mercredi 13 septembre 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 13/09/2023

 

1. Lại nói về lệnh cấm vận và trừng phạt – liệu chúng có thể làm sụp đổ kinh tế Nga và giúp chấm dứt chiến tranh hay không?

Nhìn chung là không có tác động trực tiếp nhưng cái gì cũng có chữ “nhưng.”

Hôm qua, như là kết quả trực tiếp của lệnh trừng phạt từ phương Tây – Máy bay Nga chở 167 người trên máy bay hạ cánh khẩn cấp do lỗi hệ thống thủy lực.

“Một chiếc máy bay của hãng hàng không Ural Airlines của Nga đang bay từ Sochi đến Omsk đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống một cánh đồng gần Novosibirsk. Trước khi hạ cánh, máy bay đã phát ra âm thanh báo động do hệ thống thủy lực bị lỗi. Trên máy bay có 167 người, trong đó có 23 trẻ em. Có vẻ như không có ai bị thương.”

Bình luận của Reuters: “Sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng Hai năm 2022, ngành hàng không Nga đã phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt. Các biện pháp trừng phạt này đã ngăn chặn một cách hiệu quả các máy bay đã đăng ký và liên kết của Nga tiếp cận không phận của Canada, Mỹ, Châu Âu và một số quốc gia khác. Các nhà sản xuất máy bay lớn, trong đó có Airbus và Boeing, đã ngừng cung cấp phụ tùng máy bay cho máy bay Nga. Do ngành hàng không Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào máy bay do phương Tây sản xuất và không có phụ tùng thay thế, dẫn đến những thách thức về an toàn đang gây khó khăn cho ngành hàng không Nga khi các cuộc kiểm tra cho thấy các bộ phận đã hết tuổi thọ hoạt động.”

Vì vậy, người Nga đã cố gắng cứu vãn ngành hàng không của họ. Theo báo cáo của Reuters, các hãng hàng không Nga đã né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách nhập khẩu các bộ phận của Airbus và Boeing trị giá hơn 1,2 tỉ USD thông qua các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế. Lỗ hổng này đã cho phép các máy bay đã đăng ký của Nga tiếp tục bay, vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Dữ liệu hải quan mà Reuters xem được tiết lộ rằng Ural Airlines đã nhập khẩu hơn 20 thiết bị do Mỹ sản xuất, bao gồm thiết bị Northrop Grumman, van áp suất cabin, màn hình buồng lái, thiết bị hạ cánh, tai nghe điện thoại và bệ toilet.

Theo báo cáo, việc nhập khẩu này được hỗ trợ bởi các quốc gia như Tajikistan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Kyrgyzstan. Không quốc gia nào trong số này đồng ý tuân theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.

Tuy nhiên, mặc dù đã rất nỗ lực để có thể nhập khẩu một số bộ phận quan trọng của máy bay nhưng điều đó là KHÔNG ĐỦ và ngành hàng không Nga phải đối mặt với những thách thức an toàn nhất định. El Pais đưa tin, nhiều cuộc kiểm tra do Rostransnadzor, một cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện đã phát hiện ra rằng ít nhất 2.000 chuyến bay đã hoạt động với các bộ phận đã vượt quá tuổi thọ hoạt động của chúng.

(Nguồn: Reuters, El Pais, simpleflying.com)

Cũng trong hôm qua, do những lo ngại về an ninh trên không phận Mátxcơva phát sinh từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, hãng hàng không Turkmenistan Airlines đã phải đình chỉ các hoạt động giữa Askhabat và Mátxcơva. Đây được coi là ảnh hưởng của cuộc chiến, chứ không phải là của lệnh cấm vận và trừng phạt.

Có một câu người ta cứ nói đi nói lại mãi, là càng cấm vận thì Nga càng mạnh. Điều này có căn cứ của nó, chủ yếu là từ những con số thể hiện sự tăng trưởng của nền sản xuất so với trước chiến tranh, mà trong các bài trước tôi đã nhận xét rằng “nghe thì kỳ lạ nhưng nó là tăng trưởng thật” vì vốn dĩ, như thằng Igor Girkin “Strelkov” nó nhận xét là cuộc “đại tàn phá” 30 năm nền công nghiệp quốc phòng Nga, thì bây giờ chỉ cần nhúc nhắc một cái đã tạo ra tăng trưởng rồi. Vậy thực tiễn thì sao?

