Thấy mạng xã hội bàn luận ầm ĩ về hai phim “Mai” tư nhân và “Đào, Phở và Piano” nhà nước.
Có ông còn dùng thống kê dân ta cỡ 100 triệu, bao nhiêu ở thành phố, bao nhiêu hay đi xem phim. Rồi ông kết luận cái rầm, trong hơn chục ngày mà có hơn 4 triệu đi xem phim “Mai” của Trấn Thành…có mà bốc phét.
Nhưng trong 4 triệu đó không có lão, vì nhớ thần đồng thơ Trần Đăng Khoa viết nhiều bài hay hồi nhỏ, nhưng thành hội viên Hội Nhà văn thì lão ấy được mỗi câu này ngang sấm Trạng Trình “Ngồi nhà cởi cúc xem chim//Còn hơn ra rạp xem phim nước mình”.
Lần đầu tiên phim nhà nước gây được tiếng vang nhưng hình như cũng sắp…đắp chiếu vì cảnh bay như phim chưởng lao vào xe tăng T54 của CCCP…
Nghệ thuật thứ bảy vừa dễ mà vừa khó. Dễ ở chỗ là làm ra thứ cho người đời giải trí, khó là làm sao lôi người đời đến rạp. Phim không nói được tiếng lòng của người xem chắc chắn thất bại.
Ngoài chuyện đầu tư, tìm người có tiền, yêu nghệ thuật, hiểu nghệ sĩ, có tâm, có tầm, thì không gian pháp lý cho sáng tạo tự do là then chốt tạo ra tác phẩm để đời. Chỉ cần một ông ngồi nhầm ghế, ít học nhưng phán như thánh về văn hóa, thì phim xứ này chỉ có một cách sống, đó phim cúng cụ.
Nói thật với các cụ là lão ngày xưa (1980s) suýt thành diễn viên. Chả là mình quen cô Thu Hồng HTV (Hà Nội tivi – tôi không bao giờ xem) là MC rất xinh, toàn đi với tứ trụ để đưa tin. Cô này có ông xã là Lê Đức Tiến chuyên phim nhà nước kiểu “Đào…”.
Một số phim như Vụ án viên đạn lạc, Sóng ở đáy sông, Chuyện tình biển xa… với những cô gái thùy mị nết na, phim vua Lý Thái Tổ mấy chục tỉ nhân kỷ niệm Thăng Long 1.000 năm, rồi có khi y biến chứng, chuyển sang kiểu…Gái nhảy. Nhưng rồi không thể bằng Trấn Thành thu lời hàng trăm tỉ mỗi phim, phim Tiến chiếu qua loa rồi cho vào lịch…sử.
Nhắc đến Lê Đức Tiến vì ngày xưa có lần anh nhờ tôi vào vai Lão Hạc, một tác phẩm của Nam Cao, vì tôi gầy, ốm yếu, hom hem giống thầy giáo Thứ, chắc ăn ống kính. Rồi hẹn tiền cát-sê cưa đôi nhé. Chả nhớ là bao nhiêu nhưng có lẽ mua được xe máy Jawa Tiệp chạy ga vừa đi vừa đẩy. Cuối cùng lão Tiến tìm được người gầy hơn nên tôi mất suất diễn. Nếu không bây giờ cũng nổi tiếng, có khi Trấn Thành lại a lô cũng nên.
Có lần hỏi Thu Hồng, dạo này anh Tiến còn làm phim nữa không. Em cười, anh ấy trước là Giám đốc hãng phim Giải Phóng, nay sang Phim truyện Việt Nam, bận hơn ngày xưa. Hỏi có cần vai lão Hạc hay thầy giáo Thứ nữa không, em lắc đầu, bây giờ cần vai Chí Phèo, anh ạ. Với lại kiểu Gái nhảy thì cần trai trẻ, ai cần cụ 70 như anh làm gì. Từ lần gặp đó, lão hết mơ mộng đóng phim cho lão Tiến.
Bây giờ lão già nên điếc phim. 30 năm nay không tới rạp và chắc 30 năm nữa cũng không đi. Phim hay dở cứ để khán giả phán bằng…chân. Họ tới rạp xem là OK, xem về họ bảo bạn đi xem còn OK nữa, bằng không thì đốt mẹ nó phim đi.
Xem phim ảnh cũng như xem sách. Phần lớn dân chúng chỉ đọc cái bìa, một số đọc thêm lời giới thiệu, khá đông tin vào cánh nỏ mồm phê bình, chỉ một số rất ít đọc và hiểu nội dung. Trong số phán láo có lão Hiệu Minh, cháu đời thứ 15 của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Y có gien nói trạng và coi Trần Đăng Khoa là thần đồng phê bình điện ảnh “Ngồi nhà cởi cúc xem phim…”
Tranh thủ quảng cáo giúp hai phim đang hot.
HIỆU MINH 26.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.