Le Monde hôm nay 13/04/2016 có bài viết « Trung Quốc, nỗi sợ lớn lao về nợ nần ».
Trong vòng bảy năm qua, nợ công Trung Quốc đã tăng lên gấp bốn lần, chủ
yếu do cơn sốt xây dựng tại nhiều thành phố. Một số nhà kinh tế cho
rằng đến năm 2020, tổng nợ công Trung Quốc sẽ lên đến 300% GDP, và như
thế đừng mơ đến tăng trưởng.
Le
Monde dẫn ra trường hợp thành phố Đại Đồng (Datong) ở Sơn Tây (Shanxi).
Trung tâm văn hóa trị giá 500 triệu đô la do một kiến trúc sư Anh nổi
tiếng thiết kế, ba năm sau khi khánh thành, chỉ có các nhân viên bảo vệ
và một ít người hiếu kỳ có thể thưởng lãm kiến trúc hiện đại của công
trình này. Đối diện là trung tâm thể thao đối diện gồm một sân vận động
30.000 chỗ, một sân tập đa năng và hai hồ bơi thế vận, nhưng chưa bao
giờ được đưa vào sử dụng. Còn bức tường vĩ đại đi xuyên qua một phần
thành phố, xây theo kiểu cố cung, đã bị bỏ dở nửa chừng.
Đại Đồng
đã trở thành biểu tượng cho tình trạng nợ nần của các địa phương Trung
Quốc. Do quá lệ thuộc vào than đá, năm 2008 thành phố vốn là Tây Kinh
của thời nhà Kim đã khởi công những công trình hoành tráng nhằm thu hút
du khách. Nhưng đến năm 2013, phải ngưng lại toàn bộ : ngân sách của
thành phố 3 triệu dân này không còn đồng nào. Nợ nần lên đến 10 tỉ nhân
dân tệ (1,3 tỉ euro).
Năm 2015, số nợ của các chính quyền địa
phương Trung Quốc là 15.400 tỉ nhân dân tệ (2.088 tỉ euro), tức gần 25%
GDP theo số liệu chính thức. Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei)
vốn dè dặt, năm ngoái đã phải nhìn nhận rằng một số chính quyền địa
phương không thể trả nổi nợ. Dù hiện nay tỉ lệ nợ trung bình là 86% so
với thuế thu được, có 100 thành phố và 400 quận huyện đã đạt ngưỡng nguy
hiểm là 100%, thậm chí có nơi lên đến 220%.
Nguyên
nhân chính là cơn sốt xây dựng hoành hành từ nhiều năm qua tại Trung
Quốc. Tân Hoa Xã cho biết thủ phủ của mỗi tỉnh đều cho xây dựng thêm bốn
hay năm khu phố hoàn toàn mới. Tổng cộng trên toàn quốc hiện có khoảng
năm chục thành phố ma – theo tính toán của công cụ tìm kiếm Bách Độ
(Baidu) từ vị trí và sự di chuyển của 700 triệu cư dân mạng.
Hoàn
tất năm 2010 sau 5 năm xây dựng, Ordos (viết theo chữ Hán : Ngạc Nhĩ Đa
Tư thị) ở Nội Mông là thành phố ma nổi tiếng nhất Trung Quốc, thu hút
các nhà báo tò mò nhiều hơn là dân cư. Dự kiến sẽ tiếp đón một triệu
dân, nhưng chính quyền địa phương phải đại hạ giá nhà ở để đưa được
100.000 nông dân ở các khu vực lân cận đến. Ordos ngày nay mắc nợ đến
240 tỉ nhân dân tệ (32,5 tỉ euro). Nhiều công ty được chính quyền thành
phố bảo lãnh đang bên bờ vực phá sản.
Bắc Kinh có vẻ đã quyết định
hành động. Từ năm ngoái, bộ Tài chính cho phép chuyển nợ của các địa
phương thành trái phiếu, phát hành dưới sự bảo lãnh của Ngân hàng Trung
ương. Nhờ đó tỉ lệ lãi chỉ còn 4,5% thay vì 7%. « Bắc Kinh sử dụng uy tín của mình để giảm gánh nặng lãi, nhưng không thể xóa nợ giùm các địa phương ». Hao Hong, giám đốc nghiên cứu của Bank of Communications International nhận xét.