Hiện nay, giá năng lượng, cả dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đều rẻ hơn so với trước cuộc xâm lược của Putox. Điều này cũng đúng luôn với ngũ cốc, lúa mì, gỗ xẻ, kim loại… nhìn chung là gần như mọi mặt hàng mà Nga sản xuất và xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, mặt hàng chủ lực của Nga là dầu mỏ hiện hầu như không đạt điểm hòa vốn nhờ doanh số bán dầu với giao dịch dầu Ural của nước này với mức chiết khấu có thể nói là tăng liên tục, nhưng vẫn không tiếp tục chảy sang kho nhà nhập khẩu với khối lượng dồi dào như trước đây.

Nói tóm lại, thế giới hiện đã thay thế phần lớn nguồn cung của Nga nên xuất khẩu hàng hóa không mang lại lợi ích gì cho Nga, và về kinh tế thì đã xuất hiện hình ảnh một nước Nga của Putox đang tuyệt vọng. Tôi không phải là nhà kinh tế, nên trong các bài viết của mình thường cố hình dung như… chơi một game chiến tranh với mình là một ông vua, nhận thấy khi càng thua, nguồn lực trong nước càng sa sút thì chi phí cho cuộc chiến càng tăng, đúng là tỉ lệ nghịch. Nhưng để giải thích sâu hơn, tôi không làm được.

Tuy nhiên, với chuyên gia thì không vậy. Họ nhận ra rằng, Putox đang tìm nguồn cho các chi phí cho cuộc xâm lược Ukraine của mình không chỉ thông qua xuất khẩu hàng hóa cận biên hoặc trốn tránh các biện pháp trừng phạt mà còn thông qua việc ăn thịt nền kinh tế sản xuất của Nga. Vậy hành động “ăn thịt” này là như thế nào?

“Khác xa với câu chuyện phổ biến về cách Putox tài trợ cho cuộc xâm lược của mình, huyết mạch tài chính của Putox có sự ăn mòn không thương tiếc năng suất kinh tế của Nga” – Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian của Trường Quản lý Yale đã viết như vậy, và còn thêm rằng nhà lãnh đạo Nga đang thúc đẩy các cuộc chiến ở Ukraine bằng cách trấn áp chính người dân của mình và tận dụng (làm cạn kiệt) tương lai của chính đất nước mình.” Để giải thích thêm, họ viết:

“Điều đó khác xa với câu chuyện phổ biến về cách Putox tài trợ cho cuộc xâm lược của mình. Nhiều nhà bình luận phương Tây cho rằng Putox đang thu được hàng tỉ USD từ thương mại để tài trợ cho cuộc xâm lược nhờ giá hàng hóa cao, các lệnh trừng phạt yếu ớt kém tác dụng của phương Tây và việc trốn tránh hiệu quả các lệnh trừng phạt.”

Là một nhà độc tài độc tài với sự kiểm soát của nhà nước trên 70 % nền kinh tế chủ yếu là khai thác, Putox sẽ không bao giờ thực sự hết tiền vì hắn ta luôn có thể thực hiện những biện pháp độc tài dạng như “lục tìm tiền dưới gầm ghế”, hoặc thực hiện hành động bắt nạt trong trường học và bắt nạt trẻ em để lấy tiền ăn trưa vào giờ ra chơi – như người Nga nói là “ăn bớt sữa của học sinh”.

Về cơ bản, Putox đã đánh thuế rất hà khắc đối với bất cứ thứ gì chuyển động. Nhiều người cho rằng mức thuế thu nhập tăng bất ngờ đạt kỷ lục 1,25 nghìn tỉ rúp vào năm ngoái đối với Gazprom và một số doanh nghiệp nhà nước khác của Nga chỉ xảy ra một lần. Nhưng Putox đã tăng gấp đôi và ra lệnh tăng thêm thuế thu nhập “bất thường” đều đều từng tháng kể từ đó, kết quả là đã huy động thêm hàng nghìn tỉ rúp từ các công ty và cả các công ty của bọn tài phiệt Nga thân hữu.

