dimanche 29 septembre 2024

Phúc Lai - Về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine ngày 29/09/2024

 

NÓI ĐI, NÓI LẠI CHO RÕ!

Trong suốt hơn 2 năm rưỡi qua, khi tham gia viết review về cuộc Chiến tranh của Putox ở Ukraine, chúng ta gặp nhiều dạng lý thuyết kiểu như thế này: “Mỹ muốn Nga chảy máu đến chết” hoặc “Chiến lược luộc con ếch Putox…”.

Tôi cũng đã cố gắng giải thích với những bác bị nhiễm dòng ý kiến đó rằng: Điều này có nhiều người, thậm chí chuyên gia và kênh truyền thông uy tín trên thế giới nói . Chúng ta sẽ không phân tích đúng hay sai ở đây, mà theo tôi cần hiểu cái gì sẽ đúng trong hoàn cảnh và thời điểm nào, và nó sẽ không còn đúng nữa khi nào.

Gốc rễ của vấn đề thì có nhiều, nhưng có một dòng tư tưởng thường xuyên được dẫn là của Zbigniew Brzezinsk. Trong cuốn “Bàn cờ lớn” của mình, ông đưa ra tầm quan trọng của địa bàn Ukraine trong việc cạnh tranh vị thế địa chính trị của Hoa Kỳ với Nga. Ông viết:

Trích : “Ukraine, một không gian mới và quan trọng trên bàn cờ Á-Âu, là một trục địa chính trị vì chính sự tồn tại của Ukraine như một quốc gia độc lập giúp chuyển đổi nước Nga. Không có Ukraine, Nga sẽ không còn là một đế chế Á – Âu. Nga không có Ukraine vẫn có thể phấn đấu cho vị thế đế quốc.

Nhưng khi đó Nga sẽ trở thành một nhà nước đế quốc chủ yếu châu Á, có nhiều khả năng bị lôi kéo vào các cuộc xung đột suy nhược với những người Trung Á đang kích động, những người sẽ phẫn uất về sự mất độc lập mới giành lại gần đây của họ và sẽ được hỗ trợ bởi các quốc gia Hồi giáo đồng bào của họ phía Nam. Trung Quốc cũng có thể sẽ phản đối khôi phục thống trị của Nga đối với Trung Á, vì mối quan tâm ngày càng tăng đối với các quốc gia mới độc lập ở đó…

… Sự xuất hiện của một nhà nước Ukraine độc lập không chỉ thách thức người Nga suy nghĩ lại bản chất của bản sắc chính trị và dân tộc của họ, mà việc này còn là một thất bại địa chính trị đối với nhà nước Nga.

Sự hủy bỏ hơn ba trăm năm của lịch sử đế quốc Nga có nghĩa là sự mất mát của một nền kinh tế công nghiệp và nông nghiệp giàu tiềm năng và 52 triệu người đủ gần gũi về mặt dân tộc và tôn giáo với người Nga để biến nước Nga trở thành một đế quốc thực sự rộng lớn và tự tin. Nền độc lập của Ukraine cũng tước đi vị trí thống trị của Nga trên Biển Đen, nơi Odessa từng là cửa ngõ quan trọng của Nga để giao thương với Địa Trung Hải và thế giới xa hơn.”

Theo quan điểm của ông, nếu Mục-tư-khoa giành lại quyền kiểm soát Ukraine với 52 triệu dân và các nguồn tài nguyên chính cũng như quyền tiếp cận Biển Đen, Nga tự động một lần nữa lấy lại đủ sức mạnh để trở thành một đế quốc hùng mạnh, trải dài khắp Châu Âu và Châu Á và kết luận:

“Việc Ukraine mất độc lập sẽ có hậu quả ngay lập tức đối với Trung Âu, khiến Ba Lan bị biến đổi vào trục địa chính trị ở biên giới phía đông của một châu Âu thống nhất.”

Càng đọc Brzezinski tôi càng ngờ rằng những gì ông này viết đã biến “Bàn cờ lớn” thành cuốn sách gối đầu giường của Putox, củng cố quyết tâm của hắn ta muốn một lần nữa, áp đặt ách thống trị của Mục-tư-khoa lên Ukraine bằng được. Theo nhận thức thô sơ của tôi, tôi cho rằng Brzezinski rất đúng từ khía cạnh của Nga, tức là Nga sẽ không thể bỏ được địa bàn Ukraine để cho nó (địa bàn này) rơi vào tay Hoa Kỳ và phương Tây.

