samedi 23 septembre 2023

Nguyễn Thông - Luật để làm gì?

Vụ chính quyền quận 5 « Saigapore » chịu bó tay, đầu hàng bọn dán quảng cáo nhăng nhít, xử lý phần ngọn bằng cách nhếch nhác bó cột điện nói lên điều gì?

Trước hết, đó là sự bất lực của một bộ máy làm việc không hiệu quả, mặc dù rất nhiều ban bệ, tổ chức, cấp này cấp nọ trong cái gọi là hệ thống chính trị. Nhẽ ra phải xử lý với biện pháp triệt để nhất, đúng luật nhất thì họ lại vẽ vời băng bó bằng cách rất luẩn quẩn, tốn kém, mắc cười.

Tiếp nữa là pháp luật xứ này chỉ để làm cảnh. Với những kẻ hủy hoại môi trường, làm xấu mỹ quan đô thị, bôi bẩn văn hóa, xứ ta có rất nhiều luật, nghị định để căn cứ vào đó mà xử lý.

Nhưng từ bấy tới nay chưa có vụ dán quảng cáo bôi bẩn, rao cho vay nặng lãi, rút hầm cầu, bán nhà bán đất...; chưa vụ vẽ bậy graffiti lên công trình công cộng, tường nhà phố, cửa nhà dân hoặc cơ quan, các đoàn tàu toa tàu, v.v… bị xử phạt. Ngay cả xử phạt hành chính cũng không chứ chưa nói khởi tố xử phạt theo luật dân sự.

Muốn chấm dứt tình trạng bôi bẩn đô thị, không khó, nhưng phải có bước đi cụ thể chứ không thể tiến hành cái rụp, hoặc bằng cách băng bó cột điện, gốc cây. Dân xứ này nhờn luật lâu rồi, khép vào luật cũng cần có bước đi, kẻo loạn. Tất nhiên phải là thứ luật tử tế, đàng hoàng, chứ không phải luật nào cũng đúng.

Đầu tiên cần thông tin tuyên truyền rộng rãi, nhất là trên tivi, bởi thời nay ít người đọc báo (báo giấy sắp cáo chung rồi, còn báo điện tử chỉ ai rảnh lắm, cán bộ chẳng hạn, mới đọc). Nêu rõ luật như thế như thế, ai cũng phải chấp hành, ai vi phạm sẽ bị phạt, tùy mức độ mà chịu hình phạt, thậm chí án tù. Thời gian để “thấm luật” trong 1 tháng, thậm chí 2 tháng. Phát tuyên truyền trong giờ vàng. Sau thời hạn ấy, cứ kẻ nào vi phạm là túm, không lôi thôi, cãi cọ, xin xỏ, thông cảm…

Sau khi dân đã thấm luật, ban đầu cứ xử phạt hành chính kẻ vi phạm, dù chỉ là dán quảng cáo trên cột điện, phạt tiền thật nặng, cho tởn. Đã nói, đã biết, nhưng không nghe, không chấp hành, thì khép vào “tội” cố ý vi phạm. Có thể phạt tù. Xử lý như vậy cũng chưa là gì so với các nước Hồi giáo, cứ ăn trộm ăn cắp là chặt tay. Ai biểu đã quán triệt rồi, còn cố ý ăn cắp. Ở những nước ấy, tìm được kẻ cắp còn khó hơn gặp tổng bí thư đảng xanh đảng đỏ.

Ai cũng rõ, trên những nội dung rao vặt, quảng cáo dán cột điện luôn có số điện thoại để liên lạc. Cũng cần cảnh giác, có thể do chơi xấu nhau nên kẻ nào đó đưa số của đối thủ lên “cho mày chết”. Vậy thì nhà chức việc cứ cẩn thận gọi thử, xem có đúng số của đương sự rút hầm cầu, cho vay không cần thế chấp, tuyển dụng nhân sự… không. Nếu đúng, dò tới tận nơi để phạt, trưng chứng cứ ra, khó gì. Có mà chối đằng giời.

Chỉ cần càn quét, siết vài tuần, phạt nặng, lại chả xong ngay, đâu cần cử người đi cạo rồi than thở anh em vất vả, vừa cạo xong đã bị bôi bẩn, phải dùng giải pháp tình thế này nọ. Điều cần làm thì không làm, cứ vẽ rắn thêm chân.

Cũng cần nói thêm, không chỉ bọn rao vặt dán cột điện, gốc cây, bờ tường làm bẩn đô thị. Rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu, cờ quạt, bảng này bảng nọ quanh năm suốt tháng chăng đầy đường đầy phố, treo đầy cây đầy cột, cũng là một thứ rác. Rác tốn trăm tỉ nghìn tỉ. Rác của quang vinh, vĩ đại, thành công, sống mãi... Thời 4.0 rồi, mà còn tuyên giáo nhồi nhét kiểu thô lậu vậy, thì đừng trách đám hút hầm cầu ngang bướng lì lợm.

NGUYỄN THÔNG 23.09.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.