1. Đã hoàn thành rút quân khỏi Avdiivka
Sáng sớm hôm nay, lúc 7 giờ 4 phút theo giờ Hà Nội, tức là 2 giờ 4 phút giờ Kyiv, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine đã thông báo trên các nền tảng của mình đoạn tin ngắn như sau:
“Căn cứ vào tình hình hoạt động quân sự xung quanh Avdiivka, để tránh bị bao vây, để bảo toàn tính mạng và sức khỏe của quân nhân, tôi quyết định rút các đơn vị ra khỏi thành phố và chuyển về phòng thủ trên những tuyến thuận lợi hơn.
Các chiến sĩ của chúng ta đã vinh dự hoàn thành nghĩa vụ quân sự, làm mọi cách để tiêu diệt những đơn vị quân đội tốt nhất của Nga, gây cho địch những tổn thất đáng kể về nhân lực và trang thiết bị. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình và duy trì vị trí của mình. Mạng sống của quân nhân là giá trị cao nhất.
Chúng tôi vẫn sẽ đòi lại Avdiivka.
NIỀM TỰ HÀO CHO UKRAINE!”
Bình loạn : Để theo dõi lại tình hình, quý vị độc giả có thể đọc lại bài hôm qua của tôi ở đây.
Vậy là, đến sáng hôm nay thì các chỉ huy Ukraine đã quyết định sát với dự báo của tôi hơn là một số chuyên gia quân sự quốc tế, vẫn hy vọng rằng sẽ có một cú phản công của quân Ukraine vào mũi tấn công đã tiến rất xa của Nga, theo bản đồ này:
Riêng anh phi công Denys Davydov thì cho rằng, đó chỉ là hy vọng vì lực lượng tại chỗ của Ukraine, trông cậy nhất vào Lữ đoàn xung kích số 3 thì đã quá mệt mỏi, và các lực lượng thay thế thì không phải là chưa tới, mà là di chuyển vào để thế chân cho Lữ đoàn số 3, là việc hoàn toàn không nên. Vì vậy việc rút quân là phù hợp.
Căn cứ vào giờ của thông báo được công bố, chúng ta có thể đoán được rằng việc rút quân được tiến hành kết thúc trước nửa đêm hôm qua theo giờ Ukraine, vì người ta chỉ công bố khi mọi thứ đã xong xuôi. Như vậy là, Nga lại chiếm được một địa điểm chỉ sau khi sử dụng một lượng bom đạn cực kỳ khủng – kiểu đánh nhau ngu ngốc không có tí chất xám nào. Tôi mà là fan cuồng của quân sự Nga tôi sẽ thấy hết sức xấu hổ, vì độ ngu xuẩn của cái quân đội này, từ việc xác định mục tiêu chiến lược đến thi hành các biện pháp chiến thuật, và cả mức độ tàn bạo không chỉ với đối phương mà với cả binh lính của chính mình.
Một số ý khác, xin phép được bình luận tiếp sau.
2. Chuyện thứ hai: Alexey Navalny, nhà hoạt động đối lập với Putox, đã chết, ở tuổi 47. Điều này được công bố bởi Dịch vụ Nhà tù liên bang Nga. Điều này nằm trong dự báo của tất cả những nhà quan sát và phân tích chuyên về Nga trên trường quốc tế vì từ trước đã có nhiều báo cáo về điều kiện giam giữ tồi tệ của chính quyền Nga với nhà hoạt động này.
“Vấn đề được đặt ra” của sự kiện “cái chết của Navalny” là: tại sao anh lại chết vào đúng thời điểm này (thậm chí những người theo chủ nghĩa phiêu lưu có thể gắn nó với… sự kiện Nga chiếm được Avdiivka). Chẳng cần phải là chuyên gia gì, chúng ta có thể đặt ngay câu hỏi: bất kỳ ai cũng có cảm nghĩ như thế nào về cái chết “hợp thời” này? Và chắc chắn điều đầu tiên ai cũng nghĩ đến là: Putox cuối cùng đã giết chết Navalny!
