Sinh viên đại học Dược Khoa Sài Gòn gói bánh chưng để đem giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt năm Thìn 1964. |
Được
tin anh Đặng Ngọc Cương vừa đột ngột ra đi ở Hoa Kỳ. Những người quen thân như
lá mùa thu, rụng dần.
Gặp
lại anh Cương cách đây vài năm ở Worcester, một thành phố nhỏ ở Massachusetts,
suốt ngày chỉ gợi lại những kỷ niệm Sài Gòn trước 75.
Cũng
lạ, mặc dù sống 2/3 cuộc đời ở ngoại quốc, gặp nhau chỉ kể chuyện Sài Gòn.
Những năm tháng sau này, dù đầy đủ vật chất hơn, dù an cư lạc nghiệp hơn, dù có
dịp đi đây đi đó, vẫn chỉ là những ngày tạm, vất vưởng ở cõi tạm.
Anh
Cương lục tủ, cho tấm hình dưới đây. Tôi ngồi bên trái, anh Cương bên phải,
người ngồi giữa là anh Ngô Thế Vinh, sau này là tác giả Cửu Long Dậy Sóng và nhiều sách, báo về đại họa đe dọa sông Cửu
Long, ngày nay trở thành chuyện thời sự đau xót, cay đắng cho dân tộc. Không kể
sách anh viết về văn học Việt Nam trước 75.
Hình
chụp một buổi họp của sinh viên đi cứu lụt, hay hoạt động xã hội, giúp đồng bào
nghèo. Tôi học những năm đầu Văn Khoa, trong khi hai anh Cương và Vinh sắp xong
Y Khoa.
Đó
là những năm 60, sinh viên, thanh niên Sài Gòn hoạt động văn hóa, xã hội tích
cực, sôi động. Coi trọng việc xã hội hơn việc nhà, lấy cái vui của người khác
làm cái vui của mình, thấy hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người khác.
Anh
Cương viết cho báo Tình Thương của Y Khoa do nhóm anh Vinh chủ trương, tham gia
đoàn Cấp cứu Thường Trực Y khoa, tôi trong nhóm làm tờ Đối Thoại của sinh viên
Văn Khoa. Tôi và anh Cương cùng vác ngà voi trong một tổ chức xã hội, gởi sinh
viên, học sinh về vùng quê, lên buôn Thượng giúp đồng bào đào giếng, chữa bệnh,
dựng trường, dạy học ở những vùng hẻo lánh.
Có
người sinh hoạt những ngày nghỉ, những mùa hè, có người bỏ luôn thành phố, sống
với đồng bào.
Đó
là dịp cho chúng tôi đi khắp vùng đất nước (miền Nam), khám phá một quê hương
tuyệt vời, những dân tộc thiểu số đa dạng, dễ thương, đáng lẽ phải được sống
một cuộc đời đáng sống.
Sau
này, gặp lại bạn bè cũ, chúng tôi chỉ nói với nhau về những ngày đó. Và cùng đi
tới hai kết luận.
Thứ
nhất: Những kỷ niệm đẹp nhất, là những ngày mình nghĩ tới người khác hơn là
nghĩ tới chính mình. Thiếu thốn đủ thứ, trong túi không một đồng xu, nhưng dư
thừa niềm vui, hạnh phúc. Đúng như câu nói : người ta không chỉ sống bằng bánh
mì.
Thứ
hai: Bất kỳ người trẻ nào cũng có lý tưởng, có lòng vị tha, có nhu cầu đóng góp
cho xã hội. Vấn đề là họ có cơ hội thực hiện lý tưởng đó hay không.
Chế
độ hiện tại tước đoạt cái đẹp nhất của tuổi trẻ là lý tưởng, biến họ thành
những xác chết khi còn sống, những người già ở tuổi hai mươi. Mỗi lần nói tới
cái vô cảm của thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay, thấy buồn, tội nghiệp cho
họ, hơn là khinh ghét.
Tôi
thực sự tin rằng nếu có cơ hội, nếu sống trong một xã hội tử tế, họ sẵn sàng
làm những chuyện có ý nghĩa hơn là xếp hàng cả buổi để mua giầy, mua smart
phones hay đi bão bóng đá.
Quẳng
cái đẹp nhất của những thế hệ trẻ vào sọt rác là cái tội nặng hơn cả tội cướp
của giết người.
Tôi
nghiệm thấy những người ngày xưa hoạt động xã hội, lớn lên, về già vẫn không bỏ
được cái tật đó. Có những lúc nản lòng, bỏ cuộc một thời gian, cuối cùng lại mò
vào, vác ngà voi như một cái nghiệp.
Anh
Cương sau này thất vọng với thời thế, thấy giấc mơ anh em gặp lại nhau uống ly
cà phê trên hè phố Sài Gòn tự do xa dần. Nói chuyện qua điện thoại hay mail,
chỉ bàn triết lý Phật giáo và chuyện thiền.
Anh
ra đi bất ngờ và bi đát. Anh chờ đưa chị lâm trọng bịnh ra đi, nhưng anh đi
trước.
Người
cho hay tin anh Cương từ trần là nhà văn Trần Doãn Nho, sống cùng thành phố với
anh Cương. Nhân dịp, anh Nho gởi cho tấm hình hôm được chị Nho cho ăn nhậu ở
nhà anh chị ở Worcester. Bữa ăn thật ngon, vì đang mùa lobster (tôm hùm).
Tôi
đưa tấm hình này lên đây, dù chưa hỏi ý những bạn có mặt. Từ trái qua phải :
các anh Chân Phương, Đặng Ngọc Cương, Hàng Văn Bé, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi,
Trần Trung Đạo, người viết bài này, Nguyễn Ngọc Phong anh và chị Trần Doãn Nho.
Nếu bạn nào không đồng ý, sẽ gỡ hình. Tôi không có thói quen đưa hình những
buổi gặp gỡ riêng lên mạng, nhưng đây là một cách tưởng niệm một người bạn vừa
nằm xuống.
Sau
bữa cơm là một buổi văn nghệ bỏ túi. Nghe anh em đàn hát, lại nghĩ tới những
buổi văn nghệ nồng ấm bên ánh lửa ở vùng quê hẻo lánh, hay vùng núi đìu hiu
trên quê hương, những năm nào.
Ngày
đó, anh Cương còn trẻ, tôi còn trẻ hơn nữa; cả hai còn tin vào tương lai của ''quê hương đất nước sáng ngời''.
TỪTHỨC 06.03.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.