Quốc hội Việt Nam hôm nay 05/04/2016 vừa thông qua
Luật Báo chí sửa đổi với tỉ lệ tán thành gần 90%. Luật Báo chí mới gồm 6
chương và 61 điều, trong đó có thêm 32 điều mới, và 29 điều được sửa
đổi, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam về vấn đề này.
RFI : Thưa anh, về đối
tượng được thành lập cơ quan báo chí, theo luật mới chỉ có các trường
đại học, và tổ chức nghiên cứu khoa học mới được phép ra các tạp chí
khoa học. Có nghĩa là vẫn không có báo chí tư nhân như nhiều người chờ
đợi. Tuy nhiên lại được phép « liên kết », mua bản quyền măng-sét. Anh
nhận xét thế nào ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Việc cho phép « liên kết » hay mua
bản quyền măng-sét thật ra chỉ là sự thừa nhận một thực tế đã diễn ra
cách đây hơn hai mươi năm. Những năm sau đổi mới kinh tế, vào thập kỷ 90
đã xuất hiện hàng loạt báo tư nhân ; một số người thầu lại dưới danh
nghĩa phụ trương, phụ san của các báo. Lúc đó báo chí tư nhân hoạt động
khá mạnh mẽ, sau đó Nhà nước siết lại.
Trong khoảng hơn hai mươi năm qua diễn ra một số đợt mở và siết của
cơ quan quản lý báo chí Nhà nước. Cứ khi nào thấy báo tư nhân phát triển
mạnh quá thì siết lại. Đợt « siết » gần nhất là vào đầu năm 2015 cho
tới nay.
Tôi cho rằng đây không phải là một điều luật gì mới, mà chẳng qua là
thừa nhận một thực tế từng diễn ra. Vì quản không được nên đành phải
thừa nhận một cách gián tiếp, không dám và cũng không đủ can đảm nêu
thẳng khái niệm báo chí tư nhân, trong bối cảnh tình hình hiện nay.
RFI : Như vậy có nghĩa
là tờ Tin Sáng ở Saigon cho đến nay vẫn là tờ báo tư nhân thực sự và duy
nhất, nhưng đã bị đóng cửa khá lâu rồi…Bên cạnh đó trong luật sửa đổi
có câu « Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát
sóng » điều này liệu có khả thi ?
Điều này vừa đúng lại vừa trái với thực tế. Quả thực báo chí ở Việt
Nam không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng ; nhưng
trên thực tế Nhà nước can thiệp vào báo chí bằng hai cơ chế : đảng và
chính quyền.
Về cơ chế đảng, đó là hệ thống ban tuyên giáo trung ương, từ cấp
trung ương cho đến cấp địa phương tỉnh, thành. Hàng tuần, hàng tháng đều
có chỉ đạo rất cụ thể đối với báo chí. Thậm chí đối với mỗi sự kiện có
thể có tới hai chục cái gạch đầu dòng : báo chí được đăng cái này và
không được đăng cái kia.
Và sau này còn biến diễn sang một hình thái khác là ban tuyên giáo
trung ương hàng tuần hoặc theo sự kiện, nhắn tin cho ban biên tập các
báo là không được đăng cái này, nên thận trọng, nên thế này, thế kia đối
với từng sự vụ.
Các nhà báo nhà nước phản ứng về việc này trước kia còn kín đáo nhưng
sau khá lộ liễu, vì họ cho đó là sự can thiệp thô bạo. Chưa kể các cuộc
họp giao ban báo chí được tổ chức hàng tuần và hàng tháng của ban tuyên
giáo trung ương, cũng như bộ và sở Thông tin Truyền thông các tỉnh
thành, đã đi khá sâu vào hoạt động của các báo.
Nhưng tôi tin rằng dù có những điều luật quy định như thế này, nhưng
từ luật tới thực tế luôn có một khoảng cách, thậm chí khoảng cách đó
ngày càng xa. Tôi thấy báo chí nhà nước ngày càng có vẻ độc lập hơn,
theo xu thế thực tế.
RFI : Trong số các hành
vi bị cấm có : « xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng », «
xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân », « gây chiến tranh tâm lý ».
Có vẻ dễ bị lạm dụng ?
Chắc chắn là sẽ bị lạm dụng, giống như điều 258 và 88 của bộ luật
hình sự vậy. Những khái niệm trong luật tất nhiên cần phải định nghĩa,
làm rõ, chứ không chỉ đưa ra những khái niệm rồi sau đó các cơ quan chức
năng hành pháp muốn suy diễn ra sao cũng được.
Ví dụ khái niệm « xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng ». Đó là cái gì ? Phải định nghĩa cho rõ ra kẻo bị lạm dụng. Hay « xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân »,
tôi chỉ nói một khía cạnh này thôi. Theo quan điểm của tôi và nhiều
người cũng nghĩ như vậy, chính quyền này không thể còn gọi là chính
quyền của nhân dân nữa, mà là chính quyền của các nhóm quyền lực chính
trị và các nhóm lợi ích mà thôi.
