jeudi 28 avril 2016

Tập Cận Bình muốn quân đội Trung Quốc khống chế châu Á

Diễu binh nhân kỷ niệm 70 kết thúc Đệ nhị Thế chiến tại Bắc Kinh, 03/09/2015.

Trong bài viết « Dưới thời Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc được chắp cánh », nhật báo Libération nhận xét : chống tham nhũng, tăng cường năng lực hải quân và không quân, ông Tập đặt quân đội trong tư thế sẵn sàng để khống chế khu vực và củng cố quyền lực của bản thân ông ta.
Thông tín viên của tờ báo tại châu Á Arnaud Vaulerin mô tả, tất cả cái nhìn đều tập trung vào Tập Cận Bình trong bộ quân phục rằn ri, xung quanh là các sĩ quan cao cấp, tại trung tâm chỉ huy liên quân mới hôm thứ Năm tuần trước. Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc rầm rộ đưa tin về sự kiện độc đáo này, nhấn mạnh rằng từ nay đất nước được « Tổng tư lệnh » Tập Cận Bình lãnh đạo – một chức vụ chưa từng có từ trước đến nay.


Chưa bao giờ người đứng đầu Trung Quốc tập trung trong tay bằng ấy quyền lực : chủ tịch nước, tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Quân ủy Trung ương. Còn nay thêm chức tổng tư lệnh liên quân, ông Tập có thể điểu khiển với bàn tay sắt những hoạt động của Giải phóng quân, tức quân đội Trung Quốc.

Đó là vì từ đầu năm nay đã có một loạt những thay đổi : chỉnh đốn các quân khu, xem xét lại chủ thuyết, hiện đại hóa trang thiết bị, truy quét tham nhũng…Ban lãnh đạo Trung Quốc phô bày tham vọng bá quyền tại một châu Á đang sục sôi. Tập Cận Bình, người chủ trương vụ « đại nhảy vọt về quân sự » này đã nêu ra « một quyết định chiến lược chủ chốt để thực hiện giấc mộng Trung Hoa của một quân đội hùng mạnh » từ nay đến năm 2020. Quân đội phải « chuẩn bị chiến đấu »« chiến thắng ».

Báo chí chính thức kể ra « những thử thách mới của Trung Quốc » : « chống khủng bố » ở miền Tây – có nghĩa là Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp, và « mối đe dọa » tại Biển Đông – nơi Bắc Kinh đang vội vã quân sự hóa các rạn san hô. Hồi tháng Ba, thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cao giọng phụ họa, nhấn mạnh sự quan trọng « phải chuẩn bị một cách có kế hoạch cho đối đầu quân sự trên mọi lãnh vực ». Cho dù vừa loan báo chỉ tăng ngân sách quốc phòng có 7,6% so với năm ngoái là 10%, nhưng quân đội tiếp tục gia tăng sức mạnh.

Luyện tập tại An Huy, 30/03/2016.
Cải cách quân đội trên mọi phương diện

Trước hết là cải tổ sâu sắc cơ cấu. Tập Cận Bình đã giải thể bốn tổng cục của quân đội phụ trách hậu cần, vũ khí, tuyển mộ và chính trị. Quá độc lập và không kiểm soát được, những nơi hùng cứ này – mà cấp bậc được mua bán – nay đã bị nhập vào Quân ủy Trung ương do ông Tập làm chủ tịch. Trước đây có 15 ban, Quân ủy Trung ương giám sát các vấn đề chiến lược, quản lý nhân sự, thiết bị và chống tham nhũng. Là cánh tay vũ trang của đảng Cộng sản, Quân ủy sẽ tổ chức lại bảy quân khu thành năm « vùng chiến thuật ».

Tiếp đến, quân đội được chia làm nhiều nhánh. Bên cạnh lục quân, hải quân và không quân, còn lập thêm bộ tham mưu bộ binh và một đơn vị chiến tranh mạng. Đặc biệt là « lực lượng tên lửa », phụ trách hỏa tiễn đạn đạo, được ông Tập giao nhiệm vụ phải là « trung tâm của răn đe chiến lược ».

Tập Cận Bình muốn tiến thật nhanh. Tháng 9/2015, ông ta loan báo từ nay đến 2017 sẽ giảm 300.000 người chủ yếu là dân sự, để quân đội hướng về đối đầu trên không và trên biển. Không quân đầu tư vào phi cơ tiêm kích, nhất là loại J-10 sản xuất trong nước, và các phi cơ ném bom tầm xa.

