Sau 20 năm hành tẩu giang hồ mạng, chăn bò vạn con như chốn không người, thì mình nhận thấy rằng sự thiếu hụt kiến thức lịch sử là điểm yếu nhất của trí thức Việt Nam nói riêng và dân Việt Nam nói chung. Đặc biệt là kiến thức lịch sử cận hiện đại NGOÀI SÁCH GIÁO KHOA.
Ở đây không/chưa bàn tới sách ngoài luồng, sách chế độ cũ, sách lậu, sách in ở nước ngoài. Mà chỉ nói tới sách chính thống phát hành chính thức ở Việt Nam, thậm chí sách chính do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ở Hà Nội và Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM (nó gần như Chính trị Quốc gia, nhưng của TP HCM).
Cho đến nay, người ta đã cho xuất bản rất nhiều đầu sách, đặc biệt là lịch sử về thời Pháp thuộc, thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa (kiểu như âm thầm giải mật). Về thời đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa (tổng thống Thiệu) thì có vẻ còn che giấu nhiều, có lẽ do xung đột trực tiếp và gần hơn?
Về thời Pháp thuộc thì hầu như đã được bạch hóa thông tin. Giai đoạn Quốc gia Việt Nam tuy còn trước đệ nhất Cộng hòa, nhưng sự bạch hóa vẫn còn nhỏ giọt. Có lẽ do sự xung đột về tính chính danh do lúc đó có hai chính phủ song trùng cùng tuyên bố chủ quyền cả nước Việt Nam (giai đoạn 49-54). Sách giáo khoa cũng chỉ gọi là chính phủ Bảo Đại (trong khi thực tế Bảo Đại chỉ trực tiếp làm thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam một thời gian ngắn). Vì thế nên rất nhiều người không hề biết Quốc gia Việt Nam là cái gì luôn, trong khi nó là một phần của lịch sử Việt Nam hiện đại.
Song song với đó, giai đoạn 10 năm Pháp quay lại Đông Dương (45-55), cũng là giai đoạn rất nhạy cảm đối với sách giáo khoa lịch sử cũng như báo chí cách mạng. Việc phát hành sách về giai đoạn này cũng hạn chế vì nó chính là bao trùm giai đoạn Quốc gia Việt Nam nói trên. Vì vậy, ngay cả các giáo viên Lịch sử cũng có kiến thức hạn chế về giai đoạn này.
Họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm trong việc giảng dạy một chiều về lòng yêu nước theo lề, bất chấp lý trí và sự thật. Tức là vừa đáng thương, vừa đáng trách. Status mình viết hôm qua và status của người thày phản ứng lại mình cho thấy rất rõ điều đó. Thày bức xúc với mình, dù mình dùng lời lẽ tôn trọng, nhưng không dám mạnh dạn phản biện, mà đặt các câu hỏi ấm ớ để lùa học sinhvà đồng nghiệp vào đấu tố mình!
Thực ra, nguyên nhân dẫn đến điều đó là do đa số người Việt không thể phân biệt được cách ứng xử (hay gọi là cai trị cũng được) của người Pháp với thuộc địa, giai đoạn trước và sau thế chiến 2 kết thúc. Qua các comment tranh luận, phe “yêu nước” coi Pháp vẫn xâm lược, tàn bạo, bóc lột y như cũ! Để biện minh cho lòng yêu nước theo sách giáo khoa của mình. Đối với những người này mình rất ôn tồn, vì hiểu là họ là nạn nhân.
Bằng nhiều status trước đây, nhất là status riêng về chế độ thuộc địa, mình đã viết rằng thuộc địa cũng có this và that. Nó có sự tiến hóa, thay đổi rất nhiều, thực dân cũng thay đổi rất nhiều trong quá trình cai trị thuộc địa.
Ngay cả giai đoạn trước 45, thực dân Pháp cũng có nhiều thay đổi, theo xu hướng dân chủ hóa thuộc địa. Cũng như chủ nghĩa cộng sản cũng có this và that, anh em bò vàng coi cộng sản là bất biến là cũng sai. Cộng sản trước đổi mới rất khác cộng sản sau đổi mới, cải cách kinh tế. Cộng sản Mao khác cộng sản Đặng.
Giai đoạn mới xâm chiếm thuộc địa, nói thực là thực dân rất tàn bạo, có thể diệt chủng dễ dàng. Giai đoạn đầu cai trị Nam Kỳ còn là các đô đốc hải quân (bộ máy quân sự), lúc đó cai trị rất khắc nghiệt. Sau khi đã bình định tương đối ổn định thì quan chức thuộc địa là dân sự, thì sự cai trị đã ôn hòa hơn rồi dần dần áp dụng luật lệ từ chính quốc. Tức là văn minh hơn rất nhiều so với chế độ phong kiến trước đó. Điển hình như tư pháp độc lập với hành pháp, dân kiện quan và thắng là khá bình thường. Mình đã từng đăng vài status về việc này. Đấy là những tiến bộ đầu tiên của việc cai trị.