Chúng ta cần để ý rằng, Navalny đã ra đến hải ngoại, rồi lại quay trở về trong nước để bị giam cầm. Anh đã hy sinh tự do của mình để đổi lấy tình trạng bị giam cầm – dù với bất cứ tội danh gì – để lấy hồ sơ chính trị, hay như trong ngôn ngữ dân dã của chúng ta, gọi là “lấy số má.” Chỉ cần như thế, anh ta đã trở thành đối thủ số 1 của Putox. Chừng nào Navalny còn sống dù bị giam trong tù thì phe đối lập Nga vẫn còn có hy vọng. Putox đã 70 tuổi và có tình trạng sức khỏe từ nhiều nguồn tin được đánh giá là tồi tệ và có thể chết bất cứ lúc nào.
Đó là lộ trình của phe đối lập Nga. Người ta chờ đợi cái chết của Putox và Navalny sẽ được phóng thích khỏi nhà tù, khi đó thì nước Nga sẽ có cơ hội để thay đổi. Cá nhân tôi thì cho rằng đó là một lộ trình vô vọng. Putox đã đổ rất nhiều tiền của, trong đó có cả dự án của con gái hắn, để tìm cho hắn những liều thuốc trường sinh bất lão. Nay chỉ có người Ukraine mới có thể thúc vào lưng hắn để hắn trượt dài trên con dốc đến bờ vực của sự diệt vong.
Với cái chết Navalny và tình hình hiện tại ở Nga không cho phép bất kỳ phe đối lập mới nào nổi lên, mọi hy vọng đối với người dân Nga rằng họ có thể ngồi chờ Putox tại vị thêm vài năm nữa là cùng và sau đó sẽ có một sự thay đổi nào đó, đã tiêu tan. Có lẽ Putox bắt thóp được người dân Nga với tâm lý này. Tôi khá tự tin khi viết vậy, ngay cả khi có nhiều ý kiến căm ghét, hận thù đổ lên đầu người dân Nga, từ những người cho rằng phần lớn dân chúng Nga ủng hộ cuộc chiến tranh của Putox xâm lược Ukraine. Nếu như tôi phản đối điều đó, họ sẽ hỏi lại tôi: tại sao người Nga, như anh nói đó – phần lớn không ủng hộ Putox và cuộc chiến tranh của hắn, lại không đứng lên lật đổ ngai vàng của Putox?
Tại sao à? Tại vì họ sợ. Từ 20 năm qua trước câu hỏi này, bao giờ tôi cũng chỉ cần duy nhất một câu trả lời: dân Nga sợ Putox và những thế lực hắc ám đi cùng với hắn, còn hơn sợ cọp. Bộ máy KGB lúc nào cũng săm soi và sẵn sàng thủ tiêu, bắt bớ bất cứ ai… Tâm lý của “những đứa con phố Arbat” còn nguyên trong người dân Nga: các người phải tôn sùng lãnh tụ, không được phép để vẩn lên trong tâm trí mình sự nghi ngờ tình yêu của mình dành cho lãnh tụ, nếu không thì có thể bị xử tử bất cứ lúc nào. Putox đã thành công trong việc khôi phục lại tâm lý đó trong đại bộ phận dân chúng Nga.
(Ở đây tôi dùng khái niệm “những đứa con phố Arbat” là từ tiểu thuyết của nhà văn Nga Anatoly Rybakov “Дети Арбата” viết về thời Stalin thanh trừng “đối lập” những năm 1930).
Tôi nhìn thấy có sự đấu tranh trong nội bộ “cái vòng trong cùng của Putox” – có kẻ nào đó định đem một nhân vật đối lập nguy hiểm nhất ra để dọa Putox, và cũng rất có thể sự kiện quân đội của Shoigu mãi không chiếm được Avdiivka cũng đóng góp một phần quan trọng trong vở kịch. Và Putox trong hoàn cảnh đó, đương nhiên sẽ xuống tay. Việc này theo tôi, nghiêm trọng hơn “vấn đề Nadezhdin” nhiều – anh này dù có thu thập được bao nhiêu chữ ký chăng nữa, dân có xếp hàng ngoài giá rét đến vài vạn chăng nữa, thì cũng chẳng “tuổi gì” so với Putox với bộ máy bầu cử Cuội của hắn ta.
Nhưng những phong trào Navalny đại diện, kết hợp với những vạn người xếp hàng trong giá rét để ký tên ủng hộ Nadezhdin thành một thể thống nhất, thì là nguy cơ rõ ràng. Gần như chắc chắn dân Nga đã quá oải với cuộc chiến tranh của Putox nhưng hy vọng duy nhất là Putox không còn khả năng ngồi ở ghế Tổng thống nữa, nhưng họ không biết làm cách nào mà chỉ dám hy vọng. Putox thì cao tay, hành động đơn giản nhất của hắn lại hiệu quả nhất: chặt ngay cái đầu của “con rắn mang tên hy vọng.” Và cái đầu đó có tên Navalny.