Đáng tiếc là đọc cả cuốn này, ông ấy không phân tích được từ những khía cạnh của người Ukraine, dân tộc Ukraine và đất nước Ukraine, đặc biệt là về ước nguyện tự do của họ. Về khía cạnh này, tôi cũng giống ông ấy. Khi cuộc chiến tranh của Putox bùng nổ ngày 24/02/2022, tôi nhắn hỏi các anh Việt Kiều bên Ukraine: “Người Ukraine có quyết tâm chiến đấu chống lại quân xâm lược hay không?” Câu trả lời là “Cực kỳ quyết tâm!”

Khi nghe câu đó, tôi viết trong một bài nào đó, một trong những bài đầu tiên về cuộc chiến: “Tôi không biết Ukraine có thắng được hay không, nhưng tôi biết Nga chắc chắn sẽ thua.”

Như vậy ở đây quan điểm của Brzezinski về chiến lược địa chính trị của Nga đối với Ukraine, và chính cái chiến lược đó của Nga, bất di bất dịch và nó sẽ là đúng, từ phía Nga. Đất nước này, lãnh đạo của nó và cả rất nhiều những người dân Nga, luôn coi Ukraine là một phần không thể mất đi của nước Nga và với họ, việc thu hồi Ukraine về chỉ là vấn đề thời gian. Còn việc họ không lường được ý chí của người Ukraine, kể cả người Ukraine gốc Nga, lại là một chuyện khác.

Tuy vậy, tôi cũng không nghi ngờ rằng trong nội bộ lãnh đạo Hoa Kỳ trong suốt hơn nửa thế kỷ qua – chính xác là 80 năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, không thiếu những ý tưởng cho rằng nước Mỹ phải làm bá chủ, đóng vai sen đầm thế giới và Liên Xô (bây giờ là Nga, Trung Quốc) đang thách thức địa vị này của nước Mỹ.

Lịch sử cũng đầy rẫy những sai lầm, chẳng hạn cuộc chiến tranh Việt Nam, như nhiều người cho rằng đó là “sự thể hiện nóng của chiến tranh lạnh,” nhưng một góc độ khác thì đó chính là sự va chạm giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chống cộng (McCarthyism). Chính người Mỹ đã nhận ra đó là sai lầm và cái nhận ra cao hơn nữa, rằng không thể chống một hệ tư tưởng bằng hành động quân sự tức là chiến tranh, mà hoàn toàn có thể bắt tay với nó để làm nó thay đổi. Vì vậy họ rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam, cũng là rút khỏi sự sa lầy được nhìn thấy trước.

Người Nga không học được bài học này, họ sa lầy ở Afghanistan, và sau đó đế chế của họ sụp đổ. Nhưng cũng từ đó, vẫn những bài học tương tự người Mỹ lại không tránh được, và tạo ra trên thế giới những cái hố mới không biết bao giờ mới lấp được. Iraq, vẫn chưa yên ổn từ 1991 đến nay. Afghanistan thậm chí còn phức tạp hơn.

Có điều gì đó tương tự với chủ nghĩa cộng sản, nhưng ở đây là những hệ tư tưởng khác: hệ tư tưởng của thế giới Hồi giáo, hệ tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố… nó giống như chống dịch Covid, virus Corona không thể dùng quân đội và súng đạn để tiêu diệt nó. Năm 2017 tôi có viết bài báo về cuộc chiến chống khủng bố, và cho rằng để chống lại và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, chỉ có thể là nỗ lực của một thế giới văn minh để xóa đi ngăn cách giàu nghèo và thất học ở các nước, các cộng đồng dân cư chưa phát triển.

Dông dài như vậy thôi, chúng ta cần phải nhìn thấy một vấn đề cơ bản: Với lãnh đạo các cường quốc, nhất là nhóm các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bao giờ cũng có các quan điểm hòa dịu hơn cũng như diều hâu hơn. Điều này sẽ đặc biệt đúng với một quốc gia độc tài mà quyền lực tập trung vào tay một cá nhân được phép tự tung tự tác, nhưng với một nước như nước Mỹ thì là khó, thậm chí là rất khó.

