Lưu ý là bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim nên ai muốn đi xem cho hồi hộp để khóc sướt mướt thì lượn luôn, không đọc xong lại trách móc nỉ non.
Về tổng thể, đây là vở kịch, hay cải lương, đại khái là dạng sân khấu, nhưng mà quay thành phim điện ảnh, công nghệ Dolby 7.1, kinh phết, pháo bắn cũng giật mình phết!
Gọi là tác phẩm sân khấu vì nó có tính ước lệ quá cao và phim trường giả trân kiểu sân khấu mô hình kẻ vẽ sơn phết. Phim này ít tiền, nên không thể đầu tư được phim trường cho giống thật. Thôi thì méo mó có hơn không. Mình sẽ không bàn sâu chuyện này, vì dù sao nó cũng có lý do tương đối khách quan, ít nhất là với những người tham gia làm phim.
Vấn đề của phim này là nội dung, kịch bản, đề truyền tải nội dung tuyên truyền, nên nó phi logic một cách quá đà. Người xem mà có kiến thức sẽ buồn cười, thay vì khóc sướt mướt. Còn người xem dễ tính thì lại dễ bị những cảnh câu nước mắt làm xúc động.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện về đôi trẻ tiểu tư sản Hà Nội vào ngày cuối cùng của cuộc chiến 60 ngày đêm chống Pháp, ở quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Bối cảnh có thêm chút hồi ức trong 60 ngày trước đó. Nói chung giá trị lịch sử của phim không có mấy, vì thời gian và bối cảnh trong phim đều rất hạn hẹp, giống thể loại phim từ trong nhà ra ngoài phố thôi.
Ngay đầu phim đã là cảnh “trai trên gái dưới”, tất nhiên quay cũng kín đáo PG13 chứ không phải 18. Là cảnh đêm tân hôn của đôi trẻ. “Làm việc” xong, họ quay ra chuyện trò tâm sự, mong sao đêm nay dài mãi, không có ngày mai. Lý do tại sao thì đọc đoạn dưới. Sau đó là liên tục các cảnh hiện tại và hồi tưởng của hôm trước.
Cô gái, quên mẹ tên, nên tạm gọi là cô dâu đi, là con nhà tiểu tư sản, tự dưng quay về khu vực liên khu 1 (có chiến lũy chống Pháp ở Hà Nội). Đây là khu vực phố cổ. Cô nêu lý do là đi tản cư cùng gia đình, nhưng bị lạc ở Trung Giã, nên quay lại nhà cũ của mình, một phần là do nhớ bạn zai đang ở lại chống Pháp.
Khi bị vệ quốc quân bắt gặp, nghi là do thám, thì cô gái nêu lý do là về để lấy cái đàn piano đem đi. Anh em lính tráng tin ngay, nên sốt sắng hì hục tời cái đàn qua ban công xuống đường cho cô gái, nhưng chuyển đi bằng cách nào thì không biết! Đang tời dở dang thì chiếc đàn bị lính Pháp phát hiện bắn nát và đứt dây thừng khiến nó rơi xuống đất và vỡ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cô gái là có mong muốn ngớ ngẩn là về lấy đàn đi mà vệ quốc đoàn còn ngớ ngẩn hơn là kéo đàn xuống giúp cô. Họ rảnh quá sao? Lưu ý cái đàn loại nhỏ cũng vài tạ, phải chở đi bằng ô tô tải hay xe bò… Chứ cô gái không thể tự đem đi được. Lính Pháp cũng rảnh háng bắn rụng cái đàn rồi thôi, không thấy đánh tiếp.
Có lẽ vì đạo diễn hay biên kịch muốn đưa ra thông điệp cô gái là tiểu tư sản, yêu nghệ thuật, còn lính Pháp ác ôn, chúng tiêu diệt cả nghệ thuật của tư sản Việt Nam! Cây đàn piano là biểu tượng cho giá trị văn hóa tư sản Hà thành lúc bấy giờ. Nhưng nếu là mình, cây đàn piano sẽ được thay bởi cây violin, nó sẽ logic hơn, vì gọn nhẹ đem đi được, mà tính nghệ thuật cũng tương đương piano. Lính Pháp có thể truy đuổi và bắn vỡ cây đàn.
Còn về anh chồng, tên Dân, bộ phim cho thấy đây là một vị anh hùng bất tài, lóng ngóng thiếu lý trí tối thiểu hoặc gọi là, xin lỗi, yêu nước kiểu…ngu cũng được. Đầu phim là cảnh anh này lóng ngóng làm rơi mất quả lựu đạn khi chiến đấu, nên bị chỉ huy chê là vô tích sự. Anh phẫn uất nên bảo: Em sẽ đi lấy vũ khí về.