Điều đáng chú ý là trong thời gian ngồi tù, thụ cái án 19 năm của mình, thì ở bên ngoài lại hình thành nên một phong trào đoàn kết xung quanh Navalny và chống lại chế độ chuyên chế của Putox. Đó là điều làm cho Navalny có những đặc điểm vượt lên trên tất cả những nhà đối lập chính trị khác của Nga.
Tôi dám đánh giá những người bị cướp đi niềm hy vọng lần này, có thể lên tới hàng chục triệu – tới 30, 40 %... dân số Nga. Họ đâu có phải là những kẻ ngu, họ chỉ khiếp sợ thôi. Chúng ta cần nhìn nhận kỹ về những cuộc Cách mạng trong lịch sử nước này của thế kỷ XX – Cách mạng tháng Hai năm 1917 và Cách mạng tháng Mười cùng năm, cả hai chỉ là những cuộc đảo chính. Đầu tiên, Cách mạng tháng Hai lật đổ chế độ Sa hoàng và lập ra Chính phủ tư sản. Cách mạng tháng Mười được đánh dấu bằng cuộc tấn công vào cung điện Mùa Đông, và sau này được “ghi lại” và “biến thành lịch sử” bởi đạo diễn Xô-viết Sergey Eisenstein (1898 – 1948).
Sách vở lý thuyết của Mác-Lê thì vẫn định nghĩa Cách mạng là sự lật đổ một chế độ bằng một chế độ mới cao hơn về mức độ phát triển tiến bộ nhưng phải do một giai cấp thực hiện và có Đảng lãnh đạo. Những điều đó đúng cả, nhưng cuộc đảo chính cung đình thì luôn luôn phải có. Đã có rất nhiều cuộc đảo chính như thế sau cú tấn công vào cung điện Mùa Đông để người Bôn-sê-vích nắm chính quyền, lập ra các Xô-viết trên nước Nga. Nếu chỉ có một cuộc đảo chính cung đình ở Petrograd, thì là đảo chính. Nếu có nhiều đảo chính ở tận các huyện các xã, thì là Cách mạng.
Nếu Putox bị lật đổ, và mọi nơi tất cả vẫn y nguyên rồi mọi thứ… từ từ thay đổi, thì là đảo chính. Vậy thôi. Người dân Mátxcơva và vùng lân cận kéo nhau đến bao vây Nhà trắng ở thủ đô năm 1991, thì chỉ là một sự kiện trong cuộc đảo chính – nhưng sau đó nó dẫn đến sụp đổ của Liên Xô, vì nó không làm thay đổi được gì trên cung đình nước này và càng không dẫn đến sự thay thế chính quyền ở các địa phương.
Ai là người đang đe dọa Putox? Tôi không biết – có thể là Alexander Bortnikov, đương kim chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia nếu ông ta đối lập với Putox, hoặc là đối thủ của ông ta, nếu ông ta ủng hộ Putox. Năm ngoái, trong cuộc “Binh biến tháng Sáu” của Wagner và Prigozhin, Bortnikov được cho là đã đứng ra dàn xếp cùng với Lukashenko để Prigozhin sang Belarus, “hạ nhiệt” rồi “hạ màn” câu chuyện. Tôi thì cho rằng, Bortnikov không đối lập nhưng cũng không ủng hộ Putox một cách tuyệt đối trung thành, mà lão ta đại diện cho một thế lực thao túng FSB cũng như tất cả các hoạt động mờ ám của mật vụ Nga. Một khi con bài Navalny được lôi ra và hậu quả của chuyện này là cái chết của anh ta, thì cuộc đấu tranh trong nội bộ đã đến lúc nghiêm trọng.
Bằng hành động thủ tiêu Navalny, Putox đã cho thấy mình lâm vào thế quẫn bách. Người ta bảo, khi anh mạnh nhất thì anh không cần giết đối thủ, mà khi anh phải giết đối thủ, nghĩa là anh đã bắt đầu yếu đi. Bề ngoài, Putox luôn tỏ ra tự tin, nhất là trong những tháng ngày gần đây nhưng có hai điều, đã có hai điều vừa xảy ra thể hiện, Putox đang cảm thấy mình yếu hơn bao giờ hết.
