samedi 24 février 2024

Nguyễn Thông - Tết, lại nhớ xuân Mậu Thân (5)

Tôi (và chắc nhiều người lứa tôi) còn nhớ, sau “chiến công” Mậu Thân 1968, bộ máy tuyên truyền ở miền Bắc ca tụng dữ lắm.

Cứ như đài Tiếng nói Việt Nam, như các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân (hồi thập niên 60 chủ yếu là hai tờ này, chứ báo địa phương hoặc báo của các tổ chức, đoàn thể khác đều không đáng kể) thì đây là đòn đánh bất ngờ, choáng váng, kỳ diệu, khiến kẻ thù (Mỹ và ngụy, hồi đó chính quyền Sài Gòn bị chết tên là ngụy) trở tay không kịp.

Đài hát suốt ngày, nào là “Tiến về Sài Gòn/ta quét sạch giặc thù/tiến về Sài Gòn/ta tiến về thành đô” (lời bài hát Tiến về Sài Gòn của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước). Đoạn này về sau được dân chúng cải lời thành “Tiến về Sài Gòn/ta chiếm nhà mặt tiền/tiến về Sài Gòn/ta chiếm nhà thật toooo”.

Các ông Hồ Bắc, Trọng Bằng, Huy Du, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn… đều say sưa với chiến thắng, nào là “Ta đang sống những ngày lịch sử/Ta xốc tới bước trên đầu thù/Ta phất cao lá cờ thắng lợi trên Sài Gòn” (Sài Gòn quật khởi, Hồ Bắc), “Chào mùa xuân chiến thắng/khắp nước đang tưng bừng/Cùng vùng lên ta quyết tiêu diệt giặc Mỹ xâm lăng/Ta phá tan tành bè lũ tay sai/Mau tiến tới toàn thắng lợi/Bão nổi lên rồi” (Bão nổi lên rồi, Trọng Bằng), v.v…

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (bút danh Trần Hiếu Minh) khi ấy tham gia cuộc tổng tấn công Mậu Thân đã liên tục gửi tác phẩm ra ngoài bắc để phát trên đài. Nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) con cụ Ca Văn Thỉnh, rồi nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) cũng vậy, bài của họ được đài phát suốt ngày. Đọc xong rồi hát, hát xong lại đọc. Thắng to rồi, giải phóng miền Nam đến nơi rồi, cả người lớn và trẻ con đều bảo vậy.

Tôi nhớ, năm 1969, khi mới vào lớp 8 (hệ 10 năm), đám chúng tôi được thầy Duyên dạy môn chính trị của trường cấp ba Kiến Thụy nói về thắng lợi và ý nghĩa của cuộc “tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 68”. Đại loại thầy kể quân ta rất khôn khéo, mưu mẹo, chọn đúng thời điểm giao thừa để nổ súng, hai bên đang thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, địch có khôn đằng trời cũng không thể nào ngờ được. Thầy phân tích, súng nổ trong tiếng pháo tết râm ran, làm sao chúng có thể phân biệt. Chỉ riêng điều này đã cho thấy quân ta giữ thế chủ động hoàn toàn, thầy Duyên chốt lại.

Thầy nói tiếp, nhờ có thắng lợi của Mậu Thân 68 mà Mỹ ngụy đã phải bỏ thói ngoan cố, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hội nghị Paris. Thầy Duyên nói tới đó rồi chỉ tay sang thầy Mạnh dạy tiếng Anh, đây, nói có sách, mách có nhân chứng, ngày mai thầy Mạnh sẽ lên đường đi Ba Lê để phiên dịch. Chúng tôi biết, thầy Mạnh đã dạy tiếng Anh từ thời Pháp, rất giỏi, cả trường tôi có mỗi mình thầy dạy ngôn ngữ này, trong khi tiếng Nga cả nửa chục thầy cô. Thầy Mạnh đi công tác phiên dịch cho hội nghị, bọn học dở dang tiếng Anh bị chuyển sang học tiếng Hoa với lớp tôi, do thầy Dừa và cô Vương Ngọc Bảo người Hoa dạy.

Có lần khác, thầy Duyên còn kể cho bọn học trò nghe những chuyện quân giải phóng, nhất là bộ đội đặc công, biệt động đã xuất quỷ nhập thần, thiên biến vạn hóa như thế nào. Không chỉ đánh tan, đánh sập tòa đại sứ Mỹ (như lời thầy kể), cả dinh Độc Lập, biệt động còn đánh những hang ổ Mỹ như nhà hàng Văn Cảnh, Mỹ Cảnh, khách sạn như Victory, Caravelle, cả rạp hát, rạp chiếu phim như Casino, Eden, khiến Mỹ ngụy chết cơ man mà kể…

Thầy như người say chiến thắng, khiến chúng tôi bị say theo, chỉ nghĩ tới “ta thắng địch thua” chứ không bợn thêm điều gì. Sau này thì hiểu Mỹ chết một thì dân chết mười. Không khác gì quân khủng bố Bin Laden. Hình như bên thắng cuộc cũng lờ mờ hiểu vậy nên dần dà họ không ca ngợi nữa.

