- Cao tốc mà mỗi chiều chỉ có một làn, không dải phân cách cứng, không làn dừng khẩn cấp, thậm chí còn không có cả chỗ dừng để đi... tè. Thì tốt nhất không nên gọi là đường cao tốc để tránh ngộ nhận và thất vọng, gây ảnh hưởng tâm lý.
- Cao tốc mà có biển báo đại khái "làn dừng khẩn cấp cách 1.500 m", tức là thông báo rằng còn 1.500 m nữa mới đến chỗ dừng khẩn cấp. Đã gọi là "dừng khẩn cấp" rồi mà còn phải đợi gần 2 km mới tới thì không khác gì bên bệnh viện có thông báo "hết giờ cấp cứu". Mấy bác làm đường này mà cho đi làm bác sĩ sản khoa thì chắc thường xuyên yêu cầu sản phụ... hoãn đẻ.
- Nhiều chỗ đã giải phòng mặt bằng xong rồi mà cũng vẫn không chịu làm thêm làn đường cứu nạn (làn thoát xe, dừng khẩn cấp...). Làn khẩn cấp thì đâu cần phải kiên cố gì lắm đâu mà sợ tốn kinh phí? Cứ đắp đất và trải đá dăm lên để dừng đỗ khẩn cấp cũng được mà nhỉ?
- Trên cao tốc phiên bản một làn mà gặp xe tải nặng dẫn đoàn thì coi như cả đoàn phải bò theo hàng chục km. Vì đó mà người ta sinh ra ý tưởng là cứ xa xa lại làm một đoạn phình ra để cho các xe vượt nhau. Làm đường vượt đứt đoạn kiểu này nghe có vẻ hợp lý trên lý thuyết, nhưng lại rất bất hợp lý trên thực tế. Tại sao vậy, mời các bác đọc tiếp sẽ hiểu.
- Địa hình thực tế các tuyến cao tốc đều trải qua đồi núi. Các xe tải nặng khi lên dốc thì chỉ bò được với tốc độ 20-40 km/h, lúc này các xe khác rất muốn vượt thì lại không vượt được, vì chỉ có một làn, và không được phép làm đoạn vượt ở đoạn dốc. Đến chỗ được phép vượt (làn vượt phình ra) thì thường là chỗ chân dốc, địa hình bằng phẳng, lúc này các xe tải nặng đã trở về tốc độ cao (70-80km/h) các xe khác muốn vượt thì buộc phải tăng tốc quá tốc độ cho phép. Đang chạy nhanh thì gặp ngay nút thắt cổ chai gom hai, ba làn thành một làn thì rất nguy hiểm. Và vụ tai nạn vừa rồi đã chứng minh điều đó.
- Bỏ qua lỗi quá tốc độ lúc vượt xe. Việc bố trí cứ khoảng 10 km thì có một đoạn đường vượt dài 1,5 km là bất hợp lý. Tôi xin đưa con số tính toán như sau:
Xe tải lúc tới đoạn đường vượt thì thường đạt tốc độ 70-80 km/h. Các xe khác muốn vượt thì buộc phải chạy nhanh hơn, nhưng cũng sợ lỗi quá tốc độ và điều kiện đường hẹp, nên cùng lắm cũng chỉ chạy khoảng 90 km/h. Tốc độ chênh lệch giữa xe vượt và xe bị vượt là khoảng 5-10 km/h.
Nếu vượt xong đoạn chiều dài xe container dài 20 mét, cộng với chiều dài bản thân xe vượt và khoảng cách an toàn (tổng cộng 30 mét) thì phải mất ít nhất 10 giây, với tốc độ trung bình 85km/h thì xe vượt cần phải chạy ít nhất là 230 mét thì mới vượt được xe cần vượt. Như vậy, với chiều dài đoạn đường cho phép vượt là 1..500 mét thì chỉ có nhiều nhất là 6-7 xe có thể vượt qua được xe cần vượt phía trước (theo một cách trật tự, không ẩu).
Một tuyến cao tốc dài cỡ 100 km, mà nếu cứ 10 km mới bố trí một đoạn vượt theo dự tính, thì cả tuyến chỉ có 10 đoạn được vượt, và với 10 chỗ vượt này thì chỉ có 60-70 xe có thể vượt qua được một xe tải. Trong khi thực tế giao thông dịp cao điểm, phía sau mỗi xe tải dẫn đoàn là hàng trăm xe. Nếu không tranh thủ vượt nhanh và ẩu thì có đi hết cả tuyến cao tốc cũng không kịp vượt được xe tải phía trước. Mà nếu không vượt được thì khi đến đoạn lên dốc lại phải kiên nhẫn rùa bò theo sau nó. (Trên tuyến có quy định tốc độ tối thiểu là 60 km/h, nhưng thực tế xe tải nặng khi lên dốc chạy rất chậm, đây cũng là một bất cập khác cần xử lý).
Bởi thế mà nhiều tài xế sinh ra tâm lý ức chế, cố gắng bằng mọi cách vượt qua cho được xe tải nặng phía trước. (Tâm lý cố vượt xe container thể hiện rất rõ trong clip tai nạn hôm rồi).
- Hiện trạng thực tế như vậy đã gây ra tâm lý ức chế cho lái xe, khiến lái xe phải chạy nhanh hơn, ẩu hơn, cộng với cách thiết kế làn vượt thiếu khoa học (nút thắt gom làn rất gấp, gom một phát ba làn thành một, biển báo cộng gờ giảm tốc quá gần khúc cua...) đã gây ra nguy cơ tai nạn rất cao.
Đến đây đừng bác nào nói lỗi chủ yếu là do tài xế nhé, lỗi chủ quan của người lái xe đương nhiên là sẽ phải trả giá bằng nguy cơ tai nạn cao. Nhưng ở đây tôi nói về lỗi thiết kế, gây ra tỉ lệ rủi ro cao thì chính là lỗi của thiết kế.
- Làm cao tốc Bắc Nam là quá cần thiết. Cần thì phải làm, mà làm thì phải làm cho tới, chứ đừng làm nửa chừng để tạo ra những cái bẫy chết người.
Thiếu tiền thì ráng đi vay mà làm. Vay làm thứ gì còn được, vay làm đường thì tôi ủng hộ.
MAI QUANG HIỀN 20.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.