- Thứ nhất, hắn vẫn cần một chiến thắng ở Avdiivka, mặc dù hồi cuối năm hắn đã cố tình khỏa lấp tầm quan trọng của “Chiến dịch quân sự đặc biệt” với đời sống xã hội Nga, nhưng hóa ra hoàn toàn không phải như vậy: hắn không có lý do gì để tiếp tục kéo dài cuộc chiến sau cuộc bầu cử. Người dân nước nào chăng nữa, kể cả Nga, tất cả đều sẽ hy vọng vào một cuộc sống thái bình, trong một chế độ thịnh trị với hoàng đế mới.
Vì vậy Putox về lý thuyết sẽ phải kết thúc cuộc chiến sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, chứ không phải là tổng động viên để kéo dài nó. Trong những thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy dân Nga mong muốn vào điều này, chứ không phải là sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh kéo dài vài năm nữa. Chỉ cần tuyên bố một đợt động viên nữa, Putox hoàn toàn có thể bị hạ bệ ngay lập tức, kể cả là đã bầu cử Cuội xong rồi.
- Thứ hai, hắn cần thủ tiêu “cái đầu của con rắn” mà bây giờ chúng ta nhận ra rằng con rắn đó là cả một phong trào chống lại hắn. Trong tương quan với cái “thứ nhất” trên đây, tôi cho rằng những lực lượng đối lập Nga khi Navalny đang trong tù (thả ra thì mấy hồi!), đã tìm cách liên kết với nhau để lên một kế hoạch chống lại Putox cùng cuộc chiến tranh của hắn. Điều đáng nói là một khi Navalny đang trong tù, thì kế hoạch đó không liên quan gì đến bầu cử cuội cả, mà là những hành động khác, có thể quyết liệt hơn.
Những kẻ bạo chúa luôn tin rằng việc lấy đi niềm hy vọng của con người sẽ khiến họ im lặng. Chúng quên bài học rằng người không có hy vọng là người nguy hiểm nhất. Nếu bây giờ là vài chục triệu người không có hy vọng thì tình hình sẽ thế nào?
“Hy vọng duy nhất” cho sự thay đổi của xã hội Nga, đã chết. Vì vậy, chỉ còn hy vọng duy nhất là người Nga phải tự mình thay đổi.
Trong lịch sử Nga, kịch bản này đã từng diễn ra rồi, đó là hai cuộc Cách mạng diễn ra cách đây hơn 100 năm, và một cuộc đảo chính năm 1991, diễn ra cách đây hơn 22 năm. Ngoài ra có một số cuộc đảo chính cung đình – đặc biệt là cái chết của Stalin dẫn đến cú xử tử Beria – được coi là “ngoạn mục” nhất.
Đây có thể là sự kiện làm thay đổi mọi thứ. Thực tế thì, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Navalny chưa bao giờ có cơ hội đối đầu với Putox (trên chính trường), nhưng ảnh hưởng của anh là lớn và được các mưu sĩ của Putox đánh giá là nguy hiểm, vì anh có tôn chỉ mục đích, chiến lược rất rõ ràng. Những gì mà anh ta đưa ra, dân Nga sẽ cảm thấy hạnh phúc khi chúng thành sự thật. Và bây giờ thì Navalny đã thành liệt sĩ của phong trào chống Putox.
Vì vậy, không phải là Putox đã loại bỏ thành công một mối đe dọa, mà đã dựng dậy một mầm mống của sự hủy hoại sinh mạng chính trị của hắn. Thủ tiêu Navalny, Putox không thể thủ tiêu được cả một phong trào. Người Ukraine phải tận dụng được cơ hội này.
3. Điều gì sẽ thay đổi sự bế tắc của cuộc chiến?
Sự kiện quân Ukraine rút khỏi Avdiivka được coi như là chấm dứt cho trận đánh The Battle of Avdiivka – sau đúng 4 tháng và 1 tuần (từ ngày 10/10/2024). Cho đến trước thời điểm này – ngày 17/02 chúng ta sẽ tính là ngày kết thúc trận đánh – thì cả hai bên đều thận trọng không để đối phương có bước đột phá lớn bằng chiến lược phòng thủ kỹ càng, sau đó thuận lợi đến đâu thì tấn công đến đấy bằng những lực lượng nhỏ. Đó là lý do tại sao tiền tuyến không thay đổi nhiều.
