Theo những nguồn tin riêng của báo Nhật The
Diplomat, Hoa Kỳ có thể đưa ra một quyết định lịch sử là dỡ bỏ cấm vận
vũ khí đối với Việt Nam nhân chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack
Obama vào tháng tới.
Quan hệ
giữa hai cựu thù Mỹ-Việt đã cất cánh trong nhiệm kỳ của ông Obama, được
nâng lên hàng đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Nhưng mặc dù việc hợp
tác quốc phòng đã có những bước tiến đáng kể, trong đó có việc nới lỏng
cấm vận vũ khí sát thương vào tháng 10/2014 và ký kết một hiệp định
khung mới về quan hệ quốc phòng năm 2015, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận
cho đến nay vẫn không được Washington đả động đến mặc cho Hà Nội nhắc đi
nhắc lại nhiều lần.
Vào thời điểm tổng thống Obama chuẩn bị đến
thăm Việt Nam trong khuôn khổ vòng công du châu Á tháng tới, vấn đề bỏ
cấm vận vũ khí đang được cả hai bên thảo luận – theo một nguồn tin ngoại
giao Việt Nam.
Về mặt công khai, các viên chức quốc phòng Mỹ vẫn
giữ im lặng, một phần vì cần có quyết định của bộ Ngoại giao, sau khi
thảo luận với các cơ quan hữu quan và có sự tham vấn của Quốc Hội. Quyết
định này dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có những tiến triển về nhân
quyền tại Việt Nam.
Ông David McKeeby, một phát ngôn viên của vụ Chính sách Quân sự thuộc bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với The Diplomat : « Chúng
tôi đã nói rõ rằng những tiến bộ về nhân quyền là quan trọng đối với
phía Mỹ, trong việc cân nhắc dỡ bỏ toàn bộ cấm vận về vũ khí sát thương
».
Hiện
giờ việc chuẩn bị cho chuyến công du của đôi bên đang bước vào giai
đoạn cuối. Chuyến thăm này của ông Obama đã được loan báo sau cuộc gặp
gỡ giữa tổng thống Mỹ với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề hội
nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN tại Sunnylands.
Tuần trước, thứ
trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã đến Hà Nội, tiếp xúc với các
quan chức Việt Nam trong đó có ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Hôm 21/4 khi
nói chuyện tại một trường đại học ở Hà Nội, ông Blinken ghi nhận « một số tiến bộ »
về nhân quyền. Có thể kể việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn, Công
ước Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật. Hay việc Việt Nam lần
đầu tiên chấp nhận cho thành lập công đoàn độc lập, và nỗ lực tham khảo ý
kiến giới tôn giáo và xã hội dân sự liên quan trong khi soạn thảo dự
luật tôn giáo mới.
Nhưng ông Blinken cũng khuyến khích chính phủ
Việt Nam nên trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, chấm dứt sách
nhiễu, bắt giam, khởi tố người bất đồng chính kiến, và điều tra khách
quan những vụ lạm dụng quyền lực của công an. Ông nói : « Không ai có thể bị vào tù vì đã phát biểu các quan điểm chính trị một cách ôn hòa ».
Hôm
thứ Hai 25/4, đã diễn ra cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên.
¨Ông John Kirby trong cuộc họp báo ở bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ cho biết
một ít chi tiết về kết quả của cuộc Đối thoại, nói rằng đã thảo luận về « một loạt các vấn đề liên quan đến nhân quyền, kể cả một số trường hợp cá nhân đáng quan ngại ».
Tuy
không nói công khai, nhưng khi trò chuyện riêng, các quan chức thổ lộ
rằng Việt Nam, nằm sát cạnh Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc
phòng mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ - một phần không nhỏ là do thái độ hung
hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Mới đây khi được tờ The Diplomat
hỏi về tiềm năng quan hệ quốc phòng trong tương lai, kể cả việc bỏ toàn
bộ cấm vận vũ khí, một quan chức Mỹ nói : « Các nước Đông Nam Á đều
hướng về phía chúng tôi, cổ vũ Hoa Kỳ nên duy trì sự hiện diện mạnh mẽ
hơn trong khu vực, và đặc biệt nên gắn bó hơn với họ. Điều này là đúng
đối với trường hợp Việt Nam, việc này tạo nên sức bật cho Hà Nội trước
Bắc Kinh ».
Các viên chức Mỹ-Việt thông thạo hồ sơ quốc phòng
nhận định, cho dù cấm vận có được dỡ bỏ hay không, các hợp đồng quốc
phòng lớn và việc chuyển giao mất không ít thời gian. Đó là do còn phụ
thuộc nhiều yếu tố khác, như Việt Nam đang phải làm quen với các thủ tục
Mỹ, so với các đối tác quốc phòng truyền thống như Nga.
Cho dù
nhờ bỏ cấm vận từng phần, Hoa Kỳ có thể cung cấp các tàu tuần tra cho
Việt Nam để tăng cường giám sát an ninh trên biển, theo The Diplomat,
những lãnh vực khác hãy còn chậm chạp, chẳng hạn « Sáng kiến mới về an ninh hàng hải » của
Washington. Và tất nhiên, theo luật kiểm soát viện trợ nước ngoài và
xuất khẩu vũ khí, bộ Ngoại giao cũng phải báo cáo cho Quốc hội Mỹ.
Việc
bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí sẽ là một sự kiện lịch sử, trong bối cảnh
quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt, và nói rộng hơn là quan hệ đối tác toàn
diện. Phía Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng sự chấm dứt cấm vận sẽ là dấu
hiệu rõ ràng của việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ.
Thời điểm
của quyết định này còn có ý nghĩa hơn, nếu được loan báo trong chuyến
viếng thăm của tổng thống Obama. Như một viên chức Việt đã chia sẻ với
The Diplomat, đây là một năm chuyển tiếp đối với cả hai quốc gia, với
Đại hội Đảng Việt Nam được tổ chức vào đầu năm và cuộc bầu cử tổng thống
Mỹ vào tháng 11.
Động thái này còn có thể diễn ra ngay giữa một
mùa hè đầy biến động ở Biển Đông - đặc biệt là phán quyết sắp tới trong
vụ Philippines kiện Trung Quốc có thể được tuyên vào tháng Năm hay tháng
Sáu, hay các hội nghị khu vực như Đối thoại Shangri- La ở Singapore vào
đầu tháng Sáu.
Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba đến
thăm Việt Nam, trong lúc chỉ còn gần một năm là chấm dứt nhiệm kỳ. Theo
The Diplomat, cả hai phía đều tìm kiếm những tiến triển trong các vấn đề
khác trong chuyến viếng thăm này, từ những tồn tại từ thời kỳ chiến
tranh cho đến Hiệp định TPP.
« Vào tháng Năm, khi chiếc Air Force
One hạ cánh trên đất Việt Nam, và tổng thống Obama vẫy chào người dân
Việt, một lần nữa ông sẽ chứng tỏ rằng, những kẻ thù cũ có thể trở thành
những người bạn thân thiết nhất ». Ông Blinken trong bài phát biểu tuần trước đã nói như vậy.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.