Hành khách mua những “đồng xèng” bằng plastic họ gọi là “giơ tông,” bán qua máy. Họ nhét đồng xèng vào cái khe trên cột quay, rồi bước vào, tôi không thấy ai gian lận.
Một bức thư truyền trên mạng từ cả năm nay, chính tôi đã nhận được nhiều lần. Người viết là một thanh niên Nhật đã qua thăm Việt Nam – một người Việt cũng có thể tự nhận như thế để khích động đồng bào.
Tác giả ghi lại những điều đáng buồn thấy mỗi ngày: Người Việt không biết xếp hàng. Người Việt chửi hay còn hơn hát. Người Việt cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng. Người Việt nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa. Vân vân. Về lớp tuổi thanh niên: “… một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình.”
Gần đây mới thấy trên mạng một bức thư trả lời. Người ký tên Tiểu My giải thích: “Tại sao người Việt tham vặt?” Vì đã trải qua những lần đói kinh khủng, “đói đến độ mất cả tình người.” Thí dụ cụ thể: “Vì một ký đường, một cái lốp xe đạp, vài lạng thịt người ta tố cáo nhau, chơi xấu nhau ...”
Đã sống qua nạn đói năm 1945, tôi không nghĩ những thói ích kỷ, ăn cắp, tham nhũng, chiếm đoạt bây giờ là do kinh nghiệm đói tạo ra. Những kẻ biết và dám “mánh mung, lừa lọc, tham nhũng” chắc chưa bao giờ nhịn đói một bữa.
Năm 1945 hai triệu người chết đói, nhưng người Việt vẫn giữ được đạo lý. Gia đình tôi chạy loạn, đi tới đâu cũng được những người không quen biết giúp đỡ, cho ăn, cho ở nhờ. Đầu năm 1947, có người đã chạy vào nhà lấy cho tôi một cái quần, mặc quá rộng, vì thấy một thằng bé 7, 8 tuổi đi ngoài đường không có quần mặc!
Nhưng ngoài chuyện đói, Tiểu My còn nhìn thấy một nguyên nhân sâu xa hơn: Người Nhật có thể tự hào, vì “Tự Do, Dân Chủ đã ăn vào máu của các bạn để các bạn ý thức rõ đây là đất nước của mình... Còn chúng tôi? Chúng tôi chưa thấy nước Việt thực sự là của mình. chúng tôi được dạy để trở thành công cụ chứ không được dạy để làm người… chúng tôi thiếu một thứ: Đó là Tự Do, Dân Chủ.”
Tại sao Tự Do, Dân Chủ lại ảnh hưởng đến đời sống đạo đức một xã hội? Có lẽ điều dễ nhìn ra nhất là khi người dân không được tự do phát biểu, chỉ một đảng chiếm độc quyền sử dụng báo chí, truyền thông, thì họ tha hồ ăn gian, nói dối. Tấm gương trước mắt đó làm đạo đức suy vi.
Các chế độ độc tài có phải nguyên nhân khiến đạo lý suy đồi hay không? Không nhất thiết. Vì nhiều nước từng bị cai trị độc tài nhưng người dân vẫn sống có luân lý.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bị độc tài quân phiệt cai trị, cho đến năm 1983 mới tái lập dân chủ. Khi đến nước này lần đầu tiên, tôi đã ngạc nhiên về tánh lương thiện, trọng công ích và kỷ luật của những người dân Thổ bình thường.
Tại thành phố Istanbul, 10 triệu dân và rất đông du khách, hệ thống xe điện không thấy người bán vé, cũng không người kiểm soát vé. Hành khách mua những “đồng xèng” bằng plastic họ gọi là “giơ tông,” bán qua máy. Họ nhét đồng xèng vào cái khe trên cột quay, rồi bước vào, tôi không thấy ai gian lận.
