dimanche 17 avril 2016

Panama, « Ổ gián điệp »

Chưởng lý Javier Caraballo phát biểu trước báo chí sau khi khám xét văn phòng Mossack Fonseca tại Panama, 13/04/2016.
( Le Monde 15/04/2016) Không chỉ giới doanh nhân mới cần đến bí mật tài chính, mà các điệp viên cũng rất cần để xóa dấu vết. Tổ hợp luật sư Mossack Fonseca đã thành lập khoảng vài chục công ty offshore cho những người này, mà đôi khi không biết họ là nhân viên tình báo.
Người ta gọi ông là « người đàn ông 9 ngón », do ông ta bị mất một đốt ngón tay, vì một hôm nào đó đã đặt tay vào nơi không nên đặt. Werner Mauss còn là « điệp viên 008 », được một bài viết của trường đại học Delaware, Mỹ phong tặng là « điệp viên hàng đầu của nước Đức ». Văn phòng luật sư Mossack Fonseca chuyên thành lập các công ty offshore hoàn toàn bất ngờ khi đọc được bài viết hồi tháng 3/2015. Bài báo tiết lộ tên thật của Werner Mauss là Claus Möllner, mà đây là một người về hưu dễ mến, khách hàng thân thiết của Fonseca từ ba chục năm qua.

Hàng trăm tài liệu của « Panama Papers » cho biết cụ thể mạng lưới công ty offshore của ông : có ít nhất hai trong số đó sở hữu các tài sản địa ốc ở Đức. Werner Mauss không phải là chủ nhân của một công ty nào, theo lời luật sư của ông nói với nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung và kênh truyền hình công NDR, đối tác của Liên đoàn quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ). Các công ty trên chỉ nhằm « bảo vệ các lợi ích tài chính của gia đình ông Mauss », và nói thêm là đều có khai báo cũng như đóng thuế.
Luật sư cũng khẳng định một số công ty offshore của ông được dùng cho « các hoạt động nhân đạo », trong các cuộc thương lượng để thả con tin hoặc « mang đến các thiết bị, vật liệu y tế ». Một nhiệm vụ đôi khi bị hiểu lầm : chính quyền Columbia từng bắt giữ Werner Mauss một thời gian ngắn năm 1996, cáo buộc ông cùng với phe du kích đã tổ chức bắt cóc và giữ lại một phần tiền chuộc. Ông được minh oan sau đó, và khẳng định « tất cả các hoạt động đều có sự phối hợp với các định chế và chính quyền Đức ».
Goldfinger, GoldenEye
Werner Mauss không phải là điệp viên duy nhất sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca. Văn phòng luật sư có vẻ thú vị về điều này. Năm 2010, một nhà trung gian đã viết cho Fonseca : « Tôi nghĩ đến cái tên như ‘World Insurance Service Limited’ hay ‘Universal Exports’, giống như tên các công ty trong các bộ phim James Bond trước đây, nhưng không biết liệu có ổn không ». Công ty luật Panama cũng đã từng đặt những cái tên như Goldfinger, Skyfall, GoldenEye, Moonraker, Spectre, Blofeld, và một yêu cầu lấy tên là Octopussy (đều là tên những bộ phim trinh thám trong loạt phim về điệp viên James Bond – ND).
Trong số các khách hàng của Mossack Fonseca còn có tỉ phú Hy Lạp Sokratis Kokkalis 76 tuổi, có biệt danh là « điệp viên Rocco », trước đây bị tố cáo là làm gián điệp cho Stasi, cơ quan tình báo Đông Đức cũ. Tổ hợp luật này đã phát hiện quá khứ của Kokkalis vào tháng 2/2015 khi kiểm tra thường lệ một trong các công ty của ông là Upton International Group.
