samedi 11 novembre 2023

Thọ Nguyễn - Nghe đài địch (1)

 

Một cô bạn nhắn tin cho tôi:  Hôm nọ em có nghe một kênh YouTube đọc bài của anh nhưng họ nhầm anh với ông Trần Văn Thọ ở Nhật Bản.

Khổ thân tôi, hết bị nhầm với tay nhà văn Thọ “Muối” ít tóc, giờ lại bị nhầm với ông giáo sư Thọ tóc dài ở Nhật.

Nén đau khổ, tôi bảo cô: Anh đâu có biết ai copy bài anh, đã thế lại còn nhầm.

- Em tưởng anh vẫn theo dõi kênh đó, nhiều người xem lắm mà.

- Từ bé anh đã được giáo dục là không nghe đài địch, chỉ đọc và nghe báo ta.

Lúc bé tôi ở ngay trong cơ quan Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đây vốn cái ổ nghe đài địch của đảng. Ở đó có những cô chú chỉ nghe các đài Mỹ, Anh, Pháp, Vatican, Sài Gòn… để lấy tin. Hơn thế nữa cơ quan còn có nguồn cung cấp trực tiếp từ các hãng thông tấn “đế quốc”: UPI, AP, AFP, Reuters. Sách báo từ Sài Gòn cũng được cung cấp qua đường Hong Kong hay Cao Miên. Từ đó các ban biên tập tạo ra các bản tin đóng dấu “Mật-Không phổ biến” để cung cấp cho các cán bộ trung, cao cấp. Ba tôi phụ trách khâu phát hành của VNTTX nên có thể nói tôi bơi trong các nguồn tin “xấu, độc hại” này.

Tôi hiểu là chúng độc hại vì thỉnh thoảng chi đoàn thanh niên họp ở ngay nhà ăn tập thể, trước cửa nhà tôi nên hay nghe các cô chú nói về việc chống nghe đài địch, chống hủ hóa tư tưởng.

Giờ nghĩ lại thấy đúng là dở hơi:  Trong một cơ quan sống bằng nghe đài địch mà lại cấm nhau nghe đài địch. Cấm thế quái nào được. Đến thằng bé con chẳng hiểu gì về chính trị như tôi mà còn thích đọc nữa là các cô chú có hiểu biết, có ngoại ngữ.

Tất nhiên tôi thích xem báo tây chỉ vì tò mò, chỉ vì các hình ảnh đẹp, các bà đầm đẹp. Còn nghe BBC thì tôi khoái nhất các bài “do Đỗ Văn dịch thuật” với những cái tên gọi rất vui tai mà tôi hay mang đến trường đố bọn bạn. Ví dụ: “Hung Gia Lợi và Bảo Gia Lợi” (Hungarie và Bulgarie), “Tây Bá Lợi Á” (Xiberia) hay “Đội túc cầu Ba-Tây” (đội bóng đá Brazil) v.v… Tất nhiên đa số bọn trẻ không biết các danh từ này vì thời đó ít người có máy thu tốt để bắt được “đài địch”.  Có thằng con nhà có máu mặt, được nghe đài địch nên biết các tên gọi này. Nhưng nó chỉ rỉ tai nói thầm với tôi để khỏi phải công khai là đã nghe “đài địch”. Tôi là con ông thông tấn nên cóc biết sợ.

Giờ đây tình thế đã thoáng hơn, máy thu thanh, ti vi là chuyện vặt, internet xả láng. Ai muốn kiếm tiền cũng tự làm kênh YouTube, giới thiệu từ cách làm bẫy chuột đến tuyên truyền cho Nga, bênh Ukraine, chửi ông Bẩy đần hay dìm hàng VinFast v.v…

Cái quan niệm “địch ta” bây giờ cũng lẫn lộn. Ngày xưa Nga, Trung Quốc là ta, Mỹ, Anh Pháp là địch. Nay Trung Quốc tuy là bạn lớn, nhưng sẽ là địch trong các vấn đề lãnh thổ. Kể cả Nga, nếu bênh Trung Quốc ở Biển Đông cũng là địch nốt. Thế rồi Nga đánh Ukraine, ta lại bênh Nga, coi Ukraine là “nửa địch”. Nửa có lẽ vì Ukraine định đi theo phương Tây. Mà Phương Tây chỉ là địch khi nói đến nhân quyền. Còn vác cả tàu sân bay vào Việt Nam vẫn được hoan nghênh. Mới nghe hơi “bạn” đưa nhà máy chip vào nhà mình cả nước đã mừng như vớ được vàng.

