Năm xảy ra vụ Mậu Thân 1968, tôi sắp lên lớp 7, anh trai tôi sắp vào lớp 10 (hệ 10 năm). Huyện đội, xã đội đã lập danh sách nhà nọ nhà kia có mấy con trai, đang bao nhiêu tuổi, cứ qua tuổi 16 chạm 17 là gửi trát khám sức khỏe tận tay.
Nhà tôi cả già lẫn trẻ, đàn ông đàn bà có 6 người, chưa ai đi bộ đội. Anh tôi biết tương lai gần của mình là vậy nên vừa xong lớp 10 thì lên đường ngay. Sau xuân Mậu Thân, chiến trường khát lính chưa từng có, bao nhiêu cũng không đủ.
Điều này xảy ra lần thứ hai khi mùa hè đỏ lửa 1972 ở Quảng Trị. Khi đó, tôi đang lớp 10, cũng chuẩn bị tâm thế như anh mình, nhưng họ xét thực tế nhà có hai trai đã đi một nên được tạm hoãn. Nhiều bạn cùng lớp 10 với tôi bị đi và mãi mãi không về.
Chiến tranh, bắn giết nhau, chả ai muốn, nhưng phe phái, ý thức hệ đã đẩy con người vào chết chóc. Nói về nó (chiến tranh) có những lời đau xót muôn đời. Tôi cho rằng “hay” nhất là ba câu: Vương Hàn (thế kỷ 8 bên Trung Quốc) viết trong bài “Lương Châu từ” đúc kết “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (xưa nay chiến tranh đi đánh nhau có mấy ai được trở về). Mười hai thế kỷ sau, thi sĩ Nguyễn Duy người xứ Thanh chua chát thốt lên “Nghĩ cho cùng/Mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”.
Nhưng có lẽ thể hiện đúng bản chất cuộc chiến Bắc - Nam huynh đệ tương tàn là câu “thơ” dân gian “Ba lô con cóc, anh đi em khóc”. Tôi không biết nó có từ bao giờ nhưng sau xuân Mậu Thân 1968 rất phổ biến. Nông thôn, làng quê miền Bắc như trải qua trận cuồng phong, hồng thủy. Xám xịt, u ám, buồn thảm, đàn ông vào chiến trường gần hết, chỉ còn người già, đàn bà và trẻ con. Chinh phu, chinh phụ đều buồn. Kẻ đi người ở đều bi kịch, chỉ những anh mưu mẹo ăn bổng lộc chế độ thì mới cố tình ca ngợi “con đường ra trận là con đường vui” thôi.
Nhân đây cũng nói thêm, cho tới nay có vô vàn cách gọi tên cuộc chiến Bắc - Nam 1954-1975, nhưng càng ngày bản chất của nó càng được chỉ ra đúng như nó vốn có. Rồi có ngày lịch sử sẽ chép lại một cách trung thực chứ không như sử quốc doanh bây giờ.
Tôi tò mò để ý, trong các văn nghệ sĩ, nhà thơ nhà văn, nhà báo, trí thức cấp tiến (bị ông tổng bí thư gán cho cái tội “tự diễn biến, tự chuyển hóa”) có những vị đã nói thẳng về nó. Trong số ấy phải kể nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin, nhà báo Huy Đức. Bác Bùi Chí Vinh luôn sổ toẹt gọi nó là cuộc huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Có lẽ tôi cần biên bài ngắn riêng về bác “thẳng tưng”, nghĩa khí đáng khâm phục này.
Sau Mậu Thân 68, tuổi học cấp 2 cấp 3 thời ấy như anh em tôi đã có thể sàng lọc được thông tin mà nhận biết đúng sai. Nhưng sống ở miền Bắc, tất cả chỉ có nguồn duy nhất là bộ máy tuyên truyền của nhà nước, nên họ rót vào tai (qua đài), đập vào mắt (qua báo) thế nào thì đành biết vậy, tin vậy. Phải công nhận điều này: Người cộng sản rất giỏi đánh nhau và tuyên truyền. Không ai giỏi bằng họ, cả hai việc ấy.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 20.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.