Hôm nay, 24-02-2024, là kỷ niệm đúng hai năm ngày Putin phát động cuộc xâm lược không báo trước vào Ukraina. Thậm chí chỉ 10 ngày trước đó, 14-02-2022, ông ta vẫn còn leo lẻo: "Nga không hề có ý định tấn công Ukraina !", trong sự hoài nghi của các nước phương Tây. Quả nhiên.
Cũng ngày này hai năm trước, một cậu người Ukraina xin nghỉ để lên biên giới đón gia đình chạy tị nạn. Chiều hôm đó, cậu trở về, nói đã xin nghỉ tiếp rồi hỏi mượn chiếc xe thùng của công ty mình "để mang cà phê, trà... lên cho những người chạy trốn chiến tranh", đang xếp hàng rồng rắn dưới nhiệt độ -8 độ C, toàn người già, trẻ con phụ nữ.
Bởi có sẵn, mình hỗ trợ cậu ấy luôn một xe thực phẩm thiết yếu và đề nghị gửi báo cáo tình hình. Khi những hình ảnh đáng lo ngại từ biên giới được chuyển về, mình đã chuyển lên trang Uwaga - Người Việt ở Ba Lan. Ngay lập tức, cả cộng đồng người Việt tại Ba Lan chuyển động. "Cần phải giúp họ !".
Thế là luôn tối 25-02-2022, "chiếu lều của chúng ta" đã được dựng tại cửa khẩu Zosin, cùng với sự hỗ trợ của biên phòng, cảnh sát Ba Lan, để đón tiếp hỗ trợ người vừa vượt qua biên giới. Nhiều người chẳng có gì, ngay cả giấy tờ.
Ngày 26-02-2022, nhóm thiện nguyện đầu tiên của người Việt cùng với nồi cháo trứ danh của chị Hoangtuden Le đã có mặt tại cửa khẩu. Rồi các nhóm làm bánh mì kẹp từ Bao Anh Nguyen lên tới hàng chục ngàn chiếc cũng hình thành.
Lúc đầu bọn mình định rằng mỗi đội tình nguyện viên độ 4-5 người sẽ trụ lại khoảng hai ngày tại lều. Nhưng thời tiết quá khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm ngày càng lạnh, bắt buộc phải đổi sang chế độ "24 giờ". Như thế mới hiểu tình cảnh khi đó khốn khổ thế nào. Không những thế, không quân Nga liên tục ném bom ở gần đó, khiến tình hình càng tồi tệ hơn.
Rồi người Việt tại Ukraina bắt đầu di tản sang, không biết tiếng tăm, thủ tục, ngôn ngữ... mọi thứ loạn cào cào. Thế là những đội tình nguyện "Taxi 0 đồng" của cộng đồng ra đời, như con thoi chạy lên biên giới đón người rồi chở về những nơi cần thiết. Trong khi một số bạn trẻ còn cắm trụ làm đầu ở đó, những người còn lại lo lập những khu tạm trú, từ các công ty có chỗ, những nơi có điều kiện như các nhà chùa, cho tới mọi mọi cá nhân có thể, đều dọn dẹp nhà cửa phục vụ việc đón nhận bà con.
Đó là thời kỳ thực sự khó khăn, thiếu kinh nghiệm tổ chức, tất cả cùng nháo nhào. Điện thoại của bọn mình - những người làm công tác điều phối - đỏ rực 24/7. Những bạn "chân chạy" đi lại như con thoi: sáng 7 giờ đi làm, chiều 5 giờ về, tắm rửa, 7 giờ lại lên biên giới, quay về nhà tầm 4-5 giờ sáng, rồi lại đi làm... Mệt nhưng không ai kêu, vì biết rằng cần phải làm, phải hành động. Rồi còn phải đối mặt với sự sợ hãi, nghi kỵ ngay từ một số người tị nạn, dễ hiểu thôi, bởi họ không ngờ rằng: "Cộng đồng người Việt tại Ba Lan tốt đến vậy".
Việc tiếp theo là tổ chức các chuyến xe sang Đức, sang Hà Lan, đưa bớt người tị nạn qua các quốc gia khác mà họ muốn, san sẻ bớt gánh nặng cho Ba Lan. Ở hai đầu, cả cộng đồng người Việt tại châu Âu rùng rùng chuyển động, hỗ trợ lẫn nhau để lo cho họ.
Mãi tới gần cuối tháng Ba, khi chính phủ Ba Lan đã thiết lập xong các quy trình cũng như trạm đón tiếp, công việc mới nhẹ đi, chiếc lều mới được rút về. Tuy nhiên, lại có rất nhiều thông tin từ Ukraina chuyển về, rằng bên đó cái gì cũng thiếu, cũng cần trợ giúp.
