lundi 11 novembre 2024

Lưu Nhi Dũ - Chia tay bạn Hồ Quang Ảnh

 

Đôi lời : Đăng bài vì dù là tâm sự riêng của tác giả, nhưng cũng cho thấy sự khủng khiếp của một thời chủ nghĩa lý lịch.

“Chiều nay một dấu than buông dứt!

Đinh đóng vào săng, tiếng trả lời…” (Vũ Hoàng Chương)

Cuối cùng sau những ngày đau đớn bạn Hồ Quang Ảnh đã ra đi. Vậy là bạn đã được giải thoát như bạn mong muốn. Chia tay một người bạn cùng lớp, cùng bên trời lận đận, một trong bốn thằng cùng lớp sống ở Sài Gòn. Giờ bạn đã an nhiên nơi vĩnh hằng và tro cốt bạn sẽ về với quê hương mình, hòa vào nước Đầm Thị Nại.

Nhớ câu này không bạn: “Nhân sinh tại thế bất xứng ý/minh triêu tán phát lộng thiên chu" (cuộc sống lắm chuyện lo phiền/buổi mai xõa tóc thả thuyền rong chơi), của Lý Bạch đó, một lần mình đọc cho bạn nghe. Giờ bạn không thể xõa tóc thả thuyền rong chơi nữa nhưng bạn hòa vào nước Đầm Thị Nại quê hương.

Lứa anh em mình học cấp ba sau giải phóng, sau hơn 17 năm ở chế độ cũ, tìm đường vào đại học cực khó, quá khó, chủ yếu vì lý lịch. Lớp toán 12C2 của mình nhiều bạn học rất giỏi, nhưng chỉ có vài bạn vào sư phạm toán, bách khoa… đa số phải đi cao đẳng.

Mình có lý lịch tương đối thì được đi bộ đội, xách súng đánh nhau với thằng Pol Pot hơn 4 năm mới được về đại học; thằng phải đi thanh niên xung phong…Cho đến 1979 khi tổng động viên vì chiến tranh, một vài bạn được vào bộ đội để “làm sạch” lý lịch. Có thằng vác ba lô (là cái bao cát cột sau lưng), vào Sài Gòn làm thuê, dạy mướn…

Bạn không thể làm gì được với cái lý lịch gia đình. Khi đó muốn đi thi phải có “giấy đi đường” để mua vé xe đò, địa phương không ký, bạn nhờ thầy hiệu trưởng ký. Biết là sai nhưng thầy vẫn ký. Vậy mà khi mua vé, nhân viên không chịu bán vé, phải xin ý kiến giám đốc bến xe Quy Nhơn. May mà ông này cho phép bán!

Vậy là bạn vào Sài Gòn thi, không dám thi vào trường lớn, chỉ vào Đại học Thể dục thể thao và ghi địa chỉ báo kết quả là nhà một người quen ở Sài Gòn. Nhờ vậy, khi giấy báo đại học về đó, bạn mới được đi học. Học xong bạn dạy ở Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Rồi người ta phát hiện ra lý lịch bạn quá xấu. Buộc phải nghỉ. Vào Đồng Nai, tìm cách đi dạy được vài năm, rồi cũng bị đuổi cũng vì cái lý lịch…

Đầu những năm 90s, khi đó mình lang bạt từ Đà Lạt về Sài Gòn làm báo, đang trực tòa soạn, bảo vệ gọi lên báo có người tìm anh Lưu Hữu Nhi Dũ, không phải Lưu Nhi Dũ (bút danh của tôi). Tôi nghĩ, chỉ có bà con ruột thịt, bạn bè cùng lớp mới biết tên thật của mình và quả thật, Hồ Quang Ảnh tìm.

Vậy là gần 20 năm, bạn cùng lớp, cùng quê mới gặp nhau ở Sài Gòn. Bạn đã lang bạt kỳ hồ, làm “cu li cầu đường” như bạn nói. Tối đó hai thằng mần hết một thùng bia trước Nhà Văn hóa Thanh niên! Cuối cùng cũng tìm ra được bốn thằng cùng lớp nhập cư Sài Gòn, mà thằng nào cũng học xong đại học, thế mới lạ!

Nhớ những chiều Sài Gòn, gọi bạn làm vài chai. Bạn bè cùng lớp ngồi với nhau cực sướng, vì biết quá rõ nhau. Nhìn nhau và nâng ly là đời đã quá sướng rồi…

Những ngày cuối đời mình ở bên bạn và chứng kiến bạn đối diện với cái chết thật can đảm.

“Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại

Ngỡ chỉ là cơn say

Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời

Như một lời chia tay… (Trịnh Công Sơn)

Đóa hoa vàng đó đang bay bay trên Đầm Thị Nại. Và từ nay khép lại những cuộc hẹn hò bè bạn. Thanh thản nghen Ảnh ơi. Bạn bè luôn nhớ bạn.

LƯU NHI DŨ 08.11.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.