Chịu! Ngày xưa mình bé tí chỉ thoáng một cái là biết đâu ta đâu địch. Giờ thấy rối như canh hẹ.

Được cái bây giờ xã hội đã cởi mở hơn. Ngày xưa cán bộ VNTTX làm nghề nghe đài địch vẫn bị nhắc nhở về việc “nghe đài địch”. Nay thì cán bộ các cơ quan chức năng chống tham nhũng, chống hủ hóa vẫn tham nhũng, hủ hóa tư tưởng thoải mái. Ta đánh ta là thế. Còn chuyện thế giới để địch đánh nhau.

Thông tin thoải mái như vậy mà hôm rồi tôi mới được nghe rằng TTXVN vẫn làm ra bản tin “mật” để cung cấp cho các cán bộ cao cấp. Liệu bản tin đó có mật, có thật hơn những gì dân đen vẫn đọc trên mạng thì không biết. Nhưng nó cần được duy trì để phân biệt cán bộ, như cái bệnh viện Thống Nhất, Viên quân y 108 hay cái nhà tang lễ phố Trần Thánh Tông vậy. Cái này thì ta hơn địch rõ ràng.

Năm 1967, tôi mới 16 tuổi đã xuất ngoại sang Cộng hòa Dân chủ (CHCD) Đức học nghề. Đây là thiên đường nghe đài địch, vì có thể nghe radio và xem truyền hình Tây Đức một cách dễ dàng. Chính phủ CHDC Đức cũng cấm dân nghe, xem đài địch. Nhưng cấm thế nào được trong một xứ sở mà nhà nào cũng có radio hay ti vi. Đã thế đài địch lại ở sát biên giới, thậm chí phát từ Tây Berlin, lọt thỏm trong lãnh thổ CHDC Đức. 

Người ta đành hạn chế bằng việc tháo các kênh tần số của “đài địch” ra khỏi các máy thu hình công cộng (máy nhà dân thì vô phương). Nhà trường cấp cho chúng tôi một cái ti vi to đùng để trong phòng câu lạc bộ. Nhưng các thanh tần số để bắt ba kênh truyền hình phương tây (ARD, ZDF và SFB) đã bị tháo mất. Có nghĩa là cái ti vi đó có 12 nấc để chọn 12 kênh thì chỉ có 9 nấc làm việc để bắt đài Đông Đức.

Cái thằng nghiện đài địch như tôi (không phải nghiện vì tin tức, mà vì đàn bà đẹp) khó chịu, bức bách lắm. Trước khi đi Đức, chúng tôi được giáo huấn là ti vi Tây Đức toàn chuyện dâm ô. Tuổi dậy thì làm sao chịu nổi. Chúng tôi bị một cổ hai tròng: Chế độ hạn chế ti vi Tây Đức của nước bạn và lệnh cấm nghe, xem đài địch của Đại sứ quán.

Nhưng vì máu quá nên tôi rủ lão Mai Đen cùng phòng bỏ tiền ra mua cái ti vi cũ của người dân để xem truyền hình địch. Sau bao nhiêu vất vả, chịu bao nhiêu gièm pha, bị các anh chị đảng viên phê bình. Chúng tôi vừa mất tiền vừa vỡ mộng. Hóa ra truyền hình bên Tây Đức đứng đắn hơn bên Đông. Cái váy Mini bên đó cũng dài hơn bên Đông 2 cm. Lúc đó tôi nghĩ mà tức mấy cha tuyên huấn bên Tây.

Dân Đông Đức vốn theo đạo tin lành nên cởi mở hơn trong chuyện hôn nhân. Phụ nữ Đông Đức dưới chế độ xã hội chủ nghĩa được bình đẳng hơn so với đồng giới ở phía tây, nơi mà chồng đi làm kiếm tiền, vợ chỉ ở nhà nuôi con. Phụ nữ tự tin hơn thì ham muốn cũng dễ được thể hiện. Chính vì vậy mà phim Đông Đức có nhiều cảnh giường chiếu hơn phim Tây. Các đảng cộng sản Đông Âu không kỷ luật đảng viên vì tội “trai gái”. Bên Đông Đức người ta tắm truồng thoải mái, khiến khách du lịch Tây Đức đi qua phải đỏ mặt, nhắm mắt.

THỌ NGUYỄN 11.11.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.