lundi 25 septembre 2023

Tuấn Khanh - Nhạc sĩ Quốc Dũng (1951-2023): “Danh tiếng chỉ là số mệnh”

 

Buổi chiều 24 Tháng Chín, gia đình của ca sĩ nhạc sĩ Quốc Dũng cho hay, ông đã lặng lẽ ra đi vào buổi trưa, sau những ngày tháng bệnh tật.

Nhạc sĩ Quốc Dũng là một trong những nhân tài đặc biệt của thế hệ vàng nhạc trẻ miền Nam Việt Nam. Cùng lứa với ông là Bảo Chấn, Đức Huy, Nam Lộc… cũng sắp bước qua thập niên 70 của đời người. Nếu còn sống, thì Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang cũng đã 77, 76 tuổi.

Nhiều năm nay, những người yêu mến di sản văn hóa miền Nam đã đón nhận quá nhiều tin buồn, nên tin về sự ra đi của nhạc sĩ Quốc Dũng như thêm một tiếng chuông điểm lặng lẽ vào khoảng không gian phải đến, trong sự nuối tiếc khó tả.

Tiểu sử của ông có ghi tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi Quốc Dũng ba tuổi, gia đình ông về nước. Năm 10 tuổi, Quốc Dũng vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn; năm 16 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Tuy nhiên, những cột mốc đó không tả hết được những dữ kiện sôi động và khuynh hướng phá cách trong đời của ông.

Năm 1975, nhạc sĩ Quốc Dũng chọn ở lại quê nhà, vì theo tinh thần Phật giáo, ông chọn sống theo số mệnh. Sự có mặt của ông sau đó, đã góp sức vực dậy tinh thần của các anh em Lê Hựu Hà, Bảo Chấn… khi cùng tham gia các đoàn biểu diễn đi về thôn quê, tìm vui trong âm nhạc. Cũng từ các chuyến biểu diễn đó, ở Cần Thơ, Lê Hựu Hà và Quốc Dũng lần đầu phát hiện hai tiếng hát định mệnh của đời mình là ca sĩ Nhã Phương và Bảo Yến.

Lê Hựu Hà từng tìm lại được nguồn cảm hứng với tiếng hát Nhã Phương, làm dậy sóng đời sống âm nhạc Việt Nam qua các ca khúc như Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình, Trả Hết Cho Người… Còn với Quốc Dũng khi kết hợp với Bảo Yến đã tạo nên những cơn sốt với thị trường âm nhạc, vốn đang đầy những định kiến và kiểm duyệt khe khắt.

Năm 1986, phối hợp với nhạc sĩ Hoàng Phương, Quốc Dũng cho ra mắt một album bị coi là “lậu”, vì không qua kiểm duyệt, với tiêu đề Chiều Hạ Vàng, toàn bộ với tiếng hát Bảo Yến. Thời đó, mọi công cụ ghi âm và phòng thu của Sài Gòn cũ đều bị quản lý chặt. Nhạc sĩ Hoàng Phương kể rằng ông đã cho thử đi duyệt nhưng bị nhiều cơ quan văn hóa chối, coi là lời lẽ và loại âm nhạc này mang hơi hướng “văn hóa đồi trụỵ”.

Nên sau khi bàn bạc với nhạc sĩ Quốc Dũng, hai người quyết định thực hiện nhạc nền và cho thu tại nhà với những dụng cụ mà nhạc sĩ Quốc Dũng tìm được. Rất nhiều người ngạc nhiên vì âm thanh trống đàn của băng nhạc này rất hiện đại (lúc đó, trống điện tử còn rất hiếm ở Việt Nam), nhạc sĩ Quốc Dũng cười bí hiểm và tiết lộ sau đó nhiều năm: Ông vô tình phát hiện cây đàn cho trẻ con Yamaha PSR-480, lúc đó lại tích hợp những âm thanh cần thiết, nên đã dùng vào ghi âm cho album này. Mọi thứ lúc đó chỉ thu vào băng cassette gốc rồi giao cho nhạc sĩ Hoàng Phương đi sang “lậu” bên ngoài.

Thời đó, chưa có hệ thống phát hành, cũng không biết làm sao để thể nghiệm với người nghe. Nhạc sĩ Hoàng Phương nhờ vào sự quen biết của mình, xin rạp hát Chiến Thắng ở Gò Công phát trước và sau giờ chiếu phim để thử phản ứng khán giả. Chuyện thú vị xảy ra, dân chúng không nhớ phim chiếu, mà nhớ các bản nhạc được phát, thậm chí có người còn đến trước rạp đứng nghe nhạc phát qua loa phóng thanh và hỏi nhạc gì, của ai.

Đó là giai đoạn mà âm nhạc trong nước chỉ chủ trương ca hát về "lao động sản xuất, ca ngợi lãnh tụ và đất nước đổi mới”… Giai điệu và lời hát ngọt ngào của ca sĩ Bảo Yến, cùng cách tổ chức của nhạc sĩ Quốc Dũng đã khiến loạt bài hát Gò Công như Chiều Hạ Vàng, Mẹ Gò Công, Thương Một Người Ở Xa, Chuyện Tình Hoa Muống Biển… như dòng nước mát rót vào đời sống đang tha thiết mong được thưởng thức thật sự.

