mardi 31 mars 2020

Virus corona: Pháp lập cầu không vận, mua hàng trăm triệu khẩu trang Trung Quốc

Trước đại dịch virus corona, các bác sĩ, y tá Pháp cần 40 triệu khẩu trang mỗi tuần, nhưng năng lực sản xuất chỉ có 8 triệu/tuần. © REUTERS/Gonzalo Fuentes
Đăng ngày:


Cuối giờ chiều Chủ nhật 29/03/2020, chiếc phi cơ vận tải của Air France chở theo 100 tấn thiết bị y tế, trong đó có 5,5 triệu khẩu trang từ Thượng Hải đã hạ cánh xuống phi trường Roissy, ngoại ô Paris. Trước đó một hôm, chính phủ Pháp loan báo lập cầu không vận với Trung Quốc để đưa gấp mặt hàng mà các nhân viên y tế đang rất cần để có thể tự vệ trước đại dịch virus corona.

Theo bộ trưởng y tế Olivier Véran, Pháp đã đặt mua « hơn 1 tỉ khẩu trang » trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu từ Trung Quốc. Trước đó hai ngày, tờ Le Monde đưa ra con số khẩu trang mua của Trung Quốc là 600 triệu. Đối mặt với làn sóng bệnh nhân Covid-19 hiện nay, ngành y tế Pháp cần 40 triệu khẩu trang/tuần, nhưng Pháp chỉ có thể sản xuất 8 triệu chiếc/tuần.

Đối mặt với đại dịch, Paris mới nhận ra những khiếm khuyết về nguồn cung thiết bị y tế. Libération nêu ra vài ví dụ : hãng Air Liquide sản xuất bình oxy ở Auvergne, nhưng bị Anh mua lại và chuyển dịch sang Ba Lan. Một công ty ở Bretagne sản xuất khẩu trang nhưng không có đủ hợp đồng, đã đóng cửa năm 2018…

Từ gần hai tháng qua, các nhà máy khẩu trang ở Trung Quốc đã lần lượt mở cửa lại, và tăng tốc sản xuất. Ngày 29/2, Bắc Kinh cho biết có thể sản xuất mỗi ngày 110 triệu khẩu trang, gấp 12 lần so với trước. Ngoài 4.000 công ty trong lãnh vực này, còn được bổ sung thêm hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu trong ngành dệt may. Những tên tuổi lớn trong ngành xe hơi và điện tử cũng tham gia. Có thể kể Foxconn, nhà thầu của hãng Apple (sản lượng 2 triệu khẩu trang/ngày), và BYD chuyên về xe điện (5 triệu/ngày).

Cầu không vận hoạt động ra sao ?

Công ty Geodis phụ trách việc vận chuyển, Cơ quan Y tế công (SPF) nhận số khẩu trang được giao, còn đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh cố gắng kiểm tra chất lượng hàng, theo khả năng của mình.

Khó khăn đầu tiên là tìm được phi cơ vận tải trong lúc này. Một công ty Nga là Volga Dnepr đồng ý cho thuê hai chiếc Antonov-124, loại máy bay chở hàng lớn nhất thế giới. Kế tiếp là giấy phép hạ cánh tại Trung Quốc, được ký sau 4 ngày thay vì 7.

Sau chuyến hàng đầu tiên hôm Chủ nhật, thứ Hai 30/3 một phi cơ vận tải khác hạ cánh xuống sân bay Paris-Vatry (Marne) có khu vực dành riêng cho hàng hóa. Tiếp theo mỗi ngày sẽ có ít nhất một chuyến bằng máy bay Antonov-124, chở khoảng 100 tấn hàng với số lượng thiết bị y tế khác nhau, nhưng ít nhất khoảng 12 triệu khẩu trang mỗi chuyến. Những phi cơ vận tải này sẽ quay vòng trong nhiều tháng, tùy theo khả năng cung ứng của phía Trung Quốc.

Geodis đã thành lập đội đặc nhiệm gồm khoảng 20 người, gồm một số tại Paris, số còn lại ở Thâm Quyến và Thượng Hải. Công ty còn phải liên lạc thường xuyên với 4 nhà máy sản xuất khẩu trang Trung Quốc để cập nhật số lượng hàng, nhằm tính toán phương tiện trung chuyển. Dùng container là nhanh nhất, nhưng lại lãng phí 30 đến 40% khối lượng hàng chở được, còn chất lên các palette phải mất thêm 6 tiếng đồng hồ. Khi đến nơi, hàng sẽ được chuyển xuống dưới sự giám sát của cảnh sát.

