vendredi 27 septembre 2024

Nguyễn Đình Ấm - Việt Nam cần có đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, nhưng...

 

Cần có đường sắt cao tốc

- Địa lý nước ta rất thuận lợi trong việc kiến tạo giao thông, đặc biệt là hàng không và đường sắt vì lãnh thổ trải dài từ vĩ độ 8 đến 23 với độ dài hơn 2.000 km.

Do có những đô thị lớn, dân cư, tài nguyên trù phú ở hai đầu đất nước nên các con đường Bắc-Nam rất nhộn nhịp.Đường bay Hà Nội-Sài Gòn là một trong những đường bay nhộn nhịp nhất thế giới.Theo đó, đường sắt Bắc-Nam cũng phải nhộn nhịp như đường hàng không nhưng vì đường sắt quá lạc hậu, chậm trễ nên không được hành khách lựa chọn như đường hàng không.

Nay nếu có đường sắt hiện đại, tốc độ cao, an toàn hơn thì cùng với đường hàng không giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch…giữa hai miền sẽ càng nhộn nhịp, đất nước phát triển nhanh hơn.

- Đường sắt tuy chạy chậm hơn máy bay nhưng có ưu thế là chở được nhiều hành khách, hàng hóa. An toàn, ổn định, ít ô nhiễm môi trường, bổ sung hữu hiệu cho đường hàng không khi thiên tai, thời tiết, chiến tranh...Đường hàng không có hạn chế chủ yếu chỉ chở hành khách mà hầu như không chở hàng.

Chính vì ưu thế của đường sắt mà hầu hết các nước trên thế giới đều phát triển đường xe lửa, dù vốn ban đầu lớn hơn xây dựng hạ tầng cho mạng sân bay. Dù vốn lớn nhưng hạ tầng đường sắt sử dụng hàng vài trăm năm hoặc hơn nữa, nên cuối cùng vẫn có lãi lớn cho nền kinh tế.

- Theo tôi, trước mắt Việt Nam chỉ hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam vì đây là con đường giao lưu giữa hai vùng kinh tế trù phú, dân cư đông đúc mang lại hiệu quả lớn nhất.

Thời gian qua Lào bỏ ra 6 tỉ USD làm đường sắt cao tốc Vân Nam- Viên Chăn là thất sách khủng khiếp. Con đường này chỉ chuyên chở hàng hóa, hành khách Trung Quốc  từ Vân Nam đến Viên Chăn, Thái Lan và ngược lại. Đoạn đường qua các tỉnh bắc Lào toàn đồi núi dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn có bao nhiêu khách đi lại, có gì để chuyên chở ngoài xuất khẩu quặng, ít sắn và gỗ sang Trung Quốc.

Bán tài nguyên khoáng sản, phá rừng lấy gỗ, trồng sắn xuất sang Trung Quốc là kiểu “bán lúa non”; nhập hàng gia dụng dư thừa giá rẻ từ Trung Quốc bóp chết nền sản xuất trong nước là lợi bất cập hại. Hiện nay người Hoa tràn ngập ở Lào, đi đâu cũng thấy người, doanh nghiệp Trung Quốc.

Tóm lại, con đường sắt Vân Nam-Viên Chăn chủ yếu lợi cho Trung Quốc trong chiến lược “Vành đai-Con đường” và Thái Lan còn Lào đứng trước nguy cơ vỡ nợ, đất nước mất chủ quyền.

Vì vậy nếu Việt Nam hiện đại hóa đường sắt thì trước tiên chỉ với đường Hà Nội-Sài Gòn. Còn đường sắt cao tốc từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng đi qua toàn vùng đồi núi như bắc Lào thì chưa cần thiết khi nền tài chính còn eo hẹp, mức sống dân ta còn thấp. Về sau nếu nền kinh tế cho phép thì hiện đại hóa tiếp đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, Sài Gòn-Miền Tây nam bộ, Sài Gòn- Vũng Tàu là hiệu quả.

Hiện đại hóa ra sao, dựa vào đối tác nào

- Hiện nay mức sống dân ta còn thấp, nền kinh tế chưa thật phát triển. Nên nếu làm đường sắt cao tốc hiện đại tốc độ từ 250 km/h trở lên tốn những 70 tỉ USD sẽ có nguy cơ lãng phí vì ít hàng, ít khách, kém hiệu quả.

Mỹ là quốc gia giàu có, lãnh thổ mênh mông mà cũng chỉ làm đường sắt tốc độ 150 km/h. Ở ngành hàng không Việt Nam đã trải qua thời kỳ này. Từ những năm 1990 trở về trước hàng không đều bán vé dưới chi phí rất nhiều (chỉ bằng giá “con gà cồ”) mà vẫn không có khách đi.