Ban đầu mình nghĩ anh này biết chỗ nào đó có kho vũ khí của Nhật hay đi ăn cắp được vũ khí của Tây ở đâu đó. Hóa ra không phải, anh làm một hành động rất vô tri, là mò ra ven đô, khu Nhật Tân, Quảng Bá gì đó, tìm đến xưởng sản xuất vũ khí của Việt Minh, để lấy súng đạn về. Ở status trước mình đã viết, Việt Minh không có nhà máy hay xưởng sản xuất vũ khí nào đủ lớn đâu, chỉ có mấy xưởng nhỏ làm bom ba càng, chế cháo sửa chữa lặt vặt thô sơ thôi. Đương nhiên không thể đến đó mà lấy súng đạn về dùng được. Vì nếu làm được thế thì người ta đã chủ động tiếp tế chứ không thể để một chú lính đi vác mấy khẩu súng về được.
Điều đó cho thấy kịch bản cũng khá ngớ ngẩn ở chỗ này. Phim cho thấy xưởng đã chuyển đi cả, còn mỗi một ông ở lại có một quả lựu đạn. Thế là anh lính trẻ đem một quả lựu đạn về cùng với một mớ hành về cho ông hàng phở và không quên đem theo một cành đào về cho đồng đội ở chiến lũy ăn tết. Lãng mạn tếu phết!
Phim có hình ảnh ông bà hàng phở khá là thừa thãi, không có cũng không ảnh hưởng lắm. Sự xuất hiện của họ cũng khá là vô lý, đại khái họ không tản cư mà ở lại bán phở cho anh em Vệ quốc đoàn chiến đấu. Mình hiểu hình ảnh của họ được đưa vào để cho đủ thành phần nhân dân cần lao yêu nước và phở là món kinh điển của Hà Nội.
Thành phần tiếp theo là tư sản xịn sò, do ca sĩ Tuấn Hưng đóng. Anh này lừng chừng, nghi ngờ khả năng chiến thắng của quân ta, đại khái chê quân ta dại dột chống lại kẻ địch mạnh. Ban đầu thế thôi, nhưng anh này vẫn mạo hiểm đích thân lái xe riêng đưa anh Dân kia về chiến lũy, nhưng lại đem theo cả hai cô gái đi cùng xe, không biết để làm gì? Đi trải nghiệm cho vui?
Chính vì có sự xuất hiện của cô gái trên xe nên mới có cảnh lính Tây ở trạm gác chọc gái, khiến anh Dân đấm thằng Tây một quả dẫn đến cuộc rượt đuổi như Fast and furious, xe Jeep của Tây đuổi cách xe bọ hung của ta cỡ…10 mét, đạn bắn liên hồi, nhưng ta vẫn thoát, chắc do cô thương! Dân về chiến lũy an toàn và anh tư sản vẫn hồn nhiên quay về biệt thự sang trọng của mình. Tóm lại là rất khiên cưỡng và ước lệ. Thông điệp vẫn là lính Tây ác ghê, chúng bóp vú gái ta, không chống Pháp không được!
Dân về đến chiến lũy thì gái lại đi theo đoàn quân rút về chiến khu rồi. Phân cảnh cô gái đi theo đoàn quân cũng phi logic. Rõ ràng cô đi tìm zai, nhưng zai chưa về cô lại đi trước. Nhưng ra tới bến thuyền, bạn zai cô bị điểm danh thiếu (do chưa về) lại bị chỉ huy chê vô dụng và vô kỷ luật. Thế nên cô tức khí, dỗi, nên lại lộn về chiến lũy chờ zai! Nói chung là tâm lý rất là không ổn định với cách hành xử khó hiểu lòng vòng! Tất cả là do kịch bản. Lẽ ra cứ để cô nằm lại chiến lũy để chờ trai có sao đâu!
Thế là đến tối mịt đôi trẻ mới gặp nhau, vồ lấy nhau định xxx xã giao một cái thì bị ông họa sĩ bắt gặp. Ổng kỳ đà cản mũi bảo là chưa cưới thì không được xxx nhé, chính quyền chưa xác nhận kết hôn đâu! Đôi trẻ bỗng giác ngộ nên kìm nén thú tính và quyết định sẽ làm đám cưới ngay và luôn để hợp thức hóa việc kia.
Cô gái vì theo Công giáo nên phải mò đến nhà thờ để mời ông linh mục tới làm lễ ở chiến lũy. Ông cha béo hú, có mấy ông review là sao mà diễn viên béo quay vào năm 45, vô lý. Mình nghĩ có mục đích tuyên truyền cả, ý là dân chết đói nhưng các cha vẫn béo tốt! Thâm phết. Cha bảo không tham gia chính trị, không theo bên nào đâu, nhưng thấy bảo đi làm lễ kết hôn thì cũng đi.