Không chỉ thầy Duyên, các cán bộ tuyên giáo, tuyên huấn, tuyên truyền của bộ máy cầm quyền miền Bắc khi ấy đều như thế. Nhưng cũng chính họ đã cầm tờ báo Nhân Dân đọc cho người khác nghe những điều… ngược lại. Báo Nhân Dân số ra ngày 31.1.1968 (nhằm ngày mùng 3 tháng Giêng Mậu Thân) tức là chỉ sau lệnh nổ súng khai hỏa mở màn cuộc tổng tấn công do miền Bắc chủ động tiến hành ba ngày, đã đăng bài “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta và người phát ngôn Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam tố cáo: Mỹ và tay sai trắng trợn phá hoại ngày tết của nhân dân ta”.

Trong bài, phe cộng sản nhấn mạnh Mọi người đều biết rằng, ngày 17.11.1967, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã công bố lệnh ngừng tiến công quân sự 7 ngày nhân dịp Tết Nguyên đán để nhân dân miền Nam Việt Nam được tổ chức ngày tết của mình, và nhân viên ngụy quyền, ngụy quân được về đoàn tụ với gia đình theo đúng phong tục lâu đời của Việt Nam.

Nhưng đế quốc Mỹ đã tỏ ra rất ngoan cố, chúng đã hủy bỏ hoàn toàn việc ngừng bắn trong ngày Tết Nguyên đán 1968. Thái độ trơ tráo bỉ ổi của Mỹ trong vấn đề ngừng bắn nhân dịp tết là một sự khiêu khích hết sức trắng trợn. Bộ Ngoại giao nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa cực lực tố cáo thủ đoạn lật lọng nói trên của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nghiêm khắc lên án chúng đã chà đạp lên phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam” (hết trích).

Cùng trên trang báo này còn có bài “Bộ mặt tráo trở, xảo quyệt của đế quốc Mỹ và tay sai”, nội dung tương tự vậy. Cái này, thiên hạ gọi là “gắp lửa bỏ tay người”, rất kinh. Còn bây giờ gọi là "cầm đá ghè chân mình".

 

Có nhẽ không cần nói nhiều, bàn nhiều về phe nào âm mưu, lên kế hoạch, chủ động nổ súng trước, xé bỏ thỏa thuận ngừng bắn đã ký kết dịp Tết Mậu Thân 1968. Bởi tới nay những góc khuất, giấu diếm, xuyên tạc đã bị bạch hóa, kết luận rõ ràng. Ít nhất cũng còn nhân chứng gần chục triệu người miền Nam từ Quảng Trị trở vào. Từ chuyện này, người đời có thể tỉnh táo xem xét lại những chuyện vi phạm hiệp định Genève 1954, hiệp định Paris 1973 hoặc bất cứ thỏa thuận nào khác, không hẳn như bộ máy tuyên truyền độc quyền đã nhồi nhét vào đầu. Sự tuyên truyền lừa bịp và lịch sử một chiều khiến con người ta ngây ngô và hiểu đời một cách méo mó, thảm hại.

Đã 56 năm trôi qua từ cái đêm giao thừa Tết Mậu Thân kinh hoàng ấy. Rồi các thế hệ sau sẽ dần hiểu để minh định đúng sai, hay dở. Chợt nhớ câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, người đã bị bên thắng cuộc đày ải, giam giữ cầm tù hơn 10 năm trời, dù ban đầu họ chỉ nói rằng “đi học tập cải tạo” một thời gian. Ông đã xóa bỏ hận thù sau chục năm trong địa ngục cộng sản:

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc bể dâu này.

NGUYỄN THÔNG 24.02.2024

Ảnh: Sài Gòn trước và sau sự biến Mậu Thân 68 (nguồn tư liệu)

Nguyễn Thông - Tết, lại nhớ xuân Mậu Thân (4)

Nguyễn Thông - Tết, lại nhớ xuân Mậu Thân (3)

Nguyễn Thông - Tết, lại nhớ xuân Mậu Thân (2)

Nguyễn Thông - Tết, lại nhớ xuân Mậu Thân (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.