Theo các phụ lục I, II, III, V của Nghị định 136/2020, thì nhà trọ cao hơn 7 tầng hoặc 5.000m3 khối tích, thuộc diện công trình nguy hiểm cháy nổ, phải được quản lý bởi công an và phải qua thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Nhà này vào lúc cấp phép xây dựng thì không phải thẩm duyệt gì hết, vì là nhà ở riêng lẻ. Cũng vì thế mà nó không phải là chung cư mini.
Nhưng sau khi xây chui thì nó cao hơn 7 tầng và khối tích tạm tính tầm 4.972m3 (167,4m2 x 9 tầng x 3,3m), xấp xỉ 5.000m3. Nếu chủ nhà dùng để kinh doanh nhà trọ thì bị dính vào các phụ lục nêu trên, và nặng nhất là quy định phải thẩm duyệt thiết kế PCCC. Nếu phải thẩm duyệt, thì nó phải tuân thủ Quy chuẩn PCCC, sẽ có lối thoát nạn và thang thoát hiểm đạt chuẩn. Tức là thẩm duyệt vào lúc chủ nhà cho thuê trọ, còn xây thêm tầng mà vẫn là nhà ở riêng lẻ thì vẫn không dính gì về PCCC.
Như vậy, mấu chốt vấn đề là chủ nhà có cho thuê trọ hay không? Nếu có cho thuê, anh ta sẽ phải thẩm duyệt PCCC, khả năng lớn là không thể qua được bước này. Nên chủ nhà sẽ không đăng ký kinh doanh cho thuê phòng trọ đâu.
Nếu anh ta cho thuê trọ chui được mà địa phương không biết, vẫn tưởng chỉ là nhà ở, thì công an khu vực, chính quyền địa phương sẽ dính tội buông lỏng quản lý, cùng với tội để xây nhà sai phép. Đương nhiên chủ nhà cũng sai luật.
Nhưng vẫn có khả năng anh ta không cho thuê trọ mà bán "chui" hết các "căn hộ" mini như tin đồn. Nếu bán chui kiểu trao tay tiền và cho đứng chung sổ đỏ, thì các chủ hộ kia sẽ là đồng sở hữu căn nhà ở riêng lẻ bình thường. Và chủ nhà không vi phạm quy định về PCCC, cũng chả vi phạm quy định về bán "chui" các căn phòng trong ngôi nhà. Khi đó, thậm chí chính các nạn nhân cũng phải chịu trách nhiệm chung vì cũng là chủ nhà! Nếu anh ta bán hết sạch và không còn đứng tên sổ đỏ nữa, chỉ những nạn nhân kia đứng tên thôi, thì anh ta chả chịu trách nhiệm gì về sai phạm PCCC trong vụ vừa rồi mà chính các nạn nhân phải chịu, vì là đồng chủ nhà.
Nếu anh ta bán chui mà không cho các chủ thứ cấp kia đứng chung sổ đỏ thì pháp luật không công nhận, coi như chưa bán và tiền trao tay kia được tính là tiền thuê nhà trọn đời. Nhà lại bị tính là nhà trọ, quay về trường hợp trên.
Lưu ý là nhà này chắc chắn không được coi là chung cư mini theo quy định ở Quyết định số 24/2014 của UBND thành phố Hà Nội, vì xây sai phép, nên không có chuyện bán căn hộ công khai cấp sổ riêng lẻ được.
Tóm lại là chủ nhà có sai quy định về PCCC không và sai ở mức độ nào thì còn phải điều tra, và phụ thuộc chủ yếu vào việc chủ nhà có cho thuê nhà trọ, hay vẫn chỉ là một căn nhà ở riêng lẻ khổng lồ.
P/S: Nếu chủ nhà làm nhà trọ từ trước năm 2020, tức là từ 2015-2020, thì lại không dính về PCCC. Do không có khái niệm "nhà trọ" ở mấy cái phụ lục trong Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ (là cái "tiền nhiệm" của Nghị định 136/2020 nói trên).
Vậy nếu anh ta bán lại căn nhà trước năm 2020 và không còn đứng tên trên sổ đỏ thì anh ta chả mắc tội gì về PCCC cả! Còn nếu anh ta vẫn đứng tên thì cũng chưa chắc sao, vì việc kinh doanh trọ, nếu có, bắt đầu trước khi Nghị định 136/2020 có hiệu lực.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 14.09.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.