dimanche 12 novembre 2023

Cù Mai Công - Ông Quách Đàm xây chợ Bình Tây tặng Chợ Lớn chớ không phải tặng Sài Gòn, càng không tặng TPHCM

 

Sài Gòn là địa danh có từ 1975 trở về trước. Đến 1975, Sài Gòn gồm 11 quận mang tên số: 1, 2, 3… 10, 11. Đó là ranh giới văn bản, hành chính.

Thực tế cho tới giờ, dân quận 4, 5, 6, 8… khi đến khu vực quận Nhứt cũ (nay là một phần quận 1) - khu trung tâm hành chính Sài Gòn đầu thời thuộc Pháp -  vẫn nói là “lên/ra Sài Gòn”. Có một Sài Gòn trung tâm và một Sài Gòn hành chính văn bản.

Xung quanh Sài Gòn là tỉnh Gia Định với các quận mang tên chữ: Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè… Những xã thuộc các quận của tỉnh Gia Định nhưng sát bên Sài Gòn, tức vùng ngoại ô, ngoại vi (environ), vẫn có thể được coi là một phần của Sài Gòn. Sống bên nhau, cư dân vùng này vừa mang khí chất Gia Định vừa có tánh nết Sài Gòn.

Bưu ảnh năm 1966 chụp ngã tư Bảy Hiền (xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định) vẫn ghi là “Saigon - Nga tu Bay Hien”). Tòa soạn báo Thiếu Nhi trước 1975 ở 159 Thiệu Trị, Phú Nhuận (tức thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định) vẫn ghi Sài Gòn.

Tuy nhiên, những xã, quận thuộc tỉnh Gia Định nhưng không sát bên Sài Gòn, không thể coi là ngoại ô, ngoại vi Sài Gòn mà hoàn toàn thuộc Gia Định. Ví dụ: Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ…

Sau 1975, có một giai đoạn ngắn, Sài Gòn và Gia Định nhập chung thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Thành ủy là Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.

Từ ngày 2-7-1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định đổi thành thành phố Hồ Chí Minh. Qua thời gian, sau 1975, thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập thêm nhiều vùng đất mới. Chẳng hạn quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa hợp với quận Phú Hòa, tỉnh Bình Dương thành huyện Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với những vùng thuộc tỉnh Gia Định nhưng không sát cạnh Sài Gòn, những vùng mới sáp nhập sau này, cả về lý lẫn về tình, không phải là Sài Gòn mà là thành phố Hồ Chí Minh.

Có lẽ nên phân định rõ như vậy. Để không có cảnh có vụ việc xảy ra ở Hóc Môn, Gò Vấp… lên báo chí, truyền thông bỗng thành Sài Gòn. Thậm chí mới hôm nay, 12-11-2023, thương gia Quách Đàm (1836-1927) xây chợ Bình Tây tặng cho thành phố Chợ Lớn từ hồi còn “mồ ma giặc Pháp” bỗng dưng “đội mồ” lên xây tặng chợ cho TP.HCM.

Nên nhớ hồi ông Quách Đàm xây chợ Bình Tây (1928-1930), Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố riêng biệt.

P/s: Tựa đã sửa và sửa cũng sai: ông Quách Đàm xây tặng cho thành phố Chợ Lớn chứ không phải tặng cho thành phố Sài Gòn. Năm khởi công xây chợ là năm 1928, khánh thành năm 1930. Năm sau, ngày 27-4-1931, Tổng thống Pháp mới ký sắc lệnh hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

“Giấu đầu lòi đuôi”. Chapeau (lời dẫn đầu bài) còn nguyên: “tặng cho TP.HCM” (!?).

Cứ vậy hoài…

CÙ MAI CÔNG 11.11.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.