Ca sĩ Bảo Yến từng tâm sự rằng : “Băng nhạc Gò Công đó đã biến tôi từ một ca sĩ vô danh tiểu tốt thành ngôi sao nổi tiếng. Khán giả bất ngờ khi lâu lắm mới được nghe băng nhạc Bolero trữ tình hay đến thế nên thích, tên tuổi tôi nổi như cồn. Từ đó, tôi đi show tỉnh nhiều quá trời. Trước đó, tôi chỉ hát ở thành phố, thu nhập cũng có nhưng không nhiều như đi tỉnh. Nếu không có anh Quốc Dũng, tôi chỉ nổi tiếng được phần nào thôi, nhờ anh ấy mà tôi được chắp cánh nổi đình đám”.

Sự kiện băng nhạc Gò Công lan ra mọi miền, đi theo trên những chuyến xe đò tỉnh xa, đến những vùng quê nghèo miền Trung, rồi miền Bắc. Dần dà, vì thấy album này nổi tiếng quá, mà “không có gì vi phạm” nên các đài phát thanh, đài truyền hình cũng bắt đầu sử dụng theo.

Có lần tán gẫu với nhạc sĩ Quốc Dũng, hỏi về album này, ông cười và nói rằng không thể có lần thứ hai. Quả là trong dòng lịch sử không được ghi chép của âm nhạc những ngày tháng đó, chuyện đam mê, cộng với tuổi trẻ bất cần, thích “vượt rào” để làm chuyện mình thích chỉ có thể đến một lần.

Cuối thập niên 1990, nhạc sĩ Quốc Dũng từ chối mọi công việc, và chọn lui về cuộc sống sáng tác riêng bỏ ngăn kéo, để con mình và vợ hát chơi. Những bài hát của ông trầm lắng hơn, thế sự hơn và đầy những điều bất cập lẽ đời.

Chẳng hạn, trong bài Ông Lão Và Con Chó Ngoan, ông viết về một người già mù và con chó sống nơi hè phố, cái nhìn chia sẻ và đau xót cho những tháng ngày họ sống nương tựa vào nhau.

“Ông gác tay gối đầu

Trên tấm chăn cũ nhàu

Con chó như biết sầu

Lặng nằm bên ông ngước trông trời cao”

Hoặc quay về với những âm hưởng của Phượng Hoàng, sự yên lặng của căn cội Phật giáo trong ông, như bài Giấc Mơ Việt Nam.

“Rồi tôi lạc bước đến nơi xa vời.

Bầy thú dữ đi bên bầy nai,

Cạnh con suối lung linh màu xanh núi đồi.

Và tôi đã đến khắp năm châu.

Và đã sống giữa bao thương yêu,

Mọi người biết sớt chia niềm vui nỗi sầu”

Nhiều tờ báo trong nước khi đến phỏng vấn nhạc sĩ Quốc Dũng – khi ông trả lời hoặc từ chối – thì thấy ông cười hiền, nên mô tả ông là người “hiền lành, nhỏ nhẹ, dễ gần, hoà đồng…” nhưng thật ra, Quốc Dũng “thật” là một tính cách sắc sảo, hài hước và chọn lọc mối quan hệ. Ông không dễ kết bạn, cũng không dễ nói suy nghĩ của mình cho người ngoài biết.

Quốc Dũng không nhận mình là một người nổi tiếng. Ông nói, danh vọng đến với ông là số mệnh, vì có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa hơn ông, nhưng họ không nổi tiếng. “Không phải được danh tiếng là có tất cả”, ông nói, khi điểm lại sự nghiệp của mình từ năm 17 tuổi, lúc làm giới văn nghệ Sài Gòn ngỡ ngàng với ca khúc Em đã thấy mùa xuân chưa.

Trong một lần đến nhà nhạc sĩ Quốc Dũng, thấy ông đang ngồi xem chương trình ca nhạc một mình trước tivi. Đó là loại chương trình ca nhạc thời thượng quen thuộc. Tôi ngạc nhiên hỏi sự kiên nhẫn của ông, “Anh coi những chương trình này sao, toàn lặp đi lặp lại”. Nhạc sĩ Quốc Dũng quay sang nhìn tôi, ánh mắt thú vị “Hay chứ, coi đi em, chương trình hay mà”. Nể lời ông, tôi ghé vào ngồi coi, được dăm ba bài thì mất kiên nhẫn đứng dậy. “Hôm nào anh có thời gian, phân tích cho em biết coi cái hay của loại chương trình này nha”.

Nhạc sĩ Quốc Dũng lúc đó bật cười sảng khoái : “Hay chứ, làm kỳ cục như vậy mà họ vẫn làm được, là họ hay hơn mình rồi”. Có những lúc như vậy, mới biết Quốc Dũng thú vị đến chừng nào.

Tạm biệt nhạc sĩ Quốc Dũng, người nhạc sĩ tài hoa, người suốt cuộc đời sống với đam mê, và ra đi yên lặng, như bóng cổ thụ trải bóng mát sâu rộng, nhưng ít khi chịu kể chuyện đời mình.

TUẤN KHANH 24.09.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.