lundi 25 novembre 2024

Cù Mai Công - Tập nhạc Hồng Bàng-Đất mẹ Văn Lang

 

Nghe những nhạc phẩm này, bỗng tôi nhớ những dòng thơ mình học thuộc lòng hồi tiểu học ở Sài Gòn trước 1975: “Trần Bình Trọng anh hùng ngàn thu trước - Đem tấm thân bảy thước chống sơn hà (…) Hễ còn sống, ta là dân đất Việt - Chết ta đành làm quỷ nước Nam ta” (Á Nam Trần Tuấn Khải).

Tôi bỗng nhớ những hoạt cảnh hồi tiểu học mình tham gia trong tiếng nhạc hào hùng: “Toàn dân nghe chăng - Sơn hà nguy biến - Hận thù đằng đằng - Biên thùy rung chuyển…” (Hội Nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước - Việt Tiên)…

… Những nhạc phẩm sử Việt cần biết bao với cuộc sống, nhất là tuổi học trò hôm nay: họ sẽ thuộc sử từ những nhạc phẩm hùng ca chứ không bằng vô vàn số liệu, chi tiết khô khan khó ai thuộc, ít người nhớ. 

Hồng Bàng-Đất mẹ Văn Lang không hẳn là tác phẩm mà là công trình của trái tim

Công trình này của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương “Con đường đến trường”, nguyên phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM, nơi tôi học và dạy võ suốt một thời tuổi trẻ (từ 1979, 1980 đến 40 năm sau). Anh dân gốc Quảng Ngãi, hiền lành, hay cười và bình dị với anh em. Gần gũi hơn, anh còn là rể của ngõ Con Mắt (hẻm 766 CMTT) - Ông Tạ: vợ anh, một cô gái trong ngõ này. Và anh còn từng là sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM lứa đàn anh của tôi.

Năm mươi ca khúc “Hùng ca sử Việt” (từ thời Hồng Bàng tới Phong trào Duy Tân - Phan Chu Trinh) được anh ấp ủ và viết trong nhiều năm. 

Không thể không nói đây là một công trình tâm huyết, khi nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã như một nhà sử học khi chọn lọc 50 sự kiện, theo anh là nổi bật - ấn tượng nhất trong mấy ngàn năm dựng và giữ nước để hóa thân thành nhạc - phương tiện dễ di vào lòng người, dễ thuộc, dễ nhớ.

Trong đêm mưa Sài Gòn, tôi lắng nghe từng nhạc phẩm với tiết tấu, nhịp nhạc không lên gân mà hiền hòa như ca dao của mẹ, của quê hương - dân tộc. Nhiều nhạc phẩm bắt đầu bằng “ngày xưa” như câu mở đầu cổ tích Việt: “Ngày xửa ngày xưa”. Lịch sử dân tộc Việt mình có khác gì cổ tích.

Có nhạc phẩm nhịp đi như reo vui, phấn chấn, hào hùng với “ngón trỏ Trần Hưng Đạo” như hình ảnh tượng đài Đức Thánh Trần trên công trường Mê Linh ở TP.HCM lâu nay; với “Thần tốc Quang Trung”; với “Nữ tướng Bùi Thị Xuân” cưỡi voi ra trận; với cuộc khởi nghĩa “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định…

Và lịch sử dân tộc cũng bao lần gian truân, trăn trở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Những lần ấy cũng thành dòng nhạc trở trăn, lắng đọng: “Cờ lau tập trận” Đinh Bộ Lĩnh, “Nam quốc sơn hà” Lý Thường Kiệt, “Ngồi đan sọt mà lo việc nước” Phạm Ngũ Lão, “Thà làm quỷ nước Nam” Trần Bình Trọng…

Thơ và nhạc luôn là con đường ngắn nhất đến với mỗi người, từ thuở ấu thơ. Huống chi nhiều nhạc phẩm trong công trình tâm huyết này được phổ từ những bài thơ của các nhà thơ (Hồ Thi Ca, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Lương Hiệu, Ngã Du Tử…). Có lời nhạc do chính nhạc sĩ Phạm Đăng Khương viết ra. Nhạc phẩm về quê hương, đất nước bao giờ chẳng là những vần thơ!

“Hồng Bàng - Đất mẹ Văn Lang” - một công trình nhạc hiếm hoi nhìn lại toàn bộ sử Việt mấy ngàn năm. Có thể chưa đầy đủ, có thể chưa vẹn toàn. Nhưng có tình yêu đất nước - quê hương dành cho sử Việt nào lại đầy đủ, toàn vẹn nỗi lòng mỗi người. Vì đó thuộc về trái tim chứ không chỉ là khối óc.

P/s: Xin nói thêm, tập nhạc “hùng ca sử Việt” này chỉ in 1.000 bản. Ngay lập tức, một đơn vị đã đăng ký lấy... gần hết.

CÙ MAI CÔNG 25.11.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.