Một
giải pháp khác là tái cân bằng chi tiêu của chính quyền trung ương và
địa phương. Cho đến nay, các địa phương lấp khoảng trống thu nhập bằng
cách bán đất xây dựng, mà nguồn này không còn nữa từ khi bắt đầu khủng
hoảng địa ốc.
Tính chung cả nợ công và nợ tư, thì tỉ lệ nợ của
Trung Quốc lên đến 236% GDP ! Vì vậy hồi cuối tháng Ba, cơ quan thẩm
định Standard & Poor’s đã đánh sụt Trung Quốc từ mức « ổn định » xuống « tiêu cực »
; còn cơ quan Moody thì đã đánh sụt từ tháng trước. Nhiều nhà kinh tế
đã lên tiếng cảnh báo về tài chính Trung Quốc, nêu ra nguy cơ khủng
hoảng trong trung hạn.
Hiện
nay nợ nần của Trung Quốc tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế : nợ đã
tăng gấp bốn trong vòng bảy năm qua. Vẫn có thể chịu đựng được nếu tăng
trưởng vượt 10% mỗi năm, nhưng năm 2015 tăng trưởng của Trung Quốc chỉ
còn có 6,9% - thấp nhất từ 25 năm qua. Một số nhà kinh tế muốn giảm nhẹ
nỗi lo, nêu ra vấn đề dự trữ ngoại hối và tỉ lệ tiết kiệm cao trong dân,
cũng như chủ nợ đa số là người trong nước.
Nhưng chuyên gia Vincent Chan của Crédit Suisse cho biết : « Tôi rất lo lắng cho nền kinh tế Trung Quốc về trung hạn và dài hạn, không thấy được lối thoát ».
Trước mắt, tài chính Trung Quốc còn khá vững chắc với 3.210 tỉ đô la dự
trữ. Nhưng số tiền này đã bị hao hụt mất 800 tỉ đô la từ năm 2014 do cố
cứu đồng nhân dân tệ.
Nhiều nhà phân tích khác cũng tỏ ra quan ngại. Khi quyết định đánh sụt hạng tín nhiệm, Standard & Poor’s nhận xét : «
Nhịp độ và chiều sâu của việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước có lẽ
không đủ để làm giảm rủi ro của sự tăng trưởng nhờ vay mượn ». Còn ông Vincent Chan nhấn mạnh : «
Tổng nợ của Trung Quốc sẽ đạt đến mức 300% GDP trước năm 2020. Kinh
nghiệm cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ ngừng lại, một khi tỉ lệ nợ nần
đạt đến mức cao như thế ».
Các tổ chức kinh tế tài chính thế giới họp tại Berlin ngày 05/04/2016. |
Cũng trên lãnh vực kinh tế, trước viễn cảnh u ám mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra, nhật báo Les Echos trong bài xã luận « Hành động hôm nay hoặc là suy sụp ngày mai » cho rằng có thể tránh được cuộc khủng hoảng sắp tới, nhưng người ta lại không muốn làm điều đó.
Theo
IMF, sản xuất toàn cầu năm 2016 tăng chậm hơn năm ngoái, mất đi 300 tỉ
đô la so với dự kiến. Các nước phát triển bị cuốn vào cơn lốc tài chính,
Trung Quốc vẫn chưa khắc phục nổi hậu quả của nạn vung tay quá trán
đồng thời đang phải chuyển đổi mô hình. Những quốc gia xuất khẩu nguyên
liệu như Brazil và Nga thì đang hết sức chật vật.
Trong bối cảnh
đó, viễn tượng bị hạ thấp là chuyện đương nhiên. Les Echos nhận xét, các
chuyên gia của IMF tỏ ra chán ngán, cũng như cái tựa được chọn lựa để
đặt cho bản báo cáo mùa xuân : « Quá yếu, quá chậm ».
Họ
chán, bởi vì luôn phải nhắc đi nhắc lại những chuyện mà không ai chịu
lắng nghe. Lần này thì bà tổng giám đốc Christine Lagarde và kinh tế gia
trưởng Maurice Obstfeld phải cao giọng. Nền kinh tế thế giới chưa lành
bệnh sau cuộc khủng hoảng 2008-2009. Hãy còn quá nhiều nợ nần, nhiều
ngân hàng dễ tổn thương, hiệu năng thấp. Muốn thoát khỏi sự bạc nhược
này, các nhà lãnh đạo phải huy động số ngân sách có được, cải cách cơ
cấu sâu rộng. Tuy nhiên hiện nay, IMF như đang nguyện cầu trong sa mạc.
