mardi 27 février 2024

Nguyễn Thông - Các nhà ngôn ngữ học ơi ời, bận ngủ hở (2)

- Cảng: Cũng theo từ điển Hoàng Phê, là nơi công trình cho tàu thuyền, ghe, ca nô ra vào neo đậu xếp dỡ hàng hóa hoặc hành khách lên xuống.

Cảng là từ chỉ chỗ dùng của các loại phương tiện giao thông thủy. Nơi có nước mới là cảng, chẳng hạn bờ sông, bờ biển. Ven sông thì cảng sông, ven biển thì cảng biển. Ví dụ cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đình Vũ, cảng Vũng Tàu.

Nhạc sĩ Hồ Bắc có bài hát “Bến cảng quê hương tôi”, “khi xuân sang trên bến cảng, đàn hải âu tung cánh bay rợp trời”. Không có cảng nào nằm trên đất không sông không biển bao giờ. Gọi những chỗ trung chuyển hàng từ cảng biển cảng sông về là “cảng trung chuyển” là hết sức bậy.

- Bến: Theo GS Hoàng Phê và cộng sự, bến là chỗ bờ sông thường có bậc lên xuống để người ta lấy nước, tắm rửa, giặt giũ. Nhưng định nghĩa như vậy chưa đủ, bởi trên thực tế có cả bến cạn và bến nước.

Bến là nơi quy định để tàu thuyền, xe cộ dừng lại cho hành khách lên xuống, xếp dỡ hàng hóa, cho tàu thủy hoặc xe đậu lại. Bến để chỉ cả chỗ giáp nước (ven sông, biển) hoặc trên cạn chứ không phải chỉ là ven bờ nước. Đồ Sơn có bến Nghiêng, một di tích lịch sử, nơi người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc sau 300 ngày tạm cư.

Bến cho ô tô, xe khách đậu gọi là bến xe, cho tàu đậu là bến tàu. Hải Phòng có bến Sáu Kho, ven sông Bến Hải ở phía bắc vĩ tuyến 17 có bến Hiền Lương, thành ngữ có câu “trên bến dưới thuyền”. Những bến xe ở Hà Nội để đi các tỉnh có bến Nứa, bến Kim Liên, bến Kim Mã, ven hồ Gươm có bến tàu điện… Xe điện từ bến Bờ Hồ đi Hà Đông qua nhiều ga, như ga Cửa Nam, ga Ngã tư Sở, ga Cầu Mới, ga Thanh Xuân… rồi mới tới bến Hà Đông.

- Sân bay: Mọi người đều hiểu đây là chỗ cho máy bay/tàu bay/phi cơ đậu, đi hoặc đến. Đã nói tới sân bay thì phải hiểu rằng nó chỉ dành cho máy bay. Miền Nam hồi trước thường dùng từ Hán Việt gọi là phi trường (phi là máy bay, trường là khu đất rộng, phi trường là nơi dành cho máy bay lên xuống). Khu vực để sân bay chuyên đưa đón khách bay gọi là nhà ga hành khách, ví dụ ga hành khách sân bay Nội Bài, đưa đón khách trong nước là ga nội địa, khách từ nước ngoài về hoặc bay đi nước ngoài là ga quốc tế.

Mọi thứ, nghĩa của các từ ga, bến, cảng, sân bay đều rất rõ ràng, rành mạch, chuẩn mực như thế, chả hiểu đứa chết mẹ nào (từ của ông hàng xóm nhà tôi) thay đổi, gọi thành “Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, “Cảng hàng không Tân Sơn Nhất/Nội Bài”, “Ga tàu thủy Bạch Đằng”, “Cảng xe khách miền Đông”.

Từ ông chủ tịch nước, ông thủ tướng, ông bộ trưởng giao thông tới đám quan chức lau nhau dưới (tôi không quan tâm tới ai đứng đầu đảng bởi đảng chả là gì với tôi), cả báo chí nữa, đều hết sức bát nháo khi dùng những từ “ga, bến, cảng” mặc dù đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Chính họ phá tiếng Việt chứ không phải ai khác.

Nếu vị nào đem những từ nói trên so với tiếng nước ngoài, rồi lấy lý do này nọ để bào chữa cho cái sai, chẳng hạn nói thời hội nhập thì phải thế, thì tôi xin nói ngay: người Việt cứ phải dùng tiếng Việt cho đúng cái đã.

NGUYỄN THÔNG 27.02.2024

Nguyễn Thông - Các nhà ngôn ngữ học ơi ời, bận ngủ hở (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.