Hải quân cũng trên đường đua, với ba hạm đội liên tục tập dượt và hoạt động trong năm 2015. Sau khi mua của Ukraina hàng không mẫu hạm đầu tiên đặt tên Liêu Ninh, Bắc Kinh vào cuối năm ngoái loan báo đóng thêm chiếc thứ hai hoàn toàn made in China, và dự kiến thêm một tàu sân bay thứ ba. Nhà nghiên cứu Shinji Yamaguchi của Viện nghiên cứu Quốc phòng Tokyo nhận xét : « Trung Quốc đã mua thêm các khu trục hạm, chiến hạm kiểu mới, và từ 2005 đến 2014 đã tăng số lượng tàu ngầm từ 10 chiếc lên 45 chiếc. Một điều chưa từng thấy ! »

Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 nghênh ngang tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, 14/04/2014.
Tham vọng khống chế Biển Đông và khu vực

Tìm kiếm tính chính danh, Tập Cận Bình trước hết muốn nắm chặt quân đội, phải « tuyệt đối trung thành » như ông ta tuyên bố hôm 21/4. Ông Shinji Yamaguchi phân tích : « Một trong các mục đích hàng đầu là nắm trọn quyền lực. Tập đã làm tất cả để giải thể hệ thống cũ mà ông ta cho là không hiệu quả và tham nhũng, trao quyền hành lớn hơn cho đảng để kiểm soát quân đội ».

Nhưng không chỉ về chính trị, mà Tập Cận Bình còn muốn chứng tỏ ông ta biết cách « trang bị cho Trung Quốc một quân đội hiện đại và phản ứng nhanh » - theo một nhà ngoại giao quân sự châu Á. Quân đội phải cơ động hơn, sẵn sàng chiến đấu trên không và trên biển. Nhà ngoại giao này nói : « Lâu nay các đội quân được bố trí hướng về phía Nga và Mông Cổ để bảo vệ biên giới trên bộ. Thời kỳ đó đã qua rồi. ‘Người cầm lái vĩ đại’ nay cần một quân đội có thể phối hợp hải, lục, không quân ».

Hải cảng, phi đạo, giàn radar…Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhỏ, mặc cho Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan phản đối. Mới đây đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương nhận định : « Trung Quốc rốt cuộc sẽ kiểm soát được các tuyến đường biển và đường không » tại khu vực quan trọng này của thương mại quốc tế, với « 5.300 tỉ đô la hàng hóa trong đó có 1.000 tỉ cung ứng cho Hoa Kỳ ».

Chuyên gia Shinji Yamaguchi nhận xét : « Bắc Kinh muốn Washington hiểu rằng từ nay Trung Quốc có khả năng tấn công mạnh, gây thiệt hại cho Mỹ. Họ đã sản xuất loại hỏa tiễn như DF-21D có thể đánh đắm tàu sân bay. Bắc Kinh triển khai lực lượng hỏa tiễn, rất thiết yếu để kiểm soát khu vực ».

Hiện 1.200 hỏa tiễn tầm ngắn đang hướng về Đài Loan, và Trung Quốc còn vươn ra ngoài biên giới, xây dựng một « căn cứ hậu cần hải quân » tại Djibouti. Nhà Trung Hoa học Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông giải thích, không chỉ để bảo vệ các công dân và công ty Trung Quốc ở châu Phi, mà còn dự trù trường hợp phải di tản khỏi các khu vực chiến sự. Đây sẽ là phép thử cho quân đội viễn chinh Trung Quốc, đặc biệt là hải quân.

Tập Cận Bình tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh, 12/04/2016.
Mục tiêu : Đại hội Đảng năm 2017

Tập Cận Bình cần đến một quân đội phủ phục dưới chân mình để nhắm đến Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm tới, bởi vì quân đội Trung Quốc trước hết là cánh tay nối dài của đảng, chứ không phải quân đội quốc gia. Đó là vai trò đã được Mao Trạch Đông ấn định từ năm 1927. Jean-Pierre Cabestan nhắc nhở : « Quân đội là chìa khóa cho sự sống sót của chế độ ».

Ông Tập nhấn mạnh sự trung thành và truyền thống cách mạng, còn các quan chức dưới quyền ông tố cáo « các thế lực thù địch » với « những ý tưởng chính trị sai lạc », kêu gọi quân đội « tái lập tinh thần quân sự ».

Từ ba năm qua, quân đội là một trong những đích nhắm của chiến dịch « đả hổ diệt ruồi ». Tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, bị cánh chức và đang chờ ra tòa vì tham nhũng 10 triệu euro ; tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou), người thân cận với Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, bị khai trừ khỏi Quân ủy. Hai tướng lãnh này bị nghi ngờ là muốn lật đổ Tập Cận Bình.

« Tổng tư lệnh liên quân » giờ đây hoàn toàn rảnh tay, để điều khiển một quân đội đã phô trương uy lực trong dịp kỷ niệm chiến thắng trước Nhật Bản năm 1945.