Trong lịch sử đất nước này hơn 100 năm qua, từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến lần thứ hai, đều là những lựa chọn khó khăn và cực kỳ lưỡng lự. Thậm chí ngay khi đã “liều nhắm mắt đưa chân” rồi, họ vẫn còn đầy những mâu thuẫn nội bộ, vì cơ chế lưỡng đảng cấu thành nên nền Dân chủ rất đặc thù. Chính cái tính chất đặc thù này đã làm cho những tâm tư mong chờ vào nước Mỹ, thót tim nhiều lần, hết lần này đến lần khác mỗi khi thế giới có sự kiện quốc tế “kinh thiên động địa.”

Bây giờ thì là cuộc chiến tranh ở Ukraine – quay lại những ý kiến kiểu “muốn Nga chảy máu đến chết” hay “luộc ếch” gì gì đó… Điều cần nói đầu tiên, là Mỹ có muốn Nga sụp đổ, hay “chết vì chảy máu” hay không?

Có thể có người Mỹ này, người Mỹ khác mong điều đó. Nhưng cũng có những người Mỹ thân với Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Một là cực hữu, một là cực tả, và đã cực đoan thì là đáng sợ lắm. Nhưng bài học Liên Xô sụp đổ năm 1991 vẫn còn nguyên chưa hết nóng: Rất may là vũ khí hạt nhân đã tập trung được vào tay một thực thể được coi là có trách nhiệm, có năng lực, và tiếp quản luôn cái ghế của Liên Xô trong Hội đồng Bảo an.

Tuy nhiên sự tan rã đó đã để lại những hậu quả to lớn với những cuộc nội chiến bên trong nước Nga. Sự suy yếu của nước này về hệ tư tưởng (hệ tư tưởng cộng sản mất đi) làm nổi lên những vấn đề của chủ nghĩa khủng bố song song với phong trào giành độc lập của các dân tộc/quốc gia vẫn chưa tan rã tiếp tục từ cái Liên bang này. Nhưng mối nguy lớn nhất chính là tư tưởng Đại Nga sẽ dẫn tới những cuộc chiến tranh giữa những thực thể cũ vỡ ra từ Liên Xô.

Nước Mỹ hậu Liên Xô, không có được chiến lược phù hợp – thời gian thuận lợi nhất là giai đoạn Medvedev nắm quyền Tổng thống một nửa nhiệm kỳ đầu – ông này thực sự muốn đưa nước Nga đi cùng phương Tây, chứ không phải kiểu theo đuôi như thời Yeltsin trước đó. Thực sự phương Tây đã lúng túng với nước Nga thời Yeltsin, tuy nhiên có vẻ yên tâm hơn với một Putox sau đó tỏ ra hơi hơi tiến bộ. Nhưng cũng trở tay không kịp trước tình hình mới, là sự thay đổi thâm độc của Putox khi phải chuyển giao cái ghế Tổng thống một cách tạm thời cho Medvedev.

Nhìn chung tình thế là không thể cưỡng được, nhưng Mỹ và phương Tây không còn là họ của thời chiến tranh lạnh với Brzezinski nữa. Đặc biệt là nước Mỹ – tôi có cảm giác nước này lại quay lại với thời gian của những do dự, lưỡng lự như trước đây về vấn đề địa chính trị toàn cầu – tức là trong mối quan hệ của họ với hai chân vạc chính: Nga và Trung Quốc. Ngay cả thời ông Donald Trump làm Tổng thống, thì chính sách của Mỹ còn khó tả nữa: Vẫn “lưỡng lự” như thế (bây giờ tôi sử dụng một cái ngoặc kép, để chỉ tính không rõ ràng và quyết đoán) nhưng lại có thêm những yếu tố rất… hú họa của một tay “ba vạ về chính trị.” (Lại phải giải thích “ba vạ” nghĩa là gì: bavardeur, tay ba hoa, bốc phét hay bốc đồng).

Cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine năm 2022 nổ ra trong hoàn cảnh một nước Mỹ như vậy. Sau Trump, ông Biden có ý thức hơn nhiều về dân chủ. Vì vậy chính sách của nước Mỹ dưới thời Biden đương nhiên là ủng hộ Ukraine, vì cuộc chiến của Putox là phi dân chủ, có thể nói là phản động. Nhưng, như vậy cũng là hết. Để cho Ukraine mất độc lập, chính quyền Zelenskyy bị đổ, đồng nghĩa với một tư tưởng dân chủ mà thế giới văn minh, tự do xây dựng suốt mấy trăm năm, từ 1789 bị hoen ố và chà đạp. Nhưng như vậy cũng là đủ. Người Mỹ, người phương Tây có thể giúp Ukraine giữ chính quyền, không để mất nước, mất độc lập và tự do.