Thế là lần lượt các chuyến xe hỗ trợ lên đường. Những chuyến xe đầu còn phải "vượt biên" dưới sự bảo trợ của Biên phòng hai nước. Có lần còn bị biệt kích Nga bắn trúng, may mà không việc gì.
Để hiểu tình hình hơn, đầu tháng 4-2022, mình cùng hai người bạn lên đường sang Lviv. Cả con đường đi, chỉ có mỗi chiếc xe chở nặng hàng hỗ trợ của bọn mình là chạy vào Ukraina, còn toàn đi ngược lại. Khắp nơi là kiểm tra, công sự. Khắp nơi là dấu vết chiến tranh. Đoạn đường từ biên giới tới Lviv có khoảng hơn 60 km, bọn mình đi mất 2 tiếng đồng hồ, dù đã được ưu tiên và không ai chặn hỏi.
Sang tới nơi, nhìn thấy nỗi lo lắng, sợ hãi của người dân Ukraina còn ở lại. Nhưng qua lời nói, câu chuyện, mình thấy được sự quyết tâm, rằng: "đây là cơ hội thoát Nga duy nhất", "có thể vào được EU của Ukraina mà chúng tôi không thể bỏ lỡ". Thấy được nỗi khát khao muốn có cuộc sống tốt đẹp, tử tế hơn mà người dân Ukraina mong muốn, mình hiểu rằng họ sẽ không đầu hàng dễ dàng. Bởi vậy, cần phải giúp họ nhiều hơn nữa.
Thế là lại kêu gọi và nhận được đáp ứng từ hàng ngàn, hàng ngàn người Việt từ khắp nơi trên thế giới: từ Việt Nam, từ Mỹ, từ cả EU nhưng cũng có cả từ Lào, Campuchia, Trung Đông, Nam Mỹ, thậm chí ngay cả châu Phi cũng làm mình thực sự ngạc nhiên. Những chuyến xe viện trợ liên tiếp được chuyển sang Ukraina, cho tới nay đã là 73 chuyến chính thức, hơn chục chuyến phía Ukraina sang bất ngờ. Mình có gì đưa nấy, với khoảng hơn 230 tấn lương thực, thực phẩm, rồi bông băng, thuốc men tới máy trợ thở, máy nổ, drone trinh sát hay 9 chiếc xe địa hình dùng để sơ tán thương binh. Trong hai năm liên tục, không hề gián đoạn.
Hàng viện trợ của cộng đồng người Việt của chúng ta có mặt ở toàn Ukraina, tại các điểm nóng chiến sự cũng như những nơi xa xôi, mệt mỏi nhất. Tất cả những nơi nào mà phía Ukraina yêu cầu, từ mặt trận phía bắc, phía đông hay phía nam, tại Izium, Bakhmut, Avdiivka, Robotyne, Kherson... không nơi nào không có. Bản thân mình cũng sang Ukraina tới ba lần, để "nhìn tận mắt, sờ tận tay", để cảm nhận, để hiểu thực tế tình hình.
Cùng với hàng trăm bản tin cố gắng chọn lọc để đem lại một cái nhìn chân thực nhất về cuộc chiến này tới người Việt, chống lại sự tuyên truyền dối trá, lừa đảo của chính quyền Putin, chống lại đám "lông hồng", thứ "văn hóa Liên Xô/Nga" phi nhân tính, tệ hại. Mình chỉ muốn truyền tải một thông điệp tới mọi người: "Thế giới đang thay đổi, muốn có hạnh phúc, ấm no thì chỉ có sự tử tế, người với người mới xây dựng nổi mà thôi".
Trong những kỷ niệm, đáng nhớ nhất đối với cá nhân mình là khi tới thắp hương viếng liệt sĩ Nguyễn Văn Minh, con trai chị Sao Pham. Hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc. Bởi phải trải qua mới thực sự hiểu, nỗi mất mát lớn lao với đau đớn tới cỡ nào.
Nhìn lại hai năm qua, với khối lượng công việc khổng lồ đã trải qua, chính bản thân mình cũng giật mình. Tuy lúc này, sự hỗ trợ đối với Ukraina ngày càng giảm đi khi cuộc chiến kéo dài, nhưng mình tin rằng một tương lai tươi sáng vẫn đang chờ đợi đất nước và con người Ukraina.
Xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn xa gần, những người đã, đang và sẽ tiếp tục sát cánh trên con đường này. Mình chỉ có thể nói rằng công tác hỗ trợ cho Ukraina sẽ không ngừng lại.
Bởi bổn phận của những người có lương tri là vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ họ. Cho tới cuối cùng.
Viva Ukraina !
P/S: Video số phận hai chiếc xe của tình nguyện viên.
PHAN CHÂU THÀNH 24.02.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.