Trong lúc chống
dịch virus Vũ Hán đang ở vào cao trào thì thấy việc bổ nhiệm nhân sự cũng liên
tục xuất hiện trên truyền thông. Trước khi Bộ Chính trị (BCT) họp về dịch sáng
ngày 20/2020 thì Tổng bí thư cũng đã chủ trì Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 họp
ngày 19/3/2020. Để thấy được việc làm nhân sự cho Đại hội 13 đang được tiến
hành gấp rút.
Một vấn đề được
bàn luận công khai bởi các cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng, là việc chạy nhân
sự trung ương. Đây là vấn đề của Đảng, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp to lớn đến
Nhân Dân. Còn chạy nhân sự trong Đảng thì hàng ngũ cán bộ mãi còn yếu kém, nạn
hối lộ, tham nhũng còn gia tăng, quốc khố bị rút ruột, kinh tế bị tàn phá, xã
hội bị băng hoại.
Làm thế nào để
chấm dứt tình trạng chạy nhân sự ở cấp tỉnh thành và trung ương?
1. MẤY ẢI CŨNG
QUA
Theo lời ông Tô
Huy Rứa – cựu Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (TBTCTƯ), thì cách đây hơn 5 năm đã
quy hoạch nhân sự cho Đại hội 12 và một phần cho cả Đại hội 13 nữa. Phát biểu
tổng kết công tác quy hoạch cán bộ ngày 27/1/2015, ông Tô Huy Rứa thông báo đã
quy hoạch 22 ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT) và 290 ủy viên trung ương (UVTƯ) cho
Đại hội 12. Ông Rứa cũng cho biết là đã “nghiên cứu kinh nghiệm của TrungQuốc”:
“Về phía Ban Tổ chức trung ương khi mới nhận nhiệm vụ
này cũng chưa biết bắt đầu từ đâu, đã tính đến việc nghiên cứu kinh nghiệm của
Trung Quốc.
Qua làm việc với lãnh đạo các cấp của Trung Quốc cho
thấy Trung Quốc có chuẩn bị nhân sự cấp cao, nhưng không hoàn toàn như cách của
Việt Nam là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược không những cho nhiệm kỳ này mà cho
các nhiệm kỳ sau.”
“Chúng ta đã làm thành công, cuối cùng trung ương, Bộ
Chính trị đã quyết định danh sách 290 đồng chí trung ương cho các khóa sắp tới,
đã quyết định được 22 đồng chí vào quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Và tới
đây chúng ta sẽ tiếp tục giới thiệu, bổ sung theo đúng quy định, quy trình.”
Điều nhấn mạnh
của ông Tô Huy Rứa là “Quy trình làm nhân sự” không cho phép “chạy”:
"Khi làm nhân sự anh không được tiếp xúc. Nếu
anh tiếp xúc ở cơ quan, ở nhà hay quán xá là anh vi phạm. Ngược lại nếu cán bộ
thuộc diện xem xét mà cứ tìm cách gặp gỡ cán bộ phụ trách nhân sự ở ban cũng là
vi phạm".
“Không thể “chạy” được 5 cơ quan ở trung ương và thêm
địa phương nữa là 6 cơ quan. Mặc dù có đồn thổi nhưng chắc chắn là không có
“chạy””
Nhiều người thừa
biết, nhận định trên của ông Tô Huy Rứa là không đúng thực tế. Thứ nhất, là
không cần tiếp xúc như cách ông Tô Huy Rứa đã nói, mà vẫn liên lạc được với
người làm nhân sự. Thứ hai, lý do nhiều đến “6 cửa” thì không thể “chạy” qua
hết được là sai thực tiễn. Hiển nhiên, cũng có người “chạy” đến cửa thứ 5 thì
“hết hơi”. Thậm chí có người “hết đạn” ngay sau cửa thứ nhất. Nhưng “ 6 cửa”
chứ “60 cửa” vẫn có người “chạy” được. Thực tiễn đã chứng minh điều đó. Ngồi
yên thì không đến được Trung ương!