Tương tự như vậy, Putox lần đầu tiên sử dụng cách đánh thuế nặng nề đối với các công ty, và cả cá nhân những người rời khỏi Nga sau cuộc xâm lược trước khi hắn vứt cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa, và thay vào đó bắt đầu chiến dịch tịch thu tiền và tài sản một cách bừa bãi.

Tương tự như vậy, Putox đã từ bỏ mọi giả vờ về chính sách tài khóa có trách nhiệm. Thực tế là kinh tế Nga ghi nhận thâm hụt ngân sách kỷ lục, in số tiền kỷ lục từ hư vô, buộc các ngân hàng và cá nhân Nga phải mua những khoản nợ gần như vô giá trị của Nga và rút đi hàng trăm tỉ tài sản quốc gia của Nga “tiền thế chấp tương lai của nước Nga.”

Không có gì ngạc nhiên khi giới tinh hoa bất mãn như đầu sỏ chính trị Oleg Deripaska chán chẳng thèm phàn nàn với báo chí nữa. Trong khi trên khắp nước Nga, các cuộc đình công vẫn tiếp tục diễn ra với tần suất ngày càng tăng “y như năm 1917” trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động vốn đã cực kỳ thảm khốc.

Một số người, như Deripaska, thậm chí còn lập luận rằng các biện pháp trừng phạt của Putox đang gây tổn hại cho nền kinh tế Nga thậm chí còn tồi tệ hơn các biện pháp trừng phạt của phương Tây – vốn đã khiến toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga sụp đổ, như chúng tôi đã trình bày trước đây.

Và ngoài các lệnh trừng phạt, với hơn 1.000 công ty phương Tây rời khỏi Nga chỉ sau một đêm, người tiêu dùng Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các mặt hàng chủ lực trước đây, từ điện tử tiêu dùng đến ô tô.

Oleg Vladimirovich Deripaska, sinh năm 1968, người được Forbes đánh giá có tài sản đạt 2,8 tỉ đô-la Mỹ năm 2023, là một trong những đại diện tiêu biểu của giới tài phiệt thân hữu Nga. Khi ông ta đã nói như vậy, cũng có nghĩa là bọn tài phiệt Nga đã nhận ra thực tiễn bối cảnh nền kinh tế Nga bị cướp bóc trắng trợn, bị biến thành đồ chơi chiến tranh. Vì lẽ đó, không có ai ngạc nhiên khi cuộc đảo chính thất bại của Prigozhin vào hồi tháng Sáu cho thấy dân chúng và giới tinh hoa Nga không hề có chút tình cảm đối với Putox trong nước, và đã đến lúc cần phải có sự thay đổi.

Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian kết luận: “Ông ta (Putox) đã đốt đồ đạc trong phòng khách để tiếp sức cho cuộc chiến của mình ở Ukraine, nhưng điều đó hiện đang bắt đầu phản tác dụng trong bối cảnh sự im lặng đến ghê sợ và thiếu sự ủng hộ của công chúng. Putox đang ăn thịt nền kinh tế Nga và như thế, khả năng phục hồi (nền kinh tế) như đã được tuyên bố không là gì ngoài vẻ bề ngoài hào nhoáng kiểu Hoàng tử Potemkin.

Bình loạn : Phương Tây đã rất thành công – nhưng không phải với các lệnh cấm vận và trừng phạt. Điều này như tôi đã viết ở vài bài và cả bình luận ở vài nơi: “Không phải lúc nào cấm vận và trừng phạt cũng nhằm mục đích có hiệu quả ngay lập tức, mà trước hết nó thể hiện thái độ rõ ràng của người ra lệnh về chiến tranh.” Các lệnh cấm vận và trừng phạt trước hết nhằm vào thứ Nga thiếu: công nghệ lõi, và đến nay chúng ta thấy dù cố gắng sầy vẩy, Nga vẫn đang cực kỳ khó khăn trong sản xuất các thứ vũ khí chiến lược cho chiến tranh. Sau đó là việc cô lập nền kinh tế Nga với thế giới, không còn luồng tiền, không còn các nguồn tín dụng.

Điều thực sự có hiệu quả, là việc áp giá trần dầu mỏ và khí đốt Nga. Tuy nhiên, phương Tây đã làm điều này một cách khéo léo: dòng chảy dầu mỏ và khí đốt của Nga ra thị trường quốc tế vẫn không dừng hẳn. Họ (phương Tây) thực sự không muốn nó dừng lại vì điều đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt và kéo theo các vấn đề cung cấp toàn cầu khác. Châu Âu có thể giải quyết được tình trạng giá cả cao và tình trạng gián đoạn dầu khí, nhưng các nước nghèo hơn thì không.