Hai bên cùng giành giật những ngôi làng dù là rất nhỏ và ngay khi kẻ thù có tiến bộ thì cũng lập tức phản ứng để khôi phục tình hình – thế trận này là ở những khu vực “có thể hoạt động được” và nó nằm trong một thế trận lớn hơn của các bãi mìn, hào và hàng rào cự mã chống tăng, các hỏa điểm được dần dần kiên cố hóa sau cả năm trời giao tranh.
Đó là thế bế tắc.
Cả hai bên không ai dám phá đi tình thế này – vì bất kỳ bước đột phá lớn nào của một bên sẽ hoàn toàn làm thay đổi tình hình, và một khi con đập bị vỡ ở một chỗ thì sẽ vỡ cả mảng lớn. Trong khi cả hai bên đều hạn chế về nguồn lực thì việc khôi phục tình hình sẽ gần như là không thể. Với Ukraine, tình thế còn khó khăn hơn vì chiến tuyến cực kỳ dài (hơn 1.000 ki-lô-mét) rất nhiều nơi có địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho Nga dùng các mũi đột phá lớn bằng xe tăng, thì càng phải thận trọng, vì đó là thế mạnh của chúng.
Chiến lược của Nga như thế nào thì chúng ta đã rõ trong suốt thời gian diễn ra The Battle of Avdiivka vì nó còn diễn ra một trận đánh nữa trên hướng Kharkiv, mà chúng ta vẫn gọi là “tuyến Kupyanks – Kreminna”. Bọn chỉ huy của Nga – Shoigu và những thằng khác đang dần dần bào mòn sức mạnh quân sự của Ukraine bằng cách thí hàng nghìn mạng người mỗi ngày. Hy vọng của chúng là một ngày nào đó, người Ukraine sẽ không còn đủ sức mạnh để tự vệ trước những cuộc tấn công không ngừng nghỉ này. Hoặc/và trong quá trình đó họ sẽ mắc sai lầm nào đó dẫn đến mất một miếng lớn lãnh thổ, từ đó dẫn đến những chuyển biến lớn trên mặt trận và ảnh hưởng đến chính trường Ukraine. Khi chính quyền Zelenskyy không còn tại vị, thì hy vọng của Putox vào một Chính phủ thân Nga vẫn còn cơ sở tồn tại.
Ngược lại, tôi cho rằng nhiều người trong số chúng ta, thậm chí trong Lực lượng vũ trang Ukraine, đội ngũ lãnh đạo Ukraine… đều có hy vọng rằng sức mạnh của Nga không phải là vô hạn, bọn Shoigu sẽ không thể ném thêm thịt vào cối xay thịt mãi được. Nếu người Ukraine có thể kiên trì thì một ngày nào đó, cỗ máy quân sự Nga sẽ dừng lại và sau đó là sự tan rã và sụp đổ.
Vậy sự kết thúc của The Battle of Avdiivka có ý nghĩa gì trong câu chuyện này – khi mà chúng ta đang bàn tới hai kịch bản với một bước đột phá hoặc của Nga hoặc Ukraine đều có thể xảy ra. Tôi phải lấy làm tiếc phải chia buồn với bọn dư luận viên Pro-Putox rằng, bước ngoặt sẽ không xảy ra. Vì việc quân Ukraine rút khỏi Avdiivka đã được chúng ta bàn từ rất lâu, cả tháng trời nay và trong suốt thời gian đó, bọn Shoigu bất tài vô tướng không làm được việc gì ngoài… xay thịt. Vậy thì làm gì có căn cứ để chúng biến sự kiện “Chiến thắng Avdiivka” này thành bước chuyển biến đáng kể về cục diện chiến trường.
Trong suốt 2 năm của cuộc chiến tranh, hành động tài năng nhất của chúng là đột kích đường không từ Belarus vào sân bay Hostomel và… bị tiêu diệt. Hành động tài năng thứ nhì chắc hẳn là phá đập thủy điện Nova Kakhovka. Còn lại tất cả những hành động “tài năng” khác, đều là kết quả của chiến thuật cối xay thịt. Để dẫn đến tình trạng đó một phần lớn là do cơ cấu chỉ huy yếu kém và các vấn đề về hậu cần, vì vậy bọn Nga không thể tiến hành bất kỳ hoạt động chiến đấu lớn nào. Tình trạng đó làm cho chiến lược của chúng là không khó đoán: duy trì hoạt động tấn công ở mức độ uể oải, nhưng đủ gây mệt mỏi cho đối phương – một cách tiết kiệm để kéo dài chiến sự tới hàng năm trời.