Nhưng họ không có mục tiêu, không có mục đích nào liên quan đến một nước Nga cụ thể nào đó, một nước Nga của Putox cụ thể nào đó, như Liên Xô trước đây. Tư tưởng chống cộng đã thay đổi rất lớn từ năm 1991, chỉ là Putox muốn lợi dụng nó, đổ nó cho phương Tây mà thôi. Nếu phương Tây mà giương lên ngọn cờ chống Nga, muốn Nga chết, muốn nó sụp đổ… thì mắc mưu của Putox.

Họ không có mục đích đó. Logic ở đây là, Nga của Putox muốn chiến thắng, mà chiến thắng bây giờ là chiếm được đất đai của Ukraine. Với người Ukraine, mất đất đai nghĩa là để cho tư tưởng thống trị, Đại Nga chiến thắng, vì thế họ không đời nào chịu. Nhưng với phương Tây và Hoa Kỳ, họ không có khái niệm gì về chuyện đó ngoài việc Nga vi phạm nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia được xác định trong Hiến chương Liên hợp quốc và đã đưa ra các lệnh cấm vận và trừng phạt.

Ở đây chúng ta đang hiểu nhầm vấn đề: cho rằng Mỹ và phương Tây phải có trách nhiệm về vấn đề này và có hành động trực tiếp (quân sự) chứ không chỉ là gián tiếp (trừng phạt về kinh tế và ngoại giao). Tôi cũng đã từng so sánh: Vị thế của Ukraine thua xa của Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Càng không so được với Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Philippines… đương nhiên là không so sánh được với các nước Tây Âu trong chính sách của Hoa Kỳ. Dù sao thì Ukraine vẫn là nước thuộc Liên Xô cũ, những nỗ lực của họ hướng tới Châu Âu, phương Tây bây giờ vẫn chỉ là mong muốn và các hành động đang có, là kết quả của các nỗ lực này hoàn toàn có thể bị thay đổi trong tương lai.

Từ đây, chúng ta cần xác định rõ ràng rằng, đánh bại Nga, làm cho Nga tan rã… hoàn toàn không phải mục đích của Mỹ và phương Tây. Nếu có điều gì đó phải đấu tranh chống lại, thì đó là tư tưởng Đại Nga, là tư tưởng chống Mỹ và phương Tây và “bài học chiến tranh Việt Nam” lại nổi lên, được củng cố bởi những bài học khác như Iraq hay Afghanistan. Ukraine đã được giúp đỡ bảo vệ chính quyền, điều đó đã dứt điểm. Còn thắng chủ nghĩa Đại Nga và tư tưởng bài phương Tây, không phải bằng chiến tranh.

Tất nhiên nếu đánh bại được Nga đến kiệt quệ, thì cũng có thể có nhiều người Nga mở mắt ra, nhưng đó không phải yếu tố quyết định. Thủ cấp chất cao như núi, máu đổ thành sông với nhiều con người của dân tộc này là quá đỗi bình thường, thậm chí là khoái cảm… nên thất bại với họ có khi còn là liều thuốc kích thích. Ở thời của thế kỷ XXI, chẳng ai dại gì đi đánh nhau với tư tưởng như vậy. Cho bọn họ chết đói là đủ, và cũng ở thời của thế kỷ XXI nếu họ không đói bánh mì, sẽ đói iPhone và chip Intel.  

Một trong những lý luận cơ bản của những giọng điệu trên đây, là nhiều thành phần vẫn lải nhải: Cuộc chiến tranh này là chiến tranh ủy nhiệm, là Mỹ và phương Tây ủy nhiệm cho Ukraine đánh Nga. Ơ hay, từ đầu đến giờ chỉ toàn Nga Putox là thằng gây sự, rồi “gắp lửa bỏ tay người” – lại đổ lỗi cho chính nạn nhân của mình là sao? Cuộc chiến đi qua khoảng 1 năm thì tôi viết bài này, nói về những yếu tố cơ bản để xác định như thế nào là cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Để khỏi bắt quý vị phải đọc dông dài, tôi xin tóm gọn một câu: Chiến tranh ủy nhiệm phải có yếu tố lợi ích. Quý vị nào chỉ ra được rằng, trong cuộc chiến tranh lần này của Putox ở Ukraine, Mỹ có lợi ích gì ? – tôi xin bái làm sư phụ. Tôi chỉ thấy họ tốn kém đủ đường: vũ khí, tiền bạc… Lại có rất nhiều người gọi họ là “lái súng,” hoặc lý luận rằng có chiến tranh thì các tập đoàn trong nước của họ có lợi. Ơ thế tiền đổ vào đấy, không từ tiền thuế của dân Mỹ thì là của dân Somalia à? Một khi yếu tố lợi ích không có, thì đừng bao giờ gọi nó là ủy nhiệm.