Vì vậy, phương Tây muốn cắt giảm nguồn thu mà Nga sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến chống lại Ukraina, và việc áp giá trần đã hoạt động đúng như họ dự kiến. Vì vậy, trước nay Putox vẫn lải nhải về việc phương Tây đang cố gắng tiêu diệt Nga, trớ trêu thay, rất nhiều hoạt động kinh doanh vẫn được tiếp tục như bình thường. Tôi cũng không nghi ngờ rằng, sau chiến tranh Nga vẫn có thể được coi là một thành viên của hội nhập của nền kinh tế toàn cầu – điều này vẫn sẽ là ưu tiên của phương Tây. Họ là tư bản, và không nên dạy họ cách làm ra tiền. Họ đang hiểu là sau Putox, sẽ có một nước Nga khác.

Nhưng Putox đã chọn cách khác: Hắn ta đã tạo ra và tự lao vào một tình thế, như một cái bẫy thực tế là việc tiêu diệt nước Nga có thể là con đường duy nhất để họ thoát khỏi cuộc chiến. Thật chẳng có cái ngu nào giống cái ngu nào. Ai đó nói “Putox tính toán hết cả rồi” thì tùy.

2. Vậy với tình trạng trên, vị thế của Putox đã suy yếu đến mức nào?

Putox có thể tiếp tục duy trì cuộc xâm lược Ukraine theo cách hiện nay, nhưng khi làm như vậy, hắn ta tiếp tục bóc lột chính người dân của mình. Để tránh sự sụp đổ kinh tế hoàn toàn bằng cách thế chấp tương lai của nước Nga, hắn ta ngày càng không được người dân yêu mến và do đó ngày càng suy yếu.

Liệu lịch sử có lặp lại không? Trong số hai cuộc cách mạng lớn ở Nga trong thế kỷ qua, cả hai đều được thúc đẩy bởi kinh tế suy sụp: một phần do sự xâm phạm quá mức của hoạt động quân sự và các thất bại trên chiến trường.

Đầu tiên, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm cạn kiệt kho bạc của Sa hoàng Nicholas II trước khi ông thoái vị vào năm 1917. Khi đó nước Nga bị tàn phá bởi hơn 100 cuộc đình công trong bối cảnh xã hội rối ren kinh khủng: nạn đói lan rộng, các cựu chiến binh trở về làm phức tạp xã hội và nó lại càng trở nên trầm trọng hơn do các lệnh cưỡng bức tòng quân.

“Trận” sau là khi Liên Xô sụp đổ, chi phí leo thang của Chiến tranh Lạnh kết hợp với giá dầu thấp và suy thoái nghiêm trọng đã làm suy yếu nền kinh tế Liên Xô từ bên trong. Thất bại trong các cuộc chiến tranh dường như đi đôi với tình trạng trì trệ kinh tế và sự thay đổi chế độ ở Nga.

Xét cho cùng, chiến tranh không bao giờ rẻ. Các nhà phân tích kinh tế ước tính rằng việc duy trì các nỗ lực quân sự khiến Nga tốn ít nhất 1 tỉ đô-la Mỹ mỗi ngày, và điều đó chắc chắn không giúp Putox đầu tư hàng tỉ USD không chỉ vào Tập đoàn Wagner mà còn cả các công ty khác của Prigozhin. Trong các bài trước, tôi đã tính trung bình Nga tiêu tốn cho chiến tranh khoảng 250 đến 300, thậm chí 350 triệu đô-la Mỹ cho chiến tranh. Nhưng nếu tính cả thiệt hại kinh tế, từ cả lệnh trừng phạt lẫn các biện pháp kinh tế của Putox, thì tôi cho rằng các tính toán dẫn đến con số 1 tỉ đô-la là hợp lý.

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế không bao giờ là nguyên nhân duy nhất dẫn tới sự sụp đổ của chế độ; nhưng cũng không nên bỏ qua nó như một lực lượng mạnh mẽ đã được chứng minh trong việc lật đổ chế độ chuyên chế này đến chế độ chuyên chế khác, đặc biệt là trong bối cảnh “quân sự vượt quá tầm kiểm soát.”