Nhưng đặc biệt khái niệm « gây chiến tranh tâm lý » rất dễ bị lạm dụng, mặc dù nếu ghép vào bộ luật hình sự thì mức án có thể không bằng những cái khác. « Chiến tranh tâm lý » là cái gì, phải định nghĩa hết sức cụ thể, rút kinh nghiệm từ bài học những khái niệm mơ hồ trong điều 88 của luật hình sự về « tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa », hay những điều luật về « phá hoại khối đoàn kết toàn dân », điều 258 về « lợi dụng quyền tự do dân chủ », vân vân.
Cần phải nhìn nhận rằng việc « gây chiến tranh tâm lý » có thể được luật hóa, từ luật báo chí chuyển sang luật hình sự, và quy tội các nhà báo.
RFI : Vấn đề mạng xã hội
lần này không được đưa vào Luật Báo chí, mà dự định sẽ xây dựng các quy
định quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội thành luật trong
nhiệm kỳ này của Quốc hội. Liệu đây có phải là một sự dè dặt quá mức
trong thời đại kỹ thuật số hiện nay ?
Tôi cho rằng đây là một sự khó hiểu. Khó hiểu ở chỗ trước khi kỳ họp
thứ 11 của Quốc hội Việt Nam diễn ra, thì ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó
còn là chủ tịch Quốc hội, thì chính ông đã đề nghị đưa mạng xã hội vào
Luật Báo chí.
Dường như đã có một số ý kiến đồng thuận với ông Hùng, và hy vọng
rằng mạng xã hội sẽ được Nhà nước chính thức công nhận. Đặc biệt trong
bối cảnh mấy năm qua người sử dụng internet ở Việt Nam đã tăng từ 35%
tới 50%. Có nghĩa là gần phân nửa dân số Việt Nam dùng internet, trong
đó có tới 28 triệu người có tài khoản mạng xã hội.
Không hiểu vì lý do gì, vì thận trọng quá vì sợ « diễn biến hòa bình », sợ các « thế lực thù địch »…mà
Quốc hội kỳ này đã không đưa mạng xã hội vào Luật Báo chí. Mà như vậy
làm sao có thể phát triển được mạng xã hội theo yêu cầu của người dân,
kể cả đáp ứng yêu cầu của Nhà nước là quản lý được mạng xã hội.
RFI : Về việc bảo vệ
nguồn tin, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu
cầu bằng văn bản của người đứng đầu Viện Kiểm sát, Tòa án cấp tỉnh ;
song song đó cơ quan chức năng phải bảo vệ người cung cấp tin. Phải
chăng đây là một sự tiến bộ ?
Không, ở đây vẫn là theo quy định cũ thôi. Cách đây hơn hai mươi năm,
Luật Báo chí cũng đã quy định về việc này rồi. Tức là nhà báo chỉ phải
tiết lộ nguồn tin của mình với Viện Kiểm sát và Tòa án cấp tỉnh mà
thôi, chứ không phải bất kỳ ai khác ; và các cơ quan an ninh điều tra,
cảnh sát điều tra – cơ quan công an nói chung – không được quyền truy
xét nhà báo về nguồn tin.
Nhưng trên thực tế thì nhiều cơ quan công an kể cả những bộ phận
không liên quan tới điều tra vẫn tìm cách truy vấn những nhà báo và các
cộng tác viên báo chí xem những nguồn tin của họ từ đâu – làm sai luật
hoàn toàn. Tôi cho rằng điều khoản này có sự tiến bộ, nhưng vấn đề là
làm sao bảo vệ sự tiến bộ này trong thực tế chứ không phải trên lý
thuyết.
RFI : Giới báo chí độc lập có chờ đợi gì khác từ phía chính quyền ?
Không chỉ giới báo chí độc lập mà cả báo chí nhà nước. Một số anh em
cựu trào báo chí cách đây một tuần cũng đã hy vọng rằng Luật Báo chí kỳ
này nới hơn, mở hơn, dân chủ hơn. Không chỉ có tự do ngôn luận chung
chung mà còn cho phép thử nghiệm báo chí tư nhân. Họ cũng muốn thực hiện
một cái gì đó để tăng tính phản biện đối với khi họ quay lại làm báo.
Nhưng với tinh thần Luật Báo chí như thế này, nhiều nhà báo nhà nước
đã thất vọng, và tất nhiên giới báo chí độc lập càng thất vọng hơn vì
tinh thần được coi là « tự do ngôn luận » đối với báo chí chỉ là khái niệm rất mù mờ, không rõ nghĩa.
Riêng chúng tôi là những người làm báo độc lập, thì dù có báo chí tư
nhân hay không trong luật, chúng tôi vẫn thực hiện quyền tự do ngôn luận
của mình trên mặt báo. Tất nhiên, báo chí ở đây là mạng xã hội chứ
không phải báo chí nhà nước.
RFI : Xin cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.