Để thoát nạn ở nhà liền kề có lồng sắt thì cần chế sẵn cửa ở lồng, có khóa thì chìa nên để ở chỗ thuận tiện, dễ thấy. Hai ảnh đính kèm là ở vụ cháy vừa rồi, có lỗ mở ra đó. Thấy có bản lề nên chắc không phải do cảnh sát phòng cháy chữa cháy mới cắt.
Ở một ảnh còn thấy có thang dây thoát hiểm. Không rõ của nhà nào? Chắc gia đình tầng 3 tự thoát? Đây là bài học cơ bản nhất cho cư dân ở nhà kiểu này. Có lẽ chủ các căn hộ này đều thoát chết?
Thang dây này chỉ vô dụng khi đúng chỗ tụt xuống ở tầng dưới đang cháy, hoặc ở chỗ quá cao xuống (tầm 9 tầng trở lên).
Đa số các vụ cháy thì nạn nhân chết đa số do ngạt, nên việc trang bị mặt nạ phòng khói ngạt là cần thiết nhất. Thực tế hiếm khi cả tòa nhà cháy đùng đùng như đuốc, mà chỉ cháy vài căn hay vài tầng. Nhưng khói thì mịt mù, nên mới chết ngạt. Nếu mặt nạ ngon và ở cách khá xa vị trí cháy thì nạn nhân có thể bình tĩnh hơn nhiều. Vì khó chết. Mặt nạ này thấy bán cũng rẻ, vài trăm ngàn.
Ở nhà dân, đa số là liền kề, thì thang bộ hầu hết không có cửa chống cháy. Nên nếu cháy từ dưới thì nó chính là cái ống khói, mất luôn chức năng thoát nạn. Vì thế, mọi người nên tìm cách ra ban công, sân thượng để tìm trợ giúp thì an toàn hơn chui vào WC hay tủ quần áo. Báo đăng có nạn nhân làm ướt người rồi chui vào tủ quần áo mà thoát chết. Mình dự là không chui cũng không sao! May mắn thôi, vì tủ quần áo không chống khói, không chống cháy. Đừng lấy cách đó làm tiêu chuẩn thoát nạn.
Tóm lại, có ba giải pháp tự cứu nạn đơn giản và rẻ tiền nhất. Đó là tạo sẵn các lối thoát nạn, như mở cửa ở hoa sắt cửa sổ, lồng sắt, càng nhiều vị trí càng tốt. Kèm theo vài cái thang dây và mặt nạ chống ngạt (nên để sẵn ở các phòng).
Còn việc sạc pin xe điện trong nhà thì quá rủi ro, nhưng rất khó có cách khắc phục. Chắc có mỗi cách trang bị hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động ở vị trí sạc. Cái này không đơn giản với nhà ở riêng lẻ. Nhà biệt thự có gara là một phòng riêng thì đỡ hơn nhà liền kề, khi phòng khách chính là gara hở, thông với thang bộ.
Còn với chung cư, thì năm 2010 mới có quy chuẩn phòng cháy chữa cháy. Nên các nhà xây trước đó rất hên xui. Cơ bản là không đạt chuẩn. Khi nó không đạt chuẩn thì phải áp dụng cách tự cứu như ở nhà thấp tầng nói trên. Mình nghĩ hiệu quả nhất là mặt nạ chống ngạt. Chứ leo thang dây kèm lỗ thoát hiểm thì người già và trẻ con, tàn tật cũng dễ chết vì rơi. Có mặt nạ cứ nằm ngủ tiếp chờ cứu hộ! (Chém vậy chứ bố ông nào dám).
Còn các cách chống ngạt khác thì nhiều người biết rồi, như bò thấp dưới sàn, dùng khăn ướt hay áo ngực phụ nữ!
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 13.09.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.