Một lần tôi mua cái bánh hình vành khăn, móc mấy đồng xèng trong túi ra đếm, trả cho hai chú bé chừng 13, 14 tuổi. Tôi quay bước đi, miệng đang nhai thưởng thức bánh, bỗng bị níu áo gọi giật lại. Một em bé trả lại tôi một lira, vì tôi đã đưa dư. Chú nhìn biết ngay tôi là du khách. Trong đời chú chỉ gặp có một lần. Nhưng chú không lấy dư một đồng! Đối xử tử tế với mọi người, dù mình chỉ gặp một lần trong đời, đó là định nghĩa của con người chính trực, lương hảo. Thổ Nhĩ Kỳ hơn 70 triệu dân, năm đó tỉ lệ thất nghiệp cũng lên tới 11 %, 20 % được coi là rất nghèo.
Một điều đáng khâm phục nhất là các trạm xe điện cũng như đường xá sạch sẽ, không thấy một cụm rác; mặc dù cũng nhiều người ăn vặt hoặc hút thuốc. Người bán hạt dẻ rang nóng luôn luôn đưa thêm một cái túi giấy cầm tay để mình bỏ vỏ, không vứt xuống đường. Đứng chờ xe điện trong cơn mưa lất phất, buổi tối, tôi đã chứng kiến hai thanh niên đội mưa đi tìm cái thùng rác ở khá xa, một anh vứt đầu điếu thuốc lá đã tắt, một anh vứt vỏ trái cây mới ăn xong.
Một xứ khác cũng từng bị các tướng lãnh cai trị sau mấy lần đảo chính, là Thái Lan. Một lần tôi đã sống ở Salaya, gần Đại học Mahidol ngoại ô Bangkok, trong mấy tháng. Đi ngoài đường thấy hầu như người Thái “rất bất cẩn,” không ai canh chừng trộm cắp.
Có bữa, tôi thức dậy lúc 2, 3 giờ sáng, đi dạo một vòng. Đầu góc đường tối om, thấy mấy chiếc xe gắn máy để đó, không ai coi. Trong sân người ta cũng để xe gắn máy ngay cổng vào. Gần đấy có một tiệm giặt ủi, họ phơi quần áo của khách dưới mái hiên, sau hàng rào thấp; ai khua tay vào cũng có thể quơ lấy đem đi, họ không lo. Một quán ăn, ban đêm nghỉ nhưng không đóng cửa, hầu như không có cửa, ba bề trống trơn. Nhưng trong quán vẫn thấy đủ các lọ tương, ớt, muỗng, đũa trên bàn; mấy cái tủ kiếng bày các món hàng tạp hóa không biết khóa hay không. Họ không biết lo mất trộm, lạ thật!
Một bữa tôi mua bánh nếp, đứng chờ bà bán hàng nướng lớp lá chuối cháy nùi, cầm một tờ Bangkok Post đem về nhà đọc. Lúc 9 giờ sáng tôi đi bộ ra, trả cho bà chủ sạp báo 20 bạt. Bà chỉ gật đầu cảm ơn, chẳng hỏi một câu. Trong lúc đứng đợi, tôi thấy một người đàn ông từ hàng ghế ngồi chờ xe buýt chạy tới lục lọi tìm tòi, rồi cầm một tờ báo chữ Thái đem đi. Rồi một người nữa, cũng nhặt vội một tờ báo rồi đi. Bà bán bánh nướng không hỏi gì cả. Chắc hai người đàn ông này “mua báo tháng!”
Ngày hôm sau tôi ra sớm, cầm tờ báo rồi đưa 20 bạt cho bà bán thuốc lá và kẹo bánh ở một sạp gần đó, ra dấu nhờ gửi cho bà bán báo. Bà ấy nhận tiền, chẳng thắc mắc gì cả. Đến trưa, tôi đi qua, chỉ tay về phía bà bán thuốc lá. Bà bán báo gật đầu, cũng không nói một câu. Tôi chắc là họ đã quen, người này thâu tiền hộ người kia và khách đọc báo không ai ăn cắp. Cuối cùng, phải công nhận nước Thái Lan chắc mọi người không nghi ngờ nhau tham lam, gian lận. Sống giữa những người dễ dàng tin cậy nhau như thế, tin tưởng cả một người lạ, một người ngoại quốc nữa, kể ra cũng hạnh phúc thật.
Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ chịu đựng các chính quyền quân phiệt nhiều năm. Những chế độ độc tài đó vẫn không khiến cho người dân bỏ mất đạo lý. Họ vẫn sống lương thiện, thật thà, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng công ích. Các chế độ quân phiệt khác lối cai trị chuyên chính của cộng sản ở chỗ nào?