Để đối phó với chiến lược đó, tân Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine đã thông báo Ukraine chuyển sang giai đoạn phòng ngự chiến lược – điều này chắc chắn sẽ làm cho những người ủng hộ Ukraine sốt ruột: chẳng nhẽ thế bế tắc này sẽ kéo dài mãi mãi? Thực tế là, không có cái gì là mãi mãi cả, vì tình trạng bế tắc đó là thế cân bằng không bền, chỉ cần một cú thọc léc (cù nách) là đủ đổ vỡ tung tóe hết cả.
Hiện nay chỗ nào là yếu nhất trên toàn bộ tuyến phòng ngự của Nga? Mặt trận miền Nam! Lực lượng Nga ở miền Nam từ năm ngoái đã đối mặt với thiếu thốn về hậu cần, do cây cầu Kerch không thể đáp ứng được. Cú đánh cầu tháng 10/2022 đã khiến một đoàn tàu chở nhiên liệu bốc cháy, từ đó làm nảy ra nhiều câu trả lời cho vấn đề.
Đầu tiên, nó cho thấy đoàn tàu gồm 59 toa cùng một đầu máy – là 60 đơn vị tất cả, nghĩa là chỉ kém đoàn tàu chạy trên đất liền có 10 toa thôi. Sau đó, những tấm ảnh mới về các đoàn tàu chạy qua cầu Kerch hiện nay cho thấy chúng chỉ có 16 toa kể cả đầu máy là 17. Điều này phù hợp với thông tin cho biết hiện nay cầu Kerch bên đường sắt không đáp ứng được nhu cầu vận tải hậu cần quân sự, có thể chỉ đạt từ 1/4 đến 1/3 năng lực trước tháng 10/2022 mà thôi.
Vì vậy những ngày qua chúng ta chứng kiến ít nhất 3 tàu đổ bộ “bị biến thành xà-lan chở hàng” của Nga bị tiễn xuống đáy biển:
- Olenegorsky Gornyak – Vào ngày 4 tháng 8 năm 2023, gần cảng Novorossiysk, một tàu đổ bộ lớp Ropucha thuộc Dự án 775 đã bị hư hại nghiêm trọng do nỗ lực chung của SBU Ukraine và Hải quân Ukraine, có thể sử dụng máy bay không người lái trên biển và được Nga kéo về cảng Hải quân. Sau cuộc tấn công, Hải quân Ukraina báo cáo rằng các tàu Nga đã rời cảng và ở một mức độ nào đó đã phân tán ở Biển Đen.
- Novocherkassk, một tàu đổ bộ lớn của Nga, đã bị tên lửa hành trình phóng từ trên không tấn công vào ngày 26 tháng 12 năm 2023 khi đang cập cảng ở Feodosia, miền nam Crimea, theo Không quân Ukraine - được chính quyền Nga (một cách mơ hồ) và truyền thông Nga xác nhận. Ukraine cho biết nó đã bị phá hủy và khó có khả năng quay trở lại hoạt động.
Video được cung cấp bởi nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả chính quyền Ukraine và báo cáo của Nga trên Telegram, cho thấy các vụ nổ và cháy lớn và nhiều lần, với dấu hiệu cho thấy đạn dược trên tàu đã bị kích nổ sau cuộc tấn công (Ukraine cho biết con tàu được sử dụng để phóng tên lửa hành trình nhằm vào các thành phố của Ukraine).). Chính quyền Nga thừa nhận rằng một người đã thiệt mạng và các nguồn khác cho biết nhiều hơn, mặc dù không có xác nhận chính thức nào về việc con tàu bị mất tích ngay lập tức. Các nhà phân tích độc lập cho rằng cuộc tấn công này cản trở đáng kể khả năng của Nga trong việc tiếp tục tấn công và xâm chiếm bờ Biển Đen của Ukraine.
- Caesar Kunikov – Vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, Ukraine công bố một đoạn video ghi lại cảnh tàu đổ bộ lớp Ropucha Caesar Kunikov bị chìm ngoài khơi bờ biển Crimea.
