dimanche 29 septembre 2024

Lê Nguyễn - Kể lại chuyện xưa : Một vài hồi ức về khu dinh điền Cái Sắn (1)

 

KỲ I

Những câu chuyện đầy kịch tính mà tôi đã chứng kiến trong hai năm làm việc tại quận Kiên Tân, tỉnh Kiên Giang (1968-1970), nơi chứa phần lớn khu dinh điền Cái Sắn, đủ để xây dựng thành một truyện dài với đầy đủ tính chất hỉ nộ ái ố của chúng.

Điều này có thể thành hiện thực hay không còn là một câu hỏi để ngỏ, song trước hết, xin kể lại phần cốt lõi của chúng như một hồi ức lụn vụn, khi trí nhớ vẫn còn đủ trung thành với người viết bài này.

Trong số những nhân vật được nhắc đến nhiều trong hồi ức này, có người đã qua đời cách nay gần 50 năm. Song nếu vì e ngại khi chạm đến lãnh vực tâm linh thì chẳng phải tôi đã chôn vùi những sự thật sinh động và rất ít người biết đến, vào một thời điểm đáng nhớ, tại một vùng đất đáng nhớ đó sao!

Dù còn sống hay đã mất, những nhân vật trong câu chuyện này sẽ được nhắc đến một cách khách quan và trung thực, với một sự tôn trọng đúng mực, việc đánh giá về họ tùy thuộc vào cảm nhận chủ quan của mỗi người đọc. Hồi ức này sẽ giúp cho người đọc, nhất là các bạn trẻ, biết ít nhiều về sự điều hành công vụ tại miền Nam trước năm 1975, ở các cấp tỉnh, quận và xã, ấp.

Về đời sống của một viên chức trung cấp ở cương vị điều hành nền hành chánh cấp quận; tương quan giữa hệ thống quân sự và dân sự tại địa phương và mối quan hệ giữa chính quyền Việt Nam với các cố vấn Mỹ. Tất nhiên, bên cạnh những chi tiết phổ quát đó, hồi ức này như một khúc phim quay chậm, giới thiệu với người đọc một số câu chuyện độc đáo và cá biệt chỉ có ở khu dinh điền Cái Sắn mà thôi.

* CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM VỚI CUỘC DI CƯ VĨ ĐẠI 1954-1956

Cuộc di cư của khoảng một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam là kết quả của khoản (d) điều 14 hiệp định Genève ký ngày 20.07.1954, được diễn đạt dài dòng như sau: “ ….một số thường dân đang cư trú ở địa hạt được kiểm soát bởi một miền, những người mà ước muốn ra đi và sinh sống ở vùng được quy định cho miền khác, sẽ được cho phép và được giúp đỡ để thực hiện như thế, bởi người quản lý tại địa hạt đó” (nguồn nghiencuulichsu.com).

Sự dài dòng và khá phức tạp của văn từ được trích dẫn có lẽ do văn bản bằng tiếng Việt được dịch ra từ bản gốc hiệp định Genève được soạn bằng tiếng Pháp (như theo thông lệ lúc bấy giờ). Song ý chính của điều khoản trên được hiểu là với hiệp định này, ngoài những động thái liên quan đến lực lượng quân sự của hai bên – Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) – người dân sống ở phía dưới và phía trên vĩ tuyến 17 – trong vòng 2 năm - được tự do chọn lựa nơi cư trú ở một trong hai miền.

Và như thế là cuộc di cư của đồng bào từ Bắc vào Nam đã diễn ra rầm rộ, với sự tổ chức tiếp nhận của chính quyền Ngô Đình Diệm và sự yểm trợ của người Mỹ. Phần lớn những người di cư theo Thiên Chúa giáo và thuộc tầng lớp trung lưu, họ bỏ lại phần lớn tài sản, xuống tàu há mồm, vào vùng đất mới.

Miền Nam dưới vĩ tuyến 17 lúc bấy giờ có khoảng 12 triệu dân, gánh thêm 1 triệu người nữa là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm còn non trẻ. Lại đang phải đối đầu với sự chống đối mạnh mẽ của nhiều đơn vị quân sự thuộc lực lượng Bình Xuyên, giáo phái Hòa Hảo, và với cả một số quân nhân còn trung thành với cựu Quốc trưởng Bảo Đại.

Tuy nhiên, Thủ tướng (sau là Tổng thống) Ngô Đình Diệm và chính phủ liêm chính của ông đã sớm chứng tỏ một khả năng điều hành đất nước tích cực và có hiệu quả. Trước tiên, ông Diệm thành lập Phủ Tổng ủy Di cư, một cơ quan gần ngang hàng với cấp Bộ, có nhiệm vụ tiếp nhận người di cư và ổn định tạm thời nơi cư trú cho họ tại Sài Gòn và các vùng phụ cận.

Bước tiếp theo, ông Diệm thành lập Phủ Tổng ủy Dinh điền, có nhiệm vụ điều nghiên tình trạng của nhiều khu vực trên lãnh thổ miền Nam mà đất nông nghiệp còn bỏ hoang hay chưa được khai thác đúng mức để đưa từng bộ phận dân di cư đến đó. Ngoài những khu vực dân di cư đông đúc ở Sài Gòn, Biên Hòa như Xóm Mới, Hố Nai sống trong môi trường phi nông nghiệp, phần lớn những người được đưa đi xa hơn như Xuân Lộc (Long Khánh), Chương Thiện, Bình Tuy, Long Xuyên, Rạch Giá ... là để khẩn hoang, trồng trọt và sống chủ yếu bằng nông nghiệp.