Trong bài này, tôi viết chóp bu Nga đã giải thích hoàn toàn sai về bản chất của cuộc chiến tranh này. Với chúng, chúng cần cuộc chiến tranh để khỏa lấp các sai lầm trong quá khứ: Trừ 2 thành phố lớn, chúng đã đưa nước Nga tới nghèo nàn và lạc hậu, thụt lùi về y tế và giáo dục đến mức thê thảm, hạ tầng cũng thê thảm không kém ở các thành phố xa và các vùng nông thôn… Có một điều sẽ đúng với tất cả các cuộc chiến tranh: “Sai lầm sẽ chẳng là gì nếu bạn thắng trong cuộc chiến.” Và Putox nghĩ là hắn sẽ thắng chỉ sau vài tuần, ai dè…

Sai lầm của Putox thì còn quá nhiều điều và cũng sẽ tốn nhiều lần để phải nói đi nói lại. Hồi 2016, một chiếc T-90 bị bắn cháy nổ tung bằng TOW, nó gây nên một chấn động để nhiều báo chí (xứ Đông Vạn Tượng) phải bàn cãi. Số là, cho đến thời điểm đó xe tăng Nga vẫn được coi là vô song. Nhân sự kiện này, tôi có viết bài “Từ chiếc T-90 bị bắn cháy nghĩ về nhãn quan quân sự Nga” đăng trên Soha. Trong đó tôi có đề cập đến sự thay đổi hay biến đổi của chiến tranh hiện đại khi nhân loại bước sang thập niên thứ 2 của thập kỷ XXI. Trong hoàn cảnh đó, ngay cả các cường quốc cũng sẽ không tham gia vào các xung đột quân sự trực tiếp với ý nghĩa là chiến tranh quy mô lớn.

Cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất sẽ được coi là cuộc chiến tranh quy mô lớn cuối cùng của các cường quốc. Thay vào đó, người ta sẽ thi hành các cuộc chiến tranh hạn chế: hạn chế về quy mô sử dụng lực lượng và về thời gian dành cho xung đột. Việc các cường quốc đi đến được khả năng này nhờ sự tiến bộ về công nghệ và đầu tư vào vũ khí chính xác. Đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 2003 Mỹ lật đổ chính quyền Saddam Hussein, chỉ kéo dài có 3 tuần. Hồi đó tôi viết:

“Hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh cũng như những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ cùng liên quân ở các chiến trường Trung Đông hay Afghanistan cho thấy có những sự thay đổi lớn trong chiến lược cũng như chiến thuật. Đồng thời tính chất của những cuộc xung đột cũng đã thay đổi, việc chiếm đất đai của đối phương không hẳn là quan trọng, mà là việc giành được thắng lợi quân sự phải đi kèm với thắng lợi về chính trị, từ đó mở rộng vòng ảnh hưởng của quốc gia về địa chính trị.

Do đó bây giờ họ tiến hành chiến tranh bằng việc tiêu diệt các mục tiêu có chọn lọc bằng các vũ khí thông minh có độ chính xác cực cao như bom thông minh, tên lửa hành trình. Từ đó các nhóm quân đặc biệt tinh nhuệ, bí mật tập kích chớp nhoáng rồi rút rất nhanh; kết hợp với việc thường xuyên kiểm soát chiến trường bằng vệ tinh, máy bay không người lái… Ưu điểm của chiến thuật “trực thăng vận” cực kỳ cơ động có từ trong Chiến tranh Việt Nam nay được áp dụng phổ biến rất hiệu quả. Một trong những thành công vang dội của nó là chiến dịch tập kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden (2011)” .

Thời điểm trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh toàn diện của Putox chống Ukraine tháng 2/2022, tôi đã viết về thực trạng quân sự Nga như vậy – nhưng để đăng được trên báo chí trong nước, phải viết nhẹ đi rất nhiều. Khi viết như vậy và tham gia một số diễn đàn, tôi có trao đổi thêm với một số thành viên và điều đáng nói rằng: Rất ít người tin vào những thông tin tôi cung cấp.