Cả ba con tàu này đều bị tấn công từ sau cú đánh thứ hai vào cầu Kerch tháng 7/2023. Thậm chí con tàu Novocherkassk được cho là được sử dụng như tàu vận tải để tha lôi đạn dược từ nước ngoài về rồi chở thẳng đến bờ biển Crimea. Còn chiếc Kunikov mới nhất thì bị chìm khi ở ngoài khơi Alupka của Crimea – nó chìm nhanh chứng tỏ đang chở rất nặng.
Hiện nay hy vọng duy nhất của chiến trường miền nam Ukraine đối với bọn Shoigu, là dự án đường sắt từ Rostov sang Mariupol và sau đó đến Berdyansk để vận tải tới Melitopol.
Như vậy tình thế chiến lược của hai bên đã rõ. Bọn Shoigu thì tôi đã viết trên đây rồi, hy vọng vào sự bào mòn làm mệt mỏi và mất sức chiến đấu của người Ukraine cho đến khi họ quy hàng. Còn với người Ukraine, thì chiến lược là:
- (1) Cầm cự trên toàn mặt trận, bào mòn sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội Shói-gù với số lượng lớn hơn (về nhân lực) và tập trung phá hủy khí tài quân sự đắt tiền cũng như khả năng tấn công lớn của Nga (phá hủy pháo binh).
- (2) Làm suy yếu khu vực chiến trường miền Nam Ukraine của Nga bằng cách tập trung tấn công vào đường tiếp vận và kho tàng, ngoài ra tấn công các trung tâm chỉ huy và nơi tập trung quân.
Như vậy trong suốt thời gian qua, Nga tập trung quá nhiều vào Kupyansk và Avdiivka, chính là dành cho Ukraine thời gian để phục hồi một phần binh lực, cùng với thi hành đều đặn kế hoạch phá hủy sức mạnh quân sự Nga một cách có hệ thống, đặc biệt trên hướng Kherson – Crimea. Đó chỉ là những hành động bề nổi, rõ ràng là chúng ta thấy không nhiều lắm nhưng chắc chắn những hành động “chìm” thì nhiều hơn nhiều.
Chẳng hạn, dân Nga kéo sang Crimea mua nhà đất sau năm 2014 nay đã không còn ở lại bán đảo, ngoài lý do những lần cái cầu bị tấn công, còn là những đòn tập kích đường không và cả chiến tranh tâm lý nữa. Tâm lý đó không thể không ảnh hưởng đến từng người lính của Nga đang phòng thủ bán đảo và cả ở vùng tả ngạn Kherson.
Điều chúng ta có thể khẳng định được rằng, chừng nào mà cái đường sắt đầy tham vọng kia chưa xong, thì bọn Shoigu không thể làm được gì để thay đổi tình hình chiến trường miền Nam. Đổ vỡ ở đây là không thể tránh khỏi. Và một khi đã đổ vỡ ở một chỗ, sẽ vỡ trận ở chỗ khác và dẫn tới luôn đổ vỡ về chính trị trong nội bộ vòng cầm quyền của Putox.
Chúng ta có thể khẳng định được rằng, đã và đang có rất nhiều thứ được chuẩn bị, chẳng hạn điểm vượt sông, các phương tiện, các đơn vị sẽ tham gia và cả lực lượng hàng không, F-16 chẳng hạn, sẽ tham gia kế hoạch này. Hiện nay đã diễn ra những trận đánh ở tả ngạn Kherson, chỗ các đơn vị thủy quân lục chiến Ukraine vượt sông Dnipro để thiết lập bàn đạp và những trận đánh ở đó có mục đích thu hút quân Nga kéo tới, làm rỗng dần các hướng khác.
Tuần sau, đúng 1 tuần nữa kỷ niệm tròn 2 năm cuộc chiến, Putox sẽ không có trò gì khác ngoài bắn phá bằng tên lửa và drone tự sát – còn người Ukraine chắc chắn sẽ có kế hoạch riêng của họ. Sẽ diễn ra những trận đánh có tính “gài thế” để quân Nga kéo chỗ nọ đi, kéo chỗ kia về… Một thế trận sa lầy của Nga ở Avdiivka và sau đây chúng sẽ quay ra Kupyansk – tiến trình sa lầy cũng sẽ lại như nhau thôi – chính là những bước “thả để cho Nga ăn một con tốt, một con mã” trong khi mình phải thu được những thượng phong về thế trận.
