jeudi 5 septembre 2024

Hoàng Nguyên Vũ - Thái Công, hãy về đúng vị trí !

1- Nguồn gốc lao động, tốt nghiệp trường nghề

Thái Công sinh ra trong một gia đình lao động bình thường, không thượng lưu thượng luyến gì cả (nếu có chắc chắn khoe rồi). Gia đình bán bánh bột lọc. Chín tuổi qua Đức, học nghề biểu diễn ảo thuật đường phố. Năm 15 tuổi, bắt đầu hành nghề biểu diễn ảo thuật trong các tiệc sinh nhật, đám cưới.

Mãi sau này khi về Việt Nam, bắt đầu “nổi tiếng” với việc tự la làng lên “sang giàu thượng lưu” thì gia thế “bánh bột lọc” không còn. Những dấu tích quá khứ gần như không hiện hữu trong các lần nói chuyện “sang chảnh” của nhân vật này.

Thái Công cũng chưa từng kể mình học hành thế nào trong cái hoàn cảnh vừa học vừa biểu diễn ảo thuật kiếm tiền khắp nơi. Trong cái quá khứ bí ẩn ấy, y nói rằng y học thiết kế thời trang tại Đại học Akademie JAV, Hamburg sau đó làm stylist kiêm nhiếp ảnh.

Thực tế, Akademie JAV không phải là trường đại học, nó là một trường nghề tư nhân ở Đức. Nghĩa là không có thời trang sang chảnh lấp lánh gì, đơn thuần chỉ là trường nghề và ra trường làm stylist, nó là nghề tự do.

2 - Các giải thưởng hoang tưởng

Trong “lý lịch trích chéo” mà Thái Công viết trên các phương tiện truyền thông, Thái Công nhắc đến ba giải thưởng và từng tự hào là người Việt Nam duy nhất được một trong ba cái giải thưởng ghê gớm ấy.

Tạp chí Bazaar Việt Nam, đăng: “Với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và trang trí nội thất, tên tuổi của anh đã được khẳng định bởi nhiều giải thưởng danh giá như giải Infinity Award do Hội đồng ICP ở New York – Hoa Kỳ, Sư tử Vàng ở Cannes – Pháp và giải Đồng do Hội đồng ADC ở Đức vinh danh”.

Tôi lần lượt tìm từng giải thưởng của tất cả các lĩnh vực như bài báo nhắc, thì giải “Infinity Award”, không được gọi là giải thưởng, chứ chưa nói là “giải thưởng danh giá”. Bởi top các giải thưởng danh giá của các lĩnh vực thời trang, nội thất và kể cả nhiếp ảnh, không có tên giải thưởng này.

Có chăng, đây là một giải tự trao tự sướng, kiểu như “người đẹp duyên dáng bơi lội” của một cuộc thi hoa hậu ao làng nào đó. Thế mà qua miệng y, nó ghê gớm ngang ngửa Oscar và trở thành công cụ cho một hành trình phông bạt loè loẹt.

Chưa, tôi chưa vội chúc mừng sự ngây ngô thiếu hiểu biết của người viết bài trên tạp chí Bazaar Việt Nam đâu. Cứ từ từ chờ tiếp giải thưởng này, vâng, “Sư tử vàng ở Cannes”

Tôi tìm các giải tại Liên hoan phim danh tiếng – Cannes, thì không hề có giải nào mang tên “Sư tử vàng”. Còn khi tìm giải “Sư tử vàng” thì nó là giải của Liên hoan phim Venezia, cũng là một giải lớn của điện ảnh. Vậy, Thái Công đóng phim hồi nào, đạo diễn phim gì, quay phim gì hoặc làm gì liên quan đến phim để được giải “Sư tử vàng”? Tôi tìm lịch sử giải thưởng này, đáng tiếc, cũng chẳng có ông nào tên Thái Công được giải này. Còn bán nội thất hay làm stylist, biểu diễn ảo thuật thì liên quan quái gì đến sư tử với cả hổ chứ?

Vậy rõ rồi nhé. Chúc mừng những tờ báo nhẹ dạ, ngây thơ, lười kiểm chứng thông tin của Việt Nam cũng như chúc mừng hệ thống quần chúng của Xuân Tóc Đỏ đã góp phần tuyên truyền dối trá cho một cá nhân hoang tưởng.

3 – Chỉ là người bán lẻ nội thất, không phải nhà thiết kế

Khác với “lĩnh vực thời trang” còn gọi là tốt nghiệp trường nghề, thì lĩnh vực thiết kế nội thất, Thái Công chưa thể (hoặc chưa kịp) đưa ra là mình tốt nghiệp trường nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, danh xưng “nhà thiết kế nội thất thượng lưu” là tự xưng, việc thiết kế nội thất của Thái Công là tự phát, là nghiệp dư.

Đấy, một người làm nghề nghiệp dư mà đã từng đi chê bai tất thảy từ kiến trúc sư ở các công trình lớn hay các chuyên gia nội thất khác, mà còn được xưng tụng, thấy ngược đời không?

Thảo nào, khi nghe đến việc bịt hết ban công của một căn hộ thành một không gian kín như bưng cho hành trình “thượng lưu hóa” sau đó nghe giải thích về ý đồ thiết kế là “để lắp máy lạnh” tôi và rất nhiều người đã nghi ngờ về trình độ của tay này. Giờ thì khỏi nghi ngờ gì nữa.

