lundi 23 septembre 2024

Huỳnh Ngọc Chênh - Một dân tộc sợ hãi

 

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử, dân tộc sợ hãi đó không sáng tạo ra được một thứ gì.

Áo quần để mặc, công cụ để lao động hầu như đều du nhập từ bên ngoài. Cái quan trọng nhất là hệ thống ký hiệu để ghi lại những gì đã nói ra để nhớ, để lưu truyền lại đời sau cũng không nghĩ ra được. Dân tộc đó đã không sáng tạo ra được chữ viết cho tiếng nói của mình.

Mà ngay cả vận dụng chữ viết có sẵn của các nền văn minh cổ đại trong khu vực để chế ra chữ viết của riêng mình cũng không tự làm được. Miến, Thái, Lào, Cam, Chăm, Triều, Nhật đã làm được điều đó khi lấy chữ Ấn hoặc chữ Tàu biến ra thành chữ viết riêng của họ, ghi chép được tiếng nói của họ.

Dân tộc này, mấy ngàn năm truyền từ đời này qua đời khác, có ngôn ngữ riêng để nói chuyện trao đổi với nhau nhưng không nghĩ ra cách ghi lại tiếng nói của mình, mọi suy nghĩ đều truyền qua miệng. Sau đó lấy chữ Tàu làm chữ viết, mà thứ chữ ngoại tộc đó không ghi lại tiếng nói của dân tộc mình vẫn giữ nó làm quốc tự cả mấy ngàn năm.

Giai cấp thống trị cứ ghi ghi chép chép để đọc cho nhau nghe, dân không đọc được và không hiểu chút gì. Dân muốn làm đơn từ nêu nguyện vọng của mình lên với vua quan thì phải nói ý của mình ra rồi nhờ một người có học chữ Tàu gọi là Nho sĩ thông dịch ra tiếng Tàu, rồi viết ra thành văn bản bằng chữ Tàu để gởi đi. Chiếu chỉ, thông báo của vua quan truyền xuống cho dân cũng bằng thứ chữ ngoại tộc đó, nhờ “thông dịch viên” dịch ra tiếng Việt rồi sai người đi rao bằng miệng cho dân nghe. Bất tiện đến như vậy mà cứ để miết vậy dùng không dám nghĩ ra cái gì mới.

Mãi về sau này các trí thức tinh hoa mới dám lấy chữ Tàu đó chế ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình (có lẽ đây là sáng tạo duy nhất mà các bậc trí thức làm ra để phục vụ người dân). Tuy nhiên chính các vị tinh hoa ấy vẫn khinh rẻ nó và gọi là “nôm na mách qué”, nên để làm vài bài thơ cho vui chứ không chính thức dùng đến. Ngay cả thi hào Nguyễn Du làm ra một Truyện Kiều lừng lẫy bằng chữ Nôm nhưng chỉ khiêm tốn gọi là “để mua vui cũng được một vài trống canh”, trong khi đó ông rất tự hào về những sáng tác bằng chữ Tàu mà đến ngày nay chẳng mấy người biết đến.

Sau này, dân tộc đó lóe lên một Quang Trung dám thay đổi, dám đưa chữ Nôm đó lên thành quốc tự thay cho chữ Tàu ngoại lai, đặt bước đi đầu tiên cho nền độc lập về học thuật, cho công cuộc thoát Trung. Ấy vậy mà cũng bị dẹp bỏ ngay tức khắc sau khi Quang Trung chết đi và Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh bại. Nguyễn Ánh đã rất có lỗi với dân tộc, với lịch sử khi xóa bỏ mọi cải cách vừa nhen nhóm lên của Quang Trung, bắt cả dân tộc quay lui lại học chữ tàu, và trên nền tảng thứ chữ viết ngoại tộc đó, cưỡng bức nhồi nhét vào đầu dân tộc cả cái nền học thuật lỗi thời, từ chương, hủ lậu.

Đến thế kỷ 19 rồi, khi tàu bè hiện đại Tây Phương đã chạy ngang chạy dọc lùng sục khắp quả địa cầu, đã vào đập tận cửa từng quốc gia lạc hậu chậm tiến để đánh thức những kẻ còn mê ngủ dậy, mà vẫn còn bắt tinh hoa của dân tộc phải tụng thuộc làu làu tứ thư ngũ kinh mù tăm và vô dụng. Hậu quả của Nguyễn Ánh để lại là đẩy dân tộc đó đi miệt mài vào con đường u mê. Để đến thời hiện đại ngay cái chữ viết đang dùng rất tiện dụng là chữ quốc ngữ thì cũng là sáng tạo của các giáo sĩ đến từ phương Tây, chứ không phải của chính dân tộc này.