Tin hôm qua:
- Pháp và Đức đã có với Ukraine những cam kết mới về bảo đảm an ninh và đây: “Đức đang chuẩn bị gói viện trợ mới trị giá 1,1 tỉ đô-la, đặc biệt nó sẽ bao gồm 36 khẩu pháo, 120.000 quả đạn pháo, tên lửa cho hệ thống Iris-T và 2 hệ thống Skynex. Và miễn là Ukraine còn cần (thì còn viện trợ!).”
- (Về Avdiivka) Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho rằng việc đảng Cộng hòa ngăn chặn thêm viện trợ cho Ukraine là một phần nguyên nhân. Ông nói: “Bởi vì Quốc hội vẫn chưa thông qua dự luật bổ sung, chúng tôi chưa thể cung cấp cho Ukraine đạn pháo mà họ rất cần để ngăn chặn các cuộc tấn công này của Nga”, đồng thời cho biết thêm: “Cái giá phải trả cho việc Quốc hội không hành động là rất lớn. Và nó đang được đặt lên trên vai của những người lính Ukraine.”
Đó mới chỉ là tình thế quốc tế, còn tình thế chiến trường như trên đây tôi đã viết, riêng chiến trường miền nam diễn biến “mềm hóa” là không thể đảo ngược, vì vậy sẽ diễn ra những trận đánh nhỏ như tôi nói – để “gài thế” và bộc lộ ra những điểm đột phá cho diễn biến lớn hơn. Nhưng chỉ ngay tuần sau có thể có những sự kiện thú vị, kinh thiên động địa để “cùng Putox kỷ niệm 2 năm cuộc chiến” diễn ra.
Điều thú vị nhất là ngày 15/02 Putox đi thăm nhà máy sản xuất xe tăng Uralvagonzavod (UVZ) đến mức báo chí xứ Phía đông nước Lào cũng sung sướng giật tít: “Phương Tây bất ngờ với năng lực sản xuất vũ khí của Nga” (Việt Nam tàu nhanh). Ô hô hô, tại sao một nước có nền quân sự “thứ hai thế giới” (thì ai mà chẳng sợ), lại lâm vào tình thế để người ta khinh thường, và bây giờ phục hồi được (thật hay giả chưa biết nhé) lại “khiến phương Tây bất ngờ?” Thằng nhà báo Vũ Anh (Theo Guardian, Zvezda) này ngu, quá ngu. Nếu nó nhớ cái điều sơ đẳng Nga là ông kẹ, Nga là con ngoáo ộp với quân đội và nền sản xuất quốc phòng khổng lồ thì nó đã không giật tít như thế, và như vậy nó lòi đuôi ra là, hóa ra hồi đầu cuộc chiến cái nền sản xuất quốc phòng Nga thối như cái chuồng lợn đầy phân.
Nhưng cũng chính chuyện này làm tòi ra một tình thế khác nữa: tôi mà là dân Nga tôi thấy “đúng là khốn nạn thân chúng mình rồi!” Chuẩn bị bầu cử đến nơi, thế mà hắn ta (thằng lãnh đạo của chúng mình ấy) còn đi thăm nhà máy sản xuất xe tăng! Chưa hết: “Putox hồi đầu tháng nói rằng đã có thêm 520.000 việc làm mới được tạo ra trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, nâng tổng số lao động trong ngành lên 3,5 triệu người, tương đương 2,5 % tổng dân số. Kỹ sư cơ khí, thợ hàn tại các nhà máy quốc phòng đang hưởng lương cao hơn nhiều quản lý văn phòng và giới luật sư…”
Đến đây thì lại phải “ô hô hô” thêm một lần nữa. Cái gọi là “thái bình thịnh trị” của Putox đó các ngài ạ. Thay vì một cuộc chiến 3 ngày hay 2 tuần gì đó, bây giờ sau 2 năm hắn tăng thu nhập cho công nhân quốc phòng, tất cả sản xuất cho tiền tuyến! Tài! Thật quá là tài! Tất cả nằm trong tính toán của Putox cả. Cả thế giới đang tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và đi vào phục hồi và phát triển thì mình Putox ủn đất nước vào chiến tranh để rồi… tăng trưởng GDP nhờ sản xuất đạn pháo. Đúng thằng tâm thần. Và bọn nào ca ngợi con chó này cũng tâm thần nốt.
Chính những cái trò tâm thần này sẽ dẫn đến lật đổ. Và Putox sau khi đi thăm nhà máy sản xuất xe tăng về thì ra lệnh giết Navalny.
PHÚC LAI 17.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.