Bước ngoặt lớn nhất trong giai đoạn này là giai đoạn Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, chính sách cai trị thay đổi rõ nét, mang tính cách mạng. Đó là vì Mặt trận Bình dân là cánh tả (bao gồm đảng Xã hội và đảng Cộng sản Pháp) nắm quyền. Cánh tả thì vốn có xu hướng dân chủ hóa cho cả thuộc địa, tuy nhiên do quyền lợi dân tộc nên họ vẫn chưa ủng hộ việc xóa bỏ thuộc địa.
Vào giai đoạn này, chính quyền thuộc địa thả rất nhiều tù chính trị. Đợt tham quan Côn Đảo vừa rồi mình thấy HẦU HẾT các vụ tha tù cho các tù nhân cộm cán là vào giai đoạn 1936-1938 và giai đoạn 1945, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra (thì đương nhiên, do vô chính phủ).
Ngoài ra, chính quyền cũng dân chủ hóa Đông Dương rất nhiều, như tự do bầu cử ứng cử và ngôn luận hơn. Giai đoạn này có mấy đảng viên cộng sản còn lọt vào hội đồng dân biểu Nam Kỳ, được thoải mái viết báo tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản …
Đến giai đoạn 1939-1945, Pháp đầu hàng Đức Quốc xã, thì chính quyền Pháp ở Đông Dương bản chất đã nhuốm màu phát xít, do chính quyền Vichy (Pétain) thân Đức. Cộng thêm, vì sự thân Đức đó, họ hợp tác với Nhật (cùng phe Trục) để cai trị Đông Dương. Vì thế, chính sách thuộc địa trở nên hà khắc hơn nhiều, nhiều chính sách dân chủ bị xóa bỏ.
Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) rơi vào giai đoạn này, nên sự đàn áp có phần tàn bạo. Nhưng nên nhớ chế độ thuộc địa cũng đã có sự thay đổi rất nhiều so với trước. Tuy nó cai trị khắc nghiệt hơn nhưng nó lại yếu hơn trước, do chính nước Pháp cũng đã bị chia đôi, vì một phần bị Đức chiếm và còn một chính phủ lưu vong kháng chiến ở Anh do De Gaulle lãnh đạo.
Khi Thế chiến 2 kết thúc, chính quyền Pétain đã sụp đổ, thay vào đó là chính phủ lâm thời của De Gaulle. Đây là chính phủ cánh hữu, thông thường cánh hữu có tinh thần dân tộc rất cao. De Gaulle và người bạn mình là đô đốc D’Argenlieu là những người cánh hữu nên muốn vực dậy hào quang của đế chế Pháp trước chiến tranh, sau mối nhục thua trận phải đầu hàng Đức. Đó là lý do khiến hai ông này quyết tâm thu hồi thuộc địa cũ ngay sau khi nắm chính quyền ở Pháp.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên nắm quyền, De Gaulle đã công bố chính sách thuộc địa mới ở Đông Dương, theo hướng dân chủ hóa vượt bậc so với trước. Đại khái được hiểu gần như Khối thịnh vượng chung của Anh sau này và Khối liên hiệp Pháp cùng thời nhưng chết yểu. Tóm lược thì De Gaulle soạn thảo ra một quy chế tóm tắt, sau này được cụ thể hóa bởi Liên hiệp Pháp, như việc thành lập một nghị viện ở Đông Dương, do người bản xứ bầu nên. Bộ máy hành chính sẽ chủ yếu do người bản xứ nắm (lưu ý là Nam Kỳ trước kia do người Pháp trực trị). Đáng lưu ý là Việt Minh lúc đó rất hoan hỉ với quy chế này! Tất nhiên sách giáo khoa không dạy đâu.
Chiến tranh Pháp-Việt nổ ra chủ yếu do phe De Gaulle, mà người thừa hành ở Đông Dương là Cao ủy (tương đương Toàn quyền) D’Argenlieu. Ông này luôn tìm cách cản trở những cố gắng đàm phán giữa Việt Minh và chính phủ Pháp. Khi De Gaulle từ chức thì ông ta cũng bị triệu hồi, nhưng chiến tranh đã nổ ra mà ông ta là một tác nhân chính cùng với việc phe chủ chiến của Việt Minh cũng thiếu bình tĩnh. Hai bên đều thiếu sự tin tưởng lẫn nhau nên chiến tranh mới diễn ra.
