lundi 23 septembre 2024

Phạm Lan Phương - Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu và sự hào sảng của Sài Gòn

 

Tôi chỉ gặp ông Nguyễn Đình Đầu một lần, khi gọi điện thoại từ số bàn, người nhà của ông nghe máy, rồi ông bảo qua nhà đi, ông sẽ trả lời câu hỏi.

Điều khiến tôi đến gặp ông chỉ là để hỏi một câu đơn giản về Vườn Tao Đàn và sự tồn tại từ trước kia của nó. Từ cửa sổ phòng ông nhìn ra sẽ thấy những hàng cây xanh nối dài đến Tao Đàn. Ông giải thích cho tôi nơi ấy từng là vườn ươm với tên gọi khác.

Người Pháp cần biết trồng loại cây gì sẽ ổn với đô thị mà họ đang xây dựng. Cây gì có thể cho tàng mát vào mùa nắng, cây gì không phải quét lá quá nhiều vì lá rụng, cây gì có thân đặc không gãy ngang nếu mưa gió, và nhiều yếu tố khác. Đó là lý do vườn có nhiều loại cây lạ và đặc biệt, là để thể nghiệm với thổ nhưỡng địa phương của đô thị này.

Tôi chỉ hỏi có vậy, và cuộc trò chuyện hôm ấy sau đó kéo qua những thứ khác không liên quan đến bài viết tôi được giao, những thứ linh tinh về những biển hiệu như CE, về cái tên, dòng kênh, tường thành cũ, thứ tôi chẳng biết hỏi ai.

Đó là sự tò mò của một đứa thanh niên 21 tuổi với một ông già đã dành cả đời nghiên cứu đời sống và lịch sử tạo nên nơi này. Ông kiên nhẫn trả lời, nói chầm chậm, chỗ nào ông bảo không nhớ ông run run cầm bút viết lại để kiểm tra sau.

Khi tôi ra về, ông cho tôi hai tờ giấy photocopy, là hai bài báo lấy từ kho tài liệu cũ của ông, bảo nếu cần dùng làm gì thì lấy từ đó mà xem. Mấy hôm sau, tôi thấy số điện thoại ông gọi, ông bảo có một chi tiết ông nhớ sai, sau đó đọc lại cho tôi sửa.

Sau này, tôi chỉ "gặp" ông trong những lần đi nghe giới thiệu sách, thỉnh thoảng ông có mặt trả lời độc giả. Tay ông hơi run, nói chậm, nhưng mọi thứ thật rõ ràng, luôn đi kèm với chú dẫn là ông đọc từ đâu, lấy từ đâu.

Có thể ông không biết cuộc gặp chưa đến một tiếng đó đã cho tôi niềm yêu mới mẻ về thành phố. Khi ấy tôi mới lên Sài Gòn, tôi không nghĩ một nhà sử học nổi tiếng lại chịu bỏ cả tiếng đồng hồ giải thích cho một đứa nhóc vô danh những thứ lẽ ra phải ngồi học để biết. Ông kể về điều cũ bằng tình yêu dịu dàng và chân thật với đô thị nơi ông sống.

Ông là một trong những phẩm giá đã tạo ra Sài Gòn mà tôi được lớn lên trong đó nhiều năm sau đó. Tôi sẽ gặp thêm những người viết, những nhà nghiên cứu, những học giả. Đôi khi họ thậm chí không nhớ tên tôi, nhưng lại bỏ công mang sách vở bài giảng tới ngồi chỉ dẫn tôi mấy tiếng đồng hồ. Giúp tôi hiểu ra một điều, hay giúp tôi lớn thêm một chút nhờ sự học, hay photo mấy bài báo tài liệu chỉ dẫn tôi như ông đã làm.

Mỗi khi người ta nói về sự hào sảng của Sài Gòn, thường sẽ nhắc đến bánh mì miễn phí, cơm 2.000, trà đá mùa hạ. Còn tôi, nhớ đến những cuộc gặp vô tư, sự hào phóng chia sẻ tri thức vô điều kiện, những ao ước lan tỏa sự tò mò và thương mến với thành phố. Những người thầy đã giúp tôi lớn.

Sự khuyến học vô điều kiện của những người như ông, những người làm thầy, đã giúp tôi chịu học về điều cũ, điều mới, điều đã chết, điều còn sống. Thế giới sống của chúng ta đi trên vết chân của điều đã tàn phai. Ta làm sao có thể sống bằng quên lãng và chối từ?

Mỗi khi đi qua Tao Đàn, tôi lại nhớ cuộc chuyện trò năm đó: Đây là vườn ươm, để biết khí hậu, thổ nhưỡng, để xem cây gì nên trồng hàng loạt trong đô thị. Tôi nhớ về ông, điện thoại bàn, bài báo photo, bàn tay run chép lại chi tiết cần kiểm tra.

Cảm ơn ông, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Cảm ơn vì sự hào sảng của ông với đô thị này.

PHẠM LAN PHƯƠNG 21.09.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.