jeudi 5 mars 2020

Virus corona : Trung Quốc tê liệt, tiến gần đến suy thoái



(Simon Leplâtre, LeMonde 05/03/2020) Các chỉ số đánh giá hoạt động sản xuất lẫn dịch vụ của Trung Quốc bị sụt giảm chưa từng thấy.

Nền kinh tế Trung Quốc bị tê liệt cho đến nỗi có thể nhận thấy từ trên không gian : theo các nhà nghiên cứu của NASA và Cơ quan hàng không châu Âu, ô nhiễm thường thấy trên bầu trời Trung Quốc hầu như đã biến mất, từ khi nước này ngưng đọng lại để cố gắng chống virus Covid-19.

Đây là một chỉ số chứng tỏ các hoạt động đã bị ảnh hưởng như thế nào sau Tết. Trong khi các công ty dần dà làm việc trở lại, lo ngại đang tăng lên về khả năng Trung Quốc có thể bị suy thoái trong quý I.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) có thể sụt mất 2,5% so với ba tháng trước, theo ngân hàng đầu tư Nhật Nomura. Các chỉ số đo lường hoạt động đều giảm : chỉ số hoạt động sản xuất trong tháng Hai, do Tổng cục Thống kê công bố hôm thứ Bảy 29/2, bị mất 35,7 điểm, thấp hơn 3 điểm so với hồi khủng hoảng tài chính năm 2008.

Dịch vụ cũng suy sụp. Chỉ số mua sắm do cơ quan IHS Markit tính toán và được tập đoàn truyền thông Tài Kinh công bố thứ Tư 4/3 là 26,5, so với tháng Giêng là 51,8. Đây là mức thấp chưa từng thấy từ trước đến nay. Các chỉ số PMI  dưới 50 cho thấy hoạt động sụt giảm.

Lo lắng bao trùm

Vài ngày trước khi công bố các con số thống kê trên, Trương Ngạn Nguyên (Zhang Anyuan), một nhà kinh tế Trung Quốc nổi tiếng, từng làm việc tại Ủy ban quốc gia về phát triển và cải cách, phụ trách kế hoạch hóa kinh tế Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo trên China Chief Economist Forum, một think tank thân chính phủ.

Ông viết : « Nếu tháng Giêng và tháng Ba Trung Quốc đạt tăng trưởng 6%, nhưng tháng Hai nền kinh tế sụt 12% thì tăng trưởng trong ba tháng sẽ là 0%. Nhưng xét tỉ lệ các công ty làm việc trở lại, tiêu thụ năng lượng, giao thông và lượng hành khách, số container và những chỉ số khác, thì hoạt động kinh tế trong tháng Hai tệ hại hơn nhiều ». Dự báo này rõ ràng u ám hơn các đồng nghiệp tại các định chế chính thức, vẫn trông vào tăng trưởng 5% trong quý đầu.

Vào lúc này lo lắng bao trùm, vì tỉ lệ làm việc trở lại trong tháng Ba vẫn còn mù mờ, sau tháng Hai hầu như ngưng đọng toàn bộ. Về mặt chính thức, đa số các tỉnh tái khởi động vào ngày 10/2, nhưng trên thực tế diễn tiến rất chậm chạp. Trước hết cần xin được giấy phép sau khi chính quyền địa phương thanh tra. Họ kiểm tra xem mỗi nhà máy có thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ hay không : tẩy trùng lối vào, kiểm tra thân nhiệt, phân phối khẩu trang hai lần trong ngày…Các công ty cũng phải đợi nhân viên từ tỉnh quay về sau khi cách ly 14 ngày.

Sau năm 2019 với tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 là 6,1%, nhịp độ của quý I sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu cả năm của Trung Quốc. Cơ quan Anh Oxford Economics dự báo GDP tăng 4,8% trong năm 2020, nhưng với giả thiết hoạt động tăng mạnh trong những tháng tới.

Ông Louis Kuijs, phụ trách châu Á của Oxford Economics giải thích : « Tôi không muốn đánh giá thấp nền kinh tế và chính quyền Trung Quốc. Có nhiều linh động ở đây, tôi nghĩ một khi công nhân trở lại làm việc và sản xuất bình thường lại, họ sẽ làm thêm rất nhiều giờ phụ trội để bù cho thời gian đã mất. Tôi cũng nhận thấy chính quyền nỗ lực rất nhiều theo hướng này ».

Nhiều biện pháp được sử dụng

Để xoay chuyển tình hình, Trung Quốc loan báo nhiều biện pháp : giảm đóng góp xã hội, giảm lãi suất, kich thích bằng đầu tư công và xuê xoa với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Cơ quan phụ trách ngân hàng và bảo hiểm hôm Chủ nhật 1/2 loan báo các công ty vừa và nhỏ có thể được hoãn trả nợ cho đến cuối quý II.

Tại tâm dịch Hồ Bắc, vẫn đang ngừng hoạt động, biện pháp này còn được áp dụng cả cho các công ty lớn. Nhưng Trung Quốc không thể xoay sở nhiều hơn so với năm 2008, hồi đó Bắc Kinh đã bơm hơn 500 tỉ đô la vào nền kinh tế.

Bà Uông Đào (Wang Tao), kinh tế gia trưởng phụ trách châu Á ở UBS, Hồng Kông nhận xét : « Tình hình Trung Quốc nay đã khác : nợ tăng rất cao, và đang có những lo sợ về bong bóng địa ốc. Thế nên chúng tôi cho rằng chính quyền sẽ chừng mực hơn. Năm 2009, việc kích cầu đã mang lại các hậu quả tiêu cực, và Bắc Kinh ý thức được điều đó ».

Nhất là việc virus corona lan tràn ra các nước có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tái thúc đẩy kinh tế Trung Quốc. Louis Kuijs cảnh báo : « Cho đến nay, người ta vẫn tự hỏi việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đến thế giới ra sao. Giờ đây thì người ta đặt câu hỏi, dịch bệnh tại các nước và ảnh hưởng của nó về nhu cầu hay các chuỗi cung ứng có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc như thế nào ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.