Xếp hàng mua hành tại một chợ bán sỉ ở La Habana, 13/04/2016. |
Đảo quốc luôn phải nhập khẩu từ 70 đến 80% lượng
thực phẩm, mặc dù đã có những cải cách từ Đại hội 6 Đảng Cộng sản Cuba
năm 2011. Sau khi được cải thiện trong những năm gần đây, các quầy hàng ở
chợ lại trở nên trống rỗng như trước.
« Có bán trứng ! Cửa hàng có bán trứng ! »
Eugenia, người phụ nữ mập mạp mặc quần legging vàng rực mừng rỡ kêu
lên. Cảnh này diễn ra ở Cojimar, một cảng nhỏ ở phía đông La Habana, nơi
nhà văn Ernest Hemingway đi săn loại cá buồm trên chiếc tàu Pilar.
Eugenia
chạy ra phía chợ, theo sau là một đám đông hàng xóm và trở ra với vẻ
hài lòng, với hai vỉ trứng gồm 36 quả. Bà giải thích : « Trứng có
nhiều chất dinh dưỡng và làm giảm cơn đói. Với giá 36 peso (1,5 euro)
một vỉ, và gạo bán theo libreta (sổ mua hàng) cùng với đậu đen, tôi và
hai đứa con có được thực phẩm cho hai tuần lễ ».
Cuốn sổ mua
hàng, dù số lượng được mua rất ít ỏi, đủ cho người ta khỏi chết đói ;
nhưng người dân Cuba hết sức gắn bó với nó. Tìm kiếm thức ăn là một cuộc
thập tự chinh vào mọi lúc. « Hơn nữa tại Cojimar, có rất nhiều người nghèo » - Eugenia nói.
Đảo
quốc luôn phải nhập khẩu từ 70 đến 80% lượng thực phẩm, mặc dù đã có
những cải cách từ Đại hội 6 Đảng Cộng sản Cuba năm 2011, và Raul Castro
đưa ra những biện pháp để phân bố lại đất đai của Nhà nước cho các tiểu
nông. Sau khi được cải thiện trong những năm gần đây, các quầy hàng ở
chợ lại trở nên trống rỗng như trước.
Nạn
khan hiếm hàng hóa diễn ra ở tất cả các loại thực phẩm. Bia, thức uống
ưa thích nhất của người Cuba sau rượu Rhum, đã cạn sạch trong kho. Tại
Infotur, quán cà phê nhỏ bé ở cảng Cojimar, nơi trẻ em nhấm nháp tuKola –
phiên bản xã hội chủ nghĩa của Coca-Cola, những người đàn ông tức giận
khi biết Cristal, loại bia nội địa đã biến mất.
Một ngư dân phàn nàn : «
Đó là lỗi của ông Raul. Ở đất nước này, không có các trung tâm mua hàng
dành cho doanh nghiệp tư nhân. Các « paladare » (nhà hàng tư nhân) mua
hết tất cả các loại bia, rồi bán lại cho du khách mắc gấp ba ».
Cuba
vốn sản xuất bia tại một công ty liên doanh với hãng Bỉ Brasserie
Bucanero de Holguin ở miền đông, đã buộc lòng phải nhập khẩu bia từ Cộng
hòa Dominica.
Khi cách mạng quyết định gá nghĩa với chủ nghĩa tư
bản vào năm 2010, các tác động đầu tiên là tích cực. Sự xích lại gần với
Hoa Kỳ vào đầu năm 2015, và việc du khách Mỹ đổ xô đến Cuba đã làm bao
tử người địa phương phải thắt lại một chút. Du khách ăn uống càng nhiều
thì dân Cuba càng đói.
Một nhà ngoại giao phương Tây ở La Habana thổ lộ : «
Cả một guồng máy được hình thành. Khi một trung gian gởi các du khách
Mỹ đến một paladar (nhà nghỉ tư nhân), anh ta được hưởng hoa hồng 10 đô
la trên một đầu người. Cho dù số tiền này phải chia sẻ giữa hướng dẫn
viên và tài xế, vẫn còn rất đáng kể vì tương đương với một tháng lương
trong công ty quốc doanh ». Người La Habana vốn thích vui cười, nhưng sự bất bình tăng lên. Carlos, cựu thủy thủ cho biết : « Dân Cuba không biểu tình đâu, vì thiếu thức ăn, họ không còn sức lực để xuống đường ».
Vào lúc khởi đầu Đại hội 7, diễn ra 55 năm sau chiến thắng ở Vịnh Con Heo, các nhà quan sát không hề hy vọng gì vào « Đại hội phân tích và kế tục » như nhật báo Granma đã chạy tít hôm thứ Sáu tuần rồi. Đại hội 6 trước đó đã làm dấy lên biết bao hy vọng, đánh dấu cho việc « cập nhật mô hình xã hội chủ nghĩa ». Nói rõ hơn, đó là việc áp dụng chủ nghĩa tư bản theo kiểu Cuba.
Đáng
tiếc thay, chỉ có 21% các biện pháp quyết định năm 2011 được duyệt. Các
đại biểu sẽ xem xét lại các văn bản. Nhân Đại hội 7, vấn đề người kế
tục Raul Castro cũng sẽ được nêu ra. Năm 2011, ông Raul khẳng định sẽ
không ra tái cử vào năm 2018, tức 60 năm kể từ khi cách mạng Cuba được
khởi động.
Mời đọc lại:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.