Và điều đó đã diễn ra với thể hiện ra bên ngoài: cuộc đảo chính thất bại của Prigozhin. Một cuộc binh biến thật kỳ lạ: không chỉ những sĩ quan quân đội các cấp của Nga mà cả dân thường cũng… vẫy chào các đoàn quân Wagner, hành động hết sức thụ động khi đoàn quân đó đi qua hết trạm kiểm soát này đến trạm kiểm soát khác trên đường từ Rostov đến Mátxcơva mà không gặp phải một chút kháng cự nào. Ngay cả các thống đốc khu vực trên lộ trình đó cũng tỏ ra thái độ rất thờ ơ trong phản ứng của mình. Sau đó, vẫn có tới 21 người trong số họ (các thống đốc vùng) vẫn chưa bày tỏ bất kỳ sự ủng hộ nào đối với Putox.

Trớ trêu thay, nhóm người Nga duy nhất lao vào bảo vệ Putox với sự nhiệt tình đáng ngờ lại là các lữ đoàn người Chechnya, các đơn vị đã tăng tốc chạy về Mátxcơva và Rostov. Dẫn đầu chúng là “đồng minh lâu năm” thực chất không khác gì con chó cảnh của Putox, Ramzan Kadyrov. Thực chất, sinh mạng chính trị của Kadyrov gắn liền với sinh mạng chính trị của Putox, nên Putox hết đời cũng sẽ là cáo chung cho Kadyrov. Ngược lại nếu Nga của Putox hết tiền tài trợ cho Chechnya thì Kadyrov cũng mất mạng, và đó lại là tiền đề cho sự sụp đổ của nước Nga theo hướng li khai.

Trong cuốn sách “Những kẻ hành quyết sẵn sàng của Hitler” xuất bản năm 1996 của nhà sử học Daniel Goldhagen nhắc nhở chúng ta rằng cái ác của Đế chế thứ ba đã chiến thắng nhờ sự đồng lõa của những người Đức bình thường nhờ sự tự mãn của họ. Bây giờ chúng ta thấy sự tự mãn sẵn sàng của người Nga bình thường đối với sự chuyên quyền giết người của Putox.

Trong một diễn biến khác, một khi TASS của Nga đã lải nhải về đàm phán hòa bình thì chúng ta cần phải hiểu là Nga sắp xách quần chạy rồi – một người bạn của tôi bình luận như vậy và gửi cho tôi bức ảnh đầu tiên, mời các bác xem.

3. Hôm nay Nga lại một lần nữa lạm dụng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Tệ hơn nữa, Nga còn đề xuất trơ tráo tổ chức một cuộc họp hàng tháng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và thảo luận về tác động của chúng đối với triển vọng giải quyết xung đột.

Theo Vasily Nebenzya, Nga đã triệu tập một cuộc họp để thảo luận về việc Ukraine “bơm không kiềm chế” vũ khí từ phương Tây ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông ta nói: “Chúng tôi đề nghị Hội đồng xem xét chủ đề này hầu như hàng tháng. Và mỗi lần đều có những câu chuyện mới đáng được chúng tôi quan tâm’’.

Điều này xảy ra trớ trêu thay khi ông Kim Jong Un đến miền Viễn Đông của Nga để bàn về việc chuyển giao vũ khí cho Nga. Chúng ta hãy nghe Đại diên thường trực của Vương quốc Anh tại Liên hợp quốc, bà Barbara Woodward trả lời đại diện Nga Vasily Nebenzya như thế nào.

Video tại đây. Và đây là kết quả của nghe dịch, nếu có gì sai sót mong quý vị lượng thứ:

“Nói tóm lại, Nga đang sử dụng chiến thuật của một kẻ xâm lược đã phá sản, biết rằng quân đội của mình không thể giành chiến thắng trên chiến trường và thay vào đó tìm kiếm những cách tuyệt vọng để gây đau đớn cho dân thường và gây áp lực lên Cộng đồng Quốc tế. Vì vậy hãy coi cuộc họp này là trò hề; rằng chính Nga một lần nữa lại lạm dụng Hội đồng này nhằm mục đích che giấu trách nhiệm của mình đối với những hành động tàn bạo ở Ukraine.

