Chế độ Dân Chủ không hứa hẹn tạo ra những người lãnh đạo hoàn hảo, không đòi hỏi các chính trị gia phải hoàn hảo. Dân Chủ là một hình thức sắp xếp chính trị.
Tướng Prabowo Subianto, người chắc chắn sẽ là tổng thống mới của Indonesia, và tổng thống Joko Widodo, người không thể tiếp tục tranh cử do đã hết nhiệm kỳ theo hiến pháp Indonesia, khác nhau về đủ mọi mặt.
Widodo sinh ra trong một khu nhà ổ chuột; năm 12 tuổi đã phải làm việc tại cửa hàng bán giường, ghế, bàn, tủ của ông bố; gia đình sống lần lượt trong ba căn nhà thuê, một căn bị chính thức xếp hạng không thể cư ngụ được vì quá tồi tệ!
Ngược lại, Subianto thuộc một gia đình quyền thế nhất nước, làm chủ rất nhiều đất đai, hầm mỏ và các công, thương nghiệp; ông bố đã làm bộ trưởng dưới thời các tổng thống Sukarno và Suharto. Subianto nói thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức và tiếng Hòa Lan vì theo bố sống lưu vong nhiều năm ở Âu châu.
Subianto đã hai lần tranh cử tổng thống với Widodo, năm 2014 và 2019, cả hai lần đều bị đánh bại. Tuần này Subianto lên kế vị, tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách phát triển kinh tế thành công của người tiền nhiệm. Chắc ông cũng giữ nguyên chính sách ngoại giao, thân thiện với Mỹ và hoan nghênh tiền đầu tư của Trung Quốc.
Cuộc chuyển giao quyền hành diễn ra êm đẹp, một truyền thống suốt 24 năm của nền chính trị Indonesia. Sau khi chế độ Suharto bị lật đổ, năm 1999, hai vị tổng thống là Abdurrahman Wahid, một học giả thông thái về giáo luật, và Megawati Sukarnoputri, con gái của cố Tổng thống Sukarno, đều do quốc hội bầu lên thay phiên cai trị và vui vẻ rút lui khi hết nhiệm kỳ.
Dân Indonesia chỉ trực tiếp bỏ phiếu chọn tổng thống từ năm 2004, ông Susilo Bambang Yudhoyono đắc cử hai lần, mỗi nhiệm kỳ 5 năm; theo hiến pháp không được ứng cử nữa. Khi đắc cử lần đầu, năm 2014, ông Jokowi khuyến khích các công ty khai thác những tài nguyên thiên nhiên phong phú như mỏ kẽm, mỏ đồng, dầu lửa và than đá; phát triển hệ thống đường xá và đường xe lửa. Dân Indonesia đã chứng kiến nền kinh tế phồn thịnh, địa vị của Indonesia trên thế giới lên cao. Trong kỳ bầu cử thứ hai, năm 2019, các đảng phái ủng hộ Tổng thống Widodo chiếm 80 phần trăm số ghế trong quốc hội.
Chế độ Dân Chủ ở Indonesia đã tiến từng bước đến tuổi “trưởng thành.” Trong các cuộc tranh luận các ứng cử viên nói năng ôn tồn và lễ độ; các cuộc biểu tình rất đông đảo, náo nhiệt nhưng không thấy ai đặt bom hay ẩu đả chết người. Ngày bầu cử, dân đi bỏ phiếu rất đông cho thấy họ ý thức về giá trị của lá phiếu và tha thiết sử dụng quyền công dân.
Những ứng cử viên tổng thống Indonesia đều dung hòa, kính trọng lẫn nhau, chính họ được người dân kính trọng. Hai ông Joko Widodo và Prabowo Subianto vẫn theo nếp đó.
Mặc dù hai lần tranh cử đều thất bại trước một đối thủ địa vị xã hội thấp và không có một hậu thuẫn chính trị nào, Tướng Subianto, vừa thân cận với các giáo sĩ Hồi Giáo, vừa có thể được quân đội hỗ trợ, vẫn chấp nhận kết quả khi người dân lựa chọn bằng lá phiếu. Không có cảnh “phá bĩnh” theo lối “không được ăn thì đạp đổ.” Trong lúc tranh cử, ông Widodo bị Tướng Subianto dùng mọi thủ đoạn để bêu xấu, nhưng khi thắng thế lần thứ hai lại mời đối thủ làm việc với mình;ông Subianto chấp nhận làm bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ mới.
Xây dựng chế độ dân chủ ở một nước thuần nhất về chủng tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng đã khó, nhưng ở một nước phức tạp như Indonesia còn khó khăn gấp bội. Đài BBC nhận xét ngay khi được Hòa Lan trả lại độc lập, nhiều người đã nghĩ Indonesia sẽ tan ra thành nhiều mảng. Indonesia khó thành một quốc gia, “an impossible country.” Dân số 274 triệu, đông hàng thứ ba trong các nước tự do dân chủ, nói 700 thứ tiếng khác nhau, sống trên hơn 17.000 hòn đảo. Quốc gia này còn tồn tại là một điều may mắn. Nền chính trị ổn định; tổ chức tranh cử, bầu cử chọn người lãnh đạo, với nhiều đảng phái tham dự trong không khí ôn hòa. Dân đi bầu rất đông, các thùng phiếu được chuyên chở qua hàng triệu dặm đường, trên xe, trên thuyền, đèo sau xe đạp, trên lưng ngựa hoặc vác trên vai đi bộ.
