vendredi 15 mars 2024

Huy Đức - Chiến tranh

Ngày này, 15-3, của 45 năm trước, tôi nhập ngũ. Hôm 5-3-2024, ngồi uống rượu ở nhà bác sĩ Nguyễn Thái Long [tác giả cuốn sách nói về cuộc chiến của các anh, E 567, trong ngày 17-2-1979, Tiếng Vọng Đèo Khau Chỉa], giật mình nhớ, 5-3-1979 là ngày Chủ tịch Nước phát lệnh Tổng động viên; giật mình nhận ra, trong 7 người đàn ông có mặt hôm ấy có đến 6 người từng là lính.

Người còn lại, PGS Ngô Văn Giá, khi ấy đang có 4 người anh ở trong quân ngũ nên xã cho ở nhà học lên đại học.

Tôi không biết con số thương vong của người Việt trên Biên giới phía Bắc trong cuộc chiến giằng co 10 năm, 1979-1989, là bao nhiêu. Ở chiến trường Campuchia, có không ít hơn 60 nghìn liệt sĩ và hơn 200 nghìn thương binh. Phạm Xuân Minh, em trai của một người ngồi chung bàn hôm ấy, Phạm Xuân Nguyên, cũng hy sinh ở Campuchia khi vừa tròn 20 tuổi.

Nhà tôi gần cả "Ngã Ba Đồng Lộc", gần cả “đường Khe Giao” nên tôi đã sống với đạn bom từ khi chưa vào lớp Một. Những quầng lửa trên lưng Truông Bát. Những chiếc xe tải cháy gục ven đường. Những cáng thương đầy máu. Và, những chị thanh niên xung phong gào thét, cào cấu vì hội chứng hysteria.

Ngày 7-11-1972, B52 băm nát xóm tôi, 6 người làng bị giết.

Về sau, khi nhiều lần đi trên “đường 20 quyết thắng”, dừng lại thắp hương ở “Hang 8 Cô”, “Hang Y Tá”, tôi thường tự hỏi, ai mới thực sự là “những người không tiếc máu xương” của nhân dân; làm sao có thể đưa những cô gái 18, đôi mươi ném vào những nơi thâm sơn cùng cốc ấy.

Cuộc chiến tranh mà chúng tôi phải cầm súng diễn ra khi, về đối ngoại, Việt Nam chọn “Nhất Biên Đảo” với Liên Xô; về đối nội, công cuộc ảo tưởng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” làm kiệt quệ sức dân, sức nước. Hình ảnh bộ đội không còn như trước; “chúng tôi” những người lính đang “cầm súng bảo vệ Biên cương” vẫn gieo rắc cả nỗi sợ hãi cho phụ nữ và cho cả các chuồng gà, nương sắn của dân vùng biên giới.

Trưa 12-3-2024, khi ngồi bên bờ sông Đuống, cũng lại chỉ có một trong bốn thằng đàn ông không phải mặc áo lính, chúng tôi nói với nhau, “Những ngày đó chúng ta đã không được sống như những con người”.

Ngày 14-3-2022, tôi viết:

“Không có quốc gia nào lựa chọn được hàng xóm, nhưng một dân tộc có phẩm giá không bao giờ biến mình thành ‘tù nhân địa lý…’ Đứng trước những thế lực bất chấp đạo lý và pháp lý, bất chấp chủ quyền quốc gia, nếu hèn nhát thì không những không thể giữ được hòa bình, không thể giữ được bờ cõi mà phẩm giá của dân tộc ấy cũng muôn đời bị lăng nhục”.

Nhưng, mỗi dân tộc cho dù đã hy sinh để bảo vệ phẩm giá cũng cần biết lượng giá xương máu. Lịch sử không có chữ nếu nhưng luôn có bài học.

Tối qua, nằm coi xong bộ phim “20 Ngày ở Mariupol” [Một phim tài liệu mục kích tội ác và sự dối trá của Matxcơva], lại bàng hoàng tự hỏi, tại sao trong thời đại ngày nay, thế giới vẫn bất lực trước những tên tội phạm như Putin.

Đáng sợ nhất là có những cuộc chiến tranh nổ ra chỉ vì cơn nghiện quyền lực của những kẻ đứng đầu, những kẻ không coi dân mình là con người. Đáng sợ hơn là những kẻ thích sử dụng chiến tranh xâm lược để thỏa mãn quyền lực cá nhân ấy luôn có một bọn người đồng lõa, bọn người cho dù ở rất xa ấy, luôn muốn dùng máu của người khác điểm tâm cho các lạc thú của mình.

HUY ĐỨC 15.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.