Nga đã triệu tập hội đồng này cùng lúc với việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đi qua biên giới Nga để gặp Tổng thống Putin. Có bằng chứng không thể chối cãi rằng Liên bang Nga đang đàm phán các thỏa thuận tiềm năng về số lượng đáng kể nhiều loại đạn dược từ CHDCND Triều Tiên được sử dụng để chống lại Ukraine. Điều này là điển hình cho thói đạo đức giả trắng trợn đặc trưng cho cách ứng xử của Nga trên trường quốc tế và khi theo đuổi những vũ khí này, Nga sẽ vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, bao gồm cả chính các nghị quyết mà chính Nga đã bỏ phiếu.

Thưa bà chủ tịch! Ukraine và toàn bộ Cộng đồng Quốc tế mong muốn một nền hòa bình công bằng và bền vững phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc như các nhà lãnh đạo G20 đã nhắc lại cuối tuần qua. Nhưng nền hòa bình duy nhất bền vững và phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc là nền hòa bình chứng kiến sự rút lui hoàn toàn của toàn bộ lực lượng Nga. Cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo rằng Ukraine có được sự hỗ trợ cần thiết để thực hiện quyền tự vệ phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Chúng tôi tự hào được hỗ trợ Ukraine. Cảm ơn bà chủ tịch.”

4. Vậy Nga của Putox liệu có hy vọng gì vào cháu Ủn không?

Có chứ, nếu không thì mời sang làm cái gì. Theo tin đồn thì cần đạn pháo, như các hãng tin lớn trên thế giới, đặc biệt là BBC đều bình luận rằng, có thể có sự trao đổi: Nga thì cần đạn pháo ngu còn Triều Tiên thì cần… công nghệ vũ khí loại cao. Rất kỳ lạ và phi lý, khi mà chính Nga còn đang lạc hậu thấy bà nội và phụ thuộc linh kiện phương Tây.

- Đầu tiên, là nếu có cấp cứu cho Nga thì số lượng là bao nhiêu – như trong 10 tháng đầu của chiến tranh Nga đã tiêu tốn 11 đến 12 triệu quả đạn pháo và súng cối thì phải hiểu cái con quái thú “bộ máy quân sự Nga” nó không khác gì cọp đói, nhìn thấy đạn pháo mắt sáng ngời. Chỉ cần gửi non nửa số đó, chẳng hạn 5 triệu quả đạn pháo với hành trình Vladyvostok – Rostov trên sông Đông 9.537 ki-lô-mét, nghe đã thấy… “hấp dẫn” những người có máu phiêu lưu. Nước xa có cứu được lửa gần hay không?

- Thứ hai, có vác được đến Rostov chăng nữa, thì Putox vẫn phải tính luôn cả vấn đề, này cháu Ủn ơi, bán đạn cho chú nhớ bán cả nòng pháo.

- Thứ ba, dù có cả đạn lẫn nòng pháo, thì vấn đề xe tải luôn là vấn đề đau đầu: với vận tải quân sự bằng đường bộ, giới hạn của xe tải không bao giờ được quá xa, chẳng hạn người ta xác định các cung 200 ki-lô-mét trở xuống rồi lập kho dã chiến; nếu xa hơn thì giảm hiệu quả của vận tải đường bộ. Lại thêm một câu chuyện “hấp dẫn” nữa. Không biết Ủn có bán xe tải cho chú Pu nó không.

- Cuối cùng, như tôi đã viết là “người Ukraine không đánh vào kho của Nga, mà đánh vào điểm yếu của hệ thống” – tức là vấn đề quản trị, thứ mà Nga không thể giải quyết được trong cuộc chiến tranh này. Vấn đề này không chỉ Ủn bó tay, mà có bố nó hay ông nội nó sống dậy cũng chịu chết.

Việc Putox chọn ôm chân ve vãn cháu Ủn, cho thấy không ăn thua gì trong quan hệ với Tập Cận Bình. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó: Ủn có thể hà hơi thổi ngạt, coi như miếng nhân sâm cho Putox lúc hấp hối kéo dài được 15 phút, nửa tiếng để chờ người nhà đến nhìn mặt. Nhưng mặt trái là nó đem lại là một liên minh ma quỷ - Putox đã bị cô lập, nước Nga đã biến thành quốc gia vô liêm sỉ nay càng ở tình thế tệ mạt hơn nữa. Sau chiến tranh, tôi không nghi ngờ rằng sẽ phải có những yêu cầu ra Đại hội đồng Liên hợp quốc đề nghị xem xét lại quy chế các ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an. Nếu cần phá đi làm cái mới, và Nga phải bị đuổi ra khỏi Hội đồng mới với những hành xử vô thiên vô pháp của mình.

