ sao lại tập trung chỉ ở Vũ Hán?”. Phát biểu của
ông Trương sau đó bị xóa khỏi bài phỏng vấn
trên.
Chiến dịch truyền thông bẩn của Trung Quốc càng dễ “thành công”
trong bối cảnh tin giả và tin đồn nhảm nhí phát triển như nấm sau mưa. Những
tài khoản nổi tiếng trên Weibo, chẳng hạn “Beijing Things”, loan truyền một
clip từ truyền hình Đài Loan, cho thấy một nhà nghiên cứu dược nói rằng Mỹ mới
là nơi phát sinh coronavirus.
Thứ Bảy 7-3-2020, “College Daily” (ở New York) –
một tài khoản nổi tiếng cho sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ - phát ra hiệu
triệu: Nếu nguồn gốc coronavirus thật sự ở Mỹ thì Trung Quốc có nên xin lỗi thế
giới không?
Tiếp đó, blogger
“Heiheig” tổ chức một cuộc “thăm dò ý kiến” (trong cùng ngày), với câu hỏi
rằng, dữ liệu về các ca cúm của Chính phủ Mỹ công bố có đáng ngờ không? 91%
trong số 116.000 phản hồi đã nói rằng “dĩ
nhiên là có (đáng ngờ)”! “Họ (Mỹ) không thể chữa được COVID-19 cho nên họ cố đổ
vấy cho Trung Quốc” – một ý kiến nói.
Bộ Ngoại giao
Trung Quốc đang mở hết công suất để tái dựng hình ảnh tồi tệ Trung Quốc bởi
trận dịch. Ngày 5-3-2020, thứ trưởng Ngoại giao Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu) khoe
rằng có 62 quốc gia đã gửi tặng Trung Quốc khẩu trang và quần áo bảo hộ.
Myanmar tặng gạo. Sri Lanka gửi trà. Mông Cổ biếu 30.000 con cừu…
Họ Mã không nhắc Việt Nam, nơi đã “tặng thiết bị, vật chất y tế tốt nhất giúp Trung Quốc chống
coronavirus” (như tựa bài báo Thanh Niên ngày 9-2-2020). Họ Mã nói thêm, có
đến 170 lãnh đạo thế giới đã bày tỏ ủng hộ nhân dân Trung Quốc. Mã đặc biệt
trích lại những nhận xét tích cực của giới chức cấp cao WHO…
Có thể thấy rõ
Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch quốc gia để “rửa mặt” bởi những ảnh
hưởng từ dịch cúm Vũ Hán. Chiến dịch được phát động rầm rộ hơn khi tình hình
dịch bệnh bớt căng thẳng, với sự xuất hiện của Tập Cận Bình tại Vũ Hán ngày
10-3-2020.
Đây là đòn “nhất
tiễn hạ nhị điểu”. Cách thức vu vạ Mỹ vừa “gỡ tội” cho chính quyền Trung Quốc
vừa giúp dư luận trong nước “hạ hỏa” với những mối nguy sờ sờ về sự khủng hoảng
niềm tin người dân dành cho chính quyền. Trên hết, nó cũng cùng lúc “rửa tội”
cho Tập, giúp Tập lấy lại được hình ảnh tối cao và tối thượng, rằng người dân
cần biết ơn cá nhân Tập lẫn Đảng và Nhà nước Trung Quốc, trong việc đối phó một
trận đại dịch kinh khủng mà nguồn gốc của nó "không do Trung Quốc tạo
ra".
MẠNH KIM
15.03.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.