vendredi 3 novembre 2023

Dương Quốc Chính - Việt Minh gồm những ai ?

 

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Sài Gòn, ông Trần Văn Đôn cùng em rể là Lê Văn Kim, xin tòng quân theo Việt Minh và khai là cựu quân nhân. Cán bộ hỏi hai ông này đang có cấp bậc gì? Cả hai đều khai là quan một (sau này gọi là thiếu úy -DQC). Cán bộ thắc mắc:

- Sao nhỏ vậy mà đã là quan một?

- Vì chúng tôi học trường võ bị sĩ quan ra.

- Sao được học trường võ bị?

- Vì chúng tôi là dân Tây (quốc tịch Pháp - DQC).

Thế là cả hai bị mắng nhiếc là Việt gian và đuổi đi.

Trần Văn Đôn sau là trung tướng, phó thủ tướng, tổng trưởng quốc phòng Việt Nam Cộng Hòa, anh rể ông Lê Văn Kim. Ông Kim sau cũng là trung tướng tổng tham mưu trưởng Việt Nam Cộng Hòa, kế nhiệm ông Đôn ở chức vụ này.

Hai ông này lúc đó có quốc tịch Pháp, con nhà giàu, trí thức. Ông Đôn sinh ra ở Pháp nên mặc nhiên có quốc tịch. Ba ông lúc đó đang học Đại học Y ở Pháp, sau này thành bác sĩ người Việt đầu tiên học ở Pháp. Hai ông này đều đi lính Tây khi Thế chiến II nổ ra, vì đều có quốc tịch Pháp và lúc đó đang ở Pháp. Sau đó bị Đức bắt và thả về Việt Nam và học sĩ quan ở Việt Nam. Khi Nhật đảo chính Pháp thì coi như tự xuất ngũ (quân đội Pháp).

Lưu ý là trước đó người Việt đi lính khố xanh, khố đỏ thì cấp bậc lớn nhất chỉ là hạ sĩ quan (cai, đội, quản - hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ sau này). Người Việt quốc tịch Pháp thì đi lính Pháp nên mới được làm sĩ quan. Đến thời Quốc gia Việt Nam thì lính người Việt mới được có lon sĩ quan. Việt Nam có hai ông lưỡng quốc tướng. Miền Bắc có Nguyễn Sơn làm thiếu tướng Tàu và ta (Việt Minh). Miền Nam có Nguyễn Văn Hinh làm trung tướng ta (Quốc gia Việt Nam) và Pháp (quân đội Pháp). Ông Hinh cũng quốc tịch Pháp. Hồi đó nhà giàu Nam Kỳ hầu như có quốc tịch Pháp. Bà Nam Phương cũng có quốc tịch Pháp. Vì Nam Kỳ là đất Pháp nên nhập tịch khá dễ, sẽ có nhiều quyền lợi hơn so với chỉ có quốc tịch Việt Nam.

Mình kể chuyện này để mọi người thấy là Việt Minh hồi Cách mạng tháng Tám là một tổ chức đa thành phần, lúc đó hầu như những ai mong muốn độc lập đều theo Việt Minh cả, đủ mọi thành phần xã hội. Cộng sản là thành phần lãnh đạo chính. Ở Nam Kỳ thì hơi khác chút, cộng sản có vai trò thấp hơn ở hai Kỳ kia chút, nhất là ở Sài Gòn. Nhiều người từng theo quân đội Pháp nhưng vẫn theo Việt Minh. Đến khoảng năm 47 về sau là Việt Minh phân hóa. Nhiều người bỏ Việt Minh quay về theo Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, tức là theo Pháp. Nhiều người khác vẫn ở lại Việt Minh, theo cộng sản. Nhiều người trong số họ từng là bạn bè, sau thành đối thủ.

Ví dụ điển hình là đôi bạn Văn Cao, Phạm Duy từng theo Việt Minh. Ông Phạm Duy dinh tê, bỏ chiến khu vào Nam. Cả hai đều thành nhạc sĩ số má của mỗi chế độ. Nhưng cuối đời của Văn Cao thì vất vả, nhục nhã hơn do dính vụ Nhân văn Giai phẩm, bị đì, không còn sáng tác gì được nữa. Phạm Duy thì sung sướng, hưởng lạc thú cho tới năm 75 rồi sang Mỹ định cư. Cuối đời về Việt Nam cũng vẫn sướng. Số sướng!

Ông Đôn và Kim sau này quay lại quân đội Quốc gia Việt Nam, cũng may không được thành Việt Minh. Bởi vì từ khoảng năm 50, cố vấn Tàu sang thì Việt Minh cũng phải chỉnh huấn, chỉnh quân. Thành phần con nhà giàu, địa chủ, quan lại...đều bị đì hoặc phải giải ngũ. Bà Nguyễn Thị Năm bị xử tử khi con đang làm trung đoàn trưởng Việt Minh.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 03.11.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.