Ngay trước khi viết bài báo cả chục năm, tức là giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ, tôi đã từng hỏi móc một số anh em bên quân đội tôn thờ quân sự Nga, học cả ở Nga: Thế nước Nga của chú sẽ đánh nhau như thế nào khi vẫn dựa trên nền tảng Intel? Câm tịt, không trả lời được. Còn những tung hô khác, tôi cười xòa mà rằng: Thôi đi, đừng có bốc phét. Lâu nay có sản xuất được cái chó gì đâu.

Đến khi hai cái tàu đóng cho xứ Tây Phi không giao được vì hóa ra… động cơ của Ukraine làm, thì ngã ngửa ra với nhau.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó: những điều tôi viết bọn chóp bu Nga biết thừa, và chúng cũng lôi quân đội ra cải tổ. Sản phẩm của chúng là cái gì, bây giờ thì tất cả đều đã rõ. Suốt hơn chục năm, năm nào cũng xem duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, năm nào cũng nói với bạn bè rằng: toàn đồ rởm cả, đừng có tin. Cơ khổ, người bị không tin là tôi, không phải là cái quân đội Nga giẻ cùi tốt mã kia.

Bây giờ thì có ai nhắc những cái BTG hay Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn của thằng Gerasimov ở đâu đâu. Hồi nó mới ra, lại chẳng khen ngợi lên mây xanh.

Viết dài tràng giang đại hải, chỉ để mong quý vị hiểu được rằng, có rất nhiều điều chúng ta bị nhồi vào đầu suốt mấy chục năm qua. “Cứ Nga là nhân hậu” (nó ném bom giết cả trẻ em kia kìa!), “cứ quân đội Nga là hùng mạnh” (đang mặc quần thủng đít kia kìa), “cứ vũ khí Nga là bão lửa” (nhưng nó đòi một huyện xe tải chở đạn, đang bị đánh kho khốn nạn kia kìa), “cứ xe cộ Nga là nồi đồng cối đá” (nhưng gioăng phớt vòng bi đang hỏng bỏ mẹ không sản xuất được, không có mà thay kia)…

Vì thế, tất cả những cái “Mỹ muốn Nga chảy máu đến chết” hoặc “Chiến lược luộc con ếch Putox…”, đều là những biểu hiện thấp hơn của “Cuộc chiến tranh này là chiến tranh ủy nhiệm của Mỹ cho Ukraine đánh Nga...” Chúng ta cũng cần hiểu, người phương Tây cũng dăm bảy loại, không thiếu cực tả, cực hữu, thân Nga... đủ cả, và không phải cái gì họ nói cũng đúng. Khi có lão nào đó trình bày cái thuyết luộc ếch, tôi đã thấy nó nhảm nhí.

Có điều Putox nói cũng đúng, ví dụ sự tan rã của Liên Xô là thảm họa địa chính trị, điều này đúng, nó đem lại những vấn đề nghiêm trọng nhất định cho an ninh toàn cầu. Bây giờ nước Nga tan rã cũng chưa ai hình dung ra được hậu quả của nó sẽ như thế nào, tôi cũng không hiểu tại sao lại cho rằng phải tiêu diệt nước Nga và làm cho nó chảy máu đến ch.ết?

Suy cho cùng, gây ra chiến tranh cũng là Putox, và bây giờ việc dừng chiến tranh cũng nằm trong tay của hắn. Hắn cứ rút quân đi là hết chiến tranh. Đây là cuộc chiến của riêng hắn. Chẳng ai cố tình để hắn chảy máu cả, chỉ là năng lực của quân đội chúng nó chỉ có thế, muốn thắng buộc chúng phải đem hết của nả trong cái kho do Liên Xô để lại mà tiêu cho bằng hết. Có ai bắt hắn đánh nhau đến cỡ đó đâu?

Tin hôm nay: Thằng đại tá Alexey Kolomeytsev (Trưởng Trung tâm UAV Nhà nước Nga, chuyên Đào tạo lái máy bay không người lái Shahed) Trung tâm nhà nước 924 (Bộ Quốc phòng Nga, đơn vị quân đội 20924) đã bị ám sát tại Kolomna, Mục-tư-khoa vào thứ sáu ngày 27/9/2024.