Cả hai đều dùng bạo lực và gian dối. Các tướng lãnh ở hai nước trên có lẽ không tàn ác và gian trá bằng chế độ cộng sản. Nhưng chỉ so sánh về “lượng,” chỉ tính mức độ cao thấp, thì không đủ giải thích cảnh suy sụp đạo lý ở Việt Nam so với hai nước trên. Điều quan trọng là giới quân phiệt chỉ dùng bạo lực và gian dối như các “phương tiện,” bất đắc dĩ. Còn đối với đảng Cộng sản thì “độc ác” và “gian trá” nằm trong bản chất của họ.
Sau năm 1975, nhà văn Hữu Mai từ Hà Nội vào Sài Gòn, gặp bạn cũ là Mai Thảo, hai người đã thân nhau trong thời kháng chiến chống Pháp. Mai Thảo có lần kể với tôi lời Hữu Mai, nói rằng “các cụ” không coi việc chiếm được miền Nam có gì lạ. Ai cũng biết trước, Mỹ đã cắt viện trợ quân sự cho Sài Gòn, trong khi Nga Xô và Trung Cộng tiếp tục đổ thêm đại bác, xe tăng cho miền Bắc, trước sau thế nào họ cũng nuốt trọn miền Nam.
Điều được “các cụ” vỗ đùi tự khen, hãnh diện nhất, Hữu Mai nói, là họ đã “lùa” được tất cả các sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào các “trại cải tạo!” Chỉ cần một cái thông cáo nói lửng lơ, vớ vẩn, muốn hiểu sao cũng được. Không cần đưa lính đi lùng, đi bắt, không tốn một viên đạn, một cái còng tay nào! Thế mà hàng trăm ngàn “quân địch” tự đem mình tới trình diện, rồi đi mút mùa!
Những mưu mẹo xuất quỷ nhập thần như vậy, phải là hạng “thiên tài” như Tào Tháo mới nghĩ ra!
Nhưng tại sao các sĩ quan miền Nam dại dột như vậy? Vì đảng Cộng sản đã mở một chiến dịch nói dối suốt 15, 16 năm, từ khi bắt đầu gửi quân vào Nam, năm 1959. Họ tung ra khẩu hiệu “hòa hợp, hòa giải,” mà hàng triệu người dân miền Nam ngây thơ tưởng thật.
Nhưng miếng đòn gian xảo này cũng chỉ là một thủ đoạn trong một thời gian, không bao lâu ai cũng thấy là bị lừa. Vụ lừa đảo lớn gấp bội, vĩ đại nhất, phải kể, là của Hồ Chí Minh, khi đưa chính sách Stalin và Mao Trạch Đông vào áp dụng ở nước ta.
Dân Nga bây giờ coi Stalin như một tên đồ tể giết chết hàng chục triệu người. Hồ Chí Minh luôn nhắc đi nhắc lại: “Bác cháu chúng mình có thể lầm chứ đồng chí Stalin không thể lầm được!” (Đọc hồi ký của Nguyễn Văn Trấn). Lịch sử Trung Quốc ghi các chính sách của Mao Trạch Đông giết mấy chục triệu người vì chết đói. Hồ Chí Minh thì hãnh diện nói với một nhà báo Pháp: “Tôi không cần viết gì cả, vì Mao Trạch Đông đã viết hết, đủ rồi!”
Hồ Chí Minh quyết tâm đưa cả nước Việt Nam theo chế độ cộng sản. Nhưng để đạt mục đích này, Hồ chỉ kích thích lòng yêu nước của người Việt Nam, với hàng triệu thanh niên thiệt mạng. Đó mới là một “Quả lừa vĩ đại!”
Một chế độ chính trị dựa trên nền tảng gian trá, lọc lừa như thế, sau 70 năm đã sinh ra một xã hội đạo đức suy đồi. Chế độ đó còn tồn tại, thì không thể nào phục hồi đạo lý. Tiểu My đã chẩn bệnh rất đúng: “Chúng tôi thiếu một thứ: Đó là Tự Do, Dân Chủ.”
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 24.09.2023)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.