mardi 12 avril 2016

Thép giá rẻ Trung Quốc: Pháp kêu gọi châu Âu thức tỉnh

Một nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Manuel Macron ngày 11/04/2016 tại Strasbourg khẳng định cần phải có những biện pháp khẩn cấp để tránh việc thép Trung Quốc bán phá giá ồ ạt nhập vào, phá hoại ngành luyện kim châu Âu.
Ông Macron nhấn mạnh, thép Trung Quốc bán phá giá do sản xuất thừa, de dọa kỹ nghệ châu Âu trong lúc ngành luyện kim đang tái cấu trúc và tăng cường đầu tư để cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa.


Bộ trưởng Kinh tế Pháp đặt câu hỏi : « Trước nạn Trung Quốc phá giá, nghĩa vụ của chúng ta hiện nay là gì ? Trước tiên cần hành động nhanh chóng. Mỗi tuần lễ trôi qua là một nguy cơ đè nặng lên một doanh nghiệp ».

Ông Manuel Macron nhắc nhở, Ủy ban Châu Âu cần đến 8 tháng để có được biện pháp chống phá giá đối với một sản phẩm, trong khi Hoa Kỳ chỉ mất 5 tháng. Ông cũng nêu vấn đề một số quốc gia thành viên từ chối áp đặt rào cản thuế quan hợp lý đối với các sản phẩm Trung Quốc bán dưới giá thành. Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhấn mạnh, châu Âu chỉ đánh thuế chống phá giá khoảng 20%, trong khi Mỹ đánh thuế đến 300%.

Theo ông Manuel Macron, nếu 28 nước châu Âu không nhất trí trong hành động mà mạnh ai nấy làm thì « trước mắt, đó là sự ngây thơ có phần cay đắng ; còn về lâu về dài, là một sai lầm chính trị và đạo đức thực sự ».

Hiện nay mỗi năm Trung Quốc thừa khoảng 350 triệu tấn thép, trong lúc cả châu Âu chỉ sản xuất 170 triệu tấn.

Bên cạnh đó, cũng trong hôm qua khoảng 45.000 người Đức đã biểu tình đòi bảo vệ ngành luyện kim trước sự cạnh tranh của thép Trung Quốc giá rẻ. Không chỉ các công nhân trực tiếp, mà trên thực tế 3,5 triệu công ăn việc làm liên quan đến ngành luyện kim đều bị ảnh hưởng.

Còn tại Anh, tập đoàn luyện kim Tata Steel ngày 11/04 thông báo bán lại các chi nhánh ở châu Âu với giá tượng trưng một bảng Anh, để rút lui khỏi châu lục này. Các lý do được nêu ra chủ yếu là do thép Trung Quốc cạnh tranh bất chính bằng cách bán giá rẻ mạt, bên cạnh đó là giá thành sản xuất cao, nhu cầu tiêu thụ thấp.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160412-phap-keu-goi-chau-au-thuc-tinh-truoc-su-canh-tranh-cua-thep-trung-quoc-gia-re

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.