Putox thì khỏi nói, tội phạm chiến tranh là chắc chắn.

“Putox và Kim Jong Un hoàn tất đàm phán, cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 4 giờ, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã rời đi” – tin RIA Novosti lúc 16 giờ 24 phút giờ Hà Nội.

5. Tin chiến sự

• Đánh giá của giới chức quân sự Hoa Kỳ về cuộc chiến:

- (09/09) Lực lượng Ukraina đã đạt được những tiến bộ đã được xác nhận tại khu vực biên giới tỉnh Donetsk Zaporizhia và ở phía tây tỉnh Zaporizhia và đã tuyên bố tiến về phía nam Bakhmut vào ngày 9 tháng 9. Một miblogger liên hệ gần gũi với Kremlin tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã buộc lực lượng Nga phải rút khỏi Andriivka cách Bakhmut 9 ki-lô-mét về phía tây nam. Một miblogger nổi tiếng khác tuyên bố rằng Andriivka hiện là một “vùng xám đang gây tranh cãi”.

- (12/09) Lực lượng Ukraine tiếp tục các hoạt động phản công ở các tỉnh Donetsk và Zaporizhia vào ngày 11 tháng 9 và được cho là đã tiến gần Bakhmut và phía tây tỉnh Zaporizhia. Các quan chức quân sự Ukraine tuyên bố vào ngày 11 tháng 9 rằng các lực lượng Ukraine đã giải phóng 2 ki-lô-mét vuông lãnh thổ theo hướng Bakhmut trong tuần qua và đã đạt được những tiến bộ gần Klishchiivka cách Bakhmut 6 ki-lô-mét về phía tây nam và Andriiivka cách Bakhmut 9 ki-lô-mét về phía tây nam.

(Xin quý vị xem bản đồ của ISW về tình hình Bakhmut cách đây 2 ngày)

• Báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh Hoa Kỳ ISW hôm qua:

- Rosgvardia (vệ binh quốc gia Nga) có thể đang tuyển mộ các cựu chiến binh của Nhóm Wagner là cựu tù nhân. Họ có khả năng tiếp tục thu phục tàn quân của Wagner trong kế hoạch củng cố bộ máy an ninh nội địa của Nga. Việc Rosgvardia có thể tích cực tuyển dụng các cựu chiến binh Wagner là điều đáng chú ý sau những nỗ lực gần đây của giới lãnh đạo Nga nhằm củng cố vai trò của Rosgvardia như một cơ quan an ninh nội địa sau cuộc nổi dậy vũ trang ngày 24 tháng 6 của Wagner.

- Lực lượng biên phòng Nga bày tỏ sự bất bình về năng lực và trang thiết bị hạn chế so với những gì quân đội Nga đang phục vụ ở Ukraine lên tiếng và tiếp tục bày tỏ lo ngại về các cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine vào Nga. Một blogger người Nga phục vụ trong hội đồng nhân quyền của Điện Kremlin đã khuếch tán những lời phàn nàn rằng chính quyền Nga đang trang bị kém cho các đơn vị biên phòng và không cung cấp cho họ đủ hệ thống liên lạc kỹ thuật số, máy bay không người lái trinh sát và tấn công, phương tiện di động và vật tư y tế.

- Đảng cầm quyền của Điện Kremlin đã không hề gây ngạc nhiên khi đạt được hầu hết các kết quả mong muốn trong các cuộc bầu cử địa phương có tính gian lận cao ở Nga và các lãnh thổ của Ukraine bị chiếm đóng. Các ứng cử viên thống đốc bang Nga của đảng nước Nga thống nhất đã giành được hơn 72% số phiếu bầu ở 13 trong số 20 khu vực ở miền Trung nước Nga, vùng Viễn Đông và Siberia. Các ứng cử viên thống đốc của không thuộc đảng nước Nga thống nhất chỉ giành được ở hai khu vực, tỉnh Khakassia và Oryol, nơi có những người đương nhiệm thuộc Đảng Cộng sản Liên bang Nga. ISW trước đó đã đưa tin về sự chuẩn bị sâu rộng của Điện Kremlin nhằm đe dọa cử tri và trực tiếp làm sai lệch kết quả để đảm bảo chiến thắng cho nước Nga thống nhất.

