mardi 12 avril 2016

Lần đầu tiên hai chiến hạm Nhật đến cảng Cam Ranh


Báo chí Nhật ngày 12/04/2016 loan tin, lần đầu tiên kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, hai khu trục hạm của Hải quân Nhật Bản đã đến cảng chiến lược Cam Ranh của Việt Nam. Tờ Japan Times gọi đây là chuyến thăm lịch sử, còn Asahi Shimbun nhận định đây là dấu hiệu hợp tác chặt chẽ hơn của quốc phòng Việt-Nhật.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội khẳng định, đây là lần đầu tiên hai khu trục hạm được hỏa tiễn dẫn đường - chiếc Ariake và Setogiri - đến Việt Nam, trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày. Hãng tin Kyodo cho biết, Hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (MSDF) sẽ sử dụng hai khu trục hạm trên để diễn tập chung với Hải quân Việt Nam, là một phần của chương trình huấn luyện các học viên sĩ quan Hải quân Nhật.


Asahi Shimbun dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản nhận xét : " Đây là một chuyến thăm lịch sử, vì sự chọn lựa cảng đến thăm dựa trên các yếu tố mang tính chiến lược cao độ ". Cũng theo Asahi, do tàu ngoại quốc hiếm khi được phép vào Cam Ranh, sự hiện diện của hai chiến hạm tối tân Ariake và Setogiri là dấu hiệu cho thấy hợp tác quốc phòng Việt-Nhật đang được siết chặt, một phần vì các hành động của Trung Quốc mưu toan kiểm soát Biển Đông.

Hãng thông tấn Kyodo trích lời bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani trong cuộc họp báo ngày 12/04 tại Tokyo cho biết, ông hy vọng sẽ có bước tiến mới trong sự hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng Gen Nakatani cũng nói rằng Nhật Bản sẽ làm việc với Hoa Kỳ và các quốc gia khác để tăng cường quan hệ với các nước xung quanh Biển Đông.

Các báo Nhật đều nhấn mạnh vịnh Cam Ranh là một trong những vị trí chiến lược quan trọng nhất đối với quốc phòng Việt Nam tại Biển Đông. Trước đây là căn cứ lớn của Mỹ, sau đó các chiến hạm Liên Xô sử dụng Cam Ranh làm quân cảng chính ở châu Á (1978-2002). Cam Ranh nằm gần quần đảo Trường Sa, hiện đang là trung tâm tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Báo chí Nhật nhắc lại, trước đó hai khu trục hạm Ariake và Setogiri được tàu ngầm Oyahshio hộ tống cũng đã đến thăm cảng Subic của Philippines. Để đáp trả các động thái của Bắc Kinh, Tokyo phải gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông, trong đó có việc cung cấp tàu tuần duyên cho Philippines, Việt Nam ; và điều các máy bay giám sát P-3C đến vùng biển này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160412-lan-dau-tien-hai-chien-ham-nhat-den-cang-cam-ranh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.