samedi 9 mars 2024

Lưu Trọng Văn - Tâm Bụt, tâm Phật

Kinh thành xưa thái tử Tất Đạt Đa họ Thích Ca sinh ra và lớn lên hầu như không còn nữa. Cổng thành gạch nung nơi thái tử từ bỏ ngai vàng, cung điện, quần thần, kẻ hầu người hạ ra đi giờ hầu như chẳng còn dấu tích gì.

Cuộc ra đi này có nặng nề không? Theo gã là rất nhẹ nhàng, vì cái mà ngài cần không có trong những gì ngài có. Vậy cái gì Ngài cần? Sự Công bằng? Tự do? Lý tưởng? Con đường- Đạo? Hay bộ mặt thật của trẻ thơ?

Gã luôn thích tưởng tượng ra ông Bụt của riêng mình. Tuổi thơ của gã biết và thích ông Bụt trước khi biết ông Phật, mà đâu biết rằng Phật chính là Bụt của người nhà quê xứ Việt gắn với chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa xứ Việt. Gã như nhiều đứa trẻ Việt lớn lên với lời người nhớn, khi thấy ai đó tử tế, thương người thì cho là: Có tâm Bụt- có tâm Phật.

Tâm ấy là gì?

Lúc này tại nơi chàng thái tử Tất Đạt Đa ra đi, gã lần theo bước chân ngài.


Một đứa trẻ Nepal chừng ba tuổi ngồi nhắm mắt thiền. Khuôn mặt chú bé thật dễ thương, ngón tay cong lên bắt ấn rất điệu nghệ. Gã bước qua quay lại, chú bé hi hí mắt, thấy gã nhòm liền nhắm mắt lại. Diễn! Diễn sâu. Một cô bé chừng 9 tuổi mặc váy dài đỏ xua chú bé dậy. Cô bé cười và bảo nó hé mắt để xem có ai cho nó tiền.

Cô bé nắm tay gã thân thiện. Gã cũng quá biết đằng sau sự thân thiện ấy là gì. Tại Ấn Độ, nơi Phật đắc đạo gã đã chứng kiến cậu bé gầy gò, đen nhẻm cầm bìa giấy quạt cho một du khách khi du khách ngồi dưới nắng. Tại nơi Phật thuyết giảng kinh “Chuyển pháp luân” nói về khổ và diệt khổ, một cô bé cũng gầy gò, đen nhẻm, chân đất, tóc rối, đứng bên một cái hố nhắc mọi du khách cẩn thận kẻo tọt chân xuống hố. Nhiều du khách, phật tử từ muôn phương đều nhận ra cái mục đích của những cử chỉ tử tế ấy là gì. Họ lãnh đạm và thờ ơ.

Cô bé tên Plenia học lớp ba. Gã nắm tay cô bé lúc đầu vì không nỡ buông ra. Nhưng rồi cô bé quên mình đang làm công việc gì mà hồn nhiên và say sưa chỉ gã căn nhà gỗ có vẽ những cảnh vật nhiều màu sắc trên vách, trên cửa: nhà Nepal! Cô bé chỉ con bò, con cừu đang gặm cỏ: bò Nepal, cừu Nepal. Thấy hoa dại trắng đỏ ven đường cô bé hái đưa gã. Rồi trong hoàng hôn rực rỡ cô bé tung tăng phía trước trên bờ ruộng dẫn gã vào giữa cánh đồng lúa mì đang trổ bông. Đến bên chú bù nhìn, cô bé chào chú như chào một đứa bạn. Cứ thế, cứ thế…

Gã nắm tay cô bé, lúc này mới cảm nhận cái sần sùi lòng bàn tay cô bé,mới cảm nhận hơi ấm của từng ngón tay gầy guộc truyền sang các ngón tay của gã.

Khi chia tay. Gã rút ra 500 rubi duy nhất mà gã có, trao cho cô bé. Cô bé khẽ cười. Chao ơi gã giật mình khi nhận ra đằng sau bờ môi trẻ thơ ấy là sự mãn nguyện vì những gì cô bé làm cho gã đã được đáp trả. Cô bé cẩn thận đút tờ 500 rubi vào túi. Gã hiểu và ứa nước mắt nghĩ, khi hoàng hôn tắt, cô bé chạy về nhà và nói: Mẹ ơi! Tiền con vừa kiếm được đây.

Trên chuyến bay dằng dặc về lại Sài Gòn, hiện lên trong gã thú thật không phải các tháp cổ vĩ đại thờ Đức Phật mà là khuôn mặt của những đứa trẻ. Chúng làm những cử chỉ tốt để kiếm tiền và coi đó là việc kiếm tiền bớt đi gánh nghèo khổ cho cha mẹ chúng. Bất chấp cái nắng gắt hoặc gió bụi hoặc cái lạnh run chúng kiếm sống bằng sự tử tế, kiên nhẫn, cần mẫn, trách nhiệm và thêm một điều nữa, cái điều thánh thiện nhất: Hồn nhiên.

Gã nghĩ ông Phật tưởng tượng của mình khi xuất gia đã nhận ra cái lớn nhất cần có để đắc đạo và hành đạo chính là Tâm Phật để: luôn nhìn thấy bộ mặt thật đáng yêu của trẻ thơ.

LƯU TRỌNG VĂN 09.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.