Nguồn: Daily Express. Telegram, Newsweek, Interfax Ukraine

Kolomeytsev đã bị thanh trừng bởi một nhóm kháng chiến địa phương làm việc cùng với tình báo quân sự Ukraine, GUR – theo báo cáo của cơ quan này. Đây là một vụ ám sát quân sự mang tính chiến lược và kỹ thuật. Tên Đại tá 51 tuổi này là Trưởng đơn vị quân đội đào tạo các điệp viên máy bay không người lái Shahed của Nga. Interfax – Ukraine đưa tin rằng Kolomeytsev đã bị tiêu diệt vào sáng sớm ngày 27 tháng Chín tại khu vực Mục-tư-khoa.

Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào Bộ Quốc phòng Nga. Kolomeytsev được đánh giá là một quan chức quân sự cấp cao thuộc loại tài năng rất hiếm có, có năng lực thực sự trong chuyên môn kỹ thuật và được đãi ngộ đặc biệt. Hắn còn được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng Nga với các đối tác Iran. Những sĩ quan như Kolomeytsev rất khó thay thế, nếu xét đến các mối liên hệ, kiến thức kỹ thuật và khả năng đào tạo và phối hợp hoạt động của họ. Chính phủ Ukraine và HUR/GUR coi Kolomeytsev là tội phạm chiến tranh.

"Kolomeytsev, 51 tuổi, đứng đầu trung tâm nhà nước số 924 (đơn vị quân đội 20924) về hàng không không người lái của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, nơi đào tạo các chuyên gia về sử dụng máy bay không người lái trong chiến đấu, đặc biệt là 'shahed', cũng như nhân viên bảo trì UAV”.

Một quan chức Ukraine bình luận: “Phong trào kháng chiến đang mở rộng các hoạt động của mình trên khắp nước Nga và xa hơn nữa, như chúng tôi đã cảnh báo trước đây. Mọi tội phạm chiến tranh người Nga, mọi người tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine, đều là mục tiêu của chúng tôi, bất kể chức vụ, tuổi tác, giới tính và địa điểm. Chúng tôi sẽ tiêu diệt tất cả những ai có máu của người Ukraine trên tay cho đến khi chế độ Nga chấm dứt chiến tranh và trả lời cho mọi tội ác của mình.”

----

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã tóm tắt kết quả hoạt động của họ vào tháng Chín năm nay.

Sự kiện đã diễn ra dưới sự lãnh đạo của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, được tổ chức bằng mạng hội nghị truyền hình kín với sự tham gia của các chỉ huy các loại, các ngành, nhóm quân riêng biệt và người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự. Một số vấn đề mang tính thời sự đã được xem xét, đặc biệt: Các khía cạnh huy động, tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động của quân đội, nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội ta, nhu cầu khái quát hóa hoạt động, tính đến kinh nghiệm chiến đấu và nâng cao hiệu quả của hỏa lực. gây thiệt hại cho kẻ thù.

Các quan chức được xác định của Bộ Tổng tham mưu đã báo cáo phân tích việc thực hiện các nhiệm vụ tác chiến theo lĩnh vực hoạt động, các vấn đề còn tồn tại và cách giải quyết. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine đã xác định các nhiệm vụ và ưu tiên chính trong tháng tới.

----

Lực lượng phòng vệ Ukraine tấn công kho vũ khí quân sự “Kotluban” – tin mới nhất trong ngày 29/09/2024

Đêm qua, thiệt hại đã xảy ra đối với kho lưu trữ và hiện đại hóa vũ khí tên lửa và pháo binh của quân chiếm đóng Nga gần làng Kotluban, vùng Volgograd.

Theo thông tin nhận được, vào đêm trước cuộc tấn công, một đoàn xe và quân nhân đã đưa tên lửa Iran đến nhập vào kho vũ khí. Các “món đồ” bảo vệ dày đặc bằng phương tiện tác chiến điện tử và phòng không, tuy nhiên các đơn vị ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu. Có một đám cháy và phát nổ đạn dược trên lãnh thổ của kho vũ khí.

Hoạt động này được thực hiện bởi Lực lượng Hệ thống Không người lái với sự hợp tác của các đơn vị thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tổng cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng Ukraine và Cơ quan An ninh Ukraine.

Đã bảo là không được dùng vũ khí tầm xa để bắn vào Nga, thì ta xài cái khác mà!

Vinh quang cho Ukraine!

PHÚC LAI 29.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.