Ngoài đường bay Hà Nội-Sài Gòn các đường bay Hà Nội, Sài Gòn-Điện Biên, Phú Bài, Đông Tác (Phú Yên), Pleiku, Ban Mê Thuột, Phù Cát, Cát Bi, Nà Sản kể cả Đà Nẵng đều vắng khách, sân bay, hãng hàng không quá lỗ phải dừng bay nhiều lần. May mà thời đó còn kinh tế bao cấp, hãng hàng không quốc gia nhận xăng dầu, vật tư  bao nhiêu, chở khách bấy nhiêu nên không bị khó khăn, phá sản. Năm cao nhất Hàng không Việt Nam dù dư thừa rất nhiều máy bay, hạ tầng nhưng chỉ chuyên chở được từ 500.000-1,5 triệu khách.

Đến nay, sau hơn 30 năm dù mức sống dân ta đã tăng lên vài lần, chục lần nhưng trừ vài sân bay, như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Liên Khương, Đà Nẵng có lãi còn 4 sân bay hòa vốn, 11 sân bay lỗ. Các hãng hàng không cũng đều lỗ hoặc lãi ít.

Về đường sắt tốc độ cao, kinh nghiệm ở Trung Quốc thấy rõ. Dù mức sống dân của họ cao hơn ta 3-4 lần nhưng trừ những ngày lễ, tết những toa tàu hiện đại, tốc độ cao thường xuyên vắng khách, nhiều nhà tàu đang lỗ lớn. Đến nay Trung Quốc có 42.000 km đường sắt cao tốc do tập đoàn đường sắt (CR) quản lý. Nửa đầu năm 2022 CR lỗ 80,4 tỉ nhân dân tệ (273.828 tỉ đồng Việt Nam), nhiều nhà tàu trước nguy cơ phá sản.

Nay nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, lỗ đường sắt còn tăng nhanh hơn. Kinh tế Trung Quốc đang chao đảo, do đầu tư quá mức, không hợp lý vào cơ sở hạ tầng và bất động sản. Sự phát triển ồ ạt quá nhu cầu thực tế này tạo ra đội ngũ quan chức, đại gia giàu nhanh khủng khiếp nhưng kinh tế nhà nước thì khốn đốn. Ở ta, đường sắt Yên Viên-Hạ Long đắp chiếu từ bao năm qua, tàu hỏa từ Gia Lâm- Việt Trì chở khách từ bao nhiêu năm qua nay đã dừng hoạt động vì vắng khách cũng là những bài học.

Vừa rồi có ý kiến của Facebooker Tong Thanh Nguyen và nhiều ý kiến khác đề xuất giải pháp chỉ nâng cấp đường sắt với chi phí thấp hơn 70 tỉ USD là hợp lý. Theo tôi, chỉ nên hiện đại hóa đường sắt bằng cách cải tạo lại con đường sắt cũ, nâng chiều ngang đường sắt lên 1.435 mm, chỉnh trang lại toàn bộ cầu, hầm, nền đường, tà vẹt, đóng toa mới hiện đại, tiện nghi, xây rào chắn tất cả hệ thống đường sắt để tàu chạy tốc độ tới 150 km/h.

Hệ thống đường sắt này sẽ chở khách thu nhập thấp, trung bình, du lịch, hàng hóa. Việc cải tạo này sẽ không quá tốn kém vì phần lớn công việc Việt Nam có thể làm được. Khai thác đường sắt như vậy đến 20, 30 năm nữa khi nền kinh tế đã phát triển, mức sống dân ta đã cao thì tiến đến nâng tốc độ tàu hỏa lên là vừa, hiệu quả vì chỉ nâng cấp hạ tầng cũ.

Đối tác nào?

Nước ta hiện nay trong tình trạng không yên ổn, phần lãnh thổ, biển, đảo đang bị ngoại bang chiếm đóng và còn nguy cơ tiếp tục. Vì vậy, việc xây dựng, kiến thiết đất nước phải luôn bảo đảm với an ninh, quốc phòng. Các dự án sân bay, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, các cơ sở sản xuất hàng thiết yếu đều phải tính đến an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, phải chọn những đối tác trung thực không có khả năng xâm phạm đến an ninh, quốc gia, chất lượng sản phẩm tốt và không có hối lộ đối tác trong quan hệ kinh tế như Nhật Bản, Pháp, Đức, Úc… mà ta đã từng hợp tác.

Hiện nhà nước đang làm sân bay ở Lào Cai, Lai Châu là chính xác. Những sân bay, đường bay này trước mắt không sinh lợi nhưng bảo đảm an ninh, quốc phòng và bổ sung, hỗ trợ đường bộ hay bị thiên tai, sạt, lở…

NGUYỄN ĐÌNH ẤM 26.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.