Khi đồng bào miền Bắc vào Nam đã “an cư” rồi, ông Diệm tính toán tới chuyện “lạc nghiệp”. Ông thành lập Phủ Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín, có chức năng cung cấp các khoản tiền vay cho người dân ở các khu dinh điền để mua sắm nông cụ, hạt giống, ngư lưới cụ, ghe thuyền. Thời đó, Quốc gia Nông tín cuộc trực thuộc Phủ Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín là đơn vị hoạt động đắc lực trong việc cho người dân vay tiền với mục đích trên.

Và như thế, từ nửa sau thập niên 1950, khu dinh điền Cái Sắn và nhiều khu dinh điền khác ra đời trên khắp lãnh thổ miền Nam, giải quyết nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, góp phần vào công cuộc phát triển chung.

Cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh mối lo cho đồng bào di cư miền Bắc, Tổng thống Ngô Đình Diệm và các cộng sự cũng không bỏ quên đồng bào miền Nam mà đời sống vẫn còn chịu ảnh hưởng của những năm tháng loạn lạc kéo dài. Ông cho điều nghiên những khu vực còn ít người ở mà đất đai còn màu mỡ, thành lập các khu trù mật, đưa người ở các khu hẻo lánh, ít đất canh tác, đến đó để sinh sống.

Trong một bài viết tưởng nhớ người đồng môn thuộc bậc đàn anh là Nguyễn Đình Xướng, Quận trưởng Cai Lậy (Định Tường), tôi có dịp nhắc đến khu trù mật Hậu Mỹ do ông tổ chức, được Tổng thống Ngô Đình Diệm đến thăm và khen nức nở, sau đó không lâu, vinh thăng ông làm Tỉnh trưởng Vĩnh Bình. Không lâu sau, gần các tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), Kiên Giang (Rạch Giá), ông Diệm cho thành lập khu trù mật Vị Thanh-Hỏa Lựu, về sau trở thành tỉnh Chương Thiện ...

Để người đọc hiểu rõ những điều sẽ được kể lại trong loạt hồi ức này, có lẽ không thể không nhắc đến một số nét căn bản trong việc tổ chức và điều hành các chính quyền cấp tỉnh và cấp quận vào thập niên 1960, mà vấn đề nhân sự là yếu tố then chốt.

Phần lớn thời gian trước năm 1975, cơ quan chính quyền các tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa được gọi là Tòa Hành chánh tỉnh, gồm một Văn phòng Tỉnh trưởng, các Ty Hành chánh, Kinh tế, Tài chánh, Nội an & Quân vụ, Trung tâm Tu nghiệp công chức; về Quận thì có từ 3-4 đến 8-9 quận. Cứ tính bình quân một tỉnh cần có 6 Trưởng Ty Sở (Tòa Hành chánh) và 6 Phó Quận trưởng thì hơn 50 Tỉnh Thị trên cả nước cần có hơn 600 viên chức hạng A (tốt nghiệp Đại học) ngạch Đốc sự Hành chánh đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy tại tỉnh và quận.

Song vào những năm đầu thập niên 1960, số công chức ngạch này do Học viện Quốc gia Hành chánh đào tạo (trung bình một khóa học không đến 100 người) còn rất ít so với nhu cầu của các địa phương. Đó là chưa kể trước năm 1962, nhiều sinh viên tốt nghiệp học viện này ở ngạch Giám sự (học ban Kinh tế-Tài chánh), phần lớn được bổ nhiệm vào guồng máy kinh tế-tài chánh ở trung ương (Bộ Kinh Tế, Bộ Tài chánh, các Tổng Nha Thuế vụ, Tổng Nha Quan thuế…).

Cho đến nửa đầu thập niên 1960, tại hầu hết các tỉnh, các chức vụ Phó Quận trưởng, Trưởng Ty vẫn còn do nhiều viên chức địa phương không đủ điều kiện về ngạch trật, thuộc thành phần công chức hạng B, như Tham sự (B1), Thư ký Hành chánh (B2), tạm thời nắm giữ. Sự quá thiếu thốn viên chức chỉ huy hành chánh địa phương là lý do chính khiến các sinh viên đang theo học hay tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh được hưởng một ưu đãi mà hầu như chưa có ngạch công chức tốt nghiệp Đại học nào có được.

Thời đó, chế độ động viên quân dịch của Việt Nam Cộng Hòa có hai thể thức chính:

- Với tài nguyên hạ sĩ quan và binh sĩ: Nhập ngũ theo lệnh gọi tập thể, dựa vào từng hạng tuổi.

- Với tài nguyên sĩ quan: Nhập ngũ theo lệnh gọi cá nhân do Nha Động viên Bộ Quốc phòng tống đạt.

Với sinh viên Học viện Quốc gia Hành chánh còn đang học, mỗi khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ do Nha Động viên gửi đến nhà, họ chỉ cần chuyển lệnh gọi cho văn phòng học viện để nơi đây hoàn trả cho Nha Động viên.

Với sinh viên Học viện Quốc gia Hành chánh vừa tốt nghiệp, họ được tham gia các khóa huấn luyện quân sự căn bản và sau đó được đưa về các tỉnh để đảm nhiệm các chức vụ Trưởng ty, Phó Quận trưởng như đã kể trên.

(Còn tiếp)

LÊ NGUYỄN 29.09.2024

Kỳ sau: Những bước chân đầu tiên của một chàng trai Sài Gòn tại khu dinh điền Cái Sắn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.