Vấn đề hàng giả, hàng dỏm

Tuy vậy theo Le Figaro, một số nguyên liệu như dây thun đang khó tìm, và một số chuyến hàng có thể bị chậm trễ. Chưa kể vấn nạn hàng giả, hàng dỏm nhận ra trong những tuần lễ gần đây do thị trường đang rất nóng.

Tại Tây Ban Nha, 340.000 bộ xét nghiệm nhanh mua của công ty Trung Quốc Easy Biotechnology ở Thâm Quyến không sử dụng được vì độ nhạy chỉ có 30% so với yêu cầu là 80%. Sau khi 8.000 lần xét nghiệm cho ra kết quả không thuyết phục, Madrid đã gởi trả 58.000 bộ đầu tiên về nơi sản xuất. Đại sứ quán Trung Quốc tại Tây Ban Nha thú nhận, công ty này được phép bán sản phẩm nhưng lại chưa được chứng nhận chất lượng.

Còn ở Hà Lan, AFP cho biết chính quyền đã nhập khẩu từ Trung Quốc 1,3 triệu khẩu trang loại FFP2 và phân phối cho các bệnh viện. Đây là loại khẩu trang chận được những giọt bắn rất nhỏ, giúp bảo vệ các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Tuy nhiên nhiều bác sĩ y tá nhanh chóng báo động cho bộ Y tế vì nhiều khẩu trang Trung Quốc là hàng dỏm, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Những khẩu trang này không ôm sát khuôn mặt, và màng lọc của chúng không tốt - theo kênh truyền hình công NOS.

Kết quả là Hà Lan đã phải gởi trả về Trung Quốc 600.000 khẩu trang, tức phân nửa lượng hàng đặt. Phát ngôn viên của bệnh viện Catharina d’Eindhoven nhận xét : « Có những kẻ lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để thủ lợi, bán hàng xấu với giá cao ». Một thử nghiệm thứ hai cho thấy các khẩu trang không đạt chất lượng, bộ Y tế Hà Lan quyết định không cho sử dụng toàn bộ số hàng còn lại.

Châu Âu viện trợ âm thầm, Bắc Kinh bán hàng nhưng khoe cứu trợ thế giới

Điện Elysée nhấn mạnh sự « có qua có lại » với Trung Quốc, bác bỏ mọi tuyên truyền là Bắc Kinh « cứu vớt » châu Âu. Paris nhắc lại vào cuối tháng Giêng, chính quyền Trung Quốc đã xin Ủy ban Châu Âu giúp đỡ, và châu Âu đã gởi tặng 56 tấn thiết bị y tế, chủ yếu là các bộ đồ bảo hộ, khẩu trang y tế và hóa chất khử trùng. Tuy nhiên châu Âu làm việc này một cách lặng lẽ để không làm mất mặt Bắc Kinh.

Ngược lại, khi vừa phục hồi Trung Quốc lại khua chuông gióng trống, để làm quên đi những sai lầm nghiêm trọng, những dối trá trong hai tháng đầu của cuộc khủng hoảng Vũ Hán. Những ngày gần đây, các chuyến hàng khẩu trang, găng, máy thở gởi sang Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Serbia và Pháp, được kèm theo chiến dịch tuyên truyền quy mô, tạo ấn tượng Trung Quốc đang đi « cứu » thế giới.

Một nguồn tin ở Elysée nói với Le Monde, trong đại dịch này thế mạnh địa chính trị đã chuyển sang phía Trung Quốc và một phần về phía Nga. Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh, tự cho là đã vượt qua khủng hoảng, đánh bại con virus và nay giúp đỡ toàn thế giới, với mục tiêu ngắn hạn là châu Âu. Trước mắt cần chấp nhận thực trạng là Pháp cần những khẩu trang này, nhưng về lâu về dài cần xem lại về sự lệ thuộc kinh tế.

Cũng theo Le Monde, gần đây đã có những cuộc điện đàm giữa tổng thống Emmanuel Macron với chủ tịch Tập Cận Bình, giữa hai ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và Vương Nghị. Tờ báo tiết lộ thêm, Bắc Kinh qua đó đã cảm ơn Pháp - trong hội nghị truyền hình của nhóm G7 Paris đã phản đối đề nghị của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là nên dùng từ « virus Vũ Hán ». Theo ông Pompeo, không nhìn nhận trách nhiệm trực tiếp của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thảm họa này là một dạng đồng lõa thụ động. Cuộc thảo luận diễn ra hết sức gay gắt !

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, rõ ràng « ngoại giao khẩu trang » của Trung Quốc đang phát huy thế mạnh.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.