Doanh nhân này « bị các viên chức Đông Đức lên án là làm gián điệp, lừa đảo và rửa tiền vào đầu thập niên 60, nhưng rốt cuộc được đặt ngoài vòng điều tra » - một nhân viên Fonseca viết. Đại diện của nhà tỉ phú chưa bao giờ trả lời yêu cầu của Mossack Fonseca về mục đích xã hội của công ty. Ông Kokkalis là sở hữu chủ câu lạc bộ bóng đá Olympiakos đến năm 2010, và hiện là chủ nhân công ty viễn thông lớn nhất Hy Lạp.
Một ngạc nhiên khác : năm 2005 Mossack Fonseca bất ngờ phát hiện bảy trong số các công ty mà văn phòng này lập ra có giám đốc mang tên Francisco Paesa Sanchez, một gián điệp Tây Ban Nha nổi tiếng. Một nhân viên Fonseca viết : « Vụ này thực sự đáng ngại ». Francisco Paesa Sanchez làm giàu nhờ truy lùng các nhà ly khai và làm mất ghế một chỉ huy cảnh sát tham nhũng, rồi bỏ trốn khỏi Tây Ban Nha với vài triệu đô la trong túi.
Ông ta tung tin đồn là đã chết năm 1998, gia đình Sanchez đã làm giấy khai tử vì bị đau tim ở Thái Lan. Nhưng một nhà báo đã tìm thấy ông ta tại Luxembourg năm 2004, và Sanchez lịch sự giải thích tin ông ta chết chỉ là « một sự hiểu lầm ». Sanchez nắm trong tay bảy công ty đăng ký ở quần đảo Virgin thuộc Anh, nhiều khách sạn, casino và một sân gôn ở Maroc. Đến tháng 10/2005, do sợ « xảy ra xì-căng-đan », Mossack Fonseca đã giữ khoảng cách với các công ty của ông này.
Trong số các khách hàng của Fonseca còn có lãnh tụ Hồi giáo Kamal Adham, người đứng đầu ngành tình báo Ả Rập Xê Út, được một ủy ban Thượng viện Mỹ coi là « nhà trung gian chính của CIA cho toàn vùng Trung Đông, từ giữa thập niên 60 cho đến năm 1979 ». Hoặc trung tướng Ricardo Rubiano-Groot, cựu giám đốc tình báo Không quân Colombia ; tướng Emmanuel Ndahiro, giám đốc cơ quan tình báo của tổng thống Rwanda Paul Kagamé.
Kamal Adham qua đời năm 1999, Emmanuel Ndahiro từ chối trả lời. Còn Ricardo Rubiano-Groot xác định với Consejo de Redacción, tờ báo đối tác của ICIJ, rằng ông là cổ đông nhỏ của West Tech Panama, được thành lập để mua lại một công ty hàng không Mỹ và hiện đang thanh lý.
Một nhân vật tiếng tăm khác có liên quan đến CIA là Loftur Johannesson, được mệnh danh là « ông người Iceland ». Doanh nhân giàu có gốc gác ở Reykjavik, năm nay 85 tuổi, được cho là đã cộng tác với CIA trong thập niên 70 và 80 qua việc cung cấp vũ khí cho Afghanistan. Nhờ dịch vụ « nhỏ bé » này, ông ta đã mua được cả một cơ ngơi ở La Barbade (một đảo quốc trên Vịnh Caribê – ND) và một vườn nho ở Pháp.
Loftur Johannesson xuất hiện trong hồ sơ lưu trữ của Mossack Fonseca vào tháng 9/2002, có liên quan với ít nhất bốn công ty nắm trong tay nhiều ngôi nhà tại các khu phố sang trọng của Luân Đôn và một phức hợp ở La Barbade. ICIJ nhận được câu trả lời như sau: « Ông Johannesson là doanh nhân quốc tế, chủ yếu trong lãnh vực hàng không, và dứt khoát đính chính là không hề làm việc cho một cơ quan tình báo nào như quý vị nghi ngờ ».
