mardi 27 février 2024

Nguyễn Thông - Các nhà ngôn ngữ học ơi ời, bận ngủ hở (1)

Đành rằng ngôn ngữ (trong đó có tiếng Việt) luôn vận động, phát triển, đổi thay, mỗi thời mỗi khác (như ông hàng xóm nhà tôi bẩu, chế độ còn thay đổi được, huống chi ngôn ngữ). Nhưng không phải cứ đổi lung tung xòe, loạn cào cào như xứ ta thời nay rồi biện bạch là phát triển.

Ngày xưa, cụ thể là thời phong kiến, rồi kế tiếp là thời thuộc Pháp, ngôn ngữ được dùng rất chuẩn mực. Mọi cách tân, thay đổi đều phải hết sức hợp lý, có cơ sở thì mới được chấp nhận. Ngôn ngữ đã đạt được sự trong sáng, chính xác, chuẩn, cả cộng đồng thừa nhận.

Thời ấy, những người trong bộ máy cầm quyền hầu hết đều học hành bài bản, trình độ cao, nắm chắc ngôn ngữ. Họ viết một chữ, dùng một từ, đặt một câu, diễn đạt một ý… đều rất cân nhắc.

Rồi những người sống bằng việc sử dụng ngôn ngữ, như nhà báo, nhà văn đều là tấm gương về sự chuẩn mực dùng tiếng Việt mặc dù họ thông thạo chữ Hán hoặc tiếng Pháp, tiếng Anh. Không cần phải ai đó kêu gào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, gần như mọi người, kể cả người học nhiều lẫn học ít, đều tự ý thức về việc bảo vệ ngôn ngữ cho trong sáng, chuẩn xác.

Còn bây giờ thì khác. Tiếng Việt đang bị người ta làm cho nó méo mó, biến dạng, hỏng. Thủ phạm rất đa dạng, đông đảo, kể từ bộ máy cai trị trung ương trở xuống, rồi báo đài, trường học, cả mạng xã hội nữa. Thôi thì tùm lum tà la, mạnh ai nấy dùng, mạnh ai nấy đặt, sư nói sư phải vãi nói vãi hay, chả mèo nào chịu mỉu nào.

Và rất lạ, xứ này có cả viện ngôn ngữ, hội ngôn ngữ học, rất nhiều giáo sư tiến sĩ về ngôn ngữ, nhưng không biết họ bận gì, chỉ biết họ kệ cho ngôn ngữ như cái chợ giời. Tôi xin đưa ra vài ví dụ, mà ông hàng xóm nhà tôi bảo là dạng “hiếp dâm tiếng Việt”. Đó là mấy từ “ga, cảng, bến, sân bay” bị “hiếp”.

- Ga: Theo “Từ điển tiếng Việt” (của Viện Ngôn ngữ, do GS Hoàng Phê chủ biên, 1996) thì ga chỉ các công trình kiến trúc, nơi để hành khách đi/đến bằng xe lửa, xe điện, tàu điện, máy bay cho các tuyến đường bộ, đường bay.

Ví dụ ga xe lửa, ga tàu điện ngầm, ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất…. Những ga nhỏ xe lửa ít dừng thì gọi là ga xép. Truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam viết rất cảm động về mấy chị em con nhà nghèo ở một ga xép tuyến đường xe lửa từ Hà Nội về Hải Phòng, cụ thể là ga Cẩm Giàng, nơi hiện còn di tích của Tự Lực văn đoàn. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh có tập thơ rất hay tên gọi “Sân ga chiều em đi”. Phim Liên Xô “Sân ga chỉ có hai người”. Nguyễn Bính nổi tiếng với “Những bóng người trên sân ga”

Ga Hàng Cỏ tới nay vẫn còn hằn trong ký ức nhiều người ở miền Bắc (nói thêm, cái tên hay thế, dễ thương, gần gũi thế, mà chúng nó bỏ, thay bằng cái tên sách vở, chuồi chuội. Tên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng vậy, đứa náo quyết định bỏ cần lôi ra phết nát đít cho chừa). Nói chung, ga không để chỉ những chỗ có nước, trừ nước mắt.

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 27.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.