Sáng tạo trong đời sống, trong công nghệ khoa học đã không có, mà ngay cả sáng tạo trong văn chương nghệ thuật cũng chẳng có gì, ngoài thể thơ lục bát có từ dân gian. Trước đây thì cứ rập khuôn theo kiểu văn chương biền ngẫu của Tàu, thơ ca niêm luật kiểu Tàu. Đến khi Tây qua thì mới có văn mới, thơ mới tự do theo kiểu Tây. Rồi mới có âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc … dần dần ra đời. Nhưng đến hiện nay vẫn chưa có sáng tác gì gây tiếng vang ra thế giới (đúng ra cũng có được vài tác phẩm hội họa gây chú ý).

Đến tận thế kỷ 21 này rồi, thử hỏi dân tộc đó đã sáng tạo ra được thứ gì góp phần với nhân loại.

Tại sao như vậy?

Tại vì dân tộc đó bị áp bức, bị thống trị, bị đe nẹt, bị đóng khuôn tư duy theo tư duy của giai cấp thống trị từ đời này qua đời khác hàng ngàn năm, trở nên quá sợ hãi, không dám nghĩ ra điều gì khác lạ nên mất đi sự sáng tạo. Không có tự do tư duy thì làm gì có sáng tạo.

Giai cấp thống trị đời này qua đời khác lấy sự sợ hãi ra làm phương tiện để cai trị người dân. Đưa ra những hình phạt nặng nề đe dọa để làm cho người dân khiếp nhược để biến họ thành nô lệ, thành con dân run sợ chứ không phải con người đúng nghĩa, nhằm bảo vệ đặc quyền của họ.

Bản thân giai cấp thống trị lại khiếp nhược sợ hãi, tìm chỗ dựa vào bọn thống trị mạnh hơn ở phương Bắc để mong được yên thân và tồn tại. Họ sẵn sàng chịu nhún mình làm chư hầu, không phải tìm sự yên ổn hòa bình để phát triển đất nước hầu thoát ra khỏi sự lệ thuộc, mà nhằm tìm chỗ dựa để yên tâm thống trị và áp bức con dân trong nước.

Ngoài cái chuyện hàng năm phải đi cống nạp vật chất thì còn làm cái điều nguy hiểm vô cùng đó là tự nguyện xin lệ thuộc mọi mặt về tinh thần. Nhất nhất học theo mọi thứ của thế lực thống trị cường quyền phương Bắc, từ chữ viết, tư tưởng, thi ca, học thuật, cách cai trị, luật pháp, giáo dục, thi cử, cách tuyển chọn nhân tài. Cả ngàn năm qua giai cấp thống trị không dám nghĩ ra cái gì mới khác với phương Bắc, và không cho dân chúng nghĩ ra cái gì mới mẻ. Giai cấp thống trị xuất hiện một ý tưởng lạ là xem như chống lại thiên triều, dân có ý tưởng lạ là bị kết tội phản nghịch triều đình.

Khi bị đẩy đến tận cùng áp bức bởi thế lực ngoại xâm thì người dân này mới dũng cảm đương đầu với thế lực cai trị đó, họ phải tìm cái sống trong cái chết. Nhưng với thế lực áp bức nội địa thì họ run sợ, không dám đứng lên chống lại.

Điểm lại lịch sử từ thời Ngô Quyền (938) đến nay là trải qua gần 1090 năm, dân tộc này đã có nhiều lần chống lại quân ngoại xâm thành công vang dội, nhưng duy nhất chỉ một lần nổi dậy lật đổ tập đoàn thống trị trong nước thành công. Đó là thời anh em Tây Sơn khởi nghĩa đánh đổ tập đoàn thống trị Chúa Nguyễn và tiếp theo đó là các tập đoàn Chúa Trịnh và Lê Triều.

Sau này vào thời nhà Nguyễn cũng có vài cuộc nổi dậy lẻ tẻ chống lại ách thống trị nội địa, nhưng vì người dân quá sợ hãi, không dám đi theo, không có số đông nên bị đánh dẹp dễ dàng. (Lịch sử cho thấy suốt từ thời Ngô Quyền đến nay, tập đoàn phong kiến thống trị này tiếp nối tập đoàn thống trị khác không phải do từ người dân nổi dậy lật đổ, mà do chính thế lực trong triều đình soán nghịch lẫn nhau. Dĩ nhiên trừ thời Tây Sơn đã nói, và thời Lê Lợi nổi lên chống quân Minh xâm lược.) 

Chính sự sợ hãi kéo dài đã tiêu diệt óc sáng tạo của người dân. Mà rất đáng lo ngại, sự sợ hãi đó vẫn kéo dài đến tận ngày nay, và chưa thấy có dấu hiệu khi nào mới được dứt bỏ.

Nhận định lại lịch sử không phải nhằm phê phán cha ông, bôi bác quá khứ mà để bình tỉnh tìm ra căn nguyên cái yếu của dân tộc, cái chưa được của dân tộc. Phải tự biết mình như thế nào hầu có một hoạch định đúng đắn và lâu dài cho tương lai.

Dân tộc này còn nhiều ngàn năm phía trước nữa.

HUỲNH NGỌC CHÊNH 23.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.