Nhưng
tình trạng đang rất khẩn cấp. Đó là vì lý do kinh tế : guồng máy sản
xuất rệu rã, những con người dần mất đi kỹ năng vì thất nghiệp, trong
khi những cỗ máy hoen rỉ trong xưởng. Lý do chính trị : người dân mệt
mỏi thấy rõ tại các nền dân chủ phương Tây. Cuối cùng là lý do địa chính
trị : xung đột ngày càng nhiều, có thể làm chao đảo con tàu kinh tế.
Tác giả kết luận, chỉ có một cuộc khủng hoảng đủ mạnh trong tương lai
mới có thể làm cho người ta tỉnh thức.
Một người ủng hộ với chiếc mề-đay có hình ông Thaksin và bà Yingluck, 01/04/2016. |
Quay lại với châu Á, Le Monde cho biết « Tập đoàn quân sự Thái truy lùng những chiếc chén đỏ » vì cho rằng dòng chữ in trên chén là một thông điệp chính trị.
Tờ
báo nhận định đây là phản ứng quá đáng và có vẻ khôi hài, trước sự
khiêu khích không đáng kể của cựu thủ tướng Thaksin, kẻ thù của chế độ.
Như thường lệ, ông Thaksin Shinawatra gởi cho những người ủng hộ mình
những chiếc chén màu đỏ thẫm, dùng để tưới nước lên nhau theo như phong
tục lễ mừng năm mới của người Thái (từ 13 đến 15/4). Trên mỗi chén có
dòng chữ « Tình hình có thể nóng, nhưng các bạn cứ tắm mát nhờ chén này ».
Thế là hôm 3/4 chính quyền quân sự cho lục soát nhà ba cựu dân biểu
đảng Pheu Thai – đảng của ông Thaksin, tịch thu 8.000 cái chén.
Một
trường hợp vô lý nữa là vụ bà Theerawan Charoensuk, 57 tuổi, bị cáo
buộc tội ly khai. Đó là vì bà Theerawan đăng lên Facebook tấm ảnh đang
đứng trước bức chân dung của ông Thaksin và cô em ông là bà Yingluck,
bên cạnh một cái chén màu đỏ. Bị cáo có nguy cơ lãnh án đến 7 năm tù!
Yeonmi Park tại Diễn đàn Quốc tế Sinh viên vì Tự do năm 2015. |
Cũng liên quan đến châu Á, Le Figaro trong bài viết mang tựa đề « Từ Bình Nhưỡng đến Teheran, thời kỳ của các phụ nữ ly khai mới »,
cho biết nhiều phụ nữ đang đấu tranh chống lại những cách sống bị áp
đặt - từ việc phải mang khăn choàng Hồi giáo cho đến bạo lực của bọn
buôn lậu ma túy. Bài báo nhắc đến tấm gương của Yeonmi Park, một cô gái
Bắc Triều Tiên.
Là tác giả cuốn sách « Tôi chỉ muốn sống »
kể lại cuộc chạy trốn, Yeonmi đã trở thành phát ngôn viên cho 30.000
người Bắc Triều Tiên đã đào thoát được. Hiện là sinh viên trường đại học
Columbia ở Manhattan (Mỹ), cô phải cật lực học tiếng Anh và luyện giọng
bằng cách xem phim truyền hình nhiều tập. Cách đây vài năm khi còn ở
Bắc Triều Tiên, Yeonmi có dịp xem được bộ phim Titanic, khám phá chuyện
tình giữa hai người khác phái. Cô kể : « Ở nước tôi không hề có chuyện
tình yêu. Không có một chữ nào cho tình cảm này, trừ phi dành cho lãnh
tụ tối cao ».
Yeonmi tham gia chiến dịch « Flash Drive for Freedom » (USB cho tự do) :
thu những bộ phim, chương trình nhạc từ thế giới tự do để gởi sang Bắc
Triều Tiên. Cô dành 30% thời gian của mình để tham gia các hoạt động tố
cáo những gì đang diễn ra trên đất nước khép kín nhất thế giới, nhưng
tránh những cuộc tranh luận chính trị.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.