Phòng tân hôn làm ở trong toa xe tàu điện, có rèm, nến, chăn ấm nệm êm xịn sò phết. Nên đôi trẻ cũng có thể full option. Mình thắc mắc chút là trong các ngôi nhà bỏ không vẫn có nhiều phòng còn ổn, sao không làm lại thích làm ở toa tàu điện? Chắc thế lãng mạn thời chiến hơn?
Cha làm lễ xong thì sợ không dám về nhà thờ một mình, nên ở lại phụ họa sĩ vẽ tranh tường! Chi tiết này cũng thấy phi logic. Lại nói về ông họa sĩ, chả hiểu sao có ông họa sĩ ở lại nhưng không tham gia chiến đấu, chỉ là vẽ cờ hộ Vệ quốc đoàn để phủ lên xác lính.
Chi tiết này cũng ảo quá. Lính chết lúc đó có chỗ chôn đã là may, trong phố mà, lại còn bày đặt vẽ cờ để phủ lên. Chắc để tạo cớ là ông này hết màu đỏ để phải lấy máu vẽ tranh tường. Vì bức tranh tường có lá cờ mà hết màu đỏ, nên họa sĩ và cha phải cắt máu để lấy màu. Tranh to cỡ 2 mét vuông nên máu chắc phải cả lít mới đủ. Thực tế tô máu lên tường thì chỉ vài phút nó thành màu nâu, sao mà đỏ màu cờ được. Chắc muốn đưa thông điệp là cha và nghệ sĩ cũng yêu nước?
Đoạn cuối, thể hiện lòng dũng cảm vô tri nhất của anh Dân là nhất quyết đòi ở lại chiến lũy sống mái với quân Pháp chứ nhất quyết không rút theo lệnh cấp trên, cho dù cô gái có rủ về Nam Định tản cư. Đại ý anh nói là thấy cảnh dân ta bị Pháp giết nên quyết tâm chống Pháp và xác định chết luôn. Lưu ý là chỉ còn có mình anh đánh Pháp nhé, anh em rút sạch cả rồi. Thế chả vừa ngu vừa vô kỷ luật quân đội?
Quả bom ba càng mà anh dùng, thực ra là bom xịt, ông họa sĩ bảo là dùng làm mẫu vẽ tranh thôi. Nhưng anh Dân tự tháo quả lựu đạn ra lấy thuốc nhét vào quả bom để phục chế nó lại hòng đánh Tây bằng vũ khí duy nhất đó. Nếu sửa dễ thế sao đồng đội không làm sớm đi và nhồi lựu đạn qua bom ba càng được mới hài, không biết anh có đồ nghề gì không?
Cảnh cuối cùng đỉnh cao ảo lòi là ông hàng phở dùng búa chặt xương bò tả xung hữu đột chém chết cỡ 5-6 thằng lính Tây, giống phim Tàu kháng Nhật ngày xưa. Rồi tới anh Dân vác bom định lao vào xe tăng thì bị sức ép đạn pháo đánh ù tai, mù mắt. Vụ này thường chỉ có với bom loại lớn mới có sức ép vậy, đạn pháo chưa tới tầm, nhưng mà thôi, trẻ trâu đi xem nó không biết đâu. Dân bị mù nên bị lính Pháp quây rồi xe tăng nghiền nên cô dâu mặc áo dài trắng mới ôm bom ba càng leo lên nóc phòng tân hôn chạy đà lao tới như một vị thần đâm vào làm nổ tung xe tăng địch. Đoạn này anh em xem cả rồi không cần bàn nữa.
Đoạn cuối chất phết. Truyền tải thông điệp ông Dân yêu nước mà vô tích sự, mù mắt để vợ chết oan.
Ông họa sĩ và ông cha đều bị Tây giết sạch nhé. Dù họ có nói tiếng Pháp (không có phụ đề) dự là can ngăn Tây không đánh nữa. Thông điệp là Tây ác quá, giết sạch cả những người thân Tây, tiểu tư sản, linh mục…
Tóm lại, mình thấy bộ phim là một vở diễn sân khấu với tính ước lệ rất rất cao, từ kịch bản tới phim trường. Nặng về tuyên truyền tinh thần yêu nước, thành phần nào cũng yêu nước chống Pháp cả trong khi Pháp thì ác ôn gặp ai nó cũng giết từ thằng bé đánh giày tới vị linh mục. Rạp thấy đa số là các cháu học sinh sinh viên, chả hiểu các cháu nghĩ sao?
Lẽ ra cũng để tuyên truyền vậy, nhưng kịch bản và đạo diễn tốt tí thì đừng có làm kiểu thô thiển vậy. Thông điệp tuyên truyền có thể kín đáo hơn, để chất lượng nghệ thuật cao hơn chút.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 25.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.