Khách quan mà nói, Việt Minh đã bỏ lỡ cơ hội đàm phán ngàn năm có một. Đó là khi chiến tranh nổ ra thì chính trị Pháp rất bấp bênh, thay chính phủ liên tục, Pháp rất yếu và lúc đó cũng có chính phủ cánh tả Pháp nắm quyền thay De Gaulle, đó là cơ hội đàm phán rất tốt nhưng Việt Minh đã không tận dụng được. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước với Marius Moutet là bộ trưởng bộ Pháp quốc hải ngoại (Bộ Thuộc địa). Ông này là người sang Đông Dương thanh tra về biến cố chiến tranh 19/12/1946 và ông ấy là đảng viên đảng Xã hội, cánh tả Pháp, tức là hoàn toàn có thể đàm phán được. Tất nhiên sách giáo khoa lờ đi và người Việt Nam không hề biết Pháp có this và that, thuộc địa có this và that hay đế cuốc Mỹ cũng có this và that (dân chủ cánh tả và cộng hòa cánh hữu chính sách khác nhau).
Chính vì có sự tiến hóa về tư duy trước và sau thế chiến, nên cách thức Pháp quay lại Đông Dương nó hoàn toàn khác với giai đoạn xâm chiếm thuộc địa 1858, gần 100 năm sau sao mà giống nhau được? Chính thế nên De Gaulle quay lại Đông Dương với tâm thế ôn hòa và hợp pháp chứ không phải lối ngoại giao pháo hạm như xưa.
Hội nghị Potsdam chia vùng ảnh hưởng hậu chiến thì Mỹ, Anh, Liên Xô gạt Pháp ra một bên, do coi Pháp là bên thua trận, ít đóng góp vào việc thắng Đức. Điều đó làm De Gaulle nổi giận. Tổng thống Roosevelt còn định biến Đông Dương thành lãnh thổ ủy trị của Liên Hiệp Quốc, tức là Pháp tuột mất. Nhưng đen cho Đông Dương là Roosevelt chết sớm và Truman lên thay. De Gaulle đã vận động ông này để không thực hiện ý nguyện kia.
Lưu ý rằng, chính Liên Xô lúc đó cũng có quan điểm giống Mỹ, muốn lấy lòng Pháp, nên ủng hộ Pháp giữ lại những quyền lợi chính ở Đông Dương. Bởi vì Pháp lúc đó nằm ở vùng giáp ranh Đông Tây (Tây Đức và Đông Đức chính là vùng phân chia), nên Mỹ và Liên Xô đều muốn gây ảnh hưởng với Pháp. Nếu không có kế hoạch Marshall của Mỹ viện trợ ồ ạt tái thiết Tây Âu, gồm Pháp, thì có thể Pháp đã bị cộng sản hóa như Đông Âu. Bởi vì phe tả ở Pháp quá mạnh, Pháp là nước tả nhất Tây Âu cho tới nay (anh em cần lao biểu tình liên miên tới tận hôm nay). Cánh hữu ở Pháp khá yếu.
Đó là lý do khiến Mỹ và Liên Xô đều để yên cho Pháp quay lại Đông Dương một cách êm ả, Tưởng và Anh thì đã chấp thuận bằng văn bản rồi. Tưởng đổi lại bằng việc Pháp trả lại các nhượng địa Pháp và đường sắt Côn Minh cho Trung Quốc. Vì thế mới có thể nói Pháp quay lại Đông Dương là hoàn toàn có chính danh bởi các cường quốc đồng minh (lúc đó gọi là tứ cường).
Tuy nhiên, không nên hiểu máy móc là Mỹ và Liên Xô ủng hộ chế độ thuộc địa. Ngược lại, hai nước mạnh nhất thế giới lúc đó lại chống lại chế độ thuộc địa. Đó là sức ép khiến Anh phải quay xe, lập ra khối Thịnh vượng chung và Pháp thành lập khối Liên hiệp Pháp. Đó chính là thuộc địa that hay là thuộc địa 2.0. Nó rất rất khác thuộc địa this 1.0.
Để tuyên truyền cho tính chính danh và biện minh cho chiến tranh, coi như đó là bước đường cùng, không còn cách nào khác “chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới” nên bộ máy tuyên truyền đã bịt mắt bịt tai anh em, để chúng ta chả biết có this và that trên cõi đời này. Con chó Berger và con chó ta tuy cùng là chó nhưng lại rất khác nhau đó! Chó’ Tây nó tấn công trực diện theo chỉ đạo, chứ không cắn trộm và không ăn c*t đồng bào ạ.
Thế nhưng người trí thức có lý trí thì nên tự tìm cách mà giác ngộ sự thật lịch sử. Bây giờ người ta cũng không bịt mắt kỹ lắm đâu, đọc sách chính thống là thừa thoát bò rồi. Mình viết chỉ gợi mở thông tin và đều có nguồn trích dẫn hết nhé. Anh em nào cần giác ngộ thật mình chỉ sách chính thống cho mà đọc, đặc biệt là các thày dạy sử!
(Trong ảnh là đại diện các nước đồng minh ở hội nghị Potsdam).
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 28.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.