Còn các công trình của y, đầy trên web, các bạn chỉ cần lấy hình ảnh xuống rồi so sánh trên google image, các bạn sẽ thấy “sáng tạo” của y là như thế nào, giống ai, tôi không cần giải thích nhiều vấn đề này.

Y từng nổ có 35 năm trong nghề thiết kế nội thất, vào năm 2020. Thời điểm đó, Thái Công mới 48 tuổi, nghĩa là y thiết kế nội thất năm 13 tuổi. Năm 13 tuổi, thậm chí 18 tuổi, y còn đang đi biểu diễn ảo thuật cơ mà?

Theo tôi được biết, sau thời gian làm stylist, Thái Công cùng bạn mở một cửa hàng bán đồ nội thất ở Đức, mà y từng nói là chiếm đến một nửa con phố Eppendorfer ở Hamburg. Đã có một bạn tìm hiểu cái cửa hàng này, tại con phố dài 3km này thì cửa hàng của Thái Công không dài đến 1,5 km đâu, nó rất bé, có 15 mét thôi ạ. Đến đây thì tôi muốn lạy luôn rồi đó.

4 – Không phải “nghệ thuật”, chỉ chất cho nhiều đồ

Năm 2012 Thái Công về Việt Nam. Thời điểm đó, y tính mở một tạp chí mà theo y là “sang trọng đẳng cấp quốc tế” và hướng đi của y là nội thất để đặt chân vào nhà của giới thượng lưu, đã từng tuyển một bạn vào làm và bạn này sau này là biên tập viên của tôi thời tôi làm chủ một tạp chí.

Y từng nổ về tạp chí này rất ghê gớm nhưng sau khi đối diện với thực tế, để làm tạp chí ở Việt Nam, bạn cần vốn ít nhất là 1 triệu đô mà vẫn chưa biết được tương lai của tạp chí ấy, nên y đã cho ý định làm tạp chí rơi vào quên lãng.

Để rồi sau đó, tự dưng ở đâu mọc lên Thái Công, “nhà thiết kế nội thất tài ba dành cho giới thượng lưu” quảng cáo ầm ĩ, tuyên ngôn, với đủ kiểu phông bạt và rồi càng ầm ĩ lên khi nghe đâu thiết kế công trình cho gia đình Vũ – Thúy (Đoàn Di Băng, đa cấp Lô Hội), mà không có bất cứ bảo chứng gì về mặt chuyên môn, kể cả những “công trình mẫu” thì sai be bét.

Đâu đâu Thái Công cũng nổ mỗi công trình của Thái Công là một “tác phẩm nghệ thuật” trong khi không có kiến thức để hiểu vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là tác phẩm hội hoạ trong công trình. Chỉ thấy cứ chất đồ cho nhiều, như thể bán càng nhiều càng tốt. Như vậy là bản chất con buôn chứ nghệ thuật gì đây đâu?

5- Nổ, khoe, thường xuyên nói đạo lý và thích dạy đời

Nổ, khoe và nói đạo lý, dạy đời có vẻ là thứ khoái khẩu của Thái Công. Hễ ăn cái trứng vịt lộn hay một đĩa rau muống, Thái Công đều đưa tất tần tật lên mạng và khoe cái đĩa cả tỷ đồng cái chén cả trăm triệu. Khoe hình đi máy bay hạng sang, khoe hình dùng va li hiệu, tuyên ngôn về du lịch sang trọng, tuyên ngôn về đời sống thượng lưu, loạn cào cào trên mạng.

Mặt thì sến súa, phong cách thì phèn và quê mùa, mà hễ cứ mở miệng ra là dạy người ta sống sang, tự huyễn hoặc mình thượng lưu, thế mới kinh. Mà nói thật, ở cái tuổi đó, ai lại đi khoe như trẻ trâu gái ngành vậy chứ?

Chỉ có mấy đứa phông bạt khoe của để lùa gà và tìm những bạn tình mê vật chất mới khoe chỗ ngồi trên máy bay và ăn chỗ nọ uống chỗ kia, chứ người giàu thật sự, mấy cái thứ đó có gì mà khoe? Thế mà trăm người tin vạn người ngưỡng mộ, vác thân đến uống ly trà mấy trăm nghìn và bị một kẻ rỗng tuếch dạy cho là “kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm”

Kiến thức trường nghề dữ chưa? Kinh nghiệm phông bạt dữ chưa? Trải nghiệm khoe khoang dữ chưa?

Thà cứ sống đúng với mình, là một con buôn đồ nội thất mua 1 bán 1.000 hay muốn bán cao bao nhiêu nữa tùy, do thuận mua vừa bán miễn là đóng thuế đúng. Chứ nổ là nhà thiết kế nội thất hàng đầu gì đó, chuyên gia phong cách sống gì đó, chẳng khác gì lừa đảo người ta, dù tất cả những người thuê y đều tự nguyện. Nhưng hậu quả tai hại là mang đến những cái hiểu lệch lạc về kiến trúc và nội thất, thậm chí lệch lạc luôn cả lối sống khi nghe nói quá nhiều thứ không đúng xung quanh.

Cá nhân tôi và y không đụng chạm quyền lợi, không thù không hận với y và tôi biết, vận hành một doanh nghiệp cũng muôn vàn khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng ta được quyền dối trá. Tạo ra một cộng đồng ảo, hoang tưởng và quá thiên về vật chất, đó cũng là tội ác.

Vụ việc Thái Công tôi khép lại ở đây để tập trung vào việc của mình. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

HOÀNG NGUYÊN VŨ 04.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.