2. CẤP TRÊN CHẠY
CẤP DƯỚI
Điều cần làm rõ
là ai chạy ai?
Mọi người thường
chỉ nói đến chiều cấp dưới chạy cấp trên. Đó là điều hiển nhiên. Nhưng họ quên
mất tính biện chứng hai chiều. Rằng còn chiều ngược lại là cấp trên chạy cấp
dưới.
Người làm nhân sự
đưa cấp dưới vào cơ cấu, giữ chức vụ nào đó, thì đến lượt mình, cấp dưới có
trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người làm nhân sự: sau khi rời chức, ở lại
nguyên chức, hay thăng tiến vào cấp cao hơn nữa. Muốn vào BCT thì phải có phiếu
các UVTƯ. Muốn được cơ cấu TBT thì phải có phiếu của UVBCT.
3. NHỮNG TÁC HẠI
CỦA CHẠY PHIẾU NGẦM
Việc chạy phiếu
không có gì phải bàn nếu nó được công khai, minh bạch. Thậm chí có đại biểu
Quốc hội đã từng nói các “Tổng thống Mỹ cũng phải chạy phiếu”.
Nhưng điều khác
biệt cốt lõi là ở Mỹ chạy phiếu công khai, còn ở ta lại chạy phiếu bí mật, ở Mỹ
chạy phiếu toàn dân, còn ở ta chạy phiếu ở một số ít các nhóm người. Ở ta chạy
phiếu bí mật vì không có tranh cử công khai. Khi có tranh cử công khai thì
không phải chạy phiếu bí mật.
Chạy phiếu bí mật
đưa đến những tác hại to lớn:
3.1. Hình thành
những phe phái bí mật, từ đó sinh ra những chia rẽ ngầm.
3.2. Vì chạy bí
mật nên không sòng phẳng, dẫn đến bất công - tạo ra lợi thế cho người này nhưng
lại đưa đến bất lợi cho người khác.
3.3. Vì che dấu,
không công khai, nên không cho phép người ứng cử bộc lộ mọi khả năng. Từ đó
không đánh giá đúng năng lực của người chạy phiếu. Kết quả là người tài hơn
không trúng cử.
3.4. Làm cho nhân
cách con người bị thấp kém. Vẻ ngoài thì tỏ ra vô tư, nhưng bên trong thì chạy
chọt. Đó là khuyến khích thói đạo đức giả. Phải chạy chọt mọi cấp mọi cách, đâm
ra thấp hèn. Không từ cả kế bẩn kế ác, dẫn đến độc địa.
Từ những điều tai
hại trên, cần thiết phải tiến hành tranh cử công khai.
4. CÁC THỂ THỨC
TRANH CỬ CÔNG KHAI VÀ HỆ LỤY
Không phải cứ
tranh cử công khai là sòng phẳng. Có hai nhân tố rất quan trọng làm thay đổi
bản chất kết quả của tranh cử công khai. Đó là thể thức tranh cử công khai, và
tranh cử công khai trên số lượng cử tri nào.
4.1. THỂ THỨC
TRANH CỬ: LOẠI TRỰC TIẾP HAY CHỌN TỪ SỐ ĐÔNG
Cùng tranh cử
công khai, nhưng thể thức tranh cử đưa đến kết quả người thắng cử khác nhau.
Thông thường có hai thể thức tranh cử công khai: LOẠI TRỰC TIẾP và CHỌN TỪ SỐ
ĐÔNG.
LOẠI TRỰC TIẾP là
thể thức khốc liệt mang tính sống còn. Tranh cử qua nhiều vòng đối đầu. Mỗi
vòng hai ứng cử viên đối đầu nhau, người thắng sẽ lọt vào vòng đấu sau. Ở thể
thức này, không thể mặc cả, mua chuộc, không thể có cơ hội khác - thua là bị
loại. Người thắng cuộc cuối cùng luôn là người rất giỏi.
CHỌN TỪ SỐ ĐÔNG.