Bình loạn : Hôm qua 12/09, có 43 cái xe tải của Nga bị diệt. Quá trình bào mòn vẫn tiếp tục một cách… cần mẫn.

Tin quan trọng nhất cần phải điểm, là BBC xác nhận Ukraine chiếm lại 3 giàn khoan, trong đó có “Tháp Boyko.” Nó được đặt tên theo tên của một chính trị gia Ukraine thân Nga nổi tiếng, người dường như đã là đối tượng của một cuộc điều tra hình sự vào năm 2011, trong thời gian Yury Boyko nắm giữ chức vụ người đứng đầu Bộ Năng lượng Ukraine. Khi đó Chornomornaftogaz, dưới sự chỉ đạo của Bộ Năng lượng đã mua lại giàn khoan được chế tạo ở Singapore.

Việc mua các bệ nổi, giàn khoan… này được thực hiện gián tiếp thông qua công ty Highway Investments Treatment của Anh, dẫn đến chi phí tăng thêm 400 triệu đô-la Mỹ so với mua trực tiếp từ nhà sản xuất Keppel. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Boyko tham nhũng và một cuộc điều tra hình sự đã được bắt đầu.

Việc chiếm lại các giàn khoan, trong đó có “Tháp Boyko” là vấn đề rất quan trọng đối với người Ukraine, vì các công trình sản xuất dầu và khí đốt này nằm gần bờ Crimea ở Biển Đen đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014. Từ đó bọn Nga đã sử dụng chúng cho các mục đích quân sự, bao gồm cả làm bãi đỗ trực thăng và bố trí thiết bị radar.

Đó là các thông tin do Tổng cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng (GUR) đã báo cáo qua Telegram vào thứ Hai, ngày 11 tháng Chín.

Đến ngày hôm qua thì tin đáng chú ý nhất, là 4 vụ cháy nổ - chắc chắn là kết quả của 4 vụ tấn công “chưa cần có ATACMS” ở Crimea, có thể kể: Feodosia, Staryi Krym, Sevastopol và đặc biệt là kho dầu ở ngoại ô Simferopol cháy to dữ dội. Các nguồn Nga tung tin kho dầu cháy do trục trặc kỹ thuật nhưng theo các chuyên gia thì cháy nổ to như vậy chỉ có thể là kết quả của một vụ tấn công.

Hôm trước có bác nhắn tin hỏi, vậy sau mùa bùn lầy thì sao? Bùn lầy là để phá hoại hậu cần cho chết đói và không có đạn bắn, sang đông thì tiến lên chiếm lại đất chứ sao. Tôi xin dùng một comment của anh Lê Hồng Anh trong bài trước, để kết thúc cho bài này:

‘’Cuộc chiến sẽ không kéo dài nổi qua mùa đông này vì một con tính cộng: Quân Nga hiện nay đang có mặt tại Ukraine hơn 400.000 lính, thêm các sắc lính đặc biệt khác cũng tròm trèm 500.000 người. Hãy tính thêm gần 300.000 người khác là số đã đi về nước cùng số bị thương, giải ngũ không quay lại nữa, thì cũng phải ít nhất là 500.000 người; cùng số 500.000 người hiện tham chiến thì đã là 1 triệu người bị cuốn vào chiến tranh. Số còn lại sống rải trên xứ sở mênh mông chắc chỉ còn lính biên phòng. Như thế Nga đang không còn quân trấn áp ổn định tình hình ở Armenia nữa bởi tổng quân số của chúng đang là 1,5 triệu người... Nhìn chung kéo dài hay kéo ngắn thì cũng sắp tèo…”

Thật vậy – không phải cứ thấy con số nhiều quân là đáng sợ đâu, có khi lại là đáng mừng đấy. Kèm theo bài là hai bản đồ của Chuck Pfarrer về diễn biến quanh Robotyne mấy ngày qua.

PHÚC LAI 13.09.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.