Ông Jokowi là vị tổng thống đầu tiên chỉ dùng sức của mình mà đắc cử. Ông không được các giáo sĩ, các tướng lãnh, hay các gia đình quyền thế ủng hộ. Nhưng cuối ông thâu được số phiếu cao nhất, lần đầu nhờ những thành công trong thời gian làm thị trưởng thủ đô Jakarta, lần sau nhờ kinh tế lên cao. Người dân chọn lựa căn cứ trên các thành tích cụ thể của ứng cử viên, họ không mờ mắt với các thủ đoạn chính trị. Ông Jokowi lập một đảng chính trị sau khi đắc cử, nhưng trong cuộc bầu cử năm nay ông không ủng hộ ứng cử viên của đảng mình mà chọn Tướng Subianto.
Nhưng Jokowi cũng không phải là một người “hoàn thiện,” vượt lên trên các thủ đoạn chính trị. Tướng Subianto đã mời Gibran Rakabuming Raka, con trai của Widodo, làm phó tổng thống. Đây là một cuộc đổi chác, có thể hai bên đã hứa hẹn với nhau từ năm 2019. Raka mới 36 tuổi, chưa đủ điều kiện 40 tuổi theo hiến pháp. Tòa án Hiến pháp, cao nhất nước, đã tuyên bố miễn hạn tuổi cho Raka. Ông chánh án là em rể của Widodo!
Chế độ Dân Chủ không hứa hẹn tạo ra những người lãnh đạo hoàn hảo, không đòi hỏi các chính trị gia phải hoàn hảo. Dân Chủ là một hình thức sắp xếp chính trị. Các bản hiến pháp dân chủ chỉ dựng lên một cái khung nhà, lập các định chế và mối tương quan giữa các định chế để những người nắm quyền theo đó mà hành động. Giống như các luật lệ của những trận đá banh.
Họ có thể đổi chác quyền lợi, miễn sao các cử tri không thấy ô uế quá, đáng xấu hổ. Mỗi dân tộc chọn lấy nội dung bao hàm trong ngôi nhà của mình. Cũng như đá banh các cầu thủ phải chơi thẳng thắn, không gây lén thương tích cho đối thủ, tôn trọng quyết định của trọng tài. Chế độ phải đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp; bảo vệ các quyền tự do căn bản của con người; hệ thống quyền hành được cân bằng, và có cơ chế kiểm soát lẫn nhau.
Trong một xã hội dân chủ, “bất đồng ý kiến” là hiện tượng tự nhiên và được chấp nhận. Chế độ dân chủ phải có đảng phái, để người dân lựa chọn theo quyền lợi của họ. Nhưng không ai coi người suy nghĩ khác mình, chọn các chính sách khác với mình, là “kẻ thù.” Nhất là không “cả vú lấp miệng em” gán cho đối thủ nhãn hiệu “kẻ thù của nhân dân!”
Một đặc điểm của nền chính trị Indonesia là tinh thần ôn hòa. Nhiều người đối lập với Tướng Subianto bây giờ cũng cộng tác với ông. Budiman Sudjatmiko vốn là một nhà tranh đấu đòi tự do dân chủ từng bị bắt nhiều lần thời Tướng Suharto nắm quyền. Năm nay ông đã rời khỏi đảng “Đấu tranh Dân Chủ” của Tổng thống Widodo và do bà Megawati Sukarnoputri sáng lập; để trở thành một phát ngôn viên của Tướng Subianto, con rể ông Suharto.
Trước ngày bỏ phiếu vừa qua, đài BBC đã phỏng vấn Budiman; ông nói: “Sau 25 năm ai cũng thay đổi, tôi cũng vậy. Thời 1990, chúng tôi đối đầu với chế độ độc tài toàn trị. Lúc đó, cần phải có dân chủ. Bây giờ, thử thách lớn nhất của chúng tôi là kinh tế chậm tiến và giàu nghèo chênh lệch. Hàng triệu người Indonesia vẫn sống trong nghèo khó.”
Các tổ chức nhân quyền quốc tế vẫn kết án Subianto về những hành động tàn bạo của quân sĩ do ông chỉ huy khi tấn công các cuộc biểu tình của dân Timor-Leste thời 1980s đến 1990s. Năm 1998, đội quân đặc vụ Kopassus của ông đã bắt cóc các đối thủ chính trị của Suharto, ông bố vợ, bị dư luận quốc tế phản đối, Subianto đã bị cách chức và trục xuất ra khỏi quân đội. Nhiều người đã bị chính quyền Suharto đàn áp thời 1990, trong số 9 người bị bắt cóc năm 1998, nay có sáu người đang hợp tác với Tướng Subianto.
Trong một cuộc tập họp cử tri, trước ngày bỏ phiếu, Tướng Prabowo Subianto đã giới thiệu Budiman với công chúng, kể chuyện Budiman đã bị công an mật vụ của Tướng Suharto, bố vợ của mình, lùng bắt như thế nào. Subianto nói, “Xin lỗi ông bạn! Tôi vẫn truy tầm, tìm bắt ông hồi đó. Nhưng mà, này, Tôi xin lỗi bạn nhé!”
Xã hội Indonesia thay đổi. Budiman hay Subianto cũng thay đổi. Điều hiển nhiên nhất là một “người hùng” đầy quyền thế như Subianto Prabowo cũng phải chấp nhận số phận của mình do lá phiếu người dân quyết định.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đã đăng trên VOA ngày 17/02/2024)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.