Farhad Azima thuộc một loại khác. Là mạnh thường quân hào hiệp trong các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Iran này có quyền ra vào Tòa Bạch Ốc và uống cà phê với ông Bill Clinton. Tuy vậy Azima từng nằm trong tâm bão một trong những xì-căng-đan lớn nhất ở Mỹ, được gọi là « vụ Contra ». Vào giữa thập niên 80, chính quyền Reagan đã bí mật bán vũ khí cho Iran để đổi lấy việc thả bảy con tin Mỹ, và số tiền này được dùng để tài trợ cho phe nổi dậy Contra chống chính quyền Nicaragua.
Theo New York Times, một trong những phi cơ vận tải của Farhad Azima đã chở đến cho Teheran 23 tấn trang thiết bị quân sự năm 1985. Ông Azima vẫn khẳng định không biết gì, tuyên bố với ICIJ : « Tôi không có liên quan gì với vụ Iran-Contra. Không có cơ quan Mỹ nào điều tra về tôi, tất cả đều xác nhận không có bằng chứng gì chống lại tôi ».
« Sơ sót hành chính »
« Panama Papers » cho thấy Farhad Azima đã thành lập công ty offshore đầu tiên tại quần đảo Virgin vào năm 2000. ALG (Asia & Pacific) Ltd là chi nhánh của công ty Mỹ Aviation Leasing Group mà chủ nhân là Azima. Mãi đến năm 2013 Mossack Fonseca mới thấy các bài báo nêu ra quan hệ giữa Farhad Azima và CIA. Ông bị tố cáo đã « cung cấp phương tiện hàng không và hậu cần » cho một công ty do các cựu nhân viên CIA điều hành, chuyên đưa vũ khí sang Libya. Một bài báo khác dẫn lời một nhân viên FBI khẳng định được CIA báo cho biết Azima là nhân vật « bất khả xâm phạm ».
Tổ hợp luật Panama đã đề nghị các đại diện của Farhad Azima xác nhận nhân thân khách hàng, nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời. Rồi đến năm 2014, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc một người tên là Houshang Hosseinpour, đồng sáng lập công ty hàng không FlyGeorgia, năm 2011 đã tham gia vụ chuyển hàng mấy chục triệu đô la sang Iran, lúc đó đang bị cấm vận. Thế mà Farhad Azima và Houshang Hosseinpour đều có tên trong hồ sơ một công ty dự kiến mua lại một khách sạn ở Georgia trong cùng năm. Houshang Hosseinpour chỉ là cổ đông một thời gian ngắn, những người quản lý công ty tháng 2/2012 cho biết các cổ phiếu được phát hành cho ông này là do một « sơ suất hành chính ».
Farhad Azima khẳng định với ICIJ chỉ sử dụng công ty này để mua một chiếc máy bay không thể đăng ký ở Hoa Kỳ, còn Houshang Hosseinpour nói với Wall Street Journal hồi năm 2013 là không có liên hệ gì với Iran, « không hề liên can đến việc vi phạm cấm vận ».
Một nhân vật khả nghi nữa là tỉ phú Ả Rập Xê Út Adnan Khashoggi. Ông này đã thương lượng phi vụ bán vũ khí trị giá nhiều triệu đô la cho Ả Rập Xê Út trong thập niên 70, và « đóng một vai trò chủ chốt đối với chính quyền Mỹ » thông qua CIA trong việc bán vũ khí cho Iran – theo một báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ năm 1992, mà một trong các tác giả là đương kim ngoại trưởng John Kerry.
Ông Khashoggi xuất hiện trong hồ sơ lưu trữ của Mossack Fonseca từ năm 1978, thời điểm ông ta trở thành chủ tịch của công ty Panama ISIS Overseas S.A. Ông sở hữu ít nhất bốn công ty mà mục đích hoạt động vẫn còn là bí mật. Hai trong số đó quản lý việc tài trợ cho các hoạt động địa ốc ở Tây Ban Nha và quần đảo Canary. Mossack Fonseca chấm dứt làm ăn với nhà tỉ phú Ả Rập Xê Út này vào năm 2003.
Bài rút gọn trên RFIhttp://vi.rfi.fr/quoc-te/20160415-panama-%C2%AB-o-gian-diep-%C2%BB

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.