Là bầu chọn một người từ số đông cùng lúc. Rất khó lựa chọn, bị tác động nhiều
nhân tố. Giống như thể thức đấu bảng của thể thao, thể thức này có nhược điểm
là khi tranh cử diễn ra ở số ít, thì xuất hiện khả năng bị khống chế, hối lộ,
mua chuộc, móc ngặc. Người thắng cuộc thường không phải là người có tính quyết
liệt. Nhưng khi tranh cử trên số đông, chẳng hạn toàn tỉnh, toàn quốc, thì các
lỗi vừa nêu sẽ bị loại trừ.
4.2. TRANH CỬ
TRÊN SỐ ÍT HAY TRÊN SỐ ĐÔNG
Tranh cử ở số ít
luôn bị khống chế, thông đồng, hối lộ, mặc cả, mua chuộc. Vì số ít dễ khống
chế, thông đồng, hối lộ, mặc cả, mua chuộc. Tranh cử trên số lớn thì khó khống
chế, khó mặc cả, khó mua chuộc và khó hối lộ. Vì muốn làm thì phải bao hết trên
50% cử tri cả nước – đó là điều không thể, ngoại trừ mang đến lợi ích cho đại
đa số cử tri.
Bởi thế, kẻ độc
tài bao giờ cũng chỉ muốn bàu cử trong một nhóm người. Kẻ độc tài không bao giờ
cho phép bàu cử ở đại chúng.
5. KHUYẾT TẬT CỦA
MÔ HÌNH TẬP TRUNG DÂN CHỦ
Từ tranh cử trên
số ít và trên số đông vừa nêu trên, dễ dàng rút ra những khuyết tật của mô hình
TẬP TRUNG DÂN CHỦ.
Mô hình TẬP TRUNG
DÂN CHỦ trong thực tiễn luôn tiến hành bầu cử trên số ít. Từ đó xuất hiện các
khả năng: bị khống chế, thông đồng, mặc cả, mua chuộc, hối lộ ngầm. Cuối cùng
luôn dẫn đến sự thắng thế của kẻ độc tài. Nói cách khác, kẻ độc tài đã vô hiệu
hóa sự dân chủ trong bầu cử, biến bầu cử trở thành hình thức, giả tạo.
Nếu mô hình TẬP
TRUNG DÂN CHỦ được thực thi trên số lớn, chẳng hạn là cử tri toàn tỉnh, cử tri
toàn quốc, thì các lỗi vừa nêu sẽ bị triệt tiêu dần tới không. Lượng người bỏ
phiếu càng lớn thì khả năng tiêu cực càng nhỏ.
Lịch sử cho thấy,
ở tất cả các nước vận dụng mô hình TẬP TRUNG DÂN CHỦ thì đều đưa đến sự xuất
hiện những kẻ độc tài.
6. KẾT LUẬN
6.1. Mọi quy
trình nhân sự, dù bao nhiêu lớp, bao nhiêu cửa - vẫn không chống được tiêu cực.
6.2. Không chỉ
cấp dưới chạy cấp trên mà cả cấp trên chạy cấp dưới.
6.3. Mô hình TẬP
TRUNG DÂN CHỦ vận dụng trên số ít luôn đưa đến sự độc tài.
6.4. Không có
biện pháp nào chống được chạy nhân sự - ngoài tranh cử công khai trên toàn bộ
tập hợp. Nghĩa là lãnh đạo ở địa phương cấp độ nào thì tranh cử trên toàn bộ
địa phương đó. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh thì tranh cử toàn tỉnh, lãnh đạo thành phố
thì tranh cử toàn thành phố, lãnh đạo quốc gia thì tranh cử toàn quốc.
6.5. Thể thức
tranh cử tốt nhất là thể thức LOẠI TRỰC TIẾP.
Con đường chống
chạy nhân sự đã rõ. Con đường chọn ra người tài cũng đã rõ. Vấn đề còn lại là
có dám đi theo hay không. Vì đi theo là phải từ bỏ quyền lực của số ít mà trao
lại quyền lực cho số đông.
NGUYỄN NGỌC CHU
25.03.2020
tuyet voi
RépondreSupprimer