Mẫu xe BMW thể thao mới tại triển lãm xe hơi Bắc Kinh 2016.
Trung Quốc không còn là đất hứa cho xe hơi

Trên lãnh vực kinh tế, phụ trang Le Figaro cho biết « Miền đất hứa Trung Quốc đã trở nên mối đau đầu cho ngành sản xuất xe hơi ». Tăng trưởng chậm lại và sự xuất hiện của các nhãn hiệu nội địa Trung Quốc khiến các tập đoàn xe hơi phương Tây phải điều chỉnh lại chiến lược của mình.

Trong quý 1 năm nay, thị trường xe hơi Trung Quốc tăng trưởng chỉ có 6,8%, thấp hơn châu Âu (8,2%). Những năm tháng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này nay đã lui vào quá khứ. Hiện nay Trung Quốc sản xuất thừa đến 10 triệu chiếc xe hơi. Riêng thị trường xe chạy bằng điện, chính quyền Bắc Kinh đã dành riêng cho các nhà sản xuất trong nước, với các biện pháp như miễn phí đăng ký biển số, trợ giá đến 7.600 euro, bỏ mức thuế 10% đánh vào người mua, chưa kể đến các biện pháp hỗ trợ riêng của từng địa phương.

Một chiếc Sukhoi-24 bay gần khu trục hạm Mỹ USS Donald Cook, 12/04/2016.
Khủng hoảng kinh tế, Nga vẫn tạo vị thế nhờ chiến lược

Trong bài « Nước Nga : Chú lùn kinh tế, người khổng lồ chiến lược » đăng trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Nicolas Baverez ví von nước Nga mới hiện nay là một con đại bàng hai đầu. Một bên là nền kinh tế và xã hội đang đi xuống, bên kia là chiến lược mới ngoạn mục đã đánh bại dự báo nước Nga sẽ rơi xuống hàng cường quốc khu vực.

Nga đang chìm vào khủng hoảng : hoạt động sản xuất giảm 3,7% trong năm 2015, lương bị giảm 10%, tuổi thọ trung bình tiếp tục sút giảm, 19 triệu người dân trong tình trạng nghèo khổ. Tuy nhiên các hoạt động ngoại giao và quân sự mang tính chiến lược tại Ukraina, Syria, Nagorny-Karabakh…lại khiến Matxcơva lại trở nên quan trọng trên trường quốc tế. Điều này cho thấy « quyền lực cứng » vẫn hiệu quả trong thể kỷ 21.

Nga « đánh bóng » lại đồng rúp

Cũng về nước Nga, Le Monde nói đến « Cuộc thi dành cho đồng rúp bị rẻ rúng ». Lần đầu tiên, Ngân hàng Trung ương nước này mời gọi công dân Nga chọn lựa những họa tiết cho những tờ giấy bạc 200 rúp và 2.000 rúp tương lai (tương đương 2,69 và 26,9 euro) sẽ được phát hành trong năm 2017. Một hoạt động nhằm đánh bóng lại hình ảnh đồng tiền quốc gia, mà trong hai năm qua đã bị mất đi đến một phần ba giá trị so với đồng euro, và nếu so với đồng đô la thì bị mất giá đến phân nửa.

Cánh tả Pháp xuống dốc, TTIP : Tựa chính báo Pháp

Liên quan đến chính trị nước Pháp, Le Figaro chạy tựa trang nhất « Nỗi sợ lớn lao của phe Xã hội », nói về tình trạng những người ủng hộ đang xa lánh đảng Xã hội cầm quyền, trong lúc chỉ còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp. Le Monde chú ý đến « Areva, EDF : Nhà nước cứu ngành nguyên tử », qua việc bơm thêm 3 tỉ euro để tăng vốn cho tập đoàn điện lực Pháp.

Libération quan tâm đến vụ án Luxleaks, đòi hỏi công lý cho những người tiết lộ nguồn tin, báo động những xì-căng-đan. Cụ thể là Antoine Deltour, cựu nhân viên kiểm toán đã tố cáo các hợp đồng về thuế khóa giữa Luxembourg và trên 300 tập đoàn đa quốc gia, phải ra tòa trong tuần này.

La Croix đăng ảnh thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Mỹ Barack Obama đang vừa đi vừa bàn luận, chạy tựa « Châu Âu và Hoa Kỳ, ván bài tự do mậu dịch ». Việc thương lượng hiệp ước tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), tái khởi động hôm nay tại New York, là trung tâm cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ-Đức tại Berlin hôm qua.

Nhìn sang Ả Rập Xê Út, nhật báo kinh tế Les Echos nói về « Bước nhảy vọt vĩ đại sang thời kỳ hậu dầu lửa ». Hôm nay vương quốc này công bố kế hoạch quy mô nhằm chuyển đổi nền kinh tế, trong đó có việc thành lập một quỹ đầu tư nhà nước khổng lồ và đa dạng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160425-voi-tham-vong-ba-quyen-tap-can-binh-muon